Gần đây báo chí đưa tin, ca sỹ Adele của Anh bị chỉ trích vì cultural appropriation (chiếm dụng văn hóa) do để tóc Bantu knots và mặc trang phục Jamaica1.

Ðiểm đáng chú ý là, tất cả bắt nguồn từ một tweet trên Twitter của Jemele Hill, một người Mỹ da đen2. Nhiều tờ báo của Anh lẫn Mỹ đều đưa tin như thể Adele bị chỉ trích dữ dội trên mạng, nhưng trên thực tế, nếu nhìn vào tweet của Jemele Hill, ngoài tác giả tweet chỉ có lèo tèo vài người, đa phần người Mỹ, phản ứng với bộ trang phục của Adele, còn đa phần các câu trả lời đều nói đây không phải là cultural appropriation và chẳng có gì sai. Adele là người Anh, bộ trang phục này là cho lễ hội Notting Hill, một lễ hội thường niên diễn ra hàng chục năm nay để tôn vinh văn hóa Caribbean và cộng đồng gốc Caribbean, người Mỹ có tư cách gì để chen vào chỉ trích? Người Jamaica chẳng thấy vấn đề gì, dân Anh cũng xem đây là một phần của văn hóa Anh, còn Adele lớn lên ở Tottenham, một trong những nơi có cộng đồng Jamaican lớn nhất ở đây, người Mỹ da đen lấy quyền gì để ra vẻ bị xúc phạm? Văn hóa Jamaica đâu thuộc quyền sở hữu của người Mỹ gốc Phi?

Ðây không phải là trường hợp duy nhất.

Trên mạng, đặc biệt trên Twitter, tôi thấy rất nhiều người Mỹ nhìn và phán xét mọi thứ qua lăng kính của chính trị Mỹ và lịch sử Mỹ. Ví dụ, cách chia con người thành dân da trắng (white people) và dân da màu (people of colour) là một khái niệm của Mỹ—khái niệm people of colour (thường gọi tắt POC) chỉ có nghĩa trong bối cảnh nước Mỹ nói riêng và các nước phương Tây nói chung, vì ở các nước phương Tây, dân số đa phần là da trắng, các dân khác là dân nhập cư, dân tỵ nạn và các thế hệ sau, hoặc các thế hệ con cháu của dân nô lệ, gộp chung dưới khái niệm “người da màu”. Nhưng tách ra khỏi bối cảnh phương Tây, khái niệm này không những vô nghĩa mà còn đầy xúc phạm.

Chẳng hạn, BookRiot, trang web popular nhất về sách, đưa ra một danh sách 6 phụ nữ da màu làm thay đổi cảnh quan văn học (thế giới)3: trong đó 4 người, Maya Angelou, Octavia Butler, Toni Morrison, và Alice Walker, là người Mỹ gốc Phi, Gabriela Mistral là nhà văn Chile sau này sống ở Mỹ, nhưng lại lọt vào Murasaki Shikibu, nhà văn quan trọng nhất của Nhật Bản, từ thế kỷ 11. Murasaki Shikibu là nhà văn Nhật, dùng tiếng Nhật, sống ở Nhật, đặc biệt vào thời điểm Nhật Bản hoàn toàn không có tiếp xúc gì với phương Tây, làm sao có thể gọi là người da màu? Nói thế khác nào nói, cả thế giới rộng lớn bao la nhưng chọn dân da trắng làm tâm điểm, mọi dân khác đều trở thành “of colour”? Hơn nữa, đưa Murasaki Shikibu vào danh sách là nhìn chung cả thế giới, và xét ảnh hưởng qua lịch sử văn chương nói chung, thế thì khác nào xúc phạm phần còn lại của thế giới khi kể ra 6 người nhưng hết 4 người đã là người Mỹ gốc Phi, người còn lại cũng sống ở Mỹ?

Nhưng không phải chỉ một chiều. Trong vài tháng vừa qua tôi càng nhận thấy rõ, và nhiều người bạn của tôi ở Anh cũng nhận xét, Mỹ có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều khía cạnh của Anh—nhiều người ở Anh cũng chạy theo phong trào của Mỹ, và tìm cách áp đặt tư tưởng và cách nghĩ của Mỹ lên mọi thứ ở Anh.

Chẳng hạn, sau khi phong trào Black Lives Matter bùng lên ở Mỹ sau cái chết của George Floyd, một loạt các nước ở Châu Âu, bao gồm Anh, cũng nối gót. Quan điểm ở Anh có hai hướng: người ủng hộ nói biểu tình để ủng hộ Black Lives Matter ở Mỹ, và Anh cũng có vấn đề tương tự, người ta đổ xuống đường vì cảnh sát Anh cũng giết oan người da đen. Ngược lại, người chỉ trích nói, cái chết của George Floyd thì liên quan gì đến Anh? Dân Anh có nối gót phong trào dân chủ của Hong Kong không? Dân Anh có xuống đường ủng hộ biểu tình ở Belarus không, hoặc các sự kiện ở Ấn Ðộ không? Hơn nữa, tại sao phải đổ ra đường giữa đại dịch?

