Ngày nọ cũng khá lâu rồi, 5, 7 năm chi đó, Dế Mèn đọc một đoạn đối thoại qua lại, đại khái về câu chuyện lỡ làng và người viết ví von:
Tay cầm cành bứa
lệ ứa hàng hàng,
Viết đến đó rồi ngưng ngang, như thể ai cũng hiểu ẩn ý thầm lặng trong câu ca dao ngắn ngủi! Thế rồi người viết mất dấu như mối duyên mạng ảo tơ nhền nhện. Dế Mèn cứ ấm ức mày mò, hỏi tới hỏi lui mà chẳng được ai mách thêm tí gì nữa, có lẽ vì câu hỏi ấm ớ hoặc họ e ngại bị hỏi đố chăng?
Hỏi rằng tại sao cành bứa mà không là một cành gì khác? Cành bứa làm cay mắt nên mới có lệ ứa hàng hàng? Cành bứa màu sắc ra sao, đẹp xấu thế nào? Người xưa dùng ‘cành bứa’ chỉ để… lấy vần lấy điệu với ‘lệ ứa’? Nếu ta (cho nàng) cầm… quả dứa thì sao? Và bài ca dao kia hẳn sẽ trần tục mùi ăn uống?
Tay cầm quả dứa
lệ ứa hàng hàng
Lúc chưa ăn sao không hỏi
Giờ no kềnh mới bảo nhau?

Gửi bạn ta, người hỏi thăm chuyện “tay cầm”, Dế Mèn lục tủ mãi mới mò ra chuyện cũ rồi nhờ báo Trẻ chuyển giùm…
Cơ duyên chi mà nàng cầm cành bứa? Chàng trao cành bứa để dứt lời hẹn ước? Nỗi thắc mắc theo Dế Mèn nhiều năm vì chỉ biết có bấy nhiêu. Rồi ngày nọ cao hứng viết nhăng, đặt luôn cành bứa vào tay Chức Nữ mà kể chuyện bẽ bàng, tiếc nuối của một đôi tình nhân lỡ chuyến đò ngang. Và Dế Mèn phang đại mấy câu kế tiếp:
Thủa chưa xong sao không ngỏ
Giờ lỡ làng mới bảo nhau …
Viết xong rồi thì Dế Mèn hối cái nỗi đùa dai, biến câu ca dao trữ tình thành mấy hàng đùa giỡn nhăng cuội, quả là quá lắm! Xin ông bà tha tội cho con cháu to gan.
Hôm rồi vòng lại mạng ảo đọc ké phần ca dao, bạn [thơ] ảo Hereami rinh về từng bài, chao ôi là công khó, lòng yêu tiếng Mẹ phải tha thiết lắm nên người thơ mới chịu thương chịu khó lặn lội như thế? Đọc tới vần T và đến mục “Tay cầm” mới thấy… mộng, tìm mãi mới thấy, nên mừng như mừng gặp lại người xưa yêu quý, hoan hỷ vô cùng dù mấy câu ca dao kia kể chuyện ngang trái bẽ bàng.
Thì ra bài ca dao nguyên bản 4 câu nghẹn ngào kể chuyện hoa tàn đầy tiếc nuối như “Nụ Tầm Xuân” như thế này:
Tay cầm nhành bứa
lệ ứa hàng hàng,
Thuở xuân xanh sao không gặp,
đến lúc hoa tàn mới gặp nhau.
Nhưng tình thơm hương thì sá chi hoa tươi hay héo? Hoa tàn hay còn xuân? Hoa tàn thì hết biết… yêu? Nàng tiếc nỗi hoa xuân đã héo hay chàng tiếc? Người cầm cành bứa mà nước mắt ròng ròng thế kia hẳn là một phụ nữ (chớ đàn ông mà lệ ứa hàng hàng thì ai coi cho đặng?)? Và người phụ nữ kia phải tiếc mối tơ duyên ghê lắm mới khóc lóc như thế? Hay là đôi bạn hoa tàn đã … chim vào lồng, cá cắn câu như Nụ Tầm Xuân? Cơm đã chín nên xuân tươi hay xuân già chi cũng vậy? Không biết, bạn ơi, không biết! Dế Mèn đọc ca dao mà cứ hỏi tới hỏi lui vì tò mò thắc mắc, quên béng cái ý lơ lửng cho tình tứ của người xưa. Đại khái là nói mí mí để mặc người thế gian đoán già đoán non cho thêm phần huyền bí chứ tách bạch như hai với hai là bốn thì còn chi ca dao?
Chuyện “tay cầm” không chỉ dừng ở đó, nghĩa là ngoài cành bứa còn mấy món nữa, như:
Tay cầm nhành quế mà than,
Thuở xuân xanh không gặp bạn,
buổi hoa tàn gặp nhau.
Lần này đôi bạn cầm nhành quế, nhành quế khác với cành bứa như thế nào thì Dế Mèn không biết, mò vào Tự Điển thực vật thì chỉ sơ sơ mặt mũi nhành quế, còn cành bứa thì… bứa luôn vì phe ta không biết tên Anh ngữ là chi nên chả biết đường nào mà tìm! Đôi bạn này chỉ tiếc nuối chứ không khóc thương chuyện lỡ làng như đôi tình nhân nọ. Nhưng bạn bè mà cũng kén tuổi xuân? Vả lại nhành quế già hương vị mới nồng nàn thấm đậm chứ quế non đâu có mùi mẽ chi? Lại không hiểu cái nỗi nhành quế này, bạn ạ!
Có đôi bạn nọ đang hẹn hò và hình như đã đính ước. Không biết chàng hay nàng, “ai” trao cho “ai” mà dặn dò:
Tay cầm túi muối, túi gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.
Muối để trong bọc, trong túi [nhỏ] hình ảnh của việc gói ghém cẩn trọng [chắc chỉ để tượng trưng chứ công đâu mà khuân cả ký lô]? Củ gừng thì xem ra đầy đủ [nguyên củ]. Đôi tình nhân dùng hai món dân dã ấy để dặn dò, dù cay [đắng] như gừng hoặc mặn [chát] như muối, dù thế nào cũng gắn bó? Ngày trước không biết ông bà ta có muối gừng như người Nhật không, món gừng non dùng giấm và đường muối chua, gari, ăn chung với sushi? Hay cổ nhân Việt đã dùng gừng và muối như dược liệu?
Một câu chuyện tay cầm khác, tương tự như chuyện tay cầm muối cầm gừng:
Tay cầm nắm muối, quả mơ,
Mơ chua, muối mặn, ráng chờ đợi nhau.
Hai câu này thì vui vẻ hơn, có lời ước nguyền hò hẹn, mơ chua đi với muối mặn (thành mơ muối hay thêm cam thảo để thành ô mai mơ?) như gừng cay muối mặn mà chung thủy chờ nhau đến một ngày đẹp trời nào đó?
Tay cầm mơ, cầm muối mà quyến luyến, bịn rịn như thế thì chắc là đôi bạn kia hẳn đã có lần… cầm tay?
TLL