Giới tính ngày nay không còn là một đề tài tội lỗi, bị né tránh hay cấm cản và trong câu chuyện, bá tánh có thể đề cập đến giới tính tương đối dễ dàng, Người nghe bớt khó chịu và người nói ít ngập ngừng, bối rối. Y học về giới tính bao gồm cơ thể và tâm thần; đây là một đề tài phức tạp và rất sâu rộng; bài viết này chỉ đề cập đến tiểu mục “chuyển giới”.

Theo y học truyền thống, con người có hai phái tính (binary) nam và nữ khi ra đời, được nhìn nhận giới tính (nam hoặc nữ) theo bộ phận sinh dục bên ngoài*.

*Bộ phận sinh dục bao gồm: Nữ: âm hộ, vú ở bên ngoài, buồng trứng, dạ con (tử cung) ở bên trong; hoặc nam: dương vật và hai tinh hoàn bọc trong âm nang ở bên ngoài.

Từ bẩm sinh, một số trẻ em ra đời với bộ phận sinh dục [bên ngoài] khác thường, một số trẻ em khác dù bộ phận sinh dục bên ngoài trông bình thường nhưng bên trong cơ thể, các bộ phận liên quan đến sinh dục có thể khác biệt, không tạo đủ nội tiết tố để cơ thể phát triển bình thường tạo thành tình trạng “lưỡng tính” (binary) hoặc “không rõ giới tính” (“nonbinary”). Tuy nhiên, nhiều trẻ em khi đủ hiểu biết về giới tính dù cơ thể bình thường nhưng vẫn không chấp nhận giới tính khi ra đời; trẻ nam muốn thành nữ và ngược lại. Những đứa trẻ này thường trải qua một thời gian khá dài với các kinh nghiệm đau buồn trước khi được cha mẹ giúp đỡ để chuyển giới hay “transgender”, gọi tắt là “Trans”.

Ta chưa rõ có bao nhiều “trans” trên thế giới; khoảng 355/100,000 người tự nhận diện là “trans”. Thống kê chỉ có thể ghi chép về số người chịu a) giải phẫu, b) chịu dùng nội tiết tố (hormone), hoặc cả hai phương cách để chuyển giới.
Tại Hoa Kỳ, khoảng 0.5 – 0.6% cư dân hay 1.4 triệu người “trans” theo thống kê năm 2016; con số này tiếp tục gia tăng khi xã hội xem ra cởi mở hơn, bớt kỳ thị sự khác biệt về giới tính. American Journal of Public Health. 107 (2): 213–215. doi:10.2105/AJPH.2016.303571.PMC 5227939. PMID 27997239.

Xem thêm:   Triết lý vụn

Thông thường, ngay trong tuổi ấu thơ, trẻ em đã biết phân biệt giới tính trai hay gái và phát triển theo chiều hướng ấy qua cách chọn lựa áo quần, các trò chơi nghiêng về giới tính. Bé nam thích bắn súng, đá banh… trong khi bé nữ ưa đứng trước gương, chơi búp bê, nấu bếp… Một số trẻ em, dù bị/được gọi là trai/gái nhưng vẫn không chấp nhận giới tính ấy và gặp nhiều khó khăn trong sự phát triển tâm lý. Các khó khăn này thường âm thầm, khó nhận biết trừ khi cha mẹ mẫn cảm, gần gũi con cái đủ để “thấy” những dấu hiệu khác thường ấy. Như việc tránh né các hoạt động liên quan đến giao tiếp như chơi chung với bạn bè [nam/nữ] thường ngày, không trả lời khi được giới thiệu theo giới tính, không thích món quần áo cha mẹ chọn (bé gái thích mặc quần áo con trai hoặc ngược lại) … Đôi khi đứa trẻ nói lên sự băn khoăn của nó và đặt câu hỏi về giới tính với cha mẹ… Sao mẹ/cha biết con là con gái / trai? Tại sao con sinh ra trong cơ thể trẻ gái/trai dù con là trai/gái

