Đặt trước cửa là tấm hình ba đôi giày nằm trên thảm, nhắc khách thăm viếng bỏ giày dép ngoài thềm cửa trước khi bước vào nhà. Lâu lắm rồi Dế Mèn mới đến một nơi chủ nhà muốn khách tháo giày cởi dép ngoài cửa và đi chân đất vào nhà. Phe ta tính đi… luôn nhưng đã đến nơi chẳng lẽ lại quay về thì cũng ái ngại quá, biết cáo lỗi thế nào cho suôn sẻ? Chẳng biết nền nhà kia lau chùi sạch sẽ cỡ nào? Bao nhiêu con người giẫm chân qua đó? Dế Mèn nghĩ ngay đến những nấm mốc ẩn trú trên nền nhà mà nản lòng.

nguồn: buggyandbuddy.com 

Năm nọ ghé thăm nhà H. nền gỗ, chàng lại thích đi chân mang bít tất cho êm ả, H. không thích tiếng lộc cộc do giày dép khua rộn trên nền nhà. Thế là chàng đặt một cái rổ lớn những đôi bít tất sạch để người thăm viếng như Dế Mèn đây có thể tháo giày và dùng bít tất đi trong nhà. Chao ôi là nhiêu khê nhưng lâu lâu mới ghé thăm nên phe ta cũng hoan hỷ làm vừa ý chủ nhà.

Lần khác, phe ta đi xem đền thờ Hồi Giáo, tín đồ nằm phục trên thảm đầu chấm đất lễ bái năm lần mỗi ngày. Vào đền thờ, ta cũng phải tháo giày dép, biết trước nên Dế Mèn mang theo một đôi bít tất, đến cửa bỏ giày là phe ta có cái chi đó bọc đôi chân.

Như thế ít ra vài lần, Dế Mèn tháo giày và đi chân không mà sao hôm nay vẫn áy náy?!

Chuyện chân đất chân không thì cũng chẳng có gì để đặc biệt, nhưng sau lần đọc câu chuyện đôi giày của bác K. thì Dế Mèn nhìn ngắm mấy đôi giày trong tấm hình ấy kỹ lưỡng hơn, tỉ mỉ hơn.

Ðôi giày thứ nhất là một đôi giày để chạy bộ, đế giày bằng cao su dày, đủ để “thấm” lực “chỏi” lại mỗi khi bàn chân giáng xuống mặt đất, màu xanh xám với những viền đen. Chủ nhân có thể là một người giản dị.

Ðôi giày thứ nhì là một đôi giày phụ nữ, gót chừng 3 phân, thuộc loại “lèng xèng”, kiểu giày đi cho êm chân, mũi giày hầu như vuông, mấy ngón chân người chủ có thể xòe ra dễ dàng trong lòng đôi giày. Ðây là đôi giày của một người thích sự thoải mái, dễ chịu.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Ðôi giày thứ ba nổi bật, màu đỏ chói, có những viền đen kiểu cọ, gót giày cao đặc, kiểu gót có tên “stack heel” rất phổ thông thời thượng. Ðôi giày có vẻ hơi lạc điệu, nhìn thoáng Dế Mèn nghĩ đến những đôi giày gót nhọn, spike heel, lênh khênh của những phụ nữ thích thời trang và hay làm đẹp.

Ðôi giày thứ nhất và thứ nhì nằm song song bên nhau, mũi giày hướng về phía cánh cửa, đôi giày thứ ba kênh kiệu là thế mà chủ nhân của nó lại đặt hai chiếc giày nằm ngang, mỗi mũi giày hướng về một phía và đón đầu hai đôi giày kia. Chủ nhân của nó khi đi giày hẳn phải trong thế đứng dàn hàng chắn mũi hai người kia?

Dế Mèn tẩn mẩn nhìn ngắm hình ảnh mấy đôi giày trên nền nhà khi đứng vẩn vơ ngoài cửa. Trời mùa Xuân nắng vàng tươi êm ả quá nên không vội gõ cửa để vào bên trong.

Hình ảnh mấy đôi giày theo Dế Mèn về nhà cho đến hôm nọ, ngồi ngó trời đất rồi phe ta động tâm nghĩ đến việc “vẽ lại” mấy đôi giày kia theo trí nhớ của mình. Thế là bức tranh thêu thành hình.

Bối cảnh là một nền đất xanh xám. Ðôi giày thể thao bây giờ là một đôi săng đan có quai to bản nằm vắt ngang, phía gót là quai sau. Cái quai to bản có màu xám nhạt, trên đôi quai phe ta cẩn thận thêu thêm hai con chim đầu đỏ thân vàng đang mớm mồi. Ðôi quai sau màu đỏ. Thế này là đôi giày thể thao biến dạng thành đôi săng đan của phụ nữ, chẳng có ông nào dám dùng một đôi giày sặc sỡ như thế trừ khi lên sân khấu mà sắm một vai trò đặc biệt nào đó? Hai chiếc giày nằm sát bên nhau, gắn bó.

