Lối nghĩ “us vs them” là cách chia xã hội (hay thế giới nói chung) thành hai phe, là suy nghĩ kiểu phe mình vs phe kia, là ủng hộ mọi thứ của phe mình và chống và làm ngược lại mọi thứ của “phe kẻ thù”… Xã hội ngày càng chia rẽ, chính trị đảng phái ngày càng phát triển, lối nghĩ “us vs them” cũng trở nên phổ biến. Đây là cách suy nghĩ rất nguy hiểm.

Hữu và tả

Trong khi Na Uy có nhiều đảng phái khác nhau cùng trong quốc hội (Arbeiderpartiet—trung tả, Høyre—trung hữu, Fremskrittspartiet—hữu, Senterpartiet—trung, Sosialistisk Venstreparti—tả, v.v…1), Anh quốc có hai đảng lớn là Labour và Conservative, cũng như Mỹ có hai đảng chính là Democrat và Republican. Ở cả hai quốc gia, tôi để ý thấy đều có khuynh hướng cánh tả chống mọi thứ của cánh hữu và ngược lại. Nhiều người dường như quên rằng mỗi bên đều có nhiều phe phái và khuynh hướng khác nhau, thúc đẩy chính sách khác nhau.

Một nhầm lẫn khác cũng phổ biến không kém là cho rằng cánh tả ở nước này cũng tương tự cánh tả ở nước khác, và ngược lại, và nhiều người Việt cũng có khuynh hướng chống cộng là chống cánh tả nói chung: trên thực tế, các đảng khuynh tả ở các nước dân chủ gần như không có gì chung với đảng cộng sản, Labour ở Anh rất khác Democrat ở Mỹ, và Republican ở Mỹ hoàn toàn chẳng giống Conservative ở Anh.

Ngoài ra, không phải ai cũng xếp mình là tả hay hữu. Nhiều người tự gọi mình là centrist, tức là theo chủ nghĩa trung dung.

Các nhóm khác nhau của cánh hữu

Ở Anh và có lẽ cũng ở Mỹ, giới trẻ và nhiều người thuộc các ngành truyền thông hay nghệ thuật thường có khuynh hướng ghét mọi thứ của cánh hữu. Nhiều người trẻ, chẳng hạn như bạn cùng lớp của tôi trước đây, xem bất kỳ ai bầu cho Conservative hay bầu cho Brexit đều là chống người nghèo, kỳ thị chủng tộc, và chống dân nhập cư. Thực tế tất nhiên không phải vậy: cánh hữu sẽ có những người phân biệt chủng tộc hay thậm chí theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng (white supremacy), nhưng nhiều người ủng hộ cánh hữu chỉ đơn giản vì ủng hộ thị trường tự do (free market) hoặc chống chính sách của cánh tả.

Brexit

Khi mới sang Anh năm 2016, do ảnh hưởng của đám bạn cùng lớp cũng như giáo viên (đa phần bầu ở lại), tôi từng ngây thơ cho rằng những người bầu Brexit phải là phân biệt chủng tộc và chống dân nhập cư, chống qua lại dễ dàng giữa các nước EU. Nhiều đứa tôi quen thậm chí còn nghĩ bầu Brexit là đám vô học, dốt nát. Ðó là lối nghĩ “us vs them”. Khảo sát cho thấy, vấn đề nhập cư chỉ là một lý do, ngoài ra người ta bầu Brexit vì không muốn Anh phải mất tiền cho EU và không muốn lãnh đạo khối EU có quyền ra chính sách và ảnh hưởng luật pháp ở Anh2 (đây cũng là lý do chính Na Uy trước đây bầu không vào EU).

Các nhóm khác nhau của cánh tả

Cánh tả ở các nước phương Tây hiện nay có thể tạm chia thành hai nhóm chính: nhóm tập trung vào giai cấp (class), và nhóm đi theo chính trị bản sắc (identity politics), tức là coi trọng những thứ như chủng tộc, tôn giáo, giới tính, khuynh hướng tình dục, v.v. lên trên hết.

Ðây là một trong những mâu thuẫn chính hiện nay trong nội bộ cánh tả. Nhóm identity đánh giá mọi thứ qua lăng kính identity, chia mỗi người thành người áp bức (oppressor) hay người bị áp bức (oppressed), người có đặc quyền (privilege) hay không có đặc quyền, dựa theo màu da, tôn giáo, giới tính, v.v. Họ ủng hộ phong trào đa dạng (diversity), cổ vũ các chính sách ưu tiên các nhóm “bị áp bức” (như phụ nữ, người da màu, người chuyển giới…), và đi xa hơn, đả kích mọi thứ của đàn ông da trắng, tấn công truyền thống và các tác phẩm cổ điển của phương Tây.

