Từ sáu tháng nay, các cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ của người trẻ Hong Kong đã trở thành đề tài thảo luận của thế giới. Khởi đầu là việc chống dẫn độ về Hoa Lục những người đối kháng [tạm hiểu là chống các chính sách bóp nghẹt của Trung Cộng] tại Hong Kong vì “dẫn độ” đồng nghĩa với việc chịu xét xử, cầm tù theo hệ thống pháp trị của nhà cầm quyền TQ; khác với lời cam kết [được tự trị] khi Hong Kong trở về thành một lãnh thổ của Trung Cộng.

South china morning post.com

Ðặc quyền “Tự trị” nhưng Hong Kong có phải là một quốc gia độc lập [với Trung Cộng] không? Câu trả lời [theo Quốc tế Công pháp] là không. Hong Kong thực sự là một vùng đất trong lãnh thổ Hoa Lục với một số đặc quyền; có tên gọi là Special Administrative Region hay “SAR”.

Về mặt địa lý, Hong Kong là một trung tâm thương mại nằm trên bờ biển phía Nam của Hoa Lục, diện tích trên dưới một ngàn dặm vuông, bao gồm đảo Hong Kong, bán đảo Cửu Long (Kowloon Peninsula), và khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ chung quanh.

Ngày xa xưa, Hong Kong là đất của bộ lạc Baiyue, một bộ tộc Trung Hoa bị nhà Tần thôn tính. Sau khi nhà Tần sụp đổ, Hong Kong trở thành tiểu quốc Nanyue, giữ nhiều vai trò khác nhau qua nhiều thời đại; từ nơi sản xuất muối đến việc trở thành tiền đồn của Trung Hoa.

Trong lịch sử cận kim, khi thua trận chiến tranh Nha Phiến (Opium War) I năm 1841, đảo Hong Kong trở thành lãnh thổ của Anh. Năm 1860, quân đội Anh mở rộng bờ cõi, lấn chiếm bán đảo Cửu Long trong trận chiến tranh Nha Phiến II. Từ đó, vùng đất này có tên gọi “New Territory” (Tân Giới), và sau khi thua trận lần thứ ba Trung Hoa chịu ký kết hòa ước “nhượng đất”, cho Anh quốc “thuê” phần lãnh thổ này làm nơi buôn bán và thu thuế (tô giới) trong thời gian 99 năm, bắt đầu từ năm 1898. Hong Kong trở thành một thương cảng của thế giới do người Anh quản trị và thành lập hệ thống hành chánh theo kiểu mẫu Âu Châu.

Năm 1984, Anh và Hoa Lục ký kết một hòa ước, Anh đồng ý trả lại (“The Handover”) Hong Kong cho Trung Hoa sau 99 năm. Ngày 30 tháng Sáu, năm 1997, Hong Kong chính thức về lại tay Hoa Lục. Theo hòa ước kể trên, khác với Hoa Lục, Hong Kong giữ được hệ thống tài chánh, lưu hành tiền tệ riêng (sử dụng Hong Kong dollar để buôn bán và trị giá dựa trên Mỹ kim), vẫn áp dụng hệ thống hành chánh theo kiểu mẫu đặt sẵn của Anh: Chief Executive là người dẫn đầu quốc hội và điều hành lãnh thổ.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Cư dân Hong Kong phần lớn dùng tiếng Quảng Ðông (Cantonese) dù ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh [giảng dạy tại trường học]; ngày nay tiếng Quan Thoại (Mandarin) cũng được dùng tại trường học.

Sau cả trăm năm, với một lịch sử, văn hóa và hệ thống chính trị khác biệt với Hoa Lục, không lạ là Hong Kong và Hoa Lục không mấy thuận thảo. Những con người khôn lớn trong một xã hội tự do, dân chủ, quen thuộc với các quyền làm người căn bản khó lòng thần phục, chịu o ép, đàn áp bởi thể chế cộng sản. Ðây là việc khởi mầm cho các bất mãn, thoạt tiên âm thầm rồi chống đối công khai. Chính những người trẻ đã đứng dậy để đòi tự do dân chủ với sự ủng hộ, trợ giúp của cha mẹ họ.

