Mặc các chính khách kẻ khen người chê, kinh tế Huê Kỳ hiện nay xem ra đủ hai màu xanh đỏ, tùy theo cái nhìn của ngành kỹ nghệ liên quan. Sự phức tạp ấy khiến bức ảnh tài chánh trở nên rối rắm, khó hiểu. Bá tánh tha hồ nhíu mày rồi lắc đầu giơ hai tay lên trời?

Kỹ nghệ tài chánh, điển hình là chứng khoán đang lên xuống hằng ngày, từa tựa như thời tiết lúc nóng lúc mát ở từng địa phương. Những tay cố vấn tài chánh chỉ dẫn khách hàng đầu tư thay đổi bất ngờ in hệt chuyên viên khí tượng dự đoán thời tiết!?

Cư dân xoàng xoàng như phe ta mày mò đọc sách báo rồi đứng ngó xa xa như kẻ qua đường chứ không dám nhúng chân xuống biển khi thủy triều lên xuống ào ào.

Những gì khiến người ta băn khoăn như thế? Nhiều thứ lắm bạn ạ!

Đầu tiên là các con số về thị trường nhân công. Tỷ lệ thất nghiệp khá thấp, số công việc cần người làm lên đến cả triệu, một hiện tượng hiếm có từ mấy chục năm nay. Chỉ số thất nghiệp [thấp] được xem là dấu hiệu khả quan của kinh tế, phải làm ăn được công sở/hãng xưởng mới mướn người. Nghĩa là đất nước này [đang] khá giả?

Một chỉ số khác, nợ tín dụng. Con số này đang gia tăng, người ta vay mượn nhiều hơn để chi tiêu, nhất là những người trẻ. Cần [hay thích] món chi là cứ cà thẻ tín dụng tận tình đến nỗi các công ty tài chánh ngưng cho vay vì sợ con nợ … xù! Tạm hiểu là bá tánh đang tiêu xài nhiều hơn so với số tiền kiếm được nên mang công mắc nợ và chủ nợ đang lo mất trắng cả vốn lẫn lời.

Sơ sơ, biểu đồ kinh tế đã có hai ngả lên xuống và các nhà kinh tế xã hội đang tìm hiểu ngọn ngành hầu đưa ra kết luận về sức khỏe tài chánh của đất nước. Những tay phân tích kinh tế nặng ký thì im lặng trong khi chính khách như đương kim tổng thống, ông Biden, thì khoe thành quả về tài kinh bang tế thế rằng kinh tế Huê Kỳ khởi sắc lắm, dân giàu nên nước mạnh. Ngược lại, ông tổng thống trước đó, đang cố gắng trở lại ngôi vương, ông Trump, thì chê bai chỉ trích là kinh tế đang xuống dốc tệ hại!?

Xem thêm:   Không bám rễ

Tất nhiên là chẳng mấy ai tin lời chính khách, nhất là mấy người đang tranh cử, Dế Mèn cũng không ngoại lệ và mày mò đọc sách báo tự tìm hiểu cho qua thời giờ!

Báo chí đang nói những gì?

Trước nhất là chuyện vui. Trời còn xanh. Dựa trên chỉ số nhân công, hiện nay ta có khoảng 8.5 triệu công việc không có người làm so với số thất nghiệp là 6.5 triệu. Nói giản dị là nếu chịu làm, người thất nghiệp nào cũng có việc, khỏi cần tìm kiếm khó khăn lâu lắc. So với thập niên trước, tỷ lệ nhân công / thất nghiệp là 0.6.

Theo tài liệu của cơ quan Bureau of Labor Statistics, lương bổng của công nhân Huê Kỳ 22% cao hơn so với thời trước đại dịch; mức lương gia tăng nhanh hơn so với thời giá. Tạm hiểu là tiền kiếm ra mua được nhiều sản phẩm hơn, cư dân sung túc hơn.

Kế tiếp là mấy chi tiết không vui. Mức lạm phát năm nay đang chậm lại, không còn nóng hổi như hồi 2022 nhưng vẫn chưa đạt tới tỷ lệ lạm phát 2% đề xuất bởi Ngân Khố. Để đạt được mục đích này, kinh tế Huê Kỳ đang thủng thẳng bò trên con đường dài, thỉnh thoảng lại vấp phải tảng đá thiệt bự. Ngân Khố gia giảm lãi suất cổ phiếu theo tỷ lệ lạm phát.

Khi lãi suất cao, vay mượn để đầu tư khó khăn hơn nên buôn bán chậm lại vì hàng hóa đắt hơn vì người mua cũng thay đổi theo, hàng hóa đắt thì không mua nữa. Các chỉ số về mức tiêu xài của người tiêu thụ cho thấy bá tánh đang thắt lưng buộc bụng, không mua ào ào như trước đây, những ngày sau đại dịch.

Kinh tế Huê Kỳ tùy thuộc phần lớn vào mức tiêu thụ của cư dân, khi cư dân bớt tiêu xài, tiền bạc bớt luân lưu và mức phát triển [kinh tế] sẽ chậm lại.

