Thức ăn nhanh hay ‘fast food’ là phát kiến của con người, có một dạo được xem như “tuyệt phẩm” vì sự nhanh chóng và giản tiện. Đây là loại thực phẩm được chế biến nhanh chóng và phẩm chất luôn in hệt nhau vì nguyên liệu được đóng gói sẵn, nhiệt độ lò, dầu… thời gian bao lâu… nhất nhất đều được chỉ dẫn, xếp đặt rõ ràng, nhà bếp cứ theo cách thức đó mà nấu nướng, không được phép du di thay đổi. Do đó khi thực khách đặt, chỉ trong vòng 5 phút là thức ăn sẵn sàng. Giản dị và nhanh chóng nên thực đơn chỉ giới hạn, trên dưới khoảng chục món.

nguồn: vectorstock.com
Fast food ngon hay dở? Người ưa thức ăn nhanh thì biểu rằng hamburger từ MacDonald cũng xêm xêm như nhà hàng Longhorn (chuỗi nhà hàng bán thịt bò nướng, ‘steak house’ loại chung chung). Kẻ lại lắc đầu chê kém hương vị. Riêng Dế Mèn ba phải thì hòa giải là mỗi nhà hàng có hương vị riêng. Thật như thế bạn ạ! Khoai chiên của McDonald hình như chiếm giải quán quân vì họ chiên bằng dầu ăn pha với mỡ heo (?) Bí kíp khoai chiên này đã khiến bao nhiêu nhi đồng Huê Kỳ mê mệt, chỉ chịu ăn khoai chiên từ cửa hàng ấy. Miếng khoai nhỏ vừa vặn, “vỏ” giòn nhưng “thịt” bên trong vẫn mềm và ngọt dù miếng khoai đã từng vượt ngàn dặm xa dưới dạng đông cứng. Còn mục thịt bò băm đem nướng thì sao? Thịt bò nghiền nát đóng thành bánh to /nhỏ, vuông/ tròn rồi đông lạnh thì làm sao nếm cho ra vị ngọt của thịt? Hoặc nhận ra thể chất mềm hay dai từ bắp thịt của con bò còn non hay đã mừng thượng thọ? Hương vị do đó xuất phát từ gia vị hay hương liệu (?) mà ketchup thì chỗ nào cũng thế? Ngoài MacDonald thì ta có các đại tửu lầu tương tự khác như Burger King, Wendy…
Thế giới “Fast food” tất nhiên không chỉ giới hạn ở món mặn như hamburger mà còn bao nhiêu món khác, thịt gà nướng, thịt gà chiên, thịt heo, sườn heo barbeque … và những món bánh ngọt, thức uống… của Starbucks, Timothy bán chung với cà phê, trà… Lâu đời nhất có lẽ là nhà Dunkin Donuts bán các loại bánh ngọt chiên, khi ăn thì “nhúng” vào cà phê (nên có tên nôm na là “dunkin”), hai vị ngọt và đắng trộn với nhau nên dễ ăn.
Nhanh, gọn và vừa túi tiền khách hàng nên loại hàng quán bán thức ăn nhanh phát triển ào ào. Nơi nào cũng nườm nượp cửa tiệm Fast food, không thịt bò thì thịt gà hay bánh bột ngô kẹp phó mát, thịt bằm (taco), cà phê, bánh mì sandwich …
Trong thời Covid thì hàng quán bán loại thực phẩm này bỗng ăn nên làm ra vì khách hàng chỉ muốn rón rén “lượm” túi thức ăn từ người bán. Chẳng mấy ai muốn bước chân vào cửa tiệm ngại lây bệnh. Không muốn nấu nướng lại túi tiền eo xèo? Fast Food là câu trả lời cho nhiều người.
Thế rồi vấn nạn thiếu nhân công khiến người buôn bán lớn cũng như nhỏ đều phải tìm cách tiết giảm nhân lực, hàng quán bán thức ăn nhanh cũng không ngoại lệ. Mọi nơi, mọi chỗ đều “hướng” về các ứng dụng (app) dùng trên máy điện toán, từ cách trưng bày thực đơn để khách hàng chọn lựa đến việc đặt món ăn rồi thanh toán hóa đơn. Chỉ bấm vài cái nút là xong. Tiền từ trương mục của người mua thong thả “chạy” thẳng qua trương mục của người bán mà chẳng ai phải sờ đến tiền!
