Việc mua bán hàng hóa qua internet (tạm dịch từ tên gọi “online shopping”) mỗi ngày một phổ thông. Hầu như món hàng nào ta cũng có thể mua qua mạng, chỉ cần một cái thẻ nhựa [có đủ tiền] để thanh toán chi phí là voila, việc mua hàng có thể hoàn tất trong vòng mấy phút ngắn ngủi.

Thoạt tiên chỉ có những món hàng không hư thối như sách vở mới được rao bán qua mạng (Amazon khởi nghiệp từ việc bán sách vở qua internet), sau này thì thượng vàng hạ cám, món chi cũng bán trên mạng kể cả thức ăn tươi, món ăn nấu sẵn… Món hàng được mang tới tận nhà người mua, tất nhiên là với một lệ phí, lớn nhỏ tùy theo trị giá và việc giao hàng nhanh hay chậm. Không ưng ý? Ta chỉ việc bỏ vào cái hộp cũ, gửi trả lại kẻ bán.

Mua bán trên mạng quả là lợi lắm, tiện lắm. Ta chỉ cần vào trang nhà của tiệm bách hóa, nhìn ngắm rồi chọn sản phẩm ưa thích, chọn xong thì bấm nút trao [số] thẻ nhựa để trả tiền. Thế là xong. Ta chẳng phải sờ mó, cầm lên đặt xuống, ướm thử chi cả… Tiết kiệm biết bao nhiêu thời giờ so với việc đi mua sắm. Nhiều khi tốn cả buổi mà chẳng lựa được sản phẩm ưng ý; chiếc áo xinh xắn nhưng không vừa vặn như ý muốn, đôi giày vừa chân nhưng lại chẳng êm ái khi ướm thử rồi đi tới đi lui trong cửa tiệm.

Mua bán trên mạng tiện dụng như thế nên không lạ là bá tánh hè nhau đặt hàng qua internet. Và kỹ nghệ “retails” hay các cửa tiệm trong thương xá rần rần phá sản vì thiếu khách hàng nên làm ăn lỗ lã. Thương xá đóng cửa nên các tòa nhà mênh mông bị bỏ trống, nhiều thành phố đang tìm cách … tái dụng các tòa nhà ấy. Nghĩa là tân trang lại để dùng vào những mục đích khác như chung cư, khách sạn, tùy theo địa điểm xa hay gần thành phố và đường sá giao thông.

Ðến hôm nay thì việc mua bán qua internet đã trở thành quen thuộc lắm rồi, hầu như ai cũng ít nhất một lần mua hàng qua mạng. Quen thuộc như thế, sử dụng hà rầm như thế nên bá tánh kinh nghiệm đầy mình, và họ nói những gì về các kinh nghiệm ấy?

Quý bà quý cô, những người ngại xông pha đi mua sắm, đã và đang sử dụng dịch vụ của trang nhà Stitch Fix, bán quần áo. Ngoài việc bán quần áo, công ty này cáng đáng luôn cả việc “giới thiệu” lẫn “cố vấn” kiểu ăn mặc. Họ quảng cáo rằng mọi thứ từ bổn tiệm sẽ được phối hợp với nhau nên bộ cánh nào cũng hài hòa, và hợp thời trang. Người mua chỉ việc tự đo thân hình rồi cho kích thước, kể lể chi tiết về cách ăn mặc, thích kiểu chi, ưa màu gì… rồi “bán cái” cho cửa tiệm ấy; sẽ có những chuyên viên về thời trang lựa chọn và tự động gửi từng thùng quần áo đến tận nhà cho ta ướm thử! Tất nhiên là ta sẽ phải trả một số lệ phí để trở thành hội viên của trang nhà ấy, và mấy sản phẩm đầu tiên sẽ là quà tặng, miễn phí!

