Những ngày dài cấm túc thủng thỉnh đi qua nhưng khối chuyện… ở lại, quanh quẩn vướng mắc trong tâm trí. Phe ta nhìn người, nhìn… đời rồi so sánh, chuyện này sang chuyện khác, lan man từ không gian đến thời gian.

Chuyện những ngày làm việc sinh sống bên Âu Châu được bưng ra nhìn ngắm rồi đưa lên bàn cân để đo đếm. “Ngày xưa”, khoảng chục năm trở lại, được / bị so sánh với “ngày nay”. Trước các biến cố ở tầm mức quốc gia, cư dân mỗi vùng hành xử ra sao? Việc nơi này có thể đem ra so sánh với chốn khác?
Nói chung chung (sửa soạn mặc áo giáp, đội nón sắt) bên Âu Châu, dân trí cao. Người Âu xem ra hiểu biết về tình hình chính trị, xã hội một cách rõ ràng, chi tiết và không chỉ hiểu biết về nơi họ sinh sống mà biết về cả chuyện từ những đất nước xa xôi. Dế Mèn còn nhớ như in chuyện ông tài xế taxi tại Zurich, ổng biểu… tui không hiểu tại sao người Huê Kỳ làm rùm beng việc ông Clinton và Monica L.? Ðại khái là chuyện chẳng có gì mà ồn ào tốn giấy mực (và tốn khẳm tiền bạc ngân khố) như thế, và không phải chỉ ông tài xế taxi ấy mà cả người tiếp tân tại khách sạn khi cầm sổ thông hành của Dế Mèn cũng phát biểu tương tự… Ồ, từ Huê Kỳ tới hử, ông tông tông bị đàn hặc về chuyện ruồi bu?…

Thì ra người dân thường ở nơi xa cũng đọc báo, cũng xem TV, cũng để ý đến nước Cờ Hoa để góp ý và… lắc đầu trước việc làm của cư dân nơi ấy. Từ mấy chi tiết lặt vặt như thế ta có thể đoán rằng cư dân Âu Châu dường như quan tâm đến tình hình thế giới trong khi người Huê Kỳ không mấy ai rành rẽ các địa danh vùng Trung Á hay Phi Châu. Chưa hết, cư dân Á Châu xem ra cũng tỏ tường chuyện thế giới: Ngày ông Trump đắc cử tổng thống, phe ta đang đi chơi bên Cam Bốt. Lúc đến xem [lại lần nữa] thắng tích Angkor Wat ở Siem Reap, người soát vé liếc qua sổ thông hành rồi cười toe nói bằng tiếng Anh… À, Huê Kỳ có tổng thống mới… chỉ nửa buổi sau ngày bầu cử!

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Cách hành xử của người Âu Châu xem ra cũng có phần khác biệt so với cư dân Huê Kỳ, họ có vẻ thầm lặng, vui buồn nếu tỏ lộ cũng không ầm ĩ cho lắm, nhất là cư dân vùng Bắc Âu. Người Âu Châu ở những vùng đất khá giả chịu chấp nhận những chính sách mang lại lợi ích chung như y tế, giáo dục. Ðiển hình là việc chịu đóng thuế cao để có quyền lợi chung, trường học cũng như bệnh viện công lập đều có cùng cách hoạt động. Bệnh viện nào cũng từa tựa như nhau, những căn bệnh trầm kha đều được chữa trị theo tiêu chuẩn đặt sẵn như số ngày cầm cự, loại thuốc men sử dụng… sau đó là hội đồng y khoa quyết định có tiếp tục chữa trị hay không dựa trên xác suất / tỷ lệ sống sót của chứng bệnh ấy. Tòa án ở đó chẳng mấy khi chấp nhận việc phán xử các vụ án liên quan đến “medical malpractice”, đến quyết định của hội đồng y khoa hoặc dựa trên tiêu chuẩn / chính sách y tế. Bệnh viện, bác sĩ do đó không theo ý thân nhân mà cù cưa, chờ đợi cho đến khi cả gia đình người bệnh đồng thuận như ở Huê Kỳ. Lý do? Một người bệnh [hết thuốc chữa] mà cù cưa, lần lữa kéo dài ngày tháng thì sẽ tiêu xài hết ngân sách y tế dành cho những người đau ốm kế tiếp, và chẳng có kho tiền nào bất tận.
Về mặt chính trị, không thích đảng cầm quyền thì bỏ phiếu chống, và khi kết quả bầu cử không như ý thì họ cũng chấp nhận và lẳng lặng chờ cơ hội kế tiếp. Cứ tuần tự như thế trong khi dân Huê Kỳ thì đả phá ồn ào, rầm rộ, từ việc thưa kiện bệnh viện đến kêu nài, nhờ cậy vị dân biểu nào đó lên tiếng hô hoán “lý do nhân đạo” để ép bệnh viện làm theo ý riêng. Và nhiều thí dụ khác…
Chuyện cũ thì như thế và chuyện mới cũng chẳng khác bao nhiêu. Trước đại dịch, cư dân mỗi quốc gia Âu Châu phản ứng khác nhau. Người Thụy Ðiển chấp nhận kết quả thương vong và tiếp tục sống theo ý muốn, chẳng ai phiền hà ai, người nào tới … số thì đem chôn cất. Kẻ mạnh khỏe vẫn tiếp tục đến quán ăn, ra tiệm làm đẹp… gật gù theo dõi các con số liên quan đến Covid-19, xem xong rồi bỏ.
Người Ý chịu tổn thất [trước] rồi chịu sinh sống theo ý muốn [sau] vì… sợ; đã thấy quan tài xếp lớp chờ chôn cất nên chịu bó chân trong nhà; họ cũng tương lân trong việc trợ giúp hàng xóm láng giềng gần xa. Người Tây Ban Nha cũng hết hồn một dạo nên chịu cách ly.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Nhìn quanh trên đất nước Huê Kỳ, trong đại dịch, người chết rồi thì đem chôn. Hàng trăm ngàn người ấy chẳng thể nào góp ý kiến ý ong chi về việc phòng ngừa. Mấy trăm ngàn người khác bị nhiễm trùng nhưng thoát chết thì dè dặt hơn, chịu ngồi trong nhà chờ trận dịch đi qua trong khi những người khác thì ào ào xông ra đường vì cuồng chân cuồng cẳng. Có người vứt con thơ trong xe để rảnh rang mà đi làm móng tay. Kẻ chen vai thích cánh quanh quầy rượu…

