Trong thời gian gần đây, một trong những chủ đề được nhắc tới nhiều nhất là về phán quyết Roe v. Wade bị đảo ngược ở Mỹ, khiến quyền phá thai trở thành quyết định của từng tiểu bang. Nhân chuyện này, hãy tìm hiểu chút ít về luật phá thai ở Châu Âu.

Châu Âu nói chung

Luật phá thai nhìn chung được chia thành loại: theo yêu cầu (on request), vì lý do xã hội – kinh tế (on socio-economic grounds), do đe dọa đến tính mạng (threat to life), do đe dọa đến sức khỏe (threat to health), và trường hợp bị cưỡng hiếp.

Ngoài ra có giới hạn về thời gian, và đôi khi luật ép buộc phải có tư vấn từ bác sĩ hoặc sự đồng ý của người khác.

Theo báo cáo năm 2020 của Centre for Reproductive Rights (Trung tâm Quyền Sinh sản), ở Châu Âu có 39 quốc gia cho phá thai theo yêu cầu, tức là không cần bác sĩ hay chuyên gia chứng thực hay công nhận lý do phá thai, và quyết định phá thai hoàn toàn thuộc về người phụ nữ. Có 2 quốc gia cho phép phá thai vì lý do xã hội – kinh tế. Có 6 nước không cho phá thai trên hai cơ sở trên.

Pháp

Pháp là một trong những quốc gia Châu Âu cho phá thai theo yêu cầu.

Trong năm 2022, Pháp có hai thay đổi. Thứ nhất, Quốc hội bỏ phiếu tăng thời gian phá thai theo yêu cầu từ 12 tuần lên 14 tuần (do giới hạn 12 tuần khiến nhiều phụ nữ Pháp phải sang nước khác bỏ thai). Thứ hai, do nhiều giới hạn và cản trở mùa dịch, luật pháp nay cho phép phụ nữ phá thai bằng thuốc ở nhà, trong thời gian 7 tuần, thay vì phải tới bệnh viện.

Luật ở Pháp cho phép phá thai sau 14 tuần nếu có nguy hiểm đến sức khỏe hoặc tính mạng người mẹ, hoặc nếu thai nhi bị dị tật.

Gần đây một số nhà lập pháp đề nghị đưa quyền phá thai vào hiến pháp.

Na Uy

Na Uy là một nước khác cho phá thai theo yêu cầu, với giới hạn thời gian là trong 12 tuần (chính xác là 11 tuần 6 ngày). Nếu muốn phá thai sau thời gian 12 tuần, luật bắt buộc phải thông qua hội đồng đánh giá y tế đặc biệt (special medical assessment board), bao gồm hai bác sĩ.

Theo luật Na Uy, thời gian mang thai càng lâu, điều kiện càng khó: phá thai sau 18 tuần là không được phép trừ trường hợp có rủi ro nghiêm trọng, và trên 22 tuần là không được phép. Sau 12 tuần, phá thai chỉ được thực hiện ở bệnh viện công và không được phép ở phòng khám tư nhân.

Ở Na Uy, phá thai được miễn phí, nhưng các biện pháp tránh thai (birth control) thì không. Cấy que tránh thai (implant) hoặc vòng tránh thai (IUD) có giá trên 1000 NOK (tức là khoảng 102 USD hiện nay).

Anh quốc

Theo Abortion Act năm 1967, giới hạn thời gian ở Anh là 24 tuần nhưng Anh là một trong những quốc gia ở Châu Âu không cho phá thai không yêu cầu, tức là người phụ nữ không phải muốn phá thai thì phá mà phải được cho phép từ hai bác sĩ, hành động một cách thiện chí. Phụ nữ được quyền phá thai nếu việc tiếp tục mang thai có thể có rủi ro đến tính mạng người mẹ, hoặc có thể gây thương tật nghiêm trọng vĩnh viễn đến sức khỏe thể chất hoặc tâm thần của người mẹ; hoặc có rủi ro đáng kể là nếu đứa trẻ chào đời có thể bị tàn tật nghiêm trọng về thể chất hoặc tâm thần.

Ngoài ra, Anh cho phép những trường hợp phá thai vì lý do xã hội – kinh tế, tức là khi người mẹ không có thu nhập hoặc điều kiện nhà ở đủ để có con cái.

Ở Anh, phá thai chỉ được thực hiện ở một bệnh viện thuộc NHS (National Health Service: Dịch vụ Y tế Quốc gia) hoặc phòng khám có giấy phép, và thường miễn phí. Các biện pháp tránh thai như cấy que hoặc đặt vòng được miễn phí ở Anh.

Ba Lan

Ba Lan trước đây đã là một trong những nước có luật nghiêm ngặt nhất ở Châu Âu, và càng siết lại với luật mới từ cuối năm 2020, có hiệu lực từ đầu năm 2021: chỉ cho phép phá thai trong trường hợp loạn luân, bị cưỡng hiếp, hoặc tính mạng người mẹ bị đe dọa. Phán quyết mới cho là điều luật năm 1993 cho phép phụ nữ bỏ thai khi thai nhi bị bất thường nghiêm trọng là vi hiến.

