Nhân chuyện ở Việt Nam sắp ra film “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền, hãy bàn về film chuyển thể từ sách.

Chuyển thể hỏng

Một bộ film chuyển thể từ sách, đặc biệt tác phẩm văn học kinh điển, có thể hỏng vì vô số lý do như chọn sai diễn viên, làm mất tinh thần tác phẩm và làm méo mó, thay đổi không thuyết phục, không thể hiện được bối cảnh và thời kỳ câu chuyện, đưa vào chi tiết quá hiện đại không phù hợp với bối cảnh v.v.

Chẳng hạn năm 2020 có hai film chuyển thể hoàn toàn hỏng là “Emma” từ tác phẩm của Jane Austen và “Rebecca” từ sách của Daphne du Maurier.

Bộ film “Emma”, cũng như bản “Emma” năm 1996 với diễn viên chính Gwyneth Paltrow, có vấn đề chung là thay đổi nhân vật Emma Woodhouse và không hiểu được tinh thần của Jane Austen. Emma trong sách là nhân vật lanh chanh, hợm hĩnh, thích thọc vào chuyện người khác và khoái mai mối người này người kia nhưng gây phiền phức cho người khác, dầu vẫn có ý tốt, muốn giúp đỡ người, và có khả năng nhận ra mình sai. Trong khi Emma của bộ film năm 1996 và 2020 trở thành nhân vật rất khó ưa, nhỏ nhen, giả tạo, xấu tính v.v.

Nhân vật George Knightley cũng bị thay đổi – trong sách là nhân vật nghiêm túc đạo mạo, lớn tuổi hơn Emma và không quen biểu lộ cảm xúc, nhưng trong film thì thể hiện sự luống cuống đến lố bịch.

Còn film “Rebecca” của Netflix làm Maxim de Winter trẻ hơn khoảng chục tuổi, đồng thời làm nhân vật nữ trở thành tự tin độc lập hơn, từ đó thay đổi mối quan hệ giữa hai nhân vật, giảm đi chênh lệch tuổi cũng như chênh lệch quyền lực, và khiến phần tâm lý sau đó trở thành phi lý.

Và hằng hà sa số các film hỏng khác.

Phim Kiều – nguồn facebook.com/phimkieu2020 

Những trường hợp film hay hơn sách

Có nhiều chuyển thể hỏng, nhưng cũng có nhiều film chuyển thể hay như “Little Women” (2019 lẫn 1994), “Sense and Sensibility” (1995), “Jane Eyre” (2006), “Emma” (1996, bản TV với Kate Beckinsale), “Les Misérables” (2012 lẫn 1998), “The Age of Innocence” (1993), “The Great Gatsby” (1974), v.v.

Một số người bảo film không bao giờ có thể  hay hơn sách. Ðiều đó hoàn toàn sai. Có không ít trường hợp film hay hơn sách gốc như “Gone with the Wind” (1939), “The Godfather” (1972), “The Silence of the Lambs” (1991), “Blade Runner” (1982), “The Shawshank Redemption” (1994), “Forrest Gump” (1994), “Audition” (1999), v.v. Những trường hợp này thường là sách không hay lắm về văn chương hay giá trị nghệ thuật nhưng được phần cốt truyện và nhân vật.

Chuyển thể thoáng

Với tôi, film chuyển thể không cần trung thành với nguyên tác – vấn đề là thay đổi có hợp lý không, có hay không. Chẳng hạn, một số người phàn nàn bản film “Little Women” năm 2019 biến nhân vật Amy thành mạnh mẽ thực tế hơn, nhưng “Little Women” đã được chuyển thể năm 1918, 1933, 1949, 1994, nếu cái nào cũng trung thành với cuốn sách của Louisa May Alcott thì làm đi làm lại làm gì?

Một ví dụ film chuyển thể rất thoáng tôi thích là “Dr Strangelove” của Stanley Kubrick, rất khác với tác phẩm gốc “Red Alert” của Peter George.

Vài ví dụ khác được đánh giá cao là “The Lion King” (1994) có cảm hứng từ “Hamlet” của Shakespeare, “Blade Runner (1982) từ “Do Androids Dream of Electric Sheep?” của Philip K. Dick, v.v. Các bản chuyển thể thoáng có thể hiện đại hóa hoặc thay đổi bối cảnh.

Bản hiện đại

Shakespeare được hiện đại hóa rất nhiều lần như: “Romeo & Juliet” (1996) và “West Side Story” (1961) từ “Romeo and Juliet”; “10 Things I Hate About You” (1999) từ “The Taming of the Shrew”; “She’s the Man” (2006) từ “Twelfth Night”; “O” (2001) từ “Othello”  v.v.

