Mùa thu là đề tài đứng hàng đầu trong thi ca, hội họa, nhiếp ảnh của nghệ sĩ. Nhiều tác giả còn rất trẻ [tuổi] mà đã tặng cho nhân gian những lời thấm đậm nhân sinh, cái nhìn của những người đã đi qua mùa xuân và mùa hạ của cuộc đời?! Ở tuổi 20-30 mấy ai thong thả nhìn [những] mùa thu đi qua?

Khi còn sinh sống ở vùng Ðông Bắc Huê Kỳ, khí hậu đủ bốn mùa Dế Mèn mới cảm thụ được nét yêu kiều của mùa thu. Trời bớt nóng, gió dịu dàng hơn và cây cối xem từ tốn hơn, cành không còn nổi nụ non, lá biếc như những ngày đầu xuân. Sức sống của đất trời không còn hừng hực như quả mặt trời rực sáng mỗi ngày. Cũng một ngày nhưng nhịp điệu kia thong thả hơn. Ấy là câu chuyện của những ngày chớm thu của vùng Bắc Mỹ. Rồi những ngày thu rực rỡ lá đỏ, cây phong ngả màu từ vàng sang đỏ. Những chiếc lá trút hết sức sống, tuôn máu đỏ bầm trước khi tắt nghỉ xuôi tay. Và vũ trụ như chậm chạp đi vào những ngày cuối năm, rét mướt u ám, âu sầu.

Ở miền nam, Florida chỉ hai mùa mưa nắng, mùa nắng mặt trời lên cơn sốt hầm hầm hầu như mỗi ngày. Mùa mưa trời mát mẻ hơn và nắng bớt giận dữ nhưng Dế Mèn không còn mê man với đất trời như những ngày cũ vì còn bận bịu với các hộp bánh Trung Thu đang được quảng cáo rầm rộ và bày bán ào ạt ngay trong những ngày tháng Bảy âm lịch.

Hồi còn quanh quẩn ở thành phố New York thì chỉ khi vào phố Tàu Dế Mèn mới thấy bánh Trung Thu chế biến ngay tại chỗ. Ðủ vị, đủ mùi, từ jambon, vi cá, trứng muối… đến hạt dưa, hạt điều… Nhưng đến khi về miền Nam mới có dịp bát phố Việt, con đường Colonial dài thòng nhưng chỉ khu phố quanh ngã tư đường Mills là có phe mình buôn bán. Họ bày bán các hộp bánh Trung Thu [có thể] chế biến tại chỗ, lò bánh của cư dân gốc Tàu nào đó hoặc “nhập cảng” từ đâu về?!
Mấy cửa tiệm ấy bày bán cả những hộp bánh của “Bà Năm Cali” nhưng nhãn hiệu lại ghi “chế biến tại Mã Lai”, hình như “Bà Năm” không còn ở Cali[fornia] nữa nhưng vẫn nhớ đồng hương bên Mỹ nên tiếp tục làm bánh từ miền đất xa xôi kia và xuất cảng? Những món bánh Trung Thu chế biến tại California cũng góp mặt nhưng có lẽ rầm rộ nhất vẫn là các hộp bánh bằng thiếc, có hình thiếu nữ trong trang phục Tàu cổ điển, nàng tiên hay công chúa hoàng hậu chi đó, đang múa, gốc gác từ Tàu đại lục! Mấy cô tiên hẳn vượt bao dặm đường để đến Huê Kỳ mà mừng Thu với cư dân gốc Á?
Chuyện bánh trái thì lan man cả ngày cũng chưa dứt. Có lần Dế Mèn ghé Tiểu Sài Gòn ở Quận Cam vào mùa Thu nên được nếm khá nhiều món bánh Trung Thu địa phương. Ðông Hưng Viên thì xưa cũ, quen thuộc và … xoàng (?) quá rồi nên các tay nướng bánh [cổ truyền?] chế ra các hương vị mới. Cũng vỏ bánh nướng nhưng nhân thì khác xa lắm lắm. Chiếc bánh Trung Thu “mới” có nhân khoai môn tán nhuyễn, nhân đậu xanh pha với sầu riêng, nhân đậu đỏ trộn chung với mấy hạt trân châu (boba) chưa kể các món nhân mặn như thịt gà quay, vi cá  (đến giờ này vẫn còn có người bắt giết cá mập chỉ để lấy vây!) và cả nhân chocolat. Những hộp bánh nướng “khoe” nhân “hạt sen” nhưng chẳng biết có bao nhiêu phần hạt sen và bao nhiêu phần đậu xanh / bột trong những chiếc bánh ấy?
Thiên hình vạn trạng như thế hẳn bánh Trung Thu đang vươn mình thoát xác, bình cũ nhưng rượu mới keng? Bánh nướng đã thế còn bánh dẻo thì sao? Phe ta không mấy hảo bánh dẻo vì vài lần mua về, bánh đã … cứng, không biết ra đời từ lúc nào dù ngày sử dụng in bên ngoài hộp vẫn chưa đáo hạn. Dế Mèn tìm ra món Mochi của Nhật Bản, cũng chế biến bằng bột nếp, cũng mềm và dẻo từa tựa bánh dẻo của mình, hương vị đầy đủ từ mùi trà xanh đến khoai môn lại gói ghém sạch sẽ nên cứ mua Mochi thay thế bánh dẻo mà thưởng thức cho nó lành!

