Chữ “Gilded Age” xuất phát từ cuốn tiểu thuyết châm biếm ‘The Gilded Age: A Tale of Today’ của nhà văn Mark Twain vào cuối thế kỷ XIX, chữ “thếp vàng” ý nói chỉ có cái vỏ [mạ vàng] chứ không phải vàng [ròng] hay “của giả”. Người đương thời sử dụng danh tự ấy để chỉ một giai đoạn chuyển tiếp giữa cuộc Nội Chiến (Civil War) vào đầu thế kỷ XX trong lịch sử Hoa Kỳ.

The Breakers, Newport, Rhode Island  

Sau cuộc nội chiến tan tác đi kèm với kiệt quệ ngân sách, Gilded Age là thời vàng son của đất nước khi nhiều kỹ nghệ và các ngành kỹ thuật phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy. Giàu có nứt đố đổ vách nhưng thời đại này cũng là cao điểm của lòng tham, vơ vét nhũng lạm của những con người “gặp thời”, từ chủ hãng xưởng sản xuất, công ty buôn bán đến các tay tài chánh gian hoạt và chính khách tham nhũng. Họ làm giàu trên lưng kẻ khó. Những tài phiệt nắm mọi quyền hành, điều khiển lèo lái đất nước Huê Kỳ trong thời ‘Gilded Age’.

Thời Gilded Age được sử gia xem là nguồn gốc của cuộc cách mạng kỹ nghệ, “the Industrial Revolution”, khi xã hội Huê Kỳ và phần lớn Âu Châu chuyển mình từ canh nông sang ngành sản xuất bằng máy móc. Cả triệu di dân và các nông gia mất mùa đổ về những thành phố lớn New York, Boston, Philadelphia, St Louis và Chicago kiếm kế sinh nhai. Những cuộc di dân kinh tế này dẫn đến phong trào phát triển đô thị.

Ðến năm 1900 thì khoảng 40% cư dân Huê Kỳ sinh sống tại các thành phố lớn; hạ tầng cơ sở [thủa ấy] còn thô sơ, các thành phố này chưa chuẩn bị để tiếp nhận làn sóng người đổ về dồn dập. Không đủ chỗ cư ngụ, di dân sống đùm túm trong những nơi tạm bợ tạo thành các xóm nghèo, thiếu thốn đủ mọi thứ nhu yếu như đèn điện, nước uống, nhà vệ sinh… Hậu quả là cả triệu người chết vì bệnh tật, những căn bệnh có thể phòng ngừa nếu môi trường sinh sống sạch sẽ.

Hầu hết các di dân là những người không có nghề chuyên môn và sẵn sàng làm đủ mọi việc cực nhọc hầu kiếm sống. Lợi dụng và tận dụng thời cơ ấy, việc ít người đông, các tài phiệt thời vàng son này đã làm giàu qua việc hạ thấp lương bổng và không cung cấp một lợi nhuận nào khác.

Nhìn chung, phát triển rầm rộ nhất trong thời vàng son là kỹ nghệ hỏa xa liên bang. Xe lửa đã an toàn cũng như thoải mái, tiện dụng hơn với hệ thống “phanh” (air break), và sự góp mặt của các toa xe có giường ngủ và phòng ăn nên trở thành phổ thông, được sử dụng nhiều hơn. Từ việc chuyên chở hành khách, xe lửa bao giàn luôn cả việc vận chuyển hàng hóa, và do đó, ngành hỏa xa “xóa sổ” các hệ thống chuyên chở bằng lừa ngựa. Tạm hiểu là chủ nhân các trang trại nuôi lừa ngựa để vận chuyển hàng hóa đã phá sản!

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Làm giàu qua việc vận chuyển chưa đủ, dưới danh nghĩa mở mang hệ thống đường rầy và đặt trạm xe lửa, các tài phiệt trong kỹ nghệ này đã thu tóm được nhiều đất đai khắp Huê Kỳ từ chính phủ liên bang, nổi tiếng nhất là Cornelius Vanderbilt và Jay Gould.

