1. Ðánh ghen vẫn luôn là một trong những chủ đề hot trên báo chí Việt. Nào là đánh ghen rồi cuỗm vàng và điện thoại của tình địch ở Cà Mau1. Nào là đánh dã man rồi còn cạo trọc đầu địch thủ ở Hà Tĩnh2. Nào là đánh ghen xát muốt ớt vào tình địch ở Hà Nam3. Nào là đổ nước mắm và bột ớt giữa phố ở Thanh Hóa4

Các bà vợ đi đánh ghen ở Việt Nam, đôi khi có thể đi một mình hoặc nhào vào đánh ghen khi bắt gặp giữa đường, như một bà vợ ở Lý Nam Ðế, Hà Nội xông vào đánh và bị ông chồng gallant bóp cổ và đấm thẳng vào mặt cho nhân tình thoát chạy5. Nhưng các bà vợ thường đánh ghen theo nhóm, đi với mẹ hoặc con trai hoặc con gái hoặc bạn bè, hoặc thậm chí thuê người đánh phụ.

Thử google cụm từ “đánh ghen năm 2020” cũng hiện ra một loạt tựa như “Những vụ đánh ghen dậy sóng mạng xã hội năm 2020”, “Vụ đánh ghen đẫm máu nhất trong lịch sử”, “Năm 2020 với ngập tràn những vụ đánh ghen để đời” v.v.

Người Việt xem video đánh ghen như xem truyền hình thực tế—vừa xem drama nhà người khác vừa lồng lộn ghen giùm, vừa thương cảm với bà vợ có chồng ngoại tình vừa lên giọng đạo đức nhiếc móc “con Tuesday”, “con tiểu tam”, “con trà xanh” dám cướp chồng người khác.

Chữ “đánh ghen” không có từ tương đương trong tiếng Anh bởi phụ nữ Anh (hay các nước nói tiếng Anh nói chung) không có thói quen đó—vài trang web tạm dịch là “make a scene of jealousy” nhưng đánh ghen không chỉ là make a scene. Nhưng tại sao phụ nữ Việt đánh ghen?

Đánh ghen, tranh Làng Hồ 

  1. Năm 2020, do thư viện và mọi nơi đóng cửa mùa dịch (và tôi cũng hạn chế mua sách vì nhiều lý do), tôi tạm chuyển sang đọc sách trên mạng. Sau nhiều năm “mất gốc”, cuối cùng tôi cũng trở về nguồn cội, đọc “Chinh phụ ngâm, “Cung oán ngâm khúc”, “Văn chiêu hồn”, và “Truyện Kiều”.

Sau nhiều năm chủ yếu chỉ đọc sách Anh, Mỹ, và Nga, chẳng bao giờ thấy ai lồng lộn đánh ghen, cuối cùng cũng đã thấy màn đánh ghen từ Hoạn Thư.

Từ Việt Nam sang các nước Ðông Á—năm 2020 tôi cũng đọc “Genji monogatari” (“The Tale of Genji” hay “Truyện kể Genji”) của Murasaki Shikibu từ thế kỷ 11, tác phẩm văn chương vĩ đại và quan trọng nhất của Nhật Bản. “Genji monogatari” nói về Genji (là con vua và ở trong cung nhưng không được làm hoàng tử) và những người đàn bà trong đời Genji. Hình ảnh gây ấn tượng nhất trong “Genji monogatari” có lẽ là hình ảnh linh hồn của phu nhân Rokujo—Rokujo vẫn còn sống nhưng cái ghen tuông lên đến cùng cực và biến thành evil spirit nhập vào người đày đọa tình địch, dù bản thân nàng Rokujo chẳng biết, và sau khi chết, hồn vẫn trở lại đánh ghen.

Nhưng tới khi đọc “Hồng lâu mộng” khoảng cuối năm 2020, mới thấy cái đỉnh của sự ghen tuông độc địa—các màn đánh ghen thâm hiểm của Vương Hy Phượng lẫn Hạ Kim Quế ăn đứt Rokujo lẫn Hoạn Thư. Một nhân vật như Vương Hy Phượng không thể tìm thấy trong văn chương Tây phương. Ðánh ghen như một truyền thống của Ðông Á.

