Tashkent (theo Uzbek: Toshkent) là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất vùng Trung Á, nằm về phía đông bắc trên lãnh thổ Uzbekistan. Tashkent hiện diện từ thế kỷ I trước Công Nguyên và mang nhiều tên gọi như Dzhadzh, Chachkent, Shashkent, Binkent, Tên gọi ‘Tashkent’ có nghĩa là “thành phố đá”, “Stone Village”, xuất hiện trong sách vở từ thế kỷ XI.
Đây là một địa điểm buôn bán trọng yếu trên con đường Tơ Lụa từ Âu Châu qua Đông Á của những đoàn thương buôn.

Soviet Statue

Vào thế kỷ VIII, người Ả Rập chiếm được Tashkent và cai trị vùng đất này mang theo tôn giáo mới, Hồi giáo, cho đến khi quân Mông Cổ thắng trận và đặt ra triều đại mới vào thế kỷ XIII. Kế tiếp là các triều đại Timurid (gốc Mông Cổ – Turkic) và Shaybanid cho đến khi trở thành một lãnh địa của Kokand năm 1809. Hoàng triều Nga, rồi khối cộng sản Xô Viết chiếm lãnh Tashkent từ năm 1865 và cai trị toàn cõi Trung Á cho đến năm 1991, Uzbekistan mới được độc lập. Từ năm 1930, Tashkent thay thế Samarkand để trở thành thủ đô của Uzbekistan.

Dế Mèn đến đây vào lúc nửa đêm về sáng trên chuyến bay khoảng 4 tiếng từ Istanbul nên lờ đờ mệt mỏi. Thủ tục nhập cảnh khá nhanh, ông cảnh sát trẻ tuổi mắt dài da trắng chỉ nói mỗi một câu ‘welcome to Uzbekistan’ rồi cười toe, đóng dấu tờ chiếu khán trên sổ thông hành, du khách Huê Kỳ cần chiếu khán trong khi du khách Liên Âu và một số quốc gia được miễn!

Một thủ tục hành chánh khá lạ lùng là tại mỗi nơi cư trú, du khách đều phải ghi danh và giữ tờ giấy thị thực của khách sạn, nghĩa là ta phải có giấy chứng thực là đã cư ngụ nơi nào trong thời gian thăm viếng đất nước này. Khi rời Uzbekistan, sở Di Trú khám xét đầy đủ rồi mới cho đi!

Thực khách ăn đứng chờ dĩa cơm được múc ra từ cái chảo khổng lồ.

Tashkent nằm giữa vùng kỹ nghệ canh tác của Uzbekistan, nông phẩm quan trọng nhất là cô tông, lúa mì, gạo, rau cỏ và dưa hấu chưa kể ngành trồng dâu nuôi tằm để lấy tơ. Phần lớn các hãng xưởng ở đây đều liên quan đến cô tông, từ lấy sợi đến dệt vải. Cũng tại đây, các trung tâm giáo dục (trường đại học lớn) và văn hóa (hý viện & viện bảo tàng) được mở cửa từ những năm 20 của thế kỷ trước.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Tashkent do đó trở thành trung tâm văn hóa và kinh tế của vùng Trung Á. Hôm phe ta ghé thăm, hý viện đang trình diễn chương trình ca vũ nhạc ballet “The Nutcrackers”, thường thấy ở New York trong mùa Giáng Sinh. Ðoàn vũ Tashkent gồm các vũ công địa phương, nhiều người được huấn luyện tại Nga Sô.

Trừ một vài di tích như Barakkhan Madrasah và lăng tẩm từ thế kỷ XV – XVI, vào năm 1966, thành phố chịu một trận động đất khá lớn, nhiều tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn. Ngoài việc trùng tu một số di tích cũ, các tòa nhà hư hại vì động đất được công nhân Nga xây cất lại. Không lạ là Tashkent giữ được nhiều nét đặc thù của thời Xô Viết dù các bức tượng Lenin đều bị kéo sập và bỏ xó sau ngày độc lập.

Chợ Chorsu Bazaar

Hiện nay dân số Tashkent khoảng 2.8 triệu người, mật độ dân cư đông nhất tại Uzbekistan và là nơi sinh sống của nhiều sắc dân từ Uzbek, Kazakh, con cháu người Mông Cổ mặt tròn mắt dài một mí, Armenian,Tajik, đến con cháu đại đế Alexander the Great mắt xanh lục, tóc đỏ hoe.

Người Nga đến đây từ thời Xô Viết, và phong trào di dân của Stalin mang theo người Triều Tiên, Volga German, và Crimean Tatar. Tạm hiểu, Tashkent là cái nồi “xà bần” khá đặc biệt, pha trộn nhiều bộ tộc từ mặt mũi hình dáng đến cổ tục và thói quen sinh hoạt. Cái nồi xà bần này vô cùng khởi sắc, vượt xa cái nồi xà bần Huê Kỳ mệnh danh “melting pot” về phẩm chất, cư dân mang nhiều sắc tộc khác nhau và giữ được nét riêng biệt thay vì chịu đồng hóa.

Trên phố xá, tên đường viết theo chữ Uzbek với mẫu tự La Mã, đôi khi kèm cả mẫu tự Cyrillic (dấu vết thời Nga), và người thành phố cũng gọi tên đường phố theo kiểu Nga, thí dụ như khu Osiyo ko’chasi được biết đến qua tên cũ là Moskovskaya. Ta tha hồ lộn tùng phèo! Dế Mèn đành dùng các công viên lớn như Amir Timur square để… đánh dấu chứ mò theo bản đồ thì chịu thua. “Amir” tạm dịch là “Ðại Ðế” hay “Ðại Hãn”, Timur được tôn vinh là vị vua lập quốc của người Uzbek, sẽ nói thêm về Ðại Hãn con cháu Thành Cát Tư Hãn này khi kể chuyện Samarkand, cố đô và lăng tẩm dòng họ vua Mông Cổ đều đặt ở đó.

