Trời đất có thời tiết, mùa màng (tại sao ‘mùa’ đi kèm với ‘màng’ thì Dế Mèn không biết?) xuân hạ thu đông nhưng con người lại có thêm vài thứ “mùa” khác là mùa gặt, mùa thuế… Ở Huê Kỳ như câu nói “Chẳng có gì vĩnh cửu bất biến như thuế [má] tại đất nước này” thì mùa thuế quan trọng lắm lắm. Hẳn bá tánh đặt tên “mùa thuế” là vì vào thời điểm này hằng năm, từ cuối tháng Giêng đến giữa tháng Tư là sự việc lại xuất hiện và cư dân phải sửa soạn đáp ứng theo luật định? Năm nào cũng thế, cứ đến cuối tháng Giêng là ta nhận được những lá thư từ ngân hàng, từ sở làm, từ các công ty tài chánh… nhắn nhe rằng năm qua quý khách đã nhận được bao nhiêu tiền, tiền lương, tiền lời và thuế đã được [bị] trừ đi bao nhiêu … Và ta líu ríu thu góp giấy tờ để khai thuế với sở Thuế Vụ của chú Sam, hạn chót thường là ngày 15 tháng Tư với vài ngoại lệ.

nguồn.freepik.com

Nhìn mớ giấy tờ mà phe ta ngán ngẩm quá, the IRS đã có đủ dữ kiện về lợi tức của con dân từ ngân hàng, từ hãng xưởng và đánh thuế thẳng tay rồi mà sao ta vẫn phải khai thuế là thế nào? Chẳng lẽ chính phủ muốn làm khó cư dân, bày ra chuyện khai thuế cho mọi người từ nhân viên sở thuế đến người có lợi tức, người khai thuế có việc làm? Câu phỏng đoán này hình như có một nửa là sự thật, bạn ạ!

Theo các chuyên viên kế toán và thuế khóa, khai thuế lợi tức Huê Kỳ là một hệ thống phức tạp và tốn kém, chưa kể những vấn nạn gây chậm trễ khiến việc liên lạc với sở Thuế Vụ để nhờ chỉ dẫn thêm trăm phần khó khăn. Như mọi công sở, sở Thuế Vụ cũng đóng cửa nhiều ngày trong trận đại dịch, nhân viên làm việc tại nhà nên công việc trì trệ. Tốn kém và nhiêu khê như thế thì tại sao ta vẫn tiếp tục dùng cỗ máy ì ạch ấy nhất là khi chính phủ đã có sẵn những tài liệu về lợi tức của phần lớn con dân? Ít ra, chính phủ có thể dùng một hệ thống khai thuế giản dị hơn, bớt tốn kém hơn?

Mấy câu hỏi ấy từng được lặp đi lặp lại nhiều lần mà chính phủ Huê Kỳ vẫn chưa giải quyết xong. Năm 1985, Tổng Thống Ronald Reagan đã từng hứa hẹn về một hệ thống “không [khai] thuế” với một nửa số cư dân không bao giờ phải khai thuế lợi tức nữa. Theo hệ thống này, cư dân với lợi tức giản dị sẽ được trả lại phần thuế đã đóng quá mức hoặc sẽ nhận được một lá thư từ sở Thuế biểu rằng “đóng thuế chưa đủ, phải đóng thêm ngần này nữa”. Cư dân với lợi tức phức tạp, từ nhiều nguồn, mỗi nguồn lợi chịu mức thuế khác nhau mới cần dùng hệ thống khai thuế nhiêu khê như ta đang sử dụng ngày nay. Nghe hay quá xá mà chẳng biết tại sao giải pháp ấy lại “chìm xuồng” chẳng thấy ai nhắc đến nữa?

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Năm 2006, kinh tế gia Austan Goolsbee, cố vấn của nội các Obama cũng từng hô hào việc sử dụng cách “khai thuế giản dị” hay “Simple Return”, cư dân sẽ nhận được giấy khai thuế [của mình] từ chính phủ để xem xét nếu có sai trật chi không. Hệ thống này sẽ tiết giảm trên hai tỷ Mỹ kim tiêu xài cho việc khai thuế! Ông Goolsbee cho rằng hệ thống khai thuế của Huê Kỳ quá phức tạp cho cả hai bên: chính phủ [thu thuế] lẫn cư dân [người đóng thuế], gây tốn kém gấp 10 lần so với các quốc gia khác trong công việc tương tự. Cư dân khai thuế chịu tốn kém thời giờ lẫn tiền bạc trong khi chính phủ đã có hầu như đầy đủ mọi loại giấy tờ về thuế lợi tức của con dân. Tạm hiểu là ta làm công việc này đến hai lần!
Năm 2004, California đã thử dùng mô hình khai thuế giản dị kiểu Âu Châu ấy qua việc gửi 50,000 bản “ReadyReturn” cho cư dân và 90% số người sử dụng đã ủng hộ cách khai thuế giản dị ấy vì họ chẳng phải chi nhiều, chỉ xem xét chi tiết kê khai sẵn và chẳng tốn đồng nào.