  1. Bản thân tôi từng là nạn nhân của đánh ghen qua mạng, dù chẳng làm gì. Ai cũng có nguyên tắc, tôi từ lâu đã có nguyên tắc không bao giờ dây vào người không còn rảnh. Nói một cách thô thiển, đời còn dài, trai còn nhiều, việc gì phải dính vào người đã có vợ hoặc có bồ để “con kia” có cớ chửi vào mặt mình?

Ðây là một cặp người Việt sống ở nước khác khi tôi còn ở Na Uy, nhưng phụ nữ hay ghen tất nhiên có thói ghen bừa, dù chẳng có cớ và ghen tuông lồng lộn với người sống ở nước khác và chỉ mới gặp bồ mình hai lần, dù bản thân cô nàng và anh người yêu đã sống với nhau gần chục năm.

Qua chuyện này, tôi chẳng hiểu được những phụ nữ hay ghen, phải săm soi mọi thứ và theo dõi nhất cử nhất động của chồng rồi tưởng tượng linh tinh, đay nghiến chồng không đủ lại đi làm phiền người khác (nhưng chẳng bao giờ bỏ chồng). Càng không hiểu những phụ nữ lao vào làm người thứ ba—khoan nói chuyện đạo đức hay nguyên tắc, việc gì phải để mình ở vị trí người làm sai để người khác có thể nhìn xuống và chì chiết mình? Không làm gì sai, ít nhất tôi có thể chửi lại.

Linh hồn sống của Lady Rokujo tấn công Lady Aoi, từ The Tale of Genji. Hình minh họa từ phiên bản chuyển thể manga do Waki Yamato vẽ năm 1980

  1. Phụ nữ phương Tây, nói chung, không đánh ghen. Nếu người chồng ngoại tình, lỗi chính là ở người chồng chứ không phải người thứ ba—lời thề chung thủy là giữa chồng và vợ, không có lời thề của người khác.

Tại sao phụ nữ Việt đánh ghen? “Hồng lâu mộng” của Trung Quốc từ thế kỷ 18 đã có đánh ghen, Việt Nam có lẽ cũng đã có truyền thống từ xưa. Nhưng tại sao chỉ nhắm vào “tiểu tam”? Tại sao trút tất cả lên đầu tình địch như thể ông chồng chỉ bị cám dỗ và không thực sự có lỗi?

Bởi (nhiều) phụ nữ Việt vẫn xem chuyện đàn ông ngoại tình là bình thường, nếu chồng léng phéng với ai khác thì phải đi xé xác “con kia” rồi về nhà đay nghiến vài câu nhưng vẫn không bỏ chồng. Rồi sau đó vẫn tự hào là chồng chơi đâu rồi cũng về với vợ—nhưng tại sao không về, nếu chán cơm có thể đi chơi với phở rồi khi về nhà, cơm vẫn còn đó, nhà vẫn sạch, con cái vẫn được nuôi học, không có gì mất mát?

Lối nghĩ đó đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, báo chí sẽ vẫn tiếp tục đưa tin đánh ghen dài dài.

HDN

1: https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/hai-phu-nu-danh-ghen-con-lay-vang-dien-thoai-cua-tinh-dich-974688.html

2: https://eva.vn/tin-tuc/tin-tuc-24h-danh-ghen-kinh-hoang-o-ha-tinh-nguoi-phu-nu-bi-cao-troc-dau-danh-da-man-c73a468184.html

3: https://nld.com.vn/thoi-su/vu-xat-muoi-ot-vao-vung-kin-tinh-dich-con-dau-di-danh-ghen-cung-me-chong-20180315094452836.htm

4: https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/boi-ot-do-nuoc-mam-len-nguoi-co-gai-thanh-hoa-danh-ghen-giua-duong-516075.html

5: https://www.24h.com.vn/ban-tre-cuoc-song/day-song-clip-vo-di-danh-ghen-bi-chong-dam-da-bop-co-de-bao-ve-nhan-tinh-c64a1182827.html