Lời dịch giả: Đây là bài viết dự thi môn English của Ethan Nghiêm, sinh viên năm thứ nhất tại SMU ở Dallas đang theo học ngành Business – Finance Entrepreneurship. Bài đã đạt được điểm cao nhất (tương đương A). Tựa bài nguyên gốc là “Desperate Cravings for Escape”.

– ianbui

Âm nhạc còn được gọi là một ngôn ngữ phổ quát — từ hình thức sơ sài nhất cho tới các thể loại phức tạp nhiều tầng. Âm nhạc nói với trí óc con người qua những ngõ ngách của sự sáng tạo. Âm nhạc sống ở khắp nơi – trong nhà hàng, khu shopping, quán rượu, ngay cả trong phòng tắm. Nhưng cớ sao âm nhạc lại phổ biến và được mọi người ưa thích? Người ta có thể nghe nhạc để giúp tập trung, để tạo bầu không khí dễ chịu, để kích thích tinh thần… Âm nhạc cho phép não trạng con người bay lên những tầng trời cao hơn, vượt qua thực tế và tiến đến những trạng thái gần như huyền ảo. Chính vì vậy mà có người thích nghe nhạc sầu bi khi đang buồn, hay chọn nhạc vui khi cảm thấy phấn khích.

Một số nhạc sĩ, như Travis Scott hay Tame Impala, làm nhạc với mục đích bắt cóc người nghe và dắt họ đi xa rời thực tế để đến một thế giới giả tưởng. Khi các đợt sóng âm thanh tiến vào cơ thể qua đường nhĩ giác, các tuyến thần kinh trong não bộ được kích thích và gây cảm giác thỏa mãn. Trong lúc cơn đại dịch đang ùa qua, từng đợt sóng của sự hoảng hốt và mất niềm tin do Covid-19 làm cho trí óc con người càng thèm được đưa đến một nơi chốn lành mạnh hơn. Bởi vì mọi người bị bắt phải an trú tại gia, rất khó để họ giữ cho tâm trí khỏi bị cuồng, hạn chế độ căng thẳng; vì thế nên người ta phải tìm đủ mọi cách cho tâm thần được thoải mái. May mắn thay, âm nhạc có khả năng gia giảm các kích thích tố gây nên stress đồng thời gia tăng những cảm xúc tích cực. Trong lúc xã hội đang cố gắng vượt qua sự tù túng tinh thần do cách ly gây nên, âm nhạc đóng một vai trò quan trọng giúp người ta trốn thoát thực tại, mang lại những kích thích tố giúp cho tâm lý và não bộ làm việc tốt hơn.

Trong những thời điểm đầy bất ổn, như khi coronavirus đang lây lan, sức khỏe tâm thần vô cùng quan trọng cho đời sống. Vào tháng Ba, 2020, hầu hết các thành phố lớn trên nước Mỹ đã ban lệnh cấm cung để giúp làm xẹp đường cong của sự lây nhiễm khiến nhiều người Mỹ bất mãn. Tức giận và hoang mang, nhiều người tìm cách trốn thoát thực tại để giữ cho tâm trí không bị lệnh cách ly gò bó. Theo thông báo của Trung tâm Phòng chống Dịch Bệnh (CDC), “các triệu chứng bị nhiễm khuẩn có thể phải mất từ 2 đến 14 ngày mới xuất hiện, như: nóng sốt, nhức đầu, rát cổ, nhức mỏi…” Và bởi vì các triệu chứng này khá giống như bệnh cúm nên nó càng làm cho người ta sợ hơn, vì họ không thể tự xét nghiệm để biết mình có nhiễm coronavirus hay không.

Ethan (thứ 4 từ trái) và các bạn 

Trong lúc con số người nhiễm bệnh ngày càng tăng, chính quyền Hoa Kỳ tìm mọi cách để làm chậm sự lây lan bằng cách áp đặt một số luật lệ như đeo khẩu trang, an trú tại gia, giữ khoảng cách an toàn, và tự cách ly. Do những luật lệ nói trên, nhiều người cảm thấy bị tù túng, bất lực… Ðầu óc họ thèm được giải tỏa, được tự do. Những cơn dịch như Covid-19 làm tăng mức stress trong cơ thể con người — có thể vì tự cách ly hoặc vì không được phép tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Những phương pháp tự giải thoát cho phép đầu óc con người thám hiểm và khám phá những vùng thực tại, tâm trạng ngoại thường.