Ông Goolsbee còn đề nghị rằng kiểu mẫu “The Simple Return” có thể thực hiện qua vài bước sau: Bước đầu, sở Thuế Vụ thử nghiệm cách khai thuế giản dị với nhóm cư dân giới hạn, những người độc thân, lợi tức thấp và chẳng có khoản “miễn trừ” (deduction) nào. Nhóm cư dân này sẽ nhận được bản kê khai (1 trang giấy) tổng số lợi tức và số tiền thuế đã khấu trừ từ sở Thuế Vụ; chỉ cần đánh dấu “okay” vào chỗ trống hoặc sửa đổi nếu có sự sai lầm. Khoảng 9 triệu cư dân Huê Kỳ nằm trong nhóm này và nếu họ hài lòng, sở Thuế vụ có thể thực hiện bước kế tiếp.
Bước kế tiếp là sở Thuế Vụ sẽ có thể mở rộng cách khai thuế giản dị với nhóm cư dân thứ nhì, những cặp vợ chồng khai thuế chung và không đòi “miễn trừ” chi cả. Nhóm này bao gồm khoảng 17 triệu người.
Tất nhiên là phương cách khai thuế giản dị sẽ không thể áp dụng cho mọi người nhưng ít ra, vài chục triệu người sẽ dễ thở hơn chút xíu so với những người có nhiều nguồn lợi tức phức tạp!?

Cư dân Huê Kỳ như Dế Mèn đây chẳng mấy ai ưa thích việc khai thuế lợi tức nên hai đề nghị kể trên về việc giản dị hóa cách khai thuế lợi tức được hoan nghênh quá xá! Ðề nghị hay như thế mà sao ta vẫn chưa thấy chính phủ nhúc nhích chi mấy? Tốn kém và phiền nhiễu như thế nhưng cư dân vẫn phải tiếp tục thực hành việc khai thuế hằng năm, tại sao thế nhỉ?
Theo bà Beverly Moran, câu trả lời là kỹ nghệ khai thuế quá mạnh mẽ, in hệt như kỹ nghệ chế tạo và buôn bán súng đạn, họ vận động ngầm và thành công trong việc giữ nguyên luật pháp, cách khai thuế vẫn tiếp tục phức tạp và không cho phép sở Thuế Vụ cung cấp dịch vụ khai thuế miễn phí cho cư dân!

nguồn.foxbusiness.com

So với những nơi khá giả khác trên thế giới, ít nhất 30 quốc gia sử dụng hệ thống khai thuế miễn phí kể cả Ðan Mạch, Thụy Ðiển, Tây Ban Nha và Anh quốc. Theo ông William Gale, một chuyên viên về thuế tại Brookings Institution, một “Think Tank”, trung tâm “Ðầu Não” độc lập chuyên việc nghiên cứu mổ xẻ chính trị, kinh tế, xã hội… tại Huê Kỳ, một số quốc gia tân tiến như Phần Lan, Na Uy, chính phủ khai thuế giùm cho đa số cư dân, những người có nguồn lợi tức giản dị. Tại Estonia, cư dân trung bình, chỉ cần đủ năm phút là khai thuế xong! Tại Thụy Ðiển, đa số cư dân chẳng phải đánh vật với bản chiết tính thuế và các chi tiết về “miễn trừ” (deduction), họ nhận được từ chính phủ bản chiết tính đã ghi sẵn chi tiết, chỉ việc gõ vào chỗ trống “yes”, đồng ý với bản chiết tính là xong việc khai thuế! Ông Andreas Hatzigeorgiou, kinh tế gia đứng đầu của the Stockholm Chamber of Commerce, khẳng định rằng với những cư dân có nguồn lợi tức giản dị, họ chỉ cần ‘5 giây đồng hồ’ để làm công việc khai thuế mỗi năm! Dế Mèn nghe xong mà… ham quá xá!

