Mì ăn liền là những món mì chỉ cần tháo giấy gói, bao bọc, đổ nước sôi, chờ vài phút là có thể ăn ngay, ăn liền, không phải nấu nướng lỉnh kỉnh, lôi thôi và lâu lắc.

nguồn: wikkipedia

Mì Thái, mì Việt, mì tàu… hầu như miền đất nào cũng có loại mì ăn liền với hương vị từa tựa như nhau.
Với người bận rộn, ít thời giờ nấu nướng lại ăn uống ít kén chọn, dễ dãi thì mì ăn liền trở thành “hảo hảo”, món … “reserve” chính, thay thế cơm gạo, bánh mì khi đói lòng lại gấp gáp. Ấy là mấy thứ mì ăn liền được chế tạo theo tiêu chuẩn sức khỏe như “sạch sẽ”, từ các nguyên liệu “lành mạnh” như lúa gạo, gia vị là những loại quen thuộc, sử dụng nhiều năm (qua thời gian thử nghiệm) không có hại cho sức khỏe. Dù đạt tiêu chuẩn “lành mạnh” nhưng mì ăn liền cũng chỉ là thứ “fill in”, “điền vào chỗ [bụng] trống [rỗng]”, cầm cự cơn đói khát chứ không phải là món được đề cao, xem trọng trên tiêu chuẩn hương vị cũng như dinh dưỡng.

Ở chỗ đứng khiêm nhường như thế nhưng mì ăn liền vẫn tiếp tục phổ thông, người bán vẫn ăn nên làm ra, sản xuất hết món mì ăn liền này sang đến loại, hủ tiếu, phở… tích tắc khác nhờ người mua sẵn sàng chấp nhận và ít đòi hỏi. Khái niệm “tiền nào của ấy” giúp thị trường mì ăn liền sống hùng sống mạnh, nhất là chưa thấy ai… qua đời vì ăn mì gói liền liền (?).

Gần đây, qua đại dịch Vũ Hán, thị trường y tế, từ dụng cụ đến những món thử nghiệm, phòng ngừa chữa trị… trở thành nơi trăm hoa đua nở khắp thế giới. Hoa Lục nơi trận đại dịch khởi đầu lại là nơi buôn bán mạnh mẽ nhất các dụng cụ y tế, đồ tể vừa ra tay chém giết vừa bán dụng cụ cứu thương. Có những món mua gấp mua vét vì con buôn đánh hơi được thị trường (cung / cầu) giờ bưng ra bán lại, một vốn bốn lời như mặt nạ, găng tay, áo choàng y tế. Cũng có những thứ được chế tạo qua quýt, nhanh chóng, bất kể tiêu chuẩn y tế thế giới như các bộ thử nghiệm, thuốc men…
Thế là bá tánh ào ạt theo chân, cũng gấp rút đưa ra thị trường những sản phẩm y tế, tận dụng giai đoạn “khẩn cấp”, vì nhu cầu thúc bách nên nhiều chính phủ đã hạ thấp tiêu chuẩn thử nghiệm và chứng thực các sản phẩm ấy, cho phép buôn bán mà không đòi hỏi các dữ kiện chứng minh tính an toàn và hiệu quả. Tạm hiểu là tiêu chuẩn chế tạo và buôn bán dụng cụ y tế trở nên vô cùng dễ dãi ít ra là tại Huê Kỳ. Kết quả là ta thấy các loại dụng cụ y tế [in hệt] “mì ăn liền” nhan nhản khắp nơi. Kẻ “cắp” nhiều [và nhanh] hơn cảnh sát nên con buôn vẫn kiếm khối tiền. Trên trang nhà của FDA vẫn nhan nhản các bản công bố cảnh cáo con buôn bất lương. Nhưng họ đã kiếm được mớ bạc kha khá trước khi dừng tay hoặc xuất hiện với một thương hiệu khác. Trò cút bắt ấy xảy ra đều đều.
Con buôn nào cũng hăm hở chạy đua, ai xông ra thị trường sớm thì ẵm liền một mớ bạc, ăn cỗ đi trước? trước khi nhà chức trách có thời giờ kiểm nghiệm và bắt ngưng ngay việc làm bất hợp pháp nọ. Như việc “trung tâm y tế” dựng lều chưng bảng thử nghiệm Covid-19 dù chưa bao giờ được cấp giấy phép hành nghề như một phòng thí nghiệm y tế và món hàng rao bán cũng chưa được cơ quan y tế nào kiểm nghiệm. Thầy thuốc đăng đàn liên mạng quảng cáo rao bán thuốc chữa trị nhiễm trùng Vũ Hán với giá cắt cổ chưa kể các loại đã có tên nhưng chưa được chứng minh hiệu quả cũng được mang ra mua bán rầm rộ.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Tại sao thế nhỉ? Nhiều lý do lắm bạn ạ! Bệnh tật khiến bá tánh hoang mang sợ hãi, nhất là thứ bệnh mà khoa học chưa hiểu biết đầy đủ và rõ ràng như chứng nhiễm trùng Covid-19. Mỗi ngày báo chí khắp nơi lại loan báo các con số tử vong mới, gia tăng theo cấp số cộng, bà con lại được [bị] ép buộc nằm nhà kẻo lây bệnh lẫn cho nhau… Lo lắng như thế người ta muốn được thử nghiệm bất kể có triệu chứng nào hay không. Cứ muốn được chẩn bệnh (?) để yên lòng (?). Giải thích thế nào cũng không xong, vẫn có những người khai dối, nài ép bác sĩ cấp giấy xin thử nghiệm Covid-19 rồi chịu xếp hàng cả ngày để được… moi lỗ mũi, móc cổ họng vì… đóng bảo hiểm sức khỏe bấy lâu nay, đến dịp này tội gì không xài?! Lý luận như thể họ sẽ hài lòng khi mua bảo hiểm tai nạn rồi tự… đốt nhà, cố ý đụng xe hầu lấy tiền bồi thường cho… bõ? Làm thế nào để thay thế lập luận kể trên bằng khái niệm cứ xem như mình đã nhiễm trùng dù không có triệu chứng nào và tiếp tục tự cách ly để bảo vệ sức khỏe mà chẳng tốn kém cho mấy “công” lẫn “của”? Thôi thì ta cứ đầy đủ bổn phận, được đến đâu thì được mà chẳng được gì cũng chẳng sao?!