Cornelius-Vanderbilt (1794 – 1877)

Những con người giàu có trong giai đoạn này được sách vở mô tả là “Robber Barons”, dịch thoáng là “kẻ cướp quý phái”, qua các hoạt động thầm lén bất hợp pháp như phá phách các nghiệp đoàn công nhân, lường gạt, hăm dọa và hành hung những chủ nhân công ty buôn bán nhỏ để họ dẹp tiệm, không còn sức tranh đua nữa. Tài phiệt đã sử dụng mọi phương tiện để vơ vét của cải làm giàu kể cả việc vắt kiệt sức lực của nhân công và tranh giành bất chính; họ đặt ra các thông lệ có lợi cho mình.

Nói giản dị, luật pháp thủa ấy hầu như nằm trong tay các tài phiệt từ mọi ngành kỹ nghệ, từ hỏa xa, dầu hỏa, ngân hàng, lâm sản, đường, rượu, thịt, sắt thép, hầm mỏ… đến thuốc lá và vải vóc.

Giàu có nên tài phiệt sống xa hoa, dư thừa trong khi người nghèo đói khổ, vật vã vì cơm áo. Trong xã hội, sự khác biệt giữa giàu nghèo trở nên vô cùng rõ ràng. Ðã có những bài xã luận thủa ấy đề cập đến thuyết “Social Darwinism” (Darwin là ông tổ của giả thuyết “chỉ có kẻ mạnh sống còn”); khi dùng để mô tả tình trạng xã hội, các tác giả ấy cho rằng người tài giỏi mới thành công [và giàu có] và người nghèo là do kém cỏi, thiếu khả năng! Ðại để, sự giàu có kia đến từ tài năng và sức lực [nên xứng đáng được hưởng thụ]!

Bị dồn nén nên xã hội phản kháng, bắt đầu là những bài báo phanh phui các câu chuyện làm giàu bất hợp pháp, khuất tất và chữ “Muckrakers” ra đời. Chữ này được dùng để chỉ tác giả các bài báo “bươi móc” ấy, họ đào xới “rác rưởi” để tìm kiếm và vạch trần tội lỗi!

Kế đến là sự xuất hiện của các nghiệp đoàn công nhân, những người làm công liên kết với nhau, cùng ngưng làm việc để đòi tăng lương, đòi trợ cấp, bảo hiểm …Và sau cùng là luật pháp, các đạo luật về nhân công ra đời để bảo vệ quyền lợi nhân công cũng như đánh thuế lợi tức hầu kiểm soát phần nào các nguồn tiền bạc của tài phiệt ngoài việc thu thuế!

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

thời “Cách Mạng Kỹ Nghệ” đã thay đổi qua nhiều đường hướng như bảo vệ nhân công, nghiệp đoàn, kiểm soát thực phẩm và thuốc men, thuế má, dân quyền / nhân quyền, luật bầu cử… Những biến chuyển này đánh dấu sự thay đổi trong xã hội, con người sống chung trong một cộng đồng đòi hỏi sự hòa hợp và tương trợ ít nhiều.

Ðến năm 1901 thì xã hội Huê Kỳ bước vào thời kỳ “Cấp Tiến”, Progressive Era, chấm dứt thời vàng son. Chính phủ thu thuế để tài trợ các chương trình xây dựng xã hội như giáo dục, y tế, đặt cầu cống, đường sá để cư dân sử dụng. Mô hình này xem ra hữu hiệu cho đến ngày nay.

Jay Gould (1836 – 1892)

Trở lại với các “Robber Barons” hay nhóm “kẻ cướp thượng lưu”, họ bao gồm cả các tên tuổi vẫn còn nổi tiếng đến ngày nay qua các hoạt động có tính cách “nhân bản” như Andrew Carnegie, John D. Rockefeller và Henry Frick. Các tài phiệt này để lại cho nhân gian nhiều cơ sở giáo dục như trường đại học, bệnh viện, viện bảo tàng nghệ thuật, hí viện, công viên, sở thú… Nhiều tòa nhà còn mang tên tuổi của dòng họ ấy như Rockefeller University, Frick Museum, Carnegie Hall…

Ngoài các tòa nhà nổi tiếng kể trên, nơi cư trú [cũ] của tài phiệt cũng được [con cháu] hiến tặng cho các tổ chức bảo tồn văn hóa (Preservation Society) địa phương để bảo trì và mở cửa cho công chúng vào xem vì dòng họ suy tàn, không còn đủ tiền bạc để cư ngụ và giữ gìn các biệt thự ấy.