Công ty nào cũng theo một kiểu mẫu từa tựa như nhau: gửi trước mấy sản phẩm khá khá để “câu” khách. Người mua (“hội viên”) cứ xài thử, không ưng ý thì gửi trả lại, hàng miễn phí mà, mại dô, mại dô… Mời chào ngọt xớt như thế ai lại chẳng bùi tai xiêu lòng?
Xiêu lòng nên bá tánh đã cung cấp khá nhiều chi tiết cá nhân như địa chỉ nơi cư ngụ, hộp điện thư, số điện thoại và cả số thẻ tín dụng để trả lệ phí “hội viên”, người đặt mua hàng hóa hay “subscriber”. Những tay phân tích thương mại đã đặt tên cho cách buôn bán này, bán hàng hóa và bán cả việc đặt hàng (một loại lợi tức “ăn chắc”, bất kể người mua có mua gì hay không, người bán vẫn có một món tiền khá khá) này là “subscription era”.

Xem thêm:   Những con người vĩ đại Elisabeth Kübler-Ross

Những người thích … tìm tòi thì mày mò đọc mấy mẩu “review” hay thẩm định của các hội viên về sản phẩm và công ty đứng sau trang nhà nọ. Ðại loại, các “hội viên” đến trước đều khen rối rít, món nào cũng được đánh giá 5 ngôi sao, thỉnh thoảng mới có mẩu đánh giá 2, 3 sao vì gửi trễ hoặc màu sắc không như ý… Hội viên thẩm định sản phẩm (chẳng biết thực giả ra sao) đã đành nhưng tài tử, ca/vũ sĩ [cũng như những người nổi tiếng qua việc dùng liên mạng kể chuyện cà kê / đăng hình ảnh để kiếm tiền (blogger) vì được nhiều cư dân mạng theo đọc bài / nhìn ngắm hình ảnh] cũng đăng đàn thẩm định sản phẩm họ xài thử. Ðây là những người có ý kiến và ý kiến của họ khá nặng ký (còn được gọi là “influencer”) được kẻ khác theo chân mà mua sản phẩm về dùng.

Sau khi người mua “ừ hử” thì quần áo (Stitch Fix) hoặc những thứ như giày dép, mỹ phẩm và cả thức ăn (Amazon Prime) cứ ùn ùn kéo đến. Sản phẩm nào cũng được người bán sắp đặt, sửa soạn sẵn, đóng gói và gửi đến tận nhà hội viên “dự phòng” (đang trong giai đoạn “xài thử”) và cả hội viên chính thức (đã trả tiền lệ phí).

Nói chung chung là để mua bán hàng hóa trên mạng, bá tánh sẽ phải mua luôn cả “thẻ hội viên”, trả trước một số tiền hàng tháng hoặc hàng năm cho công ty bán sản phẩm; từ Amazon “chuyên trị” đủ món thượng vàng hạ cám đến những cửa hàng chỉ bán một vài loại sản phẩm chính như BloomsyBox (bán hoa, cây tươi). Ðiều dễ hiểu là hộp điện thư của người mua lúc nào cũng đầy ắp những quảng cáo các món đang được ‘giảm giá’ hoặc các món mới ra lò, mua trước thì lại được bớt thêm một mớ tiền nữa. Tài tình hơn nữa là người bán xem ra thấu hiểu thị hiếu của kẻ mua nên chỉ quảng cáo toàn những thứ họ ưa thích; nghĩa là mấy công ty nọ rao bán một cách khéo léo và vô cùng hiệu quả.

Làm thế nào để người bán làm ăn khôn ngoan như thế? Chẳng lẽ họ thuê những tay bán hàng chuyên nghiệp, mày mò từng trương mục hoặc “profile” của người mua để câu khách cho trúng? Giả thuyết này có thể đúng khi sản phẩm trị giá vài chục ngàn (xe hơi, đồng hồ, nữ trang… đắt giá) nhưng những thứ căn bản như giấy vệ sinh thì sao? Công của đâu mà người bán trang trải loại phí tổn ấy? Thì ra với những món thường dụng như quần áo giày dép, thức ăn tầm tầm, họ dùng … người máy (robot), bạn ạ! Những cỗ máy trang bị các nhu liệu lựa chọn theo công thức đặt sẵn, tức “algorithm”. Các chi tiết cá nhân từ người mua được bỏ vào cỗ máy thông minh kia rồi “nó” trả bài, cho ra bản chiết-tính về cá nhân ấy – chẳng hạn như quần áo kích thước ra sao, có khuynh hướng ăn mặc theo kiểu gì, màu sắc v.v.