Mấy năm gần đây Dế Mèn đi chợ Costco đã thấy đại công ty này kịch liệt buôn bán cạnh tranh với hàng quán nho nhỏ tứ thời bát tiết. Mùa hè còn rực rỡ đã thấy họ trưng bày các hộp bánh nướng xuất phát từ Ðài Loan, nhân hạt mè, hạnh nhân, hạt óc chó (walnut), hạt dưa, hạt bí gọi chung chung là “mixed nuts” và món bánh nướng nhân hạt sen, quảng cáo là “pure lotus seed” tán nhuyễn, trên danh sách nguyên liệu, món hạt sen đứng đầu (nghĩa là thành phần này có phân lượng cao nhất trong sản phẩm theo luật định). Không biết người Ðài Loan có ba xạo như mấy ông Tàu Ðại Lục không nhỉ?
Có cả những hộp bánh nướng nhân đậu xanh và trứng muối nữa. Phe ta rinh về mỗi thứ một hộp, chắc ăn trường kỳ đến Tết Tây mới hết! Hồi nọ vui chân đi chơi Ðài Loan thấy đất nước này cũng sạch sẽ, tử tế nên Dế Mèn mang theo nhiều hảo cảm, mua hàng hóa sản xuất từ chốn ấy thì không mấy khi băn khoăn.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Còn gì để Dế Mèn lan man nữa về mùa thu không nhỉ? Thời tiết thay đổi từ nóng hầm sang nóng sơ sơ rồi dịu dần cho đến khi chớm lạnh, và đến khi ấy thì phe ta biết rằng mùa thu đã tàn? Thu đến rồi thu đi như một bài thơ rất cũ mà người gửi thì đã xa xăm biền biệt còn tác giả thì không biết bây giờ ra sao?!
Lạ lắm, không biết tại sao Dế Mèn lại nhớ bài thơ ấy cho đến bây giờ, ngẫm nghĩ mãi mà chưa tìm ra duyên cớ nhưng vẫn muốn mượn lời thơ để kết câu chuyện lan man về mùa thu của mình.

Em vào trong mùa Thu

Lá vàng khô trong mắt

Bước chân đi rạc rời

Rừng thu buồn heo hút

Em đứng giữa mùa Thu

Vòng tay ôm trời đất

Thân xác nhỏ hao mòn

Ngày xanh không còn đẹp

Em đi khỏi mùa Thu

Như một áng mây mù

Như một loài lá chết

Bay trong rừng cây khô(HLT)

TLL