Các tòa nhà xây cất trong Gilded Age nằm rải rác khắp Huê Kỳ nhưng khá nhiều tập trung tại Newport, Rhode Island.

Giàu có như thế nên tài phiệt thủa ấy cho rằng họ là vua chúa nên nhà cửa phải tương xứng với hoàng cung bên Âu Châu. Không lạ là nhiều tòa nhà xây cất và bài trí như các cung điện xưa cũ. Nổi tiếng nhất là The Breakers (Newport, Rhode Island) xây năm 1895 của dòng họ Vanderbilt. Ngôi nhà kiểu Italian-Renaissance này chỉ là nhà mát để gia tộc họ sử dụng trong mùa Hè gồm 70 phòng, chuồng ngựa và nhà để xe. Phòng ốc không dát vàng hoặc bạc mà dát platinum! Khi nhìn ngắm ngôi nhà (vé vào cửa giá 26 Mỹ kim), Dế Mèn mới ngẩn ngơ nhận ra rằng gia tộc kia giàu có quá xá, mức độ giàu có khó tưởng tượng chỉ qua việc thu góp của một thế hệ tài phiệt. Vua chúa trên thế giới cũng giàu có nhưng tài sản được tích lũy qua nhiều đời [cướp bóc].

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Trên con đường Bellevue của Newport là cả chục tòa nhà khác như Marble House, Chateau-sur-Mer, The Elms, Rosecliff…, tòa nhà nào cũng bề thế. Rộng mênh mông và chiếm một khoảng bãi biển khá lớn. Biệt thự Rosecliff xây năm 1902, theo kiểu Tây Versailles do Tessie Fair Oelrichs xây cất, con cháu của tài phiệt mỏ bạc và tài phiệt tàu thủy. Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, Rosecliff đã được chọn làm nơi nghỉ hè của Tổng Thống Kennedy nhưng chủ nhân thủa ấy chưa chịu hiến tặng nên việc không thành. Ngày nay, tòa nhà này thuộc về hội bảo trì văn hóa địa phương, mở cửa để thu tiền vé và cho thuê làm phim trường, đám cưới, tiệc tùng rềnh rang. Rosecliff xuất hiện trong một số phim ảnh như The Great Gatsby, High Society, 27 DressesTrue Lies.

Khi mua vé vào xem, du khách được chỉ dẫn và giới thiệu về lịch sử cũng như gốc gác của tòa nhà. Các tòa biệt thự này và vật dụng trưng bày cho thấy hình ảnh một cộng đồng con người không biết làm chi cho hết tiền của nên ngày đêm tổ chức ăn uống hội hè. Khách khứa là những người trên danh sách ‘400’, các con người nổi tiếng trong giới thượng lưu thủa ấy. Ai không có mặt trong danh sách này là chưa đáng kể là giàu có! Sách vở ghi chép về những món tiền khổng lồ, cỡ 12 triệu Mỹ kim mỗi mùa Hè dù biệt thự chỉ mở cửa đón khách vài lần mỗi tuần, đã được tiêu xài để mở tiệc tùng, ăn uống! Và những phụ nữ thượng lưu, mỗi bộ áo của họ mang bảng giá cả trăm ngàn Mỹ kim theo thời giá ngày nay!

Vui chân ghé Newport nên Dế Mèn có dịp nhìn ngắm biệt thự, nhìn ngắm xong thì chạnh lòng và tò mò lắm. Chuyện thủa xưa hình như đang lặp lại ngày nay? Xã hội hiện hành cũng có những tài phiệt với tài sản cả trăm tỷ Mỹ kim trong khi trên thế giới vẫn có 795 triệu người chịu đói khát, riêng tại Huê Kỳ, con số này lên đến 15 triệu người theo các dữ liệu của Food Aid Foundation!

Một số tài phiệt hảo tâm đang tiếp tục các chương trình phát triển xã hội như giáo dục, y tế (phòng ngừa và chữa trị bệnh tật) cũng như canh tác (thử nghiệm và trồng cấy các loại cây cỏ chịu đựng được hạn hán, sâu bọ) để cứu đói … Hẳn đây là những con người cho ta niềm hy vọng là xã hội con người sẽ tiến triển tốt đẹp hơn trước khi các bất ổn nảy mầm rồi bùng nổ?

TLL

Orlando, FL