Xem thêm:   Cúm gia cầm dưới mắt khoa học gia

Thức ăn cũng như những vật thường dụng đều được ghi chép và tính toán in hệt, người mua thường ăn thịt gà hay thịt bò, thích bánh ngọt loại nào, món ngũ cốc bữa sáng có sẵn đường hay không… Ðại khái là qua vài món hàng ta chọn, người bán có một số chi tiết về thị hiếu của người mua, và càng mua nhiều thứ, nhiều lần thì sở thích cũng như mức sử dụng của người mua càng rõ ràng. Không lạ là Amazon Prime “biết” lúc nào thì nên [tự động] gửi chai thuốc gội đầu hay bình sữa kế tiếp, rồi [tự động] thu tiền về từ trương mục của người mua. Thế là chả bao giờ trong nhà sẽ thiếu sữa hoặc hết xà bông để dùng?! Nói giản dị là khi mua bán qua mạng, người máy đã lựa chọn [và thanh toán tiền bạc] giùm người mua, hoàn toàn “tự vận hành” hay “automation”!?

Với những người tiêu thụ bận rộn hoặc không mấy ưa thích việc chợ búa hoặc mua sắm, thì mua hàng qua mạng internet là một sự lựa chọn nhanh chóng, tiết kiệm biết bao thời giờ. Nhưng với những người lẩn thẩn như Dế Mèn đây thì hơi khó. Lỡ ta đổi ý về thói quen ăn uống thì sao? Tháng trước còn mặc quần áo kích thước A, hôm nay lại B thì làm thế nào? Cách ăn mặc thì hoàn toàn cá nhân, cách chi mà robot đoán biết? Dựa vào người máy xem ra … khó chịu, hoang mang quá? Và robot thì làm sao mà biết được tính phe ta “mai Huế, xế Quảng”, hôm nay thích bánh xèo nhưng mốt nọ thì lại chuộng bánh cuốn? Chẳng lẽ con người không bao giờ thay đổi? Hoặc có thay đổi nhưng máy móc đã biết tính trước để thích nghi, để đổi món?

Chuyện “tự vận hành” hay “automation” chẳng phải là điều mới mẻ. Từ thập niên 30 của thế kỷ trước tài tử Charlie Chaplin lẫy lừng đã từng chế giễu việc “automation” trong kỹ nghệ; chiếc bánh xe khổng lồ đã cuốn và biến ông ấy thành một phần của máy móc theo kiểu dây chuyền. Ðến thập niên 50 thì ngôi sao màn bạc Lucille Ball (trong chuỗi phim hài hước “I Love Lucy”) cũng chê bai lối làm việc dây chuyền và vận hành theo máy móc; những chiếc kẹo chocolat chạy ra ào ào và nhân công trở tay không kịp nên thồn luôn vào quần áo! Ðại khái là việc tự vận hành không mấy thân thiện với nếp sống con người.

Nhưng đó là chuyện của thế kỷ trước, còn bây giờ thì sao?  Khi Facebook đã thay thế những giao tiếp giữa người và người, ta liên lạc bằng tin nhắn nên việc gặp gỡ thăm hỏi mỗi ngày một hiếm hoi dần. Không mấy ai quan tâm đến chi tiết cá nhân vì bá tánh phơi bày kể lể chuyện mình lền khên trên mạng ảo, nên việc robot “biết” ta mặc áo lót số mấy cũng chẳng có gì đáng nói?! Và khi mua bán qua internet, ta sẽ tiết kiệm được khối thời giờ, chẳng phải lựa chọn cù cưa.

Tạm hiểu là con người trong thế hệ Z chịu đổi chác chi tiết cá nhân cho sự thuận tiện của máy móc, của mechanization, để tha hồ sử dụng. Chẳng thế mà báo chí ghi nhận rằng cư dân Huê Kỳ tiêu xài trung bình khoảng 1.7 tiếng đồng hồ để mua bán trên liên mạng, và việc mua bán ấy xảy ra ngay trong giờ làm việc!