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Gần đây, món “mì ăn liền” thử nghiệm kháng thể Covid-19 (serology, antibody) vừa chào hàng xong đã được bá tánh rầm rộ sử dụng, dù chỉ ba trong số mấy chục công ty chế tạo được FDA công nhận (vì đã chưng ra các tài liệu về cách chế tạo, kết quả thử nghiệm sơ khởi và dù FDA chưa có thời giờ kiểm nghiệm [independent testing] xem hồ sơ ấy có chính xác hay không). Nhà nhà thử nghiệm, người người thử nghiệm… Khỏi cần toa bác sĩ lôi thôi, dễ như ăn cơm sườn. Nhìn đâu cũng thấy bá tánh xếp hàng chìa tay chịu trích máu, mở hầu bao trả tiền rồi hân hoan ra về chưa kể mấy thứ thử nghiệm tại nhà riêng.
Kẻ nhìn bảng kết quả thì cười toe toét vì… dương tính, người âm tính tiu nghỉu thở ra dù họ chưa bị nhiễm trùng?! Ðại khái là người ta… tin lắm, tin vào sự chính xác của món thử nghiệm ấy và tin vào ý nghĩa của kết quả thử nghiệm dựa trên bài bản … quảng cáo. Gói mì ăn liền giá cả cỡ một Mỹ kim; món trích huyết thử nghiệm kháng thể Covid-19 tốn khoảng 120 Mỹ kim (LabCorp/Lab Quest).

Chỉ vài tuần sau ngày “ra mắt”, chuyên viên phòng thí nghiệm đã bắt đầu la hoảng về độ chính xác của món trích huyết thử nghiệm kháng thể Covid-19! Mức chính xác chỉ đâu đó 30% (?) nghĩa là mười phần thì chỉ được ba khi họ mang các bộ thử nghiệm ấy ra… thử nghiệm, sử dụng những mẫu máu đã được đo đạc chứng minh dương tính [chứa đựng một lượng kháng thể khá khá] và những mẫu máu chứng minh âm tính.
Ấy chỉ là chuyện “có” hay “không” [có] kháng thể trong máu chưa bàn chi đến loại kháng thể ấy có bảo vệ cơ thể như ta nghĩ hay không và nếu có, sự “bảo vệ” ấy kéo dài bao lâu? Có giúp ta miễn nhiễm khi cơn lũ Covid-19 thứ nhì kéo đến chăng? Vũ Hán (lại Vũ Hán!) đang rên rỉ về những con người sống sót sau lần nhiễm trùng đầu tiên đang bị… tái nhiễm! Chẳng biết lời kể lể ấy có chính xác hay không nhưng bá tánh đã ngán Hoa Lục lắm rồi, giấu diếm, nói dối như Cuội, nên ai cũng nghi ngại. Họ loan báo như thế để… chứng minh lòng thành (?), để rao bán đổi chác hàng hóa, các dụng cụ y tế cần thiết?

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Khoa học… bấp bênh như thế, chuyên gia chưa hiểu rõ ràng về Covid-19 nên chỉ hô hào cách ly để giảm thiểu bệnh tật trong khi bá tánh bó gối nằm nhà, công việc đình trệ, người có thể buôn bán thì làm ăn cầm hơi và kinh tế thì suy sụp, héo hắt. Chết vì bệnh tật hay chết vì… buồn [bực], chịu bó chân, buộc miệng hoặc chết vì lo nghĩ, vì túng thiếu, cơ cực, các món nợ thúc bách? Hay là ta bắt chước Thụy Ðiển? So với mấy quốc gia trong vùng Bắc Âu nơi áp dụng luật cách ly, đóng cửa hàng quán, số người nhiễm trùng Covid-19 và tử vong tại quốc gia này là các con số cao nhất; Thụy Ðiển tiếp tục mở cửa làm ăn buôn bán và thản nhiên chấp nhận các hậu quả như người già, người yếu chết [nhiều] để người khỏe mạnh tiếp tục sống bình thường?

Mì ăn liền chẳng ngon miệng nhưng đỡ lúc đói lòng. “Mì ăn liền” thử nghiệm kháng thể Covid-19 lấp đầy chỗ trống sợ hãi, hoang mang thời đại dịch khi bác sĩ, chuyên viên không thể trấn an bá tánh bằng lời giải thích tường tận? Ta chỉ có thể an tâm khi có câu trả lời chắc nịch “có / không”? Những câu trả lời thuộc loại “chưa biết rõ”, dù chính xác và xác thực, đòi hỏi người nghe chấp nhận sự “thay đổi”, “cập nhật” lại khiến bá tánh hoảng sợ hơn nữa?!
Thế thì người ta đang mua bán những gì khi rao hàng mì ăn liền? Sự thỏa mãn bạn ạ! Mì gói ăn liền thì đỡ đói ngay tuýt suỵt, “Mì ăn liền” thử nghiệm kháng thể Covid-19 giúp ta đỡ lo âu (?) khi đời sống bấp bênh như hiện tại?!

TLL

Orlando, FL