Barak Khan Madrassah nơi lưu trữ cuốn kinh Qu’ran cổ nhất của thế giới, phe ta chỉ được chụp hình từ bên ngoài

Ðầu tháng Tư ở đây vào mùa Xuân, thời tiết rất mát mẻ dễ chịu dù nắng khá chói chang. Dế Mèn nghe nói mùa Hè trời nóng vô cùng, nhiệt độ lên đến 110 độ F và mùa Ðông lạnh cỡ 10 độ âm F! Nghĩa là chẳng cách chi mà đi lang thang ngoài đường phố trong thứ thời tiết khắc nghiệt như thế. Cư dân dùng hệ thống xe điện ngầm xây cất từ thời Xô Viết nên trạm metro trông từa tựa như các trạm xe điện ngầm ở Moscow, cũng trang hoàng tỉ mỉ với các bức tường lát gạch màu tươi sáng và sạch sẽ. Như trạm xe điện ngầm Kosmonavtlar trang hoàng theo kiểu mẫu không gian với các phi hành gia Nga Sô, ông Gagarin dẫn đầu.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Uzbekistan dùng đồng soum, theo hối suất hôm ấy, 1 Mỹ kim đổi được cỡ 8,300 soum, nghĩa là ta phải khuân bên mình một cọc tiền giấy, đổi từ ngân hàng sau khi xuất trình sổ thông hành, vì chẳng mấy hàng quán nhận thẻ tín dụng và máy ATM không mấy thông dụng. Lệ phí xe điện ngầm là 1,200 soum / mỗi chuyến, rẻ rề nên Dế Mèn cũng thử cho biết. “Vé” là một miếng nhựa tròn mỏng, token, kích thước vừa vặn với khe cửa tự động.

Metro sạch sẽ lại vắng vẻ và tiện dụng gấp mấy chục lần subway New York! Tashkent cũng có taxi nhưng không biết nói tiếng Uzbek, chẳng thể nào ta sử dụng phương tiện ấy trừ khi trao cho người tài xế địa chỉ ta muốn đến và hy vọng sẽ đến nơi như ý. Dế Mèn nghe nói ở thành phố ấy, tội ác rất hiếm hoi; phần đông cư dân là những người vui vẻ, hiền lành!

Bức tượng bà mẹ ngồi âu sầu nhìn ngọn lửa vĩnh cửu mới được xây cất từ thời độc lập.

Món ăn phổ thông quen thuộc của Uzbekistan là “plov”, nấu bằng một loại gạo hạt dài, ít tinh bột. Dế Mèn theo người dẫn đường đến quán địa phương, the Central Asian Plov Center, chuyên trị món “plov”. Họ nấu từng tảng thịt cừu, lượng mỡ và thịt bằng nhau, qua nhiều giờ, rồi đổ gạo đã ngâm qua đêm lên trên và dùng hơi nóng hấp cho chín. Khi cơm chín tới, hạt gạo còn nguyên không bị nát; cơm, thịt, đậu, mơ / mận khô thái mỏng… và mỡ được trộn đều trong chảo.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Voila, khách ăn đứng chờ đĩa cơm được múc ra từ cái chảo khổng lồ, có người bỏ thêm trái trứng gà hoặc miếng dồi thịt ngựa lên dĩa cơm còn nóng và trả tiền tại chỗ trước khi bưng dĩa cơm đến chỗ ăn. Dĩa cơm giá trung bình khoảng 1 Mỹ kim, khá lạ miệng nhưng nặng mùi mỡ cừu dù rất ít thịt, ngay cả món plov nấu với thịt bò cũng nặng mùi mỡ cừu!

Một món địa phương khác khá quen thuộc là “somsa”, một loại “bánh”, vỏ bột bao quanh nhân khoai, thịt hoặc bí đỏ và chiên bằng mỡ cừu! Ngoài mấy món ăn phổ thông của vùng Trung Á, một số thức ăn xuất xứ từ Nga cũng được dân địa phương tận tình chiếu cố như món canh / soup bắp cải hầm với cà rốt và đuôi bò, borscht, và món bánh hấp pelmeni dumpling với thìa là.

Từ trung tâm thành phố là Independence Square nơi đặt các tòa nhà hành chánh, đài tưởng niệm nạn nhân chiến tranh, stadium

Thức ăn lạ miệng nên phe ta chịu làm quen nhưng quen thế nào thì quen, chỉ được dăm ngày là đầu hàng, mấy hôm sau chỉ nhấm nháp bánh mì với bơ, rồi dưa leo và cà chua. Hai món “rau” này thì Dế Mèn công nhận là rất ngon, đầy đủ hương vị của rau tươi. Ði ta bà ba tuần lễ, về tới nhà thấy mình rơi mất 5-6 cân Anh dù không bị Tào Tháo rượt chạy đổ mồ hôi như mấy người cùng nhóm du khách!

Chorsu Bazaar là ngôi chợ cổ nhất thành phố, bán đầy đủ mọi thứ rau cỏ, bánh mì, thịt… và cả những vật gia dụng. Mới đến Tashkent nên phe ta chỉ ngó mà chẳng mua thứ chi vì sợ phải khuân vác món hàng suốt hành trình chưa kể nỗi ngại ngần mua bán phải trả giá rồi thể nào cũng… hớ!

TLL

Orlando, Fl