Thủ lãnh học sinh Hoàng Chí Phong đã chống đối việc áp đặt các chương trình giáo dục theo kiểu mẫu Hoa Lục; việc “nhồi sọ” trẻ em từ thủa còn thơ ấu đã bị lật tẩy. Học trò Hong Kong không chịu tôn sùng đảng cộng sản và tập đoàn lãnh đạo, và họ phản đối – qua phong trào Dù Vàng.

Theo chiến thuật “tằm ăn dâu”, mỗi ngày một chút, Hoa Lục đã dần dần thay đổi hệ thống điều hành tại Hong Kong; người lãnh đạo và một số dân biểu là người của Hoa Lục và họ đã đưa ra các đạo luật phù hợp với Hoa Lục. Mỗi ngày quyền tự do của cư dân Hong Kong một mỏi mòn, và các cuộc biểu tình nổ ra, từ hòa hoãn đến đổ máu.

Phong trào Dù Vàng cbc.ca

Lần này, dân Hong Kong phản đối đạo luật “dẫn độ”. Thương thảo không thành, người trẻ chiếm phi trường, rồi trường học. Và đến hôm nay thì Hoa Lục đã sử dụng lựu đạn cay và cảnh sát dã chiến để đàn áp người biểu tình. Ðã có một số người trẻ chết một cách mờ ám, bị té từ lầu cao, mất tích trên đường về nhà… và các lãnh tụ đối kháng trẻ tuổi đã đi khắp nơi, cầu cứu với thế giới tự do.

Trên bình diện quốc tế, buôn bán làm ăn với Hoa Lục vẫn là mối ám ảnh của nhiều quốc gia kể cả Huê Kỳ. Thủ Tướng Ðức Angela Merkel và một số nguyên thủ khác đã an ủi và [ngầm] ủng hộ khối sinh viên. Riêng tại xứ Cờ Huê thì chuyện xem ra hơi khác thường, dù trong các cuộc biểu tình, người trẻ đã giương cờ Huê Kỳ và chưng biểu ngữ kêu gọi ông Trump ủng hộ, lãnh tụ sinh viên Hong Kong không [được?] tiếp xúc với ông tổng thống mà chỉ ra điều trần trước quốc hội.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Cuộc tranh đấu cho dân chủ tại Hong Kong sẽ đi về đâu, kết cục ra sao… là những câu hỏi thực tế, mối băn khoăn của thế giới. Tất nhiên là ta có khá nhiều bài bình luận giải đoán nhưng tựu trung là tình hình Hong Kong đang rối beng, việc buôn bán xem ra tê liệt.

Trong khi ấy thì cuộc chiến tranh mậu dịch giữa Huê Kỳ và Hoa Lục đang tiếp diễn, hai lãnh tụ vừa cười mỉm, vừa bắt tay trông có vẻ “hữu nghị” nhưng vẫn lẳng lặng ra đòn [thù]. Ông Tập thì nín khe, thỉnh thoảng cho phát ngôn viên ra đe dọa [người thế giới] mấy câu như “sẽ phản ứng dữ dội nếu xen vào việc nội bộ của Hoa Lục!”

Còn ông Trump thì ồn ào rầm rộ, lâu lâu lại phát ngôn sảng vài câu, lúc khen lúc chê chuyện Hong Kong nhưng gần đây nhất là việc “kể công” khiến bá tánh sửng sốt. Ông ấy biểu rằng “không có tui [can ngăn ông Tập] thì quân đội Hoa Lục (the People’s Liberation Army hay PLA) đã xóa sổ Hong Kong trong 14 phút!” Thì ra ông Tổng thống Huê Kỳ hô hoán trên đài truyền hình rằng ông ấy là người đã “cứu rỗi” đất Hong Kong.
Nghe xong, người thế giới hoảng hồn nhưng cư dân Hong Kong thì tỉnh táo lắm. Họ bĩu môi “giải mã” câu nói sảng của ông tông tông Huê Kỳ.

