Tội nhân là những người vi phạm luật lệ theo tiêu chuẩn đạo đức hoặc định nghĩa của luật pháp địa phương. “Tội” có thể là “lỗi” [nhẹ] hoặc nặng [tội ác]. Ngày nay, bất kể nơi nào trên thế giới, giết người hoặc đả thương kẻ khác được xem là tội ác và mức độ nặng / nhẹ có phần gia giảm tùy theo hoàn cảnh phạm tội. Sau khi bị xét xử và trừng phạt theo bản án, tội nhân bị giam tù hoặc bị đưa vào viện tâm thần.
Trong tù hoặc trong viện tâm thần, một số tội phạm / bệnh nhân đã đến với nghệ thuật như một cách tiêu xài thời giờ hoặc “giải thoát” các ẩn ức sâu kín của tâm linh. Không thể dùng lời, hẳn tác giả đã dùng tác phẩm để truyền tải ý nghĩ, để “nói” với thế giới chung quanh, cầu mong một cảm thông? “Nghệ thuật vị nhân sinh”?
Từ thế kỷ trước đã có những phòng triển lãm, viện bảo tàng lớn nhỏ trên thế giới trưng bày tác phẩm của tội nhân. Người khởi đầu công việc sưu tầm và lưu trữ những tác phẩm của bệnh nhân [bệnh tâm thần], tội nhân và nghệ sĩ “đường phố” là ông Jean Dubuffet, cũng là một nghệ sĩ. Nhận ra những nét đẹp tiềm ẩn trong các tác phẩm lạ lùng, sáng tác không theo bài bản cố định, kiểu “ngoài luồng”, chưa được giới thưởng ngoạn nhìn nhận nên ông nghệ sĩ “tài tử” bắt đầu lưu trữ và đặt tên các tác phẩm này là “Art Brut”, tạm dịch “nghệ thuật sơ khai”.
Năm 1971, ông Dubuffet hiến tặng thành phố Lausane, Thụy Sĩ, toàn bộ sưu tập của mình và từ đó, người thế giới bắt đầu chú ý đến trường phái nghệ thuật “sơ khai” kể trên.
Một lần có dịp ghé Lausanne, đến thăm và nhìn ngắm các tác phẩm trưng bày mà bàng hoàng, phe ta ngẩn ngơ trước sự phong phú của bộ sưu tập; đủ mọi thể loại từ tranh vẽ đến những tác phẩm nặn bằng đất nung, uốn bằng sợi thép hoặc ghép bằng các mảnh gỗ, mảnh sắt từ vật phế thải… Mỗi tác phẩm biểu hiện sự say mê, giằng xé nội tâm, đau đớn … của tác giả. Nhiều năm rồi, Dế Mèn chỉ còn nhớ được một ít tác phẩm qua các tấm hình cỡ post card bán tại quầy lưu niệm, rõ ràng nhất là tấm hình [chụp lại từ bức họa] có đứa trẻ gái; hai con mắt trong veo ngây thơ với dáng đứng khêu gợi, tay vén áo đầm màu sắc rực rỡ với bộ sinh dục của bé trai… Tấm hình nọ ám ảnh phe ta rất lâu mới chìm vào quên lãng nhưng thỉnh thoảng lại nghĩ đến “nó” như lúc này. Mỗi lần nhớ tới viện bảo tàng bỏ túi kia là lại tò mò, thắc mắc về tâm tưởng của tác giả, một tù nhân phạm tội ấu dâm.
Ở những nơi khác như Đức, Prinzhorn Collection là một viện bảo tàng đặc biệt dành riêng để trưng bày tác phẩm của những bệnh nhân [bệnh tâm thần]. Đây là một bộ sưu tập rất lớn, khoảng 6 ngàn tác phẩm bao gồm nhiều thể loại từ tranh màu nước, tranh sơn dầu, hình vẽ, tượng… đến các tấm vải dệt tay và văn chương… Mọi tác phẩm đều do bệnh nhân sáng tạo và do bác sĩ Hans Prinzhorn (1886–1933) sưu tầm, lưu trữ trong thời gian làm việc tại Psychiatric Hospital of Heidelberg University. Ông Prinzhorn cũng là một sử gia về nghệ thuật. Bộ sưu tập ấy bao gồm nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ danh tiếng như Else Blankenhorn, Franz Karl Bühler, Karl Genzel, Paul Goesch, Emma Hauck, August Klett, August Natterer, Agnes Richter, Joseph Schneller, Barbara Suckfüll và Adolf Wölfli.