Bó gối chịu trận trong nhà đã mang đến khá nhiều rối loạn từ gia đình đến cộng đồng lớn nhỏ trong xã hội. Con nít người lớn những người phải ở yên một chỗ đã khó chịu lắm rồi, khó chịu đến có thể phát điên. Các ca bệnh tâm thần đang gia tăng cấp kỳ. Kẻ bị hoảng loạn (anxiety), người bị trầm uất (depression), mất ăn mất ngủ vì lo âu, hoang mang, sợ hãi rồi cả những người lên cơn nóng giận, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với thân nhân vì không có chỗ phát tiết sự bực tức. Chưa kể những người mất công ăn việc làm, cơ sở buôn bán chịu lỗ lã nặng nề vì đại dịch. Có người tự tử vì không chấp nhận được công lao khó nhọc đang tan thành mây khói vì đại nạn Covid-19.
Ði ăn uống, cắt tóc, tắm biển đã đành, bất kể luật cách ly, nhưng còn súng ống áo giáp như khi ra trận để biểu tình, thách thức nhà cầm quyền địa phương, để đòi tự do [chết?] thì quả là điều đáng lo âu. Lo âu về sự rối loạn của xã hội khi luật pháp không được tuân hành. Nỗi lo âu về tài chánh đã trùm lấp đại nạn y tế công cộng? Hoặc giả việc kinh tế suy trầm, nạn thất nghiệp tràn lan khiến chính khách hoảng hốt vì cuộc bầu cử gần kề? Họ làm đủ mọi cách để cứu vãn con thuyền kinh tế đang chênh vênh, theo ý muốn người biểu tình để được tại vị ít lâu nữa?

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Ðại dịch Vũ Hán khiến thế giới xính vính, xã hội đảo lộn vì hoang mang, sợ hãi và túng thiếu tiền bạc. Trong cơn hoạn nạn, vài ánh sáng đang le lói cuối đường hầm. Ánh sáng của ngành khoa học nghiên cứu thuốc chủng ngừa. Chưa bao giờ ta có 90+ sản phẩm cùng loại được các nhà khoa học ngày đêm bào chế và thử nghiệm đồng loạt. Bình thường, thế giới chỉ có khoảng 5-8 món được các hãng bào chế tranh giành xem công ty nào đến đích trước, kẻ dẫn đầu bao giờ cũng ưu tiên, từ danh tiếng đến tiền bạc. Kẻ đến sau, dù chỉ hạng nhì, sẽ gặp các trở ngại về luật kiểm nghiệm, sản phẩm đầu sẽ được dùng làm tiêu chuẩn, và công ty đến sau sẽ phải chịu theo các tiêu chuẩn ấy, chưa kể việc tranh giành thị trường chứ không một mình một chợ… tha hồ làm ăn!

Covid-19 đã thúc đẩy khoa học hoạt động hiệu quả hơn (tài trợ ào ạt và được các tiêu chuẩn kiểm nghiệm dễ dàng), trăm hoa đua nở nên bá tánh sẽ có nhiều cơ hội được dùng các sản phẩm tương đối an toàn và hiệu quả (nhưng mất đi các dịp thưa kiện hãng bào chế đưa ra sản phẩm chưa đủ an toàn như luật định trong “thời bình”!)
Tóm lại là nhìn quanh, ta có vô khối chuyện để ngẫm nghĩ về cách sinh sống từ mỗi địa phương, cư dân hành xử như thế nào thì xã hội [của họ] hình thành từa tựa như thế. Khi cư dân bình tĩnh, giữ tinh thần trách nhiệm và tương lân thì xã hội bình an. Nhưng ngay cả tại những vùng đất hỗn loạn, thỉnh thoảng cũng có vài con én xuất hiện và vẫn mang đến mùa Xuân; đây là lý do để con người tiếp tục hy vọng?!

TLL