Subtle Asian Traits là một Facebook group của giới trẻ gốc Á cho giới trẻ gốc Á, được thành lập vào tháng 9 năm 2018, và tới nay đã có gần một triệu rưỡi thành viên. Như có viết trong một bài báo BBC1, Subtle Asian Traits chủ yếu dành cho giới trẻ gốc Châu Á, đặc biệt Ðông Á/Ðông Nam Á, sinh ra và lớn lên ở Anh, Mỹ, Úc, và Canada, và nói về kinh nghiệm là thế hệ thứ hai ở các nước phương Tây, chứ không dành cho người sống ở Châu Á.

Subtle Asian Traits thường dùng để đăng joke và meme, nhưng dần dần trở thành một cộng đồng và nơi kết nối cho thế hệ thứ hai gốc Á ở các nước phương Tây, để nói về các tính cách và thói quen Châu Á, để tranh luận, xin lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm, và để cảm thấy mình thuộc về đâu đó khi nhận ra nhiều người khác cũng giống mình.

Thế những mối quan tâm chính của giới trẻ gốc Á là gì?

  1. Thức ăn

Thành viên Subtle Asian Traits nói về món ăn Châu Á, cách ăn, chuyện dùng đũa, các món lạ của dân Châu Á, phản ứng của dân nước khác với thức ăn Châu Á…

Với những người trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, cái gắn kết nhất với văn hóa và gốc gác là thức ăn. Nhưng điều này cũng tương tự với tôi hay rất nhiều người Việt khác ở hải ngoại, rời nước khi không còn nhỏ – khi bị cắt đứt khỏi môi trường và văn hóa nước mình, cái duy nhất còn lại chỉ là ngôn ngữ và ẩm thực, đặc biệt nếu phải sống ở nơi không có nhiều người Việt, không có cộng đồng và hoạt động văn hóa.

Chẳng hạn, trà sữa trân châu, ở Việt Nam, chỉ là một trong vô vàn các loại nước uống khác nhau, nhưng ở phương Tây, và trong Subtle Asian Traits, trà sữa trân châu (bubble tea, pearl milk tea, hay boba) như trở thành một biểu tượng văn hóa, một thứ kết nối cộng đồng Châu Á di cư.

Không phải mọi post về ẩm thực trong group cũng tích cực. Ðôi khi thành viên Subtle Asian Traits cũng nói về chuyện người nước khác, đặc biệt da trắng, “phá” món ăn Châu Á – phá cách và tạo ra những món hổ lốn như phở jello2, phở với broccoli và quinoa3, deconstructed bánh mì (bánh mì không có bánh mì)4, ramen pizza5, v.v…

  1. Cha mẹ

Ðây là chủ đề phổ biến trong Subtle Asian Traits. Các bạn trẻ nói về thói quen và cách nghĩ của các ông bố bà mẹ Châu Á, đùa về stereotype (cha mẹ nghiêm khắc, tiger mom, cha mẹ Châu Á chỉ muốn con trở thành bác sỹ, “you’re Asian, not B-sian”, không chấp nhận hình xăm…), đùa chuyện từ nhỏ đã trở thành thông dịch viên cho cha mẹ v.v.

Ðôi khi cũng có những post nghiêm túc hơn, nói về khác biệt thế hệ, khác biệt quan điểm, mâu thuẫn gia đình do sự kỳ vọng và áp đặt của cha mẹ…

  1. Yellow fever

Từ yellow fever ở đây không nói về bệnh sốt vàng da, mà nói về hiện tượng một số đàn ông da trắng mê phụ nữ Châu Á, nhưng chủ yếu do stereotype về phụ nữ Châu Á hiền lành, nhẫn nhịn, phục tùng, biết nấu ăn và ở nhà lo chuyện gia đình, không “khó bảo” như phụ nữ da trắng. Ðây là Asian fetish. Ví dụ điển hình nhất là những ông da trắng tuổi trung niên, sang tận Việt Nam, Thái Lan, hay Philippines, để cưới vợ – không cần hợp nhau, thậm chí cũng không cần đủ ngôn ngữ để nói chuyện.

Thông thường, không phải mọi mối quan hệ nam trắng nữ Á đều xuất phát từ yellow fever, nhưng yellow fever có tồn tại. Các thành viên nữ của Subtle Asian Traits lâu lâu lại đưa lên một số đoạn đối thoại, chẳng hạn như trên Tinder, cho thấy hiện tượng này.

Bản thân tôi từng nói chuyện với một người, bảo là thích văn hóa Châu Á, nhưng tới khi hỏi Châu Á nào thì không nói rõ, và hỏi thích cái gì của văn hóa Châu Á thì cũng chẳng biết, chỉ nói chung chung thích truyền thống.

  1. Identity: không đủ Tây

Ðây có vẻ là vấn đề lớn nhất của những người có cha mẹ Châu Á nhưng bản thân sinh ra và lớn lên ở phương Tây.

