Ngày xửa ngày xưa, ông bà ta xem ánh nắng mặt trời mà dự đoán giờ giấc, lúc nào thì làm việc, lúc nào thì nghỉ ngơi. Khi chân trời ửng hồng là lúc vác cày ra đồng; khi nắng chiều khuất sau ngọn tre là đã đến lúc trở về nhà. Cổ nhân nhìn ráng trời mà đoán mưa nắng, ngắm sao mà tính mùa màng … Cứ như thế ngày tháng trôi qua ở các vùng nông nghiệp, con người nương theo thời tiết mà sinh sống, đời này sang đời khác.

Thế rồi nền văn minh lúa nước chuyển mình, hóa thân thành những vùng đất có vua chúa, quan lại, binh lính. Để tiện việc … hành chánh, con người bắt đầu phân biệt ngày tháng, gọi lúc có ánh sáng mặt trời là “ngày”, và khi nắng tắt chỉ còn bóng tối là “đêm”, theo trăng tròn / khuyết mà tính “tháng”; đặt tên thời tiết là xuân, hạ, thu, đông hay xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí. Rồi chi tiết hơn là các “tiết” như Thanh Minh, Lập Hạ … Cho chắc ăn, cổ nhân đặt ra các vật dụng để đo đếm thời giờ; một vài món tiêu biểu như sau:

– Khuê biểu (dụng cụ đo bóng nắng) gồm một thước đồng nằm ngang (khuê) và một thanh đồng thẳng đứng (biểu) thẳng góc với khuê để đo độ dài của bóng mặt trời và tính thời giờ.

– Nhật quỹ hay “nhật quy”, một loại đồng hồ theo ánh mặt trời mà định thời gian. Dụng cụ này bao gồm một chiếc kim quỹ và đĩa bàn, trên đĩa khắc 24 khoảng cách [khắc] đều nhau, kim quỹ đặt vuông góc ở chính giữa đĩa bàn, theo bóng kim [của kim quỹ] chỉ vào các khắc, để định thời gian.

– Lâu khắc (đồng hồ nước) gồm 2 phần, bầu nhỏ nước và bầu hứng nước. Bầu nhỏ nước chia làm 2 đến 4 tầng, mỗi tầng đều có lỗ thoát nước, nước nhỏ [giọt] vào bầu hứng nước, trong bầu hứng nước có mũi tên thẳng đứng, trên mũi tên có 100 khắc, mực nước từ từ dâng lên, theo mực nước trên mũi tên mà định [thời] khắc. Một ngày đêm [24 giờ đồng hồ] chia làm 100 khắc, tương đương với 1440 phút hiện nay, mỗi khắc tương ứng với 14.4 phút.

Lâu khắc dựa vào lượng nước mà định thời giờ, có thể đo thời giờ trong mọi thời tiết, bổ sung cho “nhật quỹ”, nên được người Tàu cổ xưa xem trọng.

Một cách định thời giờ khác là dùng “Tuần trà”, thời gian uống xong một tách trà hay “tuần hương”, khoảng thời gian một cây hương (nhang) cháy hết. Cách đo lường này “du di” khá nhiều nên chỉ sử dụng trong giới văn nhân nghệ sĩ; lúc khề khà nhấm nháp tách trà nên lâu lắc hoặc cọng nhang gặp gió cháy nhanh hơn (?). Họ thong thả thưởng thức đời sống, không tất bật như giới công nông cần giờ giấc chính xác (?).

Đo đếm thời giờ xem ra quan trọng quá xá, thời giờ là tiền bạc, nên con cháu của những “đồng hồ” cổ lần lượt ra đời, mỗi ngày một chính xác hơn; từ những cái đồng hồ kềnh càng trang điểm độc đáo treo giữa tòa hành chánh địa phương đến những cái đồng hồ lớn nhỏ trong lâu đài vua chúa rồi lan qua nhà thứ dân khi đồng hồ trở thành vật gia dụng, và sang trọng hơn, một loại vật trang điểm như đồng hồ bỏ túi đến đồng hồ đeo tay.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 18 tháng 4 năm 2024

Văn minh hơn, các vùng đất trên thế giới dùng đồng hồ riêng; theo mặt trời, mặt trăng mà tính ngày / đêm tại vùng đất ấy rồi thỏa thuận với nhau dựa trên “múi giờ”. Ta có EST (Eastern Standard Time), Pacific Time …

Chạy theo giờ giấc qua cái đồng hồ chán rồi thì bá tánh bày ra chuyện đổi giờ, vặn đồng hồ trước hoặc sau một tiếng tùy theo mùa gọi là “daylight saving time” hay DST. Mùa thu thì lùi lại 1 tiếng, “falling backward”, mùa xuân thì đi tới 1 tiếng “springing forward” theo kiểu chơi chữ xứ Huê Kỳ để mặt trời lên / xuống … đúng giờ!

Sách vở ghi chép rằng từ năm 1884, thế giới đã bắt đầu chia thành 24 múi giờ (time zone), theo chiều dọc, kinh tuyến, chạy qua đài quan sát Greenwich observatory tại  London, hay “Greenwich Mean Time” (viết tắt GMT). Khoảng ¼ cư dân thế giới (