Một người bạn của tôi có “trò chơi” thế này: thử nêu tên một quốc gia, ba điều đầu tiên bạn nghĩ tới là cái gì?

Ví dụ, nói tới Ba Lan, tôi nghĩ tới Kieslowski, Polanski, Warsaw. Thụy Ðiển, nghĩ tới Ingmar Bergman, Ikea, ABBA. Pháp, nghĩ tới ẩm thực Pháp, French New Wave, Flaubert.

Khi có tên một nước nào đó, bạn có thể dễ dàng kể ba điều không, hay phải mất thật lâu để nghĩ? Bạn chỉ nghĩ được vài thứ, hay có quá nhiều thứ để nhắc đến?

Mục đích của “trò chơi” này là đo lường và so sánh quyền lực mềm và sức ảnh hưởng của mỗi quốc gia. Chẳng hạn, chẳng ai cần thử với Mỹ, vì Mỹ là quốc gia có nhiều quyền lực mềm và ảnh hưởng lớn nhất về văn hóa—ở đâu cũng xem film Mỹ, đọc sách Mỹ, dùng sản phẩm Mỹ, theo dõi chính trị Mỹ v.v. Anh quốc có lẽ là quốc gia có ảnh hưởng thứ hai về văn hóa, trong khi thế giới có thể ít biết đến Canada hoặc Úc hơn dù cùng dùng tiếng Anh.

Ði xa hơn nữa, khi nhìn vào câu trả lời – ba điều là tiêu cực hay tích cực? Có phải là ba điều chỉ riêng nước đó có hay một hình ảnh chung chung (ví dụ, nghĩ tới tuyết khi nói tới Thụy Sĩ)? Là về văn hóa hay cái khác? Là cái của hiện tại hay từ vài thế kỷ trước? Chẳng hạn, nói tới Ai Cập, ai cũng sẽ nghĩ tới Kim tự tháp, có thể Pharaoh, Cleopatra, và nền văn minh Ai Cập cổ đại, có lẽ một số sẽ nghĩ tới sa mạc, lạc đà, nhưng bao nhiêu người kể được cái gì đó của riêng Ai Cập hiện đại?

Gần đây tôi thử “trò chơi” này trên Twitter. Chẳng hạn, khi nói tới Na Uy, đa phần các câu trả lời na ná nhau và thường nhắc tới fjord, tuyết, Knausgård, Edvard Grieg… Một vài điều lẻ tẻ tách biệt là Ibsen, trượt tuyết, smörgåsbord (thật ra đây là chữ Thụy Ðiển, khái niệm này trong tiếng Na Uy là koldtbord), Knut Hamsun, Sigrid Undset, rakfisk…1

Trong khi đó, khi hỏi về Nhật Bản, mỗi câu trả lời mỗi khác—từ điện ảnh như Ozu, Kurosawa, film Ringu… tới văn chương như Murasaki Shikibu, Akutagawa, Yosano Akiko, Yoko Ogawa, Banana Yoshimoto, Mishima, haiku… Từ thức ăn nước uống như sushi, sake, udon, takoyaki, umeboshi onigiri… tới những thứ khác về văn hóa Nhật như kimono, hoa đào, kịch Noh, Zen, sumo, onsen, ryokan, đền chùa Kyoto, kiếm Nhật, cờ Go v.v.2

Những người trả lời là từ Châu Âu, Châu Mỹ, Úc, còn từ Châu Á chủ yếu là Ấn Ðộ. Các câu trả lời đa dạng phong phú cho thấy văn hóa Nhật phổ biến và được nhiều người biết thế nào.

Bảo Huân

Câu hỏi này càng thú vị khi đặt hai đất nước cạnh nhau. Ví dụ, khi hỏi cùng lúc về Ấn Ðộ và Pakistan, đa phần những cái kể về Ấn Ðộ là tích cực, như Satyajit Ray, Ramayana, Rabindranath Tagore, Gandhi, nhạc raga cổ điển, đền Taj Mahal, Viswanathan Anand, Phật giáo, cà ri, sari… còn Pakistan đa phần có hình ảnh tiêu cực như khủng bố, vũ khí hạt nhân, đàn áp Kitô giáo, giết người vì danh dự (honour killings), Malala, Osama bin Laden… dù cũng có vài câu trả lời tích cực như qawwali, Imran Khan…3

Sự khác biệt càng rõ hơn khi đặt cạnh nhau Hàn Quốc và Triều Tiên, các câu trả lời về Hàn Quốc rất khác nhau và thường tích cực, như Hong Sang-soo, Bong Joon-ho, Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring, Memories of Murder, Burning, Kyung-wha Chung, K-pop, phong cách và sản phẩm làm đẹp Hàn Quốc (K-beauty), thời trang, kimchi, Hyundai, Samsung… trong khi hình ảnh về Triều Tiên là Kim Jong-un, Kim Jong-il, vũ khí hạt nhân, quân đội, tranh tuyên truyền, trại tập trung, nạn đói, người đào thoát về phía Nam…4