Điều không vui nhất, vạch đỏ nóng hổi, là mức nợ cá nhân. Bá tánh đang tiêu xài rộng tay, vay nợ [tín dụng] mà xài. Trong mùa đại dịch, không có cơ hội tiêu xài nên người ta tiết kiệm. Đại dịch trôi qua, đời sống xem ra tưng bừng trở lại và người ta hân hoan mở hầu bao mua sắm, du lịch. Các món tiền tiết kiệm trong đại dịch hầu như bốc hơi nhưng quen tay, bá tánh vẫn tiêu xài dù không thể cáng đáng nổi mức tiêu xài ấy. Các món nợ tín dụng không được thanh toán đúng hạn nên tiền lời bắt đầu chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con, nhanh chóng. Và con nợ rơi xuống hố rồi bắt đầu … xù! Theo bản tường trình của New York Fed, mức vỡ nợ [tín dụng] đã lên cao nhất so với thập niên trước.

Xem thêm:   Những giấc mơ hóa kiếp

Cho vay mà không lấy được lãi thì tất nhiên chủ nợ lắc đầu, không dễ dàng mở hầu bao nữa. Không đủ tiền để tiêu xài [rộng rãi] thì bá tánh chọn lựa kỹ càng hơn, sản phẩm nào bị xem là giá cao hơn trị giá thực thì ế. Hàng hóa ế ẩm bán không chạy thì doanh nhân thua lỗ. Các yếu tố ấy khiến cỗ máy kinh tế chạy chậm lại, recession [chữ mới] hay depression [chữ cũ], và đời sống trong xã hội ấy trở nên khó khăn hơn.

Chuyện vui và chuyện không vui về kinh tế khiến bức tranh kia có màu xanh đỏ khác nhau, hình ảnh của hai xã hội Huê Kỳ. Mảng xanh là phần ăn nên làm ra / tiêu xài của một số ngành kỹ nghệ / người tiêu thụ khá giả trong khi mảng đỏ cho thấy mức buôn bán khó khăn và những người tiêu thụ không giàu có. Bà Nanette Abuhoff Jacobson của công ty tài chánh Hartford Funds tổng kết là người giàu vẫn tiếp tục mua bán, tiêu xài; giúp tiền bạc luân lưu xuôi chảy giữa các ngành kỹ nghệ.

Theo bài tường trình của Santander Bank, dù thân chủ [có tiền ký thác trong nhà băng, giới trung lưu?] không còn lo âu cho lắm về lạm phát nhưng vẫn bất an về nền kinh tế hiện nay, 60% thân chủ vẫn cho rằng kinh tế suy thoái sẽ xảy ra trong vòng 12 tháng sắp tới và họ đang thắt lưng buộc bụng sửa soạn.

Xem thêm:   Nghệ thuật "marginalia" trong kinh sách Trung Cổ

Người khá giả lợi tức cao (25% đầu trên bảng tổng kết) vẫn sung túc thong thả trong khi cư dân ở 75% mức lợi tức còn lại đã bắt đầu thấy khó khăn, vật giá leo thang (dù chỉ ở 3.5%?) đã khiến đồng tiền kiếm được không còn mua nhiều thứ như năm trước. Mua món gì cũng phải cân nhắc. Càng ít lợi tức càng khó khăn nhất là mức lợi tức ở 25% cuối cùng. Thích / cần vay mượn để sinh hoạt vì vật giá đắt hơn đang chịu lãi suất vay nợ cao hơn, và khó khăn khi cần đi vay.

Nôm na là tài chánh/kinh tế Huê Kỳ đang chia làm hai nhánh dựa trên tài sản; ở mức lợi tức cao, nhánh phía trên, là người giàu;  nhánh phía dưới của người không giàu và người nghèo. Hẳn là người giàu tiêu xài thong thả đang giữ cho kinh tế Huê Kỳ lơ lửng màu xanh?

Các ngành kỹ nghệ sản xuất xa xỉ phẩm, luxury goods, vẫn bày bán các món hàng đắt tiền, từ xe cộ đến quần áo, vật trang sức trong khi những kỹ nghệ khác đã bắt đầu chuyển hướng đáp ứng với cách tiêu xài kỹ lưỡng hơn [định giá sản phẩm trước khi mua] của người tiêu thụ. Hàng quán buôn bán thức ăn nhanh McDonald’s cho ra đời chương trình “five-dollar hamburger” trong khi Starbucks đang bỏ bớt các món thức uống đắt hơn 7 Mỹ kim.

Nhìn thoáng, bức tranh kinh tế đủ màu xanh đỏ như thế nên phe ta đoán ra rằng với [đa] số cư dân với lợi tức thấp, sự suy thoái tài chánh đang ảnh hưởng đến họ; với một thành phần khác, những người khá giả thì trời vẫn xanh, tiền bạc vẫn dồi dào và thoải mái như bình thường. Kiểu mẫu kinh tế mà các chuyên gia đặt tên là “rolling recession”. Sự thăng trầm tài chánh ấy tạo các ảnh hưởng khác nhau tùy theo từng tầng lớp cư dân.

Nếu phải chấm điểm theo tiêu chuẩn của trường học, kinh tế được điểm C+, không xuất sắc nhưng cũng không đến nỗi hỏng?!

TLL