Trong những năm 1919 – 1921, hai bác sĩ Hans Prinzhorn và Karl Willmanns đã gửi thư đến các bệnh viện [chữa trị bệnh] tâm thần tại Đức và các địa phương dùng tiếng Đức để xin tác phẩm của bệnh nhân điều trị nơi đó với mục đích thành lập một viện bảo tàng trưng bày tác phẩm của họ. Hai ông đã khởi xướng ngành nghệ thuật có tên “psychopathological art”.
Năm 1922, bác sĩ Prinzhorn cho xuất bản cuốn “Artistry of the Mentally Ill” với những hình ảnh từ bộ sưu tập kể trên. Cuốn sách được thế giới hoan hỷ đón nhận ngay sau khi phát hành và được xem là “the Bible of the Surrealists”, nền móng của ngành nghệ thuật “hiện thực”. Cho đến ngày nay, cuốn sách vẫn giữ vị thế quan trọng ấy sau nhiều lần được bổ túc và chuyển ngữ.
Năm 2001, giảng đường của khu Thần Kinh trong the Centre for Psychosocial Medicine, chính thức trở thành nơi triển lãm Prinzhorn Collection. Các cuộc triển lãm khắp nơi trên thế giới tiếp tục trưng bày nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập này, tiêu biểu của ngành nghệ thuật “ngoài luồng”, cho đến ngày nay.
Tại Hoa Kỳ, The Living Museum (nằm trong khuôn viên của viện Creedmoor, một trung tâm chữa trị bệnh tâm thần xưa cũ tại quận Queens thành phố New York) được thành lập năm 1983 do 2 ông Bolek Greczynski và Janos Marton khởi xướng. Tiến Sĩ Tâm Lý Marton bắt đầu sưu tầm tác phẩm của bệnh nhân trong khi làm việc tại Creedmoor; ông này cùng người bạn nghệ sĩ Greczynski đồng tâm góp sức sưu tầm và trưng bày các tác phẩm kể trên với mục đích nhìn nhận bệnh tâm thần và cổ võ khái niệm người bệnh cần được lưu tâm để chữa trị đúng mức.
Ông Greczynski qua đời năm 1995; người đồng hành Marton tiếp tục điều hành Living Museum, hoạt động như một nơi làm việc của nghệ sĩ, art studio, và cũng là phòng triển lãm. Viện bảo tàng này sử dụng phòng ăn [cũ] của Creedmoor; khung cảnh cũ được giữ nguyên, sơn tróc loang lổ, bếp lò han rỉ… làm nổi bật sự tươi sáng rực rỡ của các tác phẩm trưng bày, phản ảnh sự khao khát đời sống dù bệnh tật khiến người bệnh bị tách rời khỏi xã hội bên ngoài.
Một số tác phẩm tại Living Museum được đề cao tương tự như những tác phẩm trưng bày tại những viện bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng của New York như MOMA hay the Whitney.
Sự liên quan giữa bệnh tâm thần và tội ác
Tại Hoa Kỳ, thống kê của bộ Tư Pháp liên bang cho thấy 40% tội nhân [bị giam tù] là những người trí tuệ dưới mức trung bình hay “thiểu năng”, gọi chung là “Intellectual Disability” [ngày trước là “Mental Retardation” hay “trì độn”). Họ kém khả năng hiểu biết, thiếu khả năng thích nghi với hoàn cảnh sinh sống và thiếu khả năng giao tiếp với xã hội chung quanh. Khoảng 20% khác có triệu chứng của MID hay “Mild Intellectual Disability”, bị thiểu năng nhưng ở mức độ nhẹ, khó nhận biết. Tạm hiểu là những người phạm tội ác phần đông bị “thiểu năng”; sự khiếm khuyết về các khả năng cần thiết kể trên khiến tội nhân thường dễ nóng giận, hung hăng, hành xử quá đáng vì không thể tự kiểm soát bản thân dẫn đến phạm tội. Sau khi bị giam tù vì tội ác, được trở về với đời sống hằng ngày, vẫn gặp các khó khăn cũ nên họ thường tái phạm. Cái vòng lẩn quẩn “phạm tội-tù tội-thả-phạm tội” tiếp diễn.
Theo luật pháp, sau khi xét xử, tùy theo mức độ của tội ác, tội nhân bị giam tù. Giam hãm tù nhân có nhiều mục đích, trừng phạt (lấy đi tự do) và cô lập hung thủ để bảo vệ xã hội (ngăn ngừa tội nhân tiếp tục xử ác.)