Hoàng Chí Phong – thủ lĩnh phong trào dân chủ của sinh viên Hong Kong – 2014. dkn.tv

Nhà báo Yonden Lhatoo (của South China Morning Post) bình tĩnh kê khai các chi tiết đã được công bố và kiểm nhận: PLA (Quân Ðội Nhân Dân TQ) đã đóng chốt khắp các điểm thiết yếu trên đất Hong Kong từ khi mảnh đất này được Anh quốc trao trả cho Hoa Lục; con số quân lính chính xác là bao nhiêu thì chưa ai đếm được, nhưng bá tánh vẫn hiểu rõ rằng chỉ cần… ba phút là Hong Kong trở thành một Thiên An Môn thứ nhì. Mấy triệu con người trên hòn đảo nhỏ bé kia sẽ biến thành… hamburger theo lệnh ông Tập, chẳng cần tới 14 phút! Khi cái đảng cộng sản kia quyết định dứt điểm Hong Kong thì vài ông Trump cũng chẳng ăn thua chi, nhất là ông Tập thì dứt khoát không phải là “bạn” của ông Trump như ông này khoe khoang. Nhưng những câu phát biểu nhảm nhí như thế đã giúp người thế giới hiểu rằng người nói chẳng biết chi nhiều về cách vận hành của Á châu, và Bắc Kinh cũng không mấy quan tâm đến lời nói của các chính khách như ông Trump về việc duy trì hoặc xóa sổ Hong Kong!

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Ông nhà báo cười cười nói thêm rằng Huê Kỳ nói sảng và [cư dân] tin nhảm nhưng than thở về điều đáng buồn nhất là người trẻ Hong Kong lại trông cậy vào sự trợ giúp của Huê Kỳ!

Ông Lhatoo cũng vạch ra rằng dân Huê Kỳ là những con người thực tế, theo chủ nghĩa “tui trước” (“me first”) – cái chi có lợi mới nhúng tay vào; lời chứng minh hùng hồn nhất là đất nước ấy đã bỏ phiếu cho ông Trump. Chưa biết cư dân Huê Kỳ ai có lợi, và được lợi những gì; chỉ những dữ kiện xã hội, kinh tế, quân sự…dần dần hiển lộ trong vài năm sắp tới ta mới có thể đoán quyết được rằng việc bỏ phiếu cho ông Trump lên làm tổng thống là một việc làm đúng đắn hay không.

Trở lại với Hong Kong khói lửa, câu giải đáp cho bài toán Hong Kong là những con số về kinh tế tài chánh: cho phép Hong Kong giữ tình trạng hiện thời (tự do buôn bán với loại tiền tệ riêng) thì Hoa Lục sẽ kiếm được bao nhiêu tiền? Xóa sổ vùng đất này bằng cách sáp nhập Hong Kong vào lãnh thổ Hoa Lục, theo chính thể cộng sản độc đảng thì sẽ mất bao nhiêu của cải? Chi bằng vừa tiếp tục kiếm tiền vừa thu bớt những quyền tự do bằng cách đặt mấy thương gia dễ bảo vào ghế lãnh tụ và cho buôn bán làm giàu thì nhất cử lưỡng tiện? Kẻ nào bất tuân phục thì giết quách cho gọn? Chục triệu người bỏ mạng trong mấy cuộc “cách mạng” đỏ còn chẳng ăn thua, huống hồ 7 triệu dân Hong Kong!?

Mới đây, kết quả cuộc bầu cử tại Hong Kong cho thấy một điều rõ ràng: 71% cư dân Hong Kong đã bỏ phiếu để chọn người đại diện và các ứng viên với chủ trương “dân chủ” (ủng hộ người trẻ xuống đường đòi tự do) đã thắng cử vẻ vang. Nghĩa là một cách gián tiếp, người Hong Kong nói rằng họ muốn tự do và nếu bị đàn áp, cuộc tranh đấu sẽ còn tiếp tục dai dẳng. Ông Tập và đảng cộng sản kia sẽ phải tìm một cách giải quyết mới, tiếp tục kiếm tiền hoặc kiếm “quyền hành” trước (xóa sổ Hong Kong) rồi tìm cách kiếm tiền sau – nghĩa là chịu đựng nền kinh tế xuống dốc cỡ chục năm nữa, và ước mơ bá chủ thế giới sẽ phải chờ thêm ít lâu?!?

TLL

Orlando, FL.