Trong trường hợp tôi, khi đến Na Uy tôi đã 15 tuổi, sau này lại sang Anh, nên mặc định đã là tôi là người nước ngoài, và tôi không cảm thấy bị xúc phạm khi bị xem là dân ngoại quốc. Khi được hỏi từ đâu tới, tôi cảm thấy bình thường. Nhưng với thế hệ thứ hai, họ sinh ra và lớn lên ở Anh, Mỹ, Canada, hoặc Úc, nhưng đôi khi vẫn bị xem là ngoại quốc, vẫn bị hỏi “Where are you from?”, vẫn “được khen” nói giỏi tiếng Anh và hỏi học ở đâu tốt vậy, vẫn bị xem là Asian. Nhiều người đã từng nói, là dân da trắng ở Mỹ, chỉ cần thế hệ thứ hai đã là American, nhưng dân Mỹ da đen dù qua vài chục thế hệ  và dù có lai một phần da trắng sẽ vẫn luôn là African American, cũng như dân Mỹ gốc Á sẽ luôn là Asian American.

Thành viên Subtle Asian Traits kể chuyện bị kỳ thị, kể chuyện lúc nhỏ bị bully vì ăn cơm thay vì sandwich, chia sẻ video bị bảo là “go back to your country” (về nước mày sống) v.v.

Có lẽ vì những chuyện như vậy, cả đời vẫn bị xem như không thuộc về nơi mình sống, nên những người sinh ra và lớn lên ở phương Tây có vẻ ám ảnh về chủng tộc và identity hơn tôi. Chẳng hạn, năm 2018 một nữ sinh da trắng ở Utah mặc cheongsam (xường xám) đi dự prom, gây tranh cãi gay gắt, nhưng phần lớn lời chỉ trích là từ cộng đồng Châu Á ở Mỹ, chứ không phải ở Trung Quốc. Ðây chỉ là một trong rất nhiều những trường hợp cultural appropriation (chiếm dụng văn hóa?)7, bị chỉ trích nặng nề bởi người Mỹ/ Anh/ Úc gốc Á nhưng không thành vấn đề lớn với đa phần người Châu Á ở Châu Á.

  1. Identity: không đủ Á

Nếu những người trẻ này là dân Châu Á trong mắt dân phương Tây, trong mắt người Châu Á, họ cũng không phải Châu Á. Trong tiếng Anh có khái niệm banana (chuối), ý nói bên ngoài vàng nhưng bên trong trắng – nhìn bên ngoài là da vàng nhưng văn hóa, cách nghĩ, cách sống như dân da trắng.

Các thành viên của Subtle Asian Traits nói về chuyện đứng giữa hai nền văn hóa, không được bên nào nhận. Họ nói về ngôn ngữ, nỗi xấu hổ không hiểu hoặc không viết được tiếng mẹ đẻ, cách biệt văn hóa với cha mẹ…

Tôi nhớ có một lần, một cô bạn trẻ người Mỹ gốc Việt than phiền không viết được tiếng Việt, bị cắt đứt khỏi văn hóa, không biết Việt Nam hiện giờ thế nào, và cảm thấy không thật sự Việt. Tôi và vài người khác nói, cô ấy không phải là Vietnamese, mà là Vietnamese American, và nên embrace điều đó. Cô ấy có thể học tiếng Việt, nhưng nếu cha mẹ là thuyền nhân, nước Việt Nam bây giờ không phải là Việt Nam của cha mẹ cô ấy.

Trang Subtle Asian Traits có thể có những cái tôi không thích, nhưng ít nhất nó trở thành một cộng đồng, như một gia đình, với rất nhiều người trẻ cảm thấy mình không thuộc vào đâu cả, và cũng khiến họ nhận ra identity của mình không nhất thiết phải là American/ Australian/ Canadian/ British hay Asian, mà có thể là Asian American/ Asian Australian/ Asian Canadian/ Asian British…

DN

(1) https://www.bbc.co.uk/news/world-australia-46394931

(2) https://www.google.com/search?q=pho+jello&source=Inms&tbm=isch&sa=X&ved=OahUKEwiR1erB7KLkAhVOsKQKHXDVC2oQ_AUIESgB&biw=1366&bih=657

(3) https://www.google.com/search?biw=1366&bih=657&tbm=isch&sa=1&ei=ogZlXe9AjrXV8A_YkJPIDA&q=pho+with+broccoli+and+quinoa&oq=pho+with+brocc&gs_l=img.1.0.0i24.63488.68158..70274…0.0..0.146.2126.11j11……0….1..gws-wiz-img…….0j0i67.A4HRy75Jy6Y

(4) https://www.google.com/search?biw=1366&bih=657&tbm=isch&sa=1&ei=6gZlXYjYLNTqxgOKwaJQ&q=deconstructed+banh+mi&oq=deconstructed+banh+mi&gs_l=img.3..0l5.33157.39316..39689…4.0..0.287.2860.18j8j2……0….1..gws-wiz-img…….0i67j0i10i24j0i24.esaUv23pono&ved=0ahUKEwiI9azm7KLkAhVUtXEKHYqgCAoQ4dUDCAY&uact=5

(5) https://www.google.com/search?biw=1366&bih=657&tbm=isch&sa=1&ei=TgdlXamoE_iY1fAP2eaR8AQ&q=ramen+pizza&oq=ramen+pizz&gs_l=img.1.0.0l7j0i5i30j0i8i30l2.16524.18292..21025…2.0..0.161.1291.5j7……0….1..gws-wiz-img…….0i67.RBWbAhLmu6I

(6) https://www.nytimes.com/2018/05/02/world/asia/chinese-prom-dress.html

(7) Đọc thêm ở đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Cultural_appropriation