Jane Austen cũng được biến thành phiên bản hiện đại nhiều lần, trong đó nổi tiếng và được đánh giá cao nhất có lẽ là “Clueless” (1995) từ “Emma”. “Clueless” đổi bối cảnh câu chuyện thành một trường trung học ở Mỹ nhưng trên thực tế sát với tinh thần và ý tưởng của Jane Austen hơn bộ film năm 1996 với Gwyneth Paltrow lẫn bản mới ra năm 2020.

Ngoài ra các nước Nam Á như Ấn Ðộ cũng chuyển thể Jane Austen vài lần và chuyển thành thời hiện đại ở nước mình, như “Kandukondain Kandukondain” (2000) từ “Sense and Sensibility”, “Bride and Prejudice” (2004) từ “Pride and Prejudice”  v.v.

Những bản hiện đại này cho thấy tác phẩm của Shakespeare, Jane Austen, hay các nhà văn lớn khác có thể có bối cảnh cũ nhưng câu chuyện và ý tưởng không hề cũ.

Phim Kiều – nguồn facebook.com/phimkieu2020

Dời bối cảnh

Ðặc biệt thú vị là những bộ film chuyển thể và đổi câu chuyện sang nước khác, nền văn hóa khác, chẳng hạn như “The Handmaiden” (2016) bốc câu chuyện từ Anh của “Fingersmith” đem sang Hàn Quốc, “Untold Scandal” (2003) cũng là film cổ trang Hàn Quốc chuyển thể từ “Les Liaisons dangereuses” của Pháp …

Akira Kurosawa, một trong những đạo diễn lớn nhất của Nhật, cũng chuyển thể và lấy ý tưởng từ nhiều tác phẩm lớn của nước khác như “Throne of Blood” (1957) có ý tưởng từ “Macbeth” và “Ran” (1985) có cảm hứng từ “King Lear” của Shakespeare; “The Idiot” (1951) chuyển thể  Dostoyevsky còn “Ikiru” (1952) có từ “The Death of Ivan Ilyich” của Tolstoy v.v.

Bản thân film của Kurosawa cũng được nước khác làm lại và đổi bối cảnh, như “Yojimbo” biến thành spaghetti western với “A Fistful of Dollars” (1964) hoặc đổi thành film Mỹ thời hiện đại “Last Man Standing” (1996); “Seven Samurai” (1954) bốc sang Mỹ trở thành “The Magnificent Seven” (1960) v.v.

Trường hợp film “Kiều”

Riêng tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, theo Wikipedia, trước đây từng có một bản film chuyển thể là “Kim Vân Kiều” (1923) (*). Có vẻ là từ đó tới nay, “Truyện Kiều” mới được chuyển thể lại.

Chuyển thể “Truyện Kiều” theo tôi hoàn toàn không dễ. Chẳng hạn, “Truyện Kiều” là tác phẩm của Việt Nam nhưng dựa trên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, nếu viết chữ Nôm và dùng trang phục và kiểu tóc theo thời của Nguyễn Du ở Việt Nam chứ không phải theo thế kỷ 17 của Tàu thì có hơi kỳ không nếu địa danh nhắc tới vẫn là địa danh của Trung Quốc? Quan trọng hơn, cái hay chính của “Truyện Kiều” là ở ngôn ngữ, ở phần thi ca và tâm lý nhân vật, và tầm nhìn tư tưởng của Nguyễn Du chứ không thật sự ở cốt truyện; ai đọc “Truyện Kiều” cũng không thể phủ nhận tài năng thi ca của Nguyễn Du nhưng đôi lúc có thể cảm thấy cốt truyện hơi melodramatic – Kiều bị lừa vào lầu xanh 2 lần, thoát lần nhất lại bị hành hạ biến thành con hầu; thoát lần hai lại bị ép gả cho viên thổ quan; tổng cộng cưới chồng tới 6 lần  v.v. Thế thì chuyển thành film thế nào?

Riêng film “Kiều” (2021) chưa ra mắt đã bị ném đá tơi tả. Sau khi ra teaser trailer đầu tiên (**) và poster, film đã bị chỉ trích vì Kiều mặc áo màu minh hoàng – màu dành riêng cho vua chúa, và một tấm biển sử dụng chữ quốc ngữ (***).

Gần đây tôi xem teaser trailer thứ hai (****), thấy cảnh cuối không có trong tác phẩm gốc, nhìn có vẻ là Hoạn Thư bắt gặp Kiều với Thúc Sinh, có thể để thêm tình tiết gay cấn chăng?

Nhưng bàn luận bây giờ có lẽ là quá sớm. Phải xem “Truyện Kiều” được biến thành film thế nào đã!

DN

(*)https://vi.wikipedia.org/wiki/Kim_V%C3%A2n_Ki%E1%BB%81u_(phim)

(**)https://www.youtube.com/watch?v=Xgzssku2Z58

(***)https://soha.vn/phim-kieu-chua-ra-mat-da-bi-nem-da-toi-ta-mai-thu-huyen-noi-gi-20201027074207568.htm  

(****)https://www.youtube.com/watch?v=_aTmI9UBjyc