Bảo Huân

Ở Mỹ bùng lên biểu tình, ở Anh cũng nổ ra biểu tình. Ở Mỹ có giật tượng, ở Anh cũng có lật đổ tượng. Ở Mỹ bắt đầu trò xét lại lịch sử, ở Anh cũng làm theo, xét lại lịch sử. Người ủng hộ nói, Anh không nên nghĩ không có vấn đề như nước Mỹ—Anh cũng có vấn đề với cảnh sát, cũng có vấn đề phân biệt chủng tộc, và cũng cần xét lại lịch sử đế quốc. Người chỉ trích nói, Anh và Mỹ có lịch sử khác nhau, bối cảnh văn hóa khác nhau, và vấn đề chủng tộc cũng khác nhau—lịch sử nô lệ của Anh là gắn với thuộc địa, hoàn toàn khác Mỹ, và vấn đề chủng tộc chính ở Anh không phải là với dân da đen, mà với dân gốc Nam Á, đặc biệt Pakistan/ Hồi giáo. Một trong những mâu thuẫn giá trị lớn ở Anh, và một số nước Châu Âu khác như Pháp, Ðức, Thụy Ðiển, hay Na Uy, là liên quan tới dân Hồi giáo—một mặt là bình đẳng, tôn trọng các tôn giáo và văn hóa khác, và một mặt là những giá trị khác như bình đẳng nam nữ, tự do ngôn luận v.v. Tháng 8 vừa qua, báo chí cũng đưa tin về ý định thành lập trường đại học da đen đầu tiên ở Anh, được gọi là tương tự Spelman College của Mỹ4. Một mặt, người ủng hộ nói đây là ý tưởng hay, sinh viên da đen đôi khi có thể thấy lạc lõng trong trường đại học Anh, xung quanh đầy da trắng, sách vở toàn tác giả da trắng, và cách nhìn có thể tập trung vào dân da trắng. Nhưng người chỉ trích cũng nói, đa phần dân số Anh là da trắng, tại sao là ám ảnh màu da như vậy? Và tại sao tìm cách áp đặt tư tưởng Mỹ vào xã hội Anh? Người da đen chiếm 12.7% dân số Mỹ5 nhưng chỉ 3% dân số Anh6, và khái niệm da đen ở Mỹ thường ý nói gốc Phi trong khi khái niệm da đen ở Anh bao gồm Châu Phi lẫn khu vực Caribbeans (người Anh gọi là West Indies). Tại sao tách riêng trong khi nên học chung, tiếp xúc, và chia sẻ văn hóa với các dân khác? Hơn nữa, tại sao cần có một trường đại học da đen ở Anh khi nước Anh chưa bao giờ có luật Jim Crow (luật phân chia chủng tộc—racial segregation) như Mỹ trong quá khứ?

Không bàn về phong trào Black Lives Matter ở Mỹ, tôi và nhiều bạn bè đều đang nghĩ, mỗi quốc gia có lịch sử riêng và vấn đề riêng, tại sao chạy theo phong trào của Mỹ, nhìn mọi thứ qua lăng kính lịch sử Mỹ, và tìm cách áp đặt tư tưởng và cách nhìn của Mỹ lên xã hội Anh?

Không chỉ vậy, Mỹ có biểu tình chống lockdown, Anh cũng có người xuống đường chống lockdown. Mỹ có thuyết âm mưu gắn Covid-19 với mạng 5G và Bill Gates, Anh cũng làm theo, từ chối mang mặt nạ, và tấn công các tòa nhà 5G. Thậm chí, Anh còn có biểu tình đi theo phong trào QAnon của Mỹ7. QAnon là một thuyết âm mưu liên quan tới bầu cử ở Mỹ, với khái niệm như Pizzagate, xét ra dính líu gì tới Anh? Nhưng trong tháng 9 vẫn có cuộc biểu tình QAnon ở London.

Như người bạn của tôi hỏi, tại sao Anh cứ chạy theo Mỹ và áp đặt tư tưởng Mỹ lên mọi thứ của Anh, thay vì tìm giải pháp cho vấn đề của riêng mình?

DN

1: Ví dụ một báo Anh như The Guardian: https://www.theguardian.com/music/2020/sep/01/adele-accused-of-cultural-appropriation-over-instagram-picture

2: https://twitter.com/jemelehill/status/1300215696463339521

3: https://bookriot.com/women-of-color-who-changed-the-literary-landscape/

4: https://www.vogue.co.uk/arts-and-lifestyle/article/black-british-university

5: https://en.wikipedia.org/wiki/Demographics_of_the_United_States 

6: https://en.wikipedia.org/wiki/Demography_of_the_United_Kingdom

7: https://twitter.com/Shayan86/status/1302254209094615041?s=19