Cái chết của bé N.T.V.A 8 tuổi gần đây ở Việt Nam dẫn đến một cuộc tranh luận trên mạng về cách dạy con và “truyền thống” thương cho roi cho vọt của người Việt. Tôi đọc được một bài viết trên Facebook của chị K (35 tuổi), từ Sài Gòn và hiện sống ở Leverkusen (Đức), viết về quá khứ bị mẹ bạo hành – đặc biệt nhiều lần trước mặt họ hàng nhưng không ai can ngăn. Sau đây là phỏng vấn của tôi với chị K.

HDN: Xin chào chị K. Gần đây trên Facebook, chị có viết về quá khứ mình bị mẹ đánh. Chị có thể nói lại một chút về thời thơ ấu bị bạo hành không?

K: Thật ra tôi chưa từng nghĩ mình bị bạo hành cho tới gần đây. Bởi lẽ là người VN, lớn lên ở xã hội VN nơi cha mẹ dạy con cái bằng đòn roi là quá phổ biến, thường tình, nên tôi cũng từng nghĩ chuyện hồi bé bị đánh là bình thường. Hơn nữa nó cũng đã xảy ra quá lâu rồi, cách đây hơn 20 năm nên tôi đã cố gắng không nghĩ nhiều đến nó nữa. Vì việc thương tâm xảy ra mới đây ở VN đột nhiên khiến tôi nhớ lại tất cả, và bàng hoàng nhận ra mình cũng là một nạn nhân bị bạo hành bởi chính mẹ ruột mình một thời gian dài. Khi tôi viết status trên facebook kể về những gì đã xảy ra, một người bạn học cũ năm cấp 2 đã nói họ vẫn nhớ lần thấy vết bầm trên tay tôi. Lúc tôi học cấp một thì mẹ dạy tôi bằng chổi lông gà, thước kẻ, mẹ đánh vào người tôi, vào tay và chân tôi đến nỗi vài lần tôi không đi nổi, vừa bò vừa khóc, đôi khi vì những điều rất nhỏ nhặt, khi tôi lên cấp 2 thì mẹ chuyển sang đánh bằng tay, mẹ tát, nắm tóc, táng vào đầu, xô đẩy tôi. Giờ nhớ lại thấy như mẹ đánh một kẻ thù chứ không phải con của mình. Có lần mẹ còn bóp cổ cho tôi chết để làm nư với ba. Tôi nhớ mãi năm lớp 7, mẹ đọc trộm nhật ký của tôi và nổi điên lên vì tôi dám thích một người con trai trong trường, mẹ đã đánh tôi rất lâu, có lẽ là lần đánh dài nhất trong vô số các lần đánh mà tôi nhớ được. Nước mắt và mồ hôi của tôi tuôn ra ướt sũng cả bộ quần áo đang mặc, chắc cũng chưa lần nào tôi khóc nhiều như lần đó, phần vì xấu hổ do bị người khác đọc hết mọi nỗi niềm tôi viết cho riêng mình, phần vì đau và phần vì tức, tại sao mẹ đọc trộm nhật ký của tôi mà còn đánh tôi? Có những trận đánh tôi đã quên nhưng có những trận đánh tôi nhớ mãi, ngày trước nghĩ về nó thì thấy như là đang “được dạy”, bây giờ hiểu biết hơn thì mới biết đó không phải dạy, mà chỉ thuần túy là bạo hành.

HDN: Chị nói chị chưa bao giờ nghĩ mình bị bạo hành cho đến gần đây. Chuyện gì, hoặc thay đổi gì, khiến chị nhận ra điều đó?

K: Ngay cả trước đây khi tôi kể cho chồng mình nghe về những lần bị đánh đó, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là việc mẹ đánh con bình thường thôi, cho đến khi tôi đọc thấy việc bé V.A ở VN bị dì ghẻ đánh đến chết mà không ai can thiệp, dù điều đó đã diễn ra trong mấy tháng trời. Lúc đấy bất giác tôi nhớ lại những lần bị đánh khi còn nhỏ, ban đầu là tôi chỉ nhớ đến việc có người xung quanh nhưng không ai can thiệp thôi, sau đó tôi mới nhớ ra thêm tại sao tôi lại chú ý đến người xung quanh, thì nhận ra lý do là vì những lần đánh đó thường là khá dài và hung bạo, ồn ào và rất nhiều nước mắt, và không phải chỉ có đòn roi mà là nắm đấm, giựt tóc, quất vào đầu… thì khi đó, cộng với thông tin, kiến thức tôi đã được tiếp cận lâu nay về bạo hành trẻ em, đã khiến tôi nhận ra một sự thật đau lòng rằng tôi đã bị bạo hành.

HDN: Mối quan hệ giữa chị và mẹ hiện nay như thế nào?