Sau khi trải qua sự “chấn động” tâm thần trước các câu hỏi bất ngờ và lạ lẫm về giới tính của con cái, phụ huynh thường tránh né câu trả lời trực tiếp, có vị lại trừng phạt, dọa nạt đứa trẻ, ngăn cấm việc thảo luận về giới tính … Cách hành xử ấy dẫn đến những tổn thương tâm lý như trầm cảm, nhút nhát, mất tự tin, tự tử, hoặc chống đối dữ dội; những đứa trẻ này khôn lớn thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp và không mấy thành công tại trường học, chỗ làm việc.

Xem thêm:   Không bám rễ

Theo Bác Sĩ Kade Goepferd, chuyên viên tâm lý trẻ em về giới tính, bất kể niềm tin tôn giáo, gốc gác văn hóa, phụ huynh cần cởi mở, lắng nghe những băn khoăn, bất an của đứa trẻ về giới tính. Thảo luận với con em, cho phép đứa trẻ nói lên ý nghĩ, tâm tình của nó. Khi cần, hãy tìm chuyên viên, khởi đầu là bác sĩ nhi khoa của đứa trẻ, để được giúp đỡ về cách hành xử trong gia đình và với thân nhân.

Cha mẹ cần thời gian để chấp nhận sự khác thường của con em sau khi đứa trẻ tỏ lộ ý muốn chuyển giống.

Trong thời gian chuyển tiếp, cho đến khi được thay đổi giới tính, đứa trẻ cần được xem như trai/gái theo ý muốn qua cách trò chuyện, ăn mặc, tên gọi…, cách giới thiệu con em với thân nhân, trong trường học. Quan trọng nhất vẫn là sự chăm sóc và bảo vệ con em khi cần thiết; đứa trẻ có thể bị chế giễu, tẩy chay hoặc hành hung tại trường lớp, ngay từ bậc tiểu học.

Sau khi chấp nhận và đứa trẻ muốn được chuyển giới, cha mẹ cũng như đứa trẻ cần được trợ giúp về tâm lý càng sớm càng tốt, trước khi cơ thể đứa trẻ phát triển. Việc chuyển giới là một chương trình kéo dài nhiều năm đòi hỏi sự kiên trì, từ cách dùng nội tiết tố đến giải phẫu.

Xem thêm:   Những giấc mơ hóa kiếp

Khi cơ thể chưa phát triển theo giới tính, trẻ em có thể được giải phẫu và dùng nội tiết tố để chuyển hướng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này cha mẹ khó lòng đoán biết khuynh hướng giới tính của con em, có thể là ý muốn “con nít” nhất thời nhưng cũng có thể là đứa trẻ chắc chắn mong muốn như thế. Chưa xác quyết được ý muốn của con trẻ, không mấy vị phụ huynh chọn việc trị liệu.

Khi cơ thể đã dậy thì việc chuyển giới khó khăn hơn về mặt y tế nhưng đứa trẻ hiểu biết hơn, có thể khẳng định ý muốn rõ ràng hơn. Một số trường hợp, sau một thời gian “sống” trong cơ thể “mới”, người trẻ đã chuyển giới lại đổi ý, muốn trở về tình trạng cũ ở cơ thể trước đó.

Nói giản dị, chuyển giới là một chương trình chữa trị đòi hỏi thời gian và rất nhiều nỗ lực của cha mẹ và con trẻ, cần mọi sự trợ giúp của y học từ chuyên viên tâm lý đến các bác sĩ giải phẫu. Điều quan trọng là cha mẹ cần sẵn sàng về tâm lý để chấp nhận sự khác biệt của con em và trợ giúp đứa trẻ thích nghi với sự khác biệt ấy. Khi được chấp nhận và trợ giúp, đứa trẻ sẽ phát triển tương đối bình thường, chấp nhận chính mình và thành công trong việc hòa nhập với đời sống chung quanh.

TLL