Nhóm class trong khi đó ủng hộ healthcare và an sinh xã hội cho mọi người nói chung, và tập trung vào tầng lớp lao động và người nghèo. Họ cũng nói, làm sao có thể nói một đứa nhỏ da trắng thuộc tầng lớp lao động và có mẹ đơn thân là có nhiều đặc quyền hơn một đứa nhỏ da đen sinh ra trong nhà giàu và đi học trường tư?

Một mâu thuẫn lớn khác trong phe tả là về tự do ngôn luận. Một phe, thường là nhóm identity, ủng hộ đúng đắn chính trị (political correctness) và cho là không nên dùng từ ngữ xúc phạm các nhóm “bị áp bức”, và thậm chí đi xa hơn, cho là những người dùng từ ngữ xúc phạm nên bị mất việc hoặc không được xuất hiện phát biểu. Ngược lại là những người coi trọng tự do ngôn luận (chẳng hạn, ủng hộ Charlie Hebdo), và thường tự gọi mình là classic liberal (tạm dịch: người theo chủ nghĩa tự do cổ điển).

Ngoài ra cánh tả có thể chia theo nhiều phe về vấn đề chủng tộc hay vấn đề nữ quyền.

Vấn đề chủng tộc

Cách nghĩ “us vs them” thể hiện rất rõ trong vấn đề chủng tộc: nhiều người cho là ủng hộ Black Lives Matter ở Mỹ nghĩa là phải ủng hộ Black Lives Matter ở Anh, và ai không ủng hộ tổ chức Black Lives Matter là kỳ thị người da đen. Tương tự là suy nghĩ, nếu ai không theo chính trị bản sắc, không ủng hộ phong trào đa dạng và các chính sách ưu tiên người da màu, đều là racist. Thật ra, nhiều người theo chủ nghĩa mù màu (colour-blind), muốn đánh giá mỗi người là mỗi cá nhân chứ không ám ảnh về màu da, chỉ trích các luận điệu gây chia rẽ và các khuynh hướng tấn công truyền thống và tấn công tác phẩm nghệ thuật chỉ vì vấn đề nghệ thuật.

Bảo Huân

Vấn đề nữ quyền

Các nhóm nữ quyền (feminist) hiện nay cũng chia thành hai hướng chính: bao gồm phụ nữ chuyển giới, hoặc không. Nhóm thứ nhất cho là tất cả những ai không đồng ý phụ nữ chuyển giới cũng là phụ nữ đều là kỳ thị người chuyển giới.

Vấn đề người chuyển giới là một trong những cái gây tranh cãi nhất hiện nay ở phương Tây—mâu thuẫn quyền lợi giữa phụ nữ chuyển giới và phụ nữ khiến người ta phải thiên về bên này hoặc bên kia. Nhưng nếu phe chuyển giới có những thành phần ghét hoặc coi thường phụ nữ, phe còn lại có thể có khuynh hướng ghét những ai sinh ra là nam giới nói chung, bao gồm người đã qua phẫu thuật thành nữ.

Covid và vaccine

Ngay cả Covid cũng bị chính trị hóa và gây chia rẽ, dẫn tới “us vs them”. Nhiều người cánh hữu có thể chống hết mọi thứ từ lockdown tới mặt nạ và vaccine chỉ vì không tin cánh tả. Nhiều người cánh tả lại đánh đồng tất cả với nhau, không thấy sự khác biệt giữa người không tin vào Covid và người tin nhưng chỉ trích lockdown, hay sự khác biệt giữa người nghĩ Covid là bịa đặt, người chống mọi vaccine nói chung, và người do dự về sự hiệu quả và an toàn của vaccine cho Covid.

Sự chia rẽ và chính trị hóa trong mùa dịch đặc biệt nguy hiểm, dẫn đến lây nhiễm và chết người.

Nên làm gì?

Dù xã hội đang ngày càng chia rẽ và chính trị đảng phái gia tăng, mọi người cần bỏ lối suy nghĩ “us vs them”, không nên theo hoặc chống ai đó hoặc chính sách nào đó chỉ vì đó là phe mình, và nên cân nhắc đúng sai, xem xét bằng chứng, đọc nhiều nguồn, và lắng nghe nhiều phía khác nhau. Quan trọng hơn hết, cần bỏ suy nghĩ có hai phe nhóm. Xã hội không chỉ có hai phe.

HDN