Khoa học đã chứng minh âm nhạc đóng một vai trò then chốt trong việc kích thích các sinh hoạt trong óc não và do đó có thể chuyển đổi cảm xúc, khiến người ta có thể bộc lộ ra bằng những hành động như múa hoặc hát. Âm nhạc có khả năng giảm stress, kích thích sự sáng tạo, và có lợi ích cho não trẻ con. Cái gọi là Mozart Effect cho thấy cho trẻ thơ nghe nhạc Mozart có thể giúp chúng phát triển trí óc. Và để chứng minh âm nhạc có tác động tích cực đến trí óc, khoa học gia phát hiện não bộ của nhạc sĩ “lớn hơn, nhiều mạch nối hơn, và nhạy cảm hơn.” Nghĩa là họ có trí nhớ, khả năng nghe nhận, và sự dẻo dai về mặt tinh thần hơn não bộ bình thường. [Alban]. Hơn thế nữa, não các nhạc sĩ chuyên nghiệp thường có corpus callosum to hơn – đây là vùng biên giữa nửa trái và phải của bộ óc, có nhiệm vụ “kết hợp các bộ phận kiểm soát cử động, cảm giác và nhận thức giữa vỏ não (cerebral cortex) bên này với bên kia.” [Atlas]. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất của âm nhạc là việc sản xuất dopamine, hơn tất cả mọi tố chất nào khác. Dopamine là một hóa chất làm cho người ta có cảm giác khoái lạc, được tiết ra khi ta trong trạng thái vui vẻ, sung sướng.

Ðể chứng minh dopamine có thể ảnh hưởng đến hành động, các nhà tâm lý học làm thí nghiệm trên những con chuột, xem nó có bấm một cái nút khi cảm thấy thỏa mãn. Họ phát hiện ra sau khi bấm nút một lần, con chuột cứ tiếp tục bấm hoài cho tới khi nó mệt. Họ kết luận rằng việc bấm nút mang đến sự thỏa mãn và tăng mức dopamine trong óc. [Psychology Today]. Việc nghe nhạc trong một playlist được mix lộn xộn cũng làm cho óc tiết ra chất dopamine, vì nó liên quan đến sự ngạc nhiên thích thú khi một bản nhạc quen thuộc trổi lên bất ngờ. Hiện tượng này giải thích vì sao con người ta tỏ vẻ cực kỳ khoái chí khi được nghe một bản nhạc mình thích tại một nơi như quán nhạc. Tuy nhiên, dopamine không phải là hóa chất duy nhất được tiết ra tại quán nhạc hay concert. Khi được nghe nhạc sống, não bộ còn tiết ra chất oxytocin, gọi là “phân tử của sự tin tưởng và đạo đức” [Alban]. Khi mức độ dopamineoxytocin tăng cao, người ta có khuynh hướng kết thân với người xung quanh và cùng chia sẻ niềm vui trong âm nhạc. Ngoài chuyện tạo nên những cảm xúc lành mạnh, âm nhạc còn có khả năng hạn chế và chữa lành những cảm xúc độc hại.

Ethan và mẹ chụp trong ngày July 4th 2020

Một trong những phương pháp tự giải thoát trong thời điểm tinh thần căng thẳng là trị liệu bằng âm nhạc. Thêm vào đó, môn neuromusicology (ảnh hưởng của âm nhạc đến não bộ) cho thấy “nhiều xã hội xa xưa tin rằng âm nhạc là một liệu pháp cho cơ thể và tinh thần.” Từ các nghiên cứu trong môn học này, các y sĩ hy vọng trị liệu bằng âm nhạc có thể dùng để chữa các chứng bệnh liên quan đến cử động và tâm thần. [Thaut]. Và xa hơn nữa, âm nhạc có thể được dùng để giảm bớt hay điều trị bệnh tâm thần. Nhờ khả năng kích thích trí óc, các phương pháp trị bệnh bằng âm nhạc cho thấy “nhảy múa theo nhịp điệu có khả năng giúp hồi phục cử động cơ bắp của những người bị đột quỵ, mắc bệnh Parkinson, bệnh liệt não, và chấn thương sọ não.” [Thaut].

Cho nên, nếu như âm nhạc có khả năng trị những chứng bệnh như Parkinson và liệt não, thì cũng không có gì quá đáng để suy ra âm nhạc có thể giúp điều trị những bệnh tâm thần nhẹ hơn như stress hay bồn chồn lo lắng. Thêm vào đó, một số nghiên cứu gần đây cho thấy “áp dụng âm nhạc trị liệu cho bệnh nhân của những hội chứng tâm thần nghiêm trọng như bệnh tự kỷ, tuy vẫn còn trong vòng dự đoán, đã dẫn đến một số phương pháp trị bệnh nhắm vào việc tạo nên những cảm xúc nhất định.” [Marato et al]. Mối quan hệ trực tiếp giữa âm nhạc trị liệu và cảm xúc chứng minh rằng ngay cả trong các trường hợp nặng như rối loạn tâm lý, kích thích não bộ bằng âm nhạc có hiệu quả tốt; cho nên không có gì đáng ngạc nhiên nếu âm nhạc được dùng như phương tiện tự giải thoát trong lúc người ta đang bị cách ly và cảm thấy thiếu thốn sinh lực.

Sự lây lan quá nhanh chóng của Covid-19 nảy sanh cảm giác bực bội, tuyệt vọng và lo sợ trong con người khắp nơi trên thế giới; điều này càng làm tăng nhu cầu giải tỏa của mọi người. May mắn thay, chúng ta có âm nhạc để kích động não bộ, tiết ra các tố chất cần thiết giúp ta vượt qua những sự lo lắng của thế giới bên ngoài. Dịch khuẩn gì rồi cũng qua, nhưng nhu cầu giải tỏa tâm lý vẫn sẽ tiếp tục.

Ianbui dịch