Ngày nay, thiểu năng được xem như một chứng bệnh tâm thần và đang được tìm hiểu để chữa trị hầu giảm thiểu hậu quả của bệnh tật. Chữa trị chứng thiểu năng của tội nhân, khi thành công, sẽ phục hồi nhân phẩm của người bệnh, giúp họ thích nghi với đời sống chung quanh và nhất là tiết giảm gánh nặng tài chánh của xã hội (bắt giữ, xét xử, giam tù…).
Tác phẩm của bệnh nhân, của tội phạm mỗi người mỗi vẻ nhưng tựu trung vẫn là những biểu hiện của giằng xé, phẫn nộ nội tâm hoặc sự khác thường của những tâm hồn bất đồng không hòa nhập với người chung quanh. Đốt nhà, hiếp dâm, hành hung, giết người… các tội ác đến từ mất tự giác, không còn tự kiểm soát hành động. Khuyên can, hướng dẫn mang lại ít nhiều hiệu quả nhưng dường như chỉ nghệ thuật mới có thể xoa dịu phần nào những thương tổn sâu kín của các bệnh nhân ấy?!
Khi được nhìn ngắm các tác phẩm “ngoài luồng” này rồi đọc thêm về tiểu sử của bệnh nhân / tù nhân thì Dế Mèn chạnh lòng lắm, cảm xúc lẫn lộn. Kinh hoảng xen lẫn với thương xót những con người đơn độc, bị bệnh tật giam hãm, trói buộc; không thể hòa nhập với xã hội chung quanh, họ thúc thủ, chỉ biết giải tỏa các ẩn ức trong tâm hồn bằng hành động rồi chịu hình phạt của xã hội vì gây ra tội ác.
Sử dụng nghệ thuật sáng tạo hoặc nghệ thuật trình diễn để xoa dịu các giằng xé nội tâm cũng như giúp người bệnh / tù nhân tìm ra lối “giải thoát” là một phương thức trị liệu tương đối mới; những chi tiết về kết quả trị liệu còn đang được các chuyên viên thu góp nên chưa được xã hội công nhận [và tài trợ].
Riêng Dế Mèn thì động tâm vì tâm niệm rằng ai cũng cần được trợ giúp và cơ hội để thay đổi sửa chữa. Phục hồi xem ra hiệu quả hơn là trừng phạt?!
Ý bạn?
TLL
Vào năm 1938, Carl Schneider, sếp lớn của Psychiatric University Hospital, đã trưng bày bộ sưu tập kể trên trong cuộc triển lãm lưu động “Entartete Kunst” (“Degenerate Art”, tạm dịch “Nghệ thuật bệnh hoạn”) ám chỉ tính cách “bệnh hoạn” của ngành tân nghệ thuật. Mãi đến năm 1963, ông Harald Szeemann tìm lại được Prinzhorn Collection và đem triển lãm một số tác phẩm trong bộ sưu tập ấy tại Kunsthalle Bern, Thụy Sĩ. Phần lớn các tác phẩm đánh cướp, trộm cắp của Nazi được chôn giấu tại Thụy Sĩ khi quân đội ấy tan hàng và người ủng hộ âm thầm giấu giếm của phi nghĩa khắp Âu Châu.
Viện Creedmoor được thành lập năm 1912, bắt đầu với 32 bệnh nhân; đến năm 1959, số bệnh nhân đã lên đến 7 ngàn người. Họ được chữa trị trong một khu vườn rộng 300 mẫu, gồm 50 tòa nhà, vườn, hí viện … và những phương tiện sinh hoạt khác. Bệnh nhân làm việc trong nhà bếp, phụ giặt giũ, trồng tỉa rau củ và nuôi gia cầm làm thực phẩm.
Khi xã hội chuyển hướng vào năm 1960, tiết giảm việc tập trung bệnh nhân để chữa trị lâu dài, nhiều bệnh nhân được chữa trị ngắn hạn và đưa về nhà sinh sống với gia đình vì chuyên gia xã hội cho rằng cô lập bệnh nhân [dù chỉ để chữa trị] là một hình thức giam hãm tù đày.
Creedmore ngày nay bị thu hẹp, chỉ còn khoảng vài trăm giường bệnh. Nhiều tòa nhà bị bỏ hoang hoặc được sử dụng cho các mục đích khác.