K: Như đã nói, do trước đây tôi không biết đó là bạo hành, nên tôi chưa bao giờ giận mẹ vì đánh tôi. Khi bị đánh thì tôi rất tức giận và ấm ức lúc đó thôi, sau đó thì quên. Nhưng cũng vì bị đánh và la mắng quá thường xuyên nên lúc nhỏ tôi không thích ở gần mẹ, tôi thường sang nhà ngoại, nhà dì hoặc nhà bạn, có khi ở lại gần cả năm trời. Do đó mà quan hệ mẹ con càng thêm xa cách, lạnh nhạt. Ðặc biệt là sau khi mẹ tái hôn thì mối quan hệ hai mẹ con càng tệ đi. Lúc này mẹ đã không còn đánh tôi nữa mà dùng lời nói để tấn công tôi, chì chiết tôi, khiến tôi thấy đau khổ còn hơn khi bị đánh lúc nhỏ.  Có khoảng thời gian gần 5 năm tôi đã cắt đứt mọi liên hệ với mẹ. Tuy vậy, sau đó tôi vẫn chủ động liên lạc lại, vì dù muốn hay không, thì mẹ cũng là người mẹ duy nhất trên đời này của tôi. Hiện tại mối quan hệ của chúng tôi tốt hơn xưa rất nhiều, phần lớn là ở nỗ lực tha thứ cho mẹ và cố gắng quên đi quá khứ của tôi để chỉ tập trung vào cái đang xảy ra ở hiện tại thôi.

HDN: Theo chị, quá khứ bị bạo hành có tác động thế nào đến tính cách, tâm lý, hay các khía cạnh khác và các mối quan hệ của chị?

K: Cái tác động rõ ràng nhất là tôi thích cảm giác bị đau, kiểu như hồi nhỏ bị đánh quá mà ghiền luôn vậy hehe. Thỉnh thoảng trong đầu có nghĩ đến việc muốn làm đau người khác, nhưng chỉ là suy nghĩ thôi, còn bình thường tôi không bao giờ làm đau ai hay đánh ai, vì tôi biết khi bị đánh thì sẽ đau thế nào. Do quá hiểu cảm giác bị đánh nên tôi không muốn thấy người khác phải chịu điều tương tự. Còn lại tôi thấy mọi khía cạnh khác của cuộc sống mình khá là bình thường, tôi nghĩ công lớn nhất là ở những người bạn thân của tôi, những người đã quen biết tôi từ khi tôi học cấp hai, đã luôn ở bên và an ủi tôi khi tôi khóc, luôn giúp đỡ, cho tôi ở lại nhà, chia sẻ và làm mọi thứ vì tôi, yêu thương tôi, điều mà lúc đó mẹ tôi đã không làm được. Chính họ đã giúp tôi dù bị bạo hành tổn thương về thể xác và tinh thần nhưng vẫn sống ổn, vui vẻ và không lạc lối.

HDN: Điều gì khiến chị quyết định viết trên Facebook về những chuyện đã xảy ra? Chị cảm thấy thế nào khi viết ra mọi thứ, và đọc bình luận từ bạn bè và người quen trên Facebook?

K: Tôi quyết định chia sẻ trên Facebook để góp một tiếng nói nhỏ bé, giúp cảnh tỉnh những người xung quanh tôi về vấn đề bạo hành trẻ em, và quan trọng hơn, là vấn đề can thiệp của những người xung quanh khi chứng kiến một đứa trẻ bị bạo hành. Trong bài post của tôi, tôi nhắc đi nhắc lại câu hỏi “Tại sao không ai can?” Mẹ đánh con có dã man đó, nhưng nếu có ai ngay lúc đó chịu can thiệp, chịu cất một tiếng nói phản đối thì có lẽ mẹ tôi đã không đánh tôi nhiều đến vậy. “It takes a village to protect a child but it also takes a village to abuse a child”. Cũng nhờ bài viết của tôi mà đã có khá nhiều bạn bè cảm thấy dễ dàng hơn trong việc bộc bạch về những trải qua bạo hành thời bé của chính họ. Tôi đã ngạc nhiên và đau lòng biết bao khi phát hiện ra hầu như mọi người ở thế hệ tôi đều từng là nạn nhân của bạo hành trong gia đình.

Khi tôi chia sẻ ra thành lời lần đầu tiên về những gì xảy ra thời thơ bé, tôi đã khóc từ câu đầu tiên đến câu cuối cùng. Khi tôi đọc comment của bạn bè tôi, đặc biệt là những người đã quen biết tôi từ lúc tôi hay bị đánh nhất, tôi cũng khóc. Tôi đã trải qua quá nhiều rồi, nói ra một lần cho nhẹ lòng rồi sẽ quên đi và sống thật tốt, thật mạnh mẽ. Tôi sẽ yêu thương thật nhiều, bảo vệ thật nhiều những người tôi thương yêu, để không một ai ở thế hệ sau phải trải qua điều tôi đã trải qua một lần nữa.

HDN