Ðôi giày êm ái hôm nọ bây giờ cũng hóa thân thành đôi dép có viền trắng, gần như đôi hài của người Á Ðông, mũi hài thêu mặt con mèo (hay ít ra là lúc bắt đầu Dế Mèn định như thế nhưng lúc thêu xong ta lại có một hình ảnh khác? Con vật nào đó nhận không ra?). Trong tấm hình, phe ta cho hai con mèo trên mũi hài nắm tay nhau. Hai con mèo đỏ nổi bật trên đôi hài màu xám đậm.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Hai đôi dép trong tranh vẫn đứng bên nhau như hôm nọ trong đời sống. Ðôi giày thứ ba, vẫn đôi giày màu đỏ rực rỡ, thắt những dải băng vàng, trên giày Dế Mèn thêu hai đứa trẻ mặc áo hồng đang nhảy dây, hai chiếc giày nằm ngang là bốn đứa trẻ. Ðôi giày đỏ vẫn chắn mũi hai đôi giày nọ như trên thềm cửa của căn nhà hôm ấy.

-oOo-

Vừa Văn Vừa Vẽ

Có những đoạn văn ta đọc 30 lần mà vẫn không hiểu tác giả muốn gửi gắm cái chi, hồi xửa hồi xưa, bá tánh đặt tên cho câu kệ bí hiểm là văn chương “khều mặt trời”.

Có những tấm hình ta nhìn hoài mà không bao giờ nhận ra vật thể hay ý tưởng gửi gắm của người vẽ, giới “vẽ vời” đặt tên là “abstract” diễn nôm na là “trừu tượng”. Trừu tượng quá nên ngoài hoạ sĩ, người xem le lưỡi chào thua?!

Có những tác phẩm kể chuyện buồn rầu không vui, day dứt nhưng lại chưng hình hân hoan toe toét, hay hấp dẫn hơn, hình một người đẹp thiếu quần thiếu áo, mắt lim dim… nghĩa là vỏ và ruột cãi nhau, đối chỏi chan chát. Phải chăng đây cũng là một hình thức quảng cáo? Cha /mẹ dùng sự tương phản để giới thiệu đứa con tinh thần và để thu hút người thưởng ngoạn? Ấy là chuyện cố ý, tác giả là người huyền ảo (?), bí hiểm (?), thu hút bá tánh qua việc khêu gợi sự tò mò, càng khó hiểu càng hấp dẫn?

Con bé Dưa Muối ở nhà vẽ một ngày cả chục bức tranh, tường không có chỗ để treo nên Mẹ Mìn dạy cháu việc tái dụng (recycle) rất sớm. Mẹ Mìn biểu rằng giấy cần được tái dụng, dùng xong bỏ vào một thùng giấy để đem đi “rửa sạch” rồi dùng lại. Thế là các tác phẩm của cháu kể cả bức tranh Dưa Muối vẽ mẹ cháu cầm cái… chổi quét rác với tựa đề “Mommy and a broom” được nhìn ngắm cẩn thận rồi bỏ vào thùng đựng! Con bé hoan hỷ chấp nhận như thế vì nó hiểu xả rác thì xấu lắm!

Hôm thứ Hai vừa rồi, nhìn Dưa Muối cặm cụi, Dế Mèn hỏi nó vẽ (vời) cái chi vậy. Nó biểu vẽ… bác đang đi đến đích (finishing line), đàng sau là cột cờ, nó đứng sau lưng và mẹ cháu thì đứng chót, mỗi hình nhân một màu, trên ngực để tên đàng hoàng, Dế Mèn được chữ A (auntie), nó có chữ K và Mẹ Mìn mặc chữ M. Nghe con bé giải thích như thế phe ta định hỏi tiếp, tại sao bác lại chạy đua như thế, hình ảnh hay câu nói nào khiến đứa bé kia vẽ tấm hình này?

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Phần này là phần… bí hiểm và bí mật, con nhỏ lắc đầu quầy quậy không trả lời câu phỏng vấn đại loại như trong tình huống nào mà họa sĩ vẽ (vời) như thế. Mẹ Mìn với cái chổi thì thấy hà rầm nên khỏi cần hỏi nhưng bác Dế Mèn có chạy đua bao giờ đâu mà đến hay không đến đích? Ấy là chuyện lặt vặt của bác cháu Dế Mèn, Dưa Muối nhỏ xíu như thế nhưng bộ óc kia hoạt động không ngừng và bác nhìn ngắm cháu mà vỡ ra một vài thứ về đời sống chung quanh.

Thấy con bé cẩn thận phụ chú tác phẩm của nó, Dế Mèn bắt chước làm in như vậy, lấy câu “vừa Văn vừa Vẽ “ làm châm ngôn, vẽ vời xong là giải thích tỉ mỉ kẻo khi chưng ra bức tranh ba đôi giày mà nhỡ người thưởng ngoạn lại vô tình hỏi rằng, hai cái khối trước đôi giày có phải là… mấy cục gạch không thì buồn chết.

Ðược tặng giải an ủi về hai con (mèo) chuột là Dế Mèn hoan hỷ vô cùng, ít ra có người nhìn thấy đó là bức tranh thêu hai con vật!

-oOo-

Bây giờ nhìn ngắm “tác phẩm” đóng khung treo tường rồi băn khoăn tự hỏi có cái chi khiến phe ta tẩn mẩn nhìn ngắm vật thể nọ, mang theo trong tâm trí rồi tỉ mỉ làm lại hình ảnh lạ lẫm kia? Ðôi giày là thứ gần gũi thân quen, tầm thường nhưng cần thiết? Khi hai mũi giày hướng về một phía thì ta có thể đi và đi rất nhanh? Khi hai mũi giày chia đường thì chủ nhân ở giữa, tiến thoái lưỡng nan?

Trong đời sống có bao nhiều lần ta lơ lửng như thế nhỉ? Tùy theo nơi đứng, ta sẽ đi xuôi hướng hay ngược đường?

TLL