Trong các nước Ðông Á và Ðông Nam Á, hai đất nước có văn hóa được lan truyền nhiều nhất, đi xa và được nhiều người biết đến nhất, có vẻ là Nhật Bản và Hàn Quốc. Với Nhật Bản, người ta biết đến rất nhiều khía cạnh khác nhau của văn hóa, từ cổ điển đến hiện đại, và nhiều mặt khác nhau như điện ảnh, văn chương, hội họa, kiến trúc, ẩm thực… Trong bạn bè và người quen của tôi ở Anh, nhiều đứa thích những thứ popular và mainstream như anime, manga, nhưng tôi cũng có nhiều bạn bè thích nghệ thuật và văn chương cổ điển của Nhật—bản thân tôi đang đọc The Tale of Genji của Murasaki Shikibu, tiểu thuyết của thế kỷ 11.

Trong khi đó khía cạnh nhiều người biết nhất của Hàn Quốc là popular culture (văn hóa đại chúng), chủ yếu K-pop, điện ảnh, và phong cách làm đẹp. K-pop không chỉ thành công trong khu vực mà cũng có lượng fan lớn ở Mỹ, Châu Âu, Trung Ðông, Châu Mỹ Latin… Khi ở Na Uy tôi từng có đứa bạn du học từ Chile, là K-pop fan, và bảo K-pop rất được yêu thích ở khu vực Châu Mỹ Latin.

Ngược lại, những thứ nhiều người biết của China là từ xa xưa, như thơ Ðường. China có ảnh hưởng lớn về văn hóa trong khu vực—khi còn ở Việt Nam, ở đâu tôi cũng thấy ảnh hưởng từ China, bật TV lúc nào cũng thấy film kiếm hiệp, film truyền hình Hoa ngữ… Nhưng tới khi sang Na Uy, sau đó sang Anh, và nói chuyện với bạn bè nước ngoài, mới thấy rõ về mặt văn hóa China không phổ biến bằng Nhật Bản và Hàn Quốc—bạn bè của tôi trên Twitter, chuyên đọc văn chương kinh điển, có thể biết thơ Ðường, nhưng rất ít người đã đọc một tác phẩm từ Tứ đại danh tác; điện ảnh chủ yếu là Trương Nghệ Mưu và film như Bá vương biệt cơ, Ngọa hổ tàng long; còn những khía cạnh khác không nhiều người biết hay chú ý.

Thế còn Việt Nam? Người ta nghĩ tới ba điều gì khi nói đến Việt Nam?

Trên Twitter, 35 câu trả lời: 16 người nghĩ tới chiến tranh Việt Nam hoặc hình ảnh liên quan (chẳng hạn như napalm); 4 người nhắc tới Bảo Ninh hoặc Nỗi buồn chiến tranh; 3 người nói tới film về chiến tranh Việt Nam như Apocalypse Now hoặc The Deer Hunter; 2 người nghĩ tới trực thăng rời Sài Gòn; 1 người nói cộng sản; 2 người kể Hồ Chí Minh; 4 người nhắc tới phở, 2 người nói bánh mì, 1 người nói tiệm bánh Như Lan, 5 người nói thức ăn nói chung; ở góc độ văn hóa nghệ thuật, 2 người nói tới Truyện Kiều, 1 người Úc nghĩ tới Hồ Xuân Hương, 1 người Anh nhắc tới ca trù và rối nước, 1 người Ấn kể Tiểu thuyết vô đề của Dương Thu Hương (đang sống tại Pháp), 1 người kể đến Viet Thanh Nguyen và Ocean Vuong (2 nhà văn Mỹ gốc Việt), 1 người nhắc tới Xích lô và 2 người nhắc tới Mùi đu đủ xanh (của đạo diễn Trần Anh Hùng lớn lên ở Pháp), không ai nghĩ đến văn chương hiện đại hay điện ảnh của Việt Nam…5

Hình ảnh chính gắn với Việt Nam vẫn là chiến tranh, sau đó là ẩm thực.

DN

1: https://twitter.com/hdinguyen11/status/1266799701501886471

2: https://twitter.com/hdinguyen11/status/1266692268813160451

3: https://twitter.com/hdinguyen11/status/1267888365308960768

Malala Yousafzai có thể xem là hình ảnh tích cực vì là một nhà hoạt động trẻ đoạt giải Nobel hòa bình. Tuy nhiên hình ảnh Malala vẫn có ý tiêu cực vì gắn với Taliban, vấn đề bất bình đẳng nam nữ, giáo dục, v.v.

4: https://twitter.com/hdinguyen11/status/1272584162982219779 

5: https://twitter.com/hdinguyen11/status/1273736959148556296