Theo thống kê năm 2019, khoảng 98% các ca phá thai ở Ba Lan là do thai nhi có rủi ro dị tật, có nghĩa là phán quyết này cấm phần lớn các ca phá thai.

Tháng 11/2021, sau phán quyết, một phụ nữ chết ở Ba Lan do nhiễm trùng huyết (sepsis) khi mang thai 22 tuần và thai bị biến chứng, dẫn tới phản ứng dữ dội từ dư luận và biểu tình ở Ba Lan. Theo lời luật sư, bác sĩ biết thai nhi bị dị tật nặng nhưng không làm gì vì vẫn nghe được nhịp tim thai nhi, và luật sư cũng cho là điều luật mới khiến bác sĩ không dám hành động. Trước phản ứng của dư luận, Bộ Y tế Ba Lan nói khi tính mạng hoặc sức khỏe của người mẹ đang bị đe dọa, bác sĩ không nên ngần ngại quyết định cái cần làm, là cứu người mẹ.

Malta

Malta là một trong 3 nước ở Châu Âu (cùng với Andorra và San Marino), và quốc gia duy nhất thuộc EU, hoàn toàn cấm phá thai không ngoại lệ.

Theo luật pháp Malta, bất kỳ ai, bằng thức ăn, thuốc, hay bạo lực khiến một phụ nữ sẩy thai, dù người phụ nữ đó không đồng ý hay đồng ý, đều có thể chịu án tù từ 18 tháng đến 3 năm; bất kỳ phụ nữ nào tự làm mình sẩy thai hoặc nhờ người khác đều bị mức án tương tự; và bất kỳ bác sĩ, bác sĩ phẫu thuật, hoặc bác sĩ sản khoa nào “gây sẩy thai” sẽ bị án tù từ 18 tháng đến 4 năm, và thậm chí có thể mất chứng chỉ hành nghề.

Theo independent.com.mt, ước tính mỗi năm có khoảng 300-400 phụ nữ Malta phải sang nước ngoài để bỏ thai.

Năm 2022, một phụ nữ Mỹ đang du lịch ở Malta đột ngột bị chảy máu giữa đêm khi đang mang thai 16 tuần, sau đó nhau thai bị bong ra một phần và không còn nước ối (amniotic fluid), và khi được chuyển đến bệnh viện Mater Dei, được chẩn đoán là vỡ màng ối (membrane) và dây rốn nhô khỏi cổ tử cung, tức là thai nhi không có khả năng sống sót và bản thân người mẹ có nguy cơ nhiễm trùng và xuất huyết (haemorrhage), nhưng vẫn không được bỏ thai do lệnh cấm của Malta.

Người phụ nữ này cuối cùng phải sang Tây Ban Nha.

Năm 2021 có một dự luật định thay đổi luật phá thai ở Malta.

Kết

Ðây là vài ví dụ về luật phá thai ở Châu Âu.

HDN

Nguồn:

https://reproductiverights.org/wp-content/uploads/2020/12/European-abortion-law-a-comparative-review.pdf

https://reproductiverights.org/maps/worlds-abortion-laws/

https://righttolife.org.uk/what-are-the-abortion-time-limits-in-eu-countries

https://en.wikipedia.org/wiki/Abortion_law

https://www.helsedirektoratet.no/tema/abort/Applying%20for%20termination%20(abortion).pdf/_/attachment/inline/81de817e-3be9-4457-acc0-ab011e128647:a128f498d08c72f1953b29834a16842fef66768c/Applying%20for%20termination%20(abortion).pdf

https://gynopedia.org/Norway

https://www.bpas.org/get-involved/campaigns/briefings/abortion-law/

https://www.nhs.uk/conditions/abortion/

https://www.hrw.org/news/2022/03/01/france-expands-abortion-access-two-key-moves

https://www.theguardian.com/world/2022/jun/25/french-lawmakers-propose-bill-abortion-rights-constitution

https://www.bbc.co.uk/news/world-europe-55838210

https://www.bbc.co.uk/news/world-europe-59206683

https://www.doctorsforchoice.mt/abortion-law

https://www.independent.com.mt/articles/2018-02-04/local-news/300-to-400-Maltese-women-go-abroad-for-an-abortion-each-year-AD-chairperson-6736184440

https://www.theguardian.com/global-development/2022/jun/22/us-woman-left-traumatised-after-malta-hospital-refuses-life-saving-abortion

https://abcnews.go.com/Health/wireStory/woman-miscarriage-malta-spain-abort-85635929

https://www.euractiv.com/section/politics/news/malta-mp-tables-historic-bill-to-decriminalise-abortion/