Cách buôn bán qua liên mạng khiến việc mua bán thức ăn nhanh càng “gọn gàng” hơn nữa. Nhiều cửa hàng còn có luôn cả ứng dụng riêng như My McDonald’s App, Dunkin Donuts cũng có “app” riêng… Muốn “đặt hàng”? Ta chỉ việc “tải” (download) “app” của cửa hàng rồi chọn món ăn theo thực đơn sẵn có. Ðặt hàng xong, trả tiền bằng thẻ tín dụng, lấy “mã số” (QR code) rồi phây phây chạy xe ngang cửa sổ (drive-thru) của nhà hàng; chờ người giao hàng “đọc” mã số trên điện thoại di động. Xong. Ta cứ việc “đón” túi thức ăn về phục vụ ông thần khẩu hoặc xoa dịu cơn đói tùy theo khẩu vị.
McDonald đã vậy, Dunkin Donuts cũng chẳng khác cho mấy. Rồi Panera, Chipotle, Taco Bell… hình như là xêm xêm? Chốn nào cũng buôn bán qua “app”. Cửa tiệm bây giờ chỉ là những quầy hàng vắng khách ăn uống, chỉ thấy nhân viên lúi húi nấu nướng pha chế và đóng gói các túi thức ăn thức uống…
Mới đây, công ty Dunkin thông báo rằng họ vừa “khai trương” cửa tiệm “số”, digital location, đầu tiên tại Boston, không có người thu ngân, cũng chẳng có ghế bàn chi ráo; chỉ có mấy cái màn hình cảm ứng để “nhận” đặt thức ăn uống cũng như nhận hàng đặt từ điện thoại di động qua cái “app” của họ..
Digital location hay “Digital Kitchen” thì cũng từa tựa như nhau. Công ty Chipotle mở cửa tiệm ăn chỉ có cửa sổ giao hàng, thức ăn thì được nấu nướng từ nhà bếp dưới hầm hoặc trên lầu cao, người máy “nhón” từng món, sắp xếp vào túi đựng rồi “khuân” ra cửa sổ. Thực khách lái xe đi ngang và “dớt” túi thức ăn đặt sẵn rồi đem đi, chẳng biết ăn uống ra sao? Về đến chỗ ngồi thì thức ăn hẳn đã nguội ngắt?
Ðại khái là các quán ăn nhanh chỉ bán thức ăn “to go” chứ thực khách chẳng được ngồi mà nhâm nhi ăn uống nữa. Mô hình buôn bán này đang từ từ thay thế hàng quán hiện nay vì cửa tiệm tiết kiệm được biết bao nhiêu tiền bạc, từ người dọn dẹp đến chỗ thuê mướn, bảo hiểm chưa kể đến bàn ghế, nhà vệ sinh nam / nữ riêng biệt và cả sân đậu xe cũng chẳng còn cần thiết nữa.
Theo bà Emma Beckett, một nhà báo của tạp chí Restaurant Drive, tập san của kỹ nghệ buôn bán thức ăn nhanh, đây là cách chủ nhân đáp ứng với thói quen đặt thức ăn của khách hàng. Bá tánh không thích ngồi ăn uống nữa!? Do đó, hàng quán thay đổi theo, họ cần những địa điểm có thể đặt 3-4 cửa sổ “drive-thru” và chỉ những chỗ nằm tại góc đường, corner lot, mới đáp ứng được điều kiện này.
Theo khuynh hướng kể trên, tạm hiểu là trong tương lai, cư dân Huê Kỳ sẽ không còn ăn uống tại hàng quán bàn thức ăn nhanh nữa. Những tài phiệt trong kỹ nghệ buôn bán thức ăn nhìn xa trông rộng đã đoán ra rằng không cần chỗ ngồi ăn uống thì sao không … dẹp quách cái nhà bếp luôn cho khỏe? Nhất là khi hàng quán phải có đủ nhân viên để làm ăn trong khi ngồi chờ thực khách vui chân thì tốn kém quá?