Xem thêm:   Chuyện rau cỏ

Các quốc gia tân tiến giản dị hóa việc khai thuế được thì tại sao Huê Kỳ không làm được? Có vấn nạn ngăn cản nên ta chưa thể dùng cách khai thuế giản dị, bạn ạ! Thuế má là tiền bạc mà hễ việc gì dính dáng đến tiền bạc là nhiêu khê, phức tạp:
Thứ nhất, để thay đổi hệ thống đóng thuế cho cả chục triệu người, chính phủ liên bang sẽ cần… tiền mà sở Thuế Vụ đã bị dồn ép đến xẹp lép, không còn gì để tiết kiệm nữa. Ngân sách [dành cho] Thuế vụ tiếp tục bị cắt giảm trong suốt chục năm qua mà Quốc Hội vẫn chưa chịu… thông cảm cho tình trạng “người ít, việc nhiều”!
Kế đến là tình trạng “cổ lỗ sĩ” của hệ thống thuế má Huê Kỳ. Theo ông Gale, giản dị hóa điều luật thuế mà không phải là tiền đề của những người có trách nhiệm. Họ còn đang bận rộn duy trì mức thuế đang được thụ hưởng và còn “chế” ra những điều luật mới mẻ khác để bớt [đóng] thuế. Câu nói đùa giỡn “người Huê Kỳ quý Dân Biểu [của họ] nhưng lại chán ghét Quốc Hội”. Tương tự với những điều khoản bớt thuế, ai cũng chuộng các điều khoản bớt thuế nhưng chán ghét hệ thống thuế má!
Sau cùng, giản dị hóa việc khai thuế bị chống đối từ hai nhóm: Nhóm thứ nhất,đại diện là ông Grover Norquist và những người bảo thủ muốn giảm thuế nhưng không muốn cách thu thuế được giản dị hóa. Họ cho rằng điều này sẽ giúp chính phủ liên bang tăng thuế vì thấy dễ dàng quá (?) và dễ dàng nên cư dân chẳng chịu để tâm đến việc thuế má nữa (?). Nhưng quan trọng nhất là việc kỹ nghệ khai thuế, như công ty H&R Block và Intuit, công ty nhu liệu sản xuất TurboTax, đã tiêu xài cả chục triệu Mỹ kim hầu vận động, thúc đẩy việc chống đối cách khai thuế giản dị để họ còn thẳng tay làm ăn. Dễ dàng quá thì đâu mấy ai chịu trả tiền cho các dịch vụ này?
Hình như Quốc Hội không … ngủ gật vì trước đây, Hạ Viện đã chỉ thị cho sở Thuế Vụ cung cấp dịch vụ khai thuế miễn phí cho người nghèo. Năm 2002, sở Thuế Vụ cho ra đời “Free File”, một dịch vụ do chính phủ cộng tác với kỹ nghệ khai thuế để phát triển. Ðể được hợp tác, chính phủ đã nhận điều kiện là sở Thuế Vụ không “giành khách” với kỹ nghệ khai thuế! Phía chính phủ, sở Thuế sẽ giới thiệu cư dân đến các trang nhà của kỹ nghệ khai thuế để sử dụng các nhu liệu khai thuế miễn phí. Phía kỹ nghệ, thay vì trưng bày các bản khai thuế miễn phí trên trang nhà, họ lại tìm cách “dẫn” người khai thuế đến các nơi phải trả lệ phí! Theo Treasury Inspector General for Tax Administration, kỹ nghệ khai thuế đã dùng “code” để giấu các trang nhà miễn phí và dẫn người khai thuế đến những nơi phải trả tiền!
Khi người khai thuế tìm ra cách khai thuế miễn phí trên liên mạng, kỹ nghệ khai thuế đã đặt ra các điều kiện khắt khe khác như mức lợi tức để dẫn khách hàng về nơi trả lệ phí! Kết quả là trong số 100+ triệu người đủ điều kiện để dùng trang mạng khai thuế miễn phí, 35% số người kể trên đã phải trả lệ phí khai thuế và 60% chưa hề đến được trang mạng miễn phí để thử dùng! Thay vì 70% cư dân Huê Kỳ được khai thuế miễn phí, kỹ nghệ khai thuế đã giảm tỷ lệ này xuống 3% qua các mánh khóe điều hành liên mạng!
Tạm hiểu là biện pháp “Free File” của sở Thuế không mấy hiệu quả khi áp dụng.

Xem thêm:   Chuyện hay, dở của năng lượng từ mặt trời

Năm 2007, Hạ Viện đã hủy bỏ dự luật cho phép sở Thuế cung cấp dịch vụ khai thuế miễn phí cho mọi cư dân. Và năm 2019, cũng chính Hạ Viện đã cấm sở Thuế cung cấp các dịch vụ kể trên.

Theo ước tính của các chuyên viên thuế vụ, cư dân Huê Kỳ tiêu xài cỡ 7.6 tỷ giờ [làm việc] và 149 tỷ Mỹ kim hằng năm chỉ để tính toán số tiền thuế phải đóng cho chính phủ và trả công cho những dịch vụ khai thuế [giúp họ tìm ra các chi tiết miễn trừ để bớt thuế]. Với các hầu bao rủng rỉnh, dư sức tiêu xài thì cứ tiếp tục nhưng với những cư dân có nguồn lợi tức giản dị, chẳng có gì để bớt thuế thì sao? Có cách nào giúp họ đỡ tốn kém và nhức đầu không? Câu trả lời là chỉ khi nào cư dân chán ngấy và đứng lên phản đối qua các Dân Biểu của họ thì may ra việc khai thuế phức tạp và tốn kém không cần thiết ấy mới thay đổi?!

TLL