Xem thêm:   Không nói nhưng vẫn “nói” ngôn ngữ của cơ thể

Theo nhà tâm lý Abraham Maslow, con người có khuynh hướng mua sắm theo kiểu mẫu hình tháp (pyramid), sắp xếp theo thứ tự của sự cần thiết, chân tháp là sự an toàn, kế đến là tình yêu thương và cái “ta” nằm trên đỉnh tháp. Ðầu tiên, ta sẽ mua sắm để sinh tồn (thức ăn, quần áo giày dép… nhu yếu), kế đến là những thứ cho người thân yêu, và sau cùng là những món thỏa mãn cái tôi.

Thứ tự ấy đã giải thích phần nào việc Amazon Prime gia nhập thị trường thực phẩm, bán và giao hàng tận nhà. Kiểu mẫu làm ăn này được bá tánh hoan hô quá xá, nhất là các sinh viên sống xa nhà, ít thời giờ đi chợ và nấu nướng. Họ chỉ việc đặt mua qua liên mạng và thức ăn được giao đến chỗ chứa “food pod” đặt trong khuôn viên đại học, mỗi khách hàng một ngăn, chỉ việc bấm chuỗi số (code) hoặc gí điện thoại vào máy scan, ngăn kéo sẽ mở cửa.

Người trẻ của thế hệ Z đang tận hưởng các tiện nghi mà cha mẹ họ chưa hề thấy hoặc muốn cảm nhận vì phụ huynh còn … ngần ngừ, tính toán hơn thiệt. Và một người tò mò như Dế Mèn thì đang đặt câu hỏi. Khi nhận ra lời giải thích thì cứ “à há” liền liền! Ðiển hình là dịch vụ “đặt hàng & tiết kiệm” (“subscribe & save”) của Amazon Prime dụ dỗ khách hàng qua việc giảm giá, mua càng nhiều thì giá càng thấp, chẳng hạn khi mua 12 hộp mì ống rigatoni thì giá mỗi ounce cỡ 17 xu. Trừ khi ta ưa rigatoni và ăn đều đều mà không ngán, không muốn đổi ra spaghetti thì hãy bấm bụng mua [và tin] theo lời quảng cáo. Bằng không khi chịu khó tìm kiếm thì sẽ thấy cũng món spaghetti của cùng hãng sản xuất (qua Amazon Fresh) giá cả chỉ 12 xu / oz mà chẳng phải mua tới 12 hộp (192 ounces) một lúc! Nôm na là công ty nọ đẩy mạnh những món hàng tồn trữ nhiều và hơi lâu nên quảng cáo kịch liệt, và người mua [vô tình] cứ bấm nút đặt hàng!

Một thí dụ khác là chuyện mua bán qua mạng của Nordstrom Trunk Club, quảng cáo là “trang phục đi làm”.  “Hội viên” trả trước lệ phí 25 Mỹ kim cho người cố vấn thời trang, stylist, và khi mua quần áo sẽ được trừ tiền. Như mọi công ty bách hóa, Nordstrom cũng có các món hàng được giảm giá [“sale”, chỉ có mặt tại cửa hàng trong thương xá] nhưng chẳng bao giờ thấy người cố vấn thời trang giới thiệu các món hàng ấy. Nghĩa là Nordstrom chỉ gửi cho “hội viên” các thứ quần áo nguyên giá, và sẽ tính tiền liền vào trương mục của hội viên sau khi gửi, bất kể quần áo có bị gửi trả lại hay không. Và khi khách hàng gửi trả, phải một thời gian sau trương mục mới được thanh toán sòng phẳng, kiểu buôn bán lấy tiền trước!

Qua một vài thí dụ, có thể tạm kết luận là việc mua hàng qua mạng không tiện dụng và “tiết kiệm” như ta tưởng. Cái hay và cái dở đi liền với nhau, nhưng luôn luôn người mua sẽ thua kẻ bán, không nhiều thì ít?!

TLL