Wendy và Qdoba đã tính toán đến việc ấy. Họ đặt ra các “nhà bếp ma”, “ghost kitchens,” nơi nhân viên cắm cúi nấu nướng, những địa điểm không bảng hiệu, chỉ dành riêng cho nhân viên làm việc. Một căn bếp “ma” như thế có thể nấu nướng cho cả chục chuỗi hàng ăn khác nhau, Burger King hay Taco Bell đều in hệt như nhau. Từ đó, thức ăn được phân phối theo đơn đặt hàng. Fast food bây giờ sắp trở thành hàng quán “To go”.
Ðây là điều dễ hiểu, kinh nghiệm của Starbucks cho thấy công ty kiếm ra nhiều tiền hơn qua cách “drive thru”. Khách hàng đặt cà phê, trà và vài món lỉnh kỉnh khác rồi trả tiền bằng thẻ tín dụng qua điện thoại di động. Khi so sánh, các con số chi thu cho thấy rõ ràng là khách hàng mua nhiều hơn khi sử dụng dịch vụ “To go” và phí tổn liên quan đến cách buôn bán ấy lại ít hơn. Nôm na là khách hàng đến Starbucks, mua cà phê rồi ngồi nhâm nhi, cắm cúi làm việc hay chuyện vãn với bạn bè, dùng nhà vệ sinh… tiêu xài ít tiền mà lại chiếm nhiều chỗ, từ bàn ghế đến sân đậu xe! Thế là Starbucks chuyển hướng, “Starbucks Pickup” đầu tiên xuất hiện năm 2019 tại Manhattan, New York và mô hình buôn bán này đang lan tràn khắp nơi. Công ty này quảng cáo rằng họ đang tạo ra một không gian [ảo] vô cùng thoải mái, dễ dàng cho khách hàng thăm viếng và thụ hưởng các thức uống vừa ý có tên là “digital third space.”
Ðại tửu lầu McDonalds theo chân sát nút với kiểu mẫu “Three D’s—digital, drive-thru, and delivery. Khách hàng đặt thức ăn qua “app”, rồi đến lấy hoặc trả thêm phí tổn giao hàng!
Tóm lại là ta sẽ trông cậy vào cái điện thoại nhỏ xíu kia mà làm đủ thứ việc. Người lọng cọng hậu đậu như Dế Mèn đây chắc là sẽ đói lắm và đói dài dài vì nhiều lý do, đầu tiên là chẳng muốn tải bất cứ cái app nào về điện thoại cả. Mấy ngón tay chuối mắn khó lòng bấm cho chính xác món ăn mình chọn trên màn hình chỉ bằng lòng bàn tay; chọn món này lại nhận món khác thì phiền quá chưa kể những thứ lẩm cẩm khác. Thêm nữa là phải dùng thẻ tín dụng trên “app” của nhà hàng nên ngại lắm, ngại lắm.
Phe ta đang lo con bò trắng răng vì thắc mắc là cư dân Huê Kỳ nhất là các gia đình có con nhỏ thì sẽ phải đi ăn ở đâu cho vừa túi tiền? Hàng quán nào chịu chứa nhi đồng khóc lè nhè đòi ăn ngay ăn liền khi đói bụng? Bạn bè muốn gặp nhau qua ly cà phê thì sẽ phải đến chốn nào ngoài không gian ảo? Hay sẽ phải ra công viên, mỗi người khuân theo một ly cà phê mua sẵn? Nhưng may quá, quán phở ưa chuộng của Dế Mèn vẫn còn bán phở theo mô hình cũ, nghĩa là đến quán ăn vẫn có bàn ghế đàng hoàng, vẫn được gọi món ăn thức uống đầy đủ rồi thong thả chờ nhân viên bưng đến mà thưởng thức. Bây giờ thì cứ như thế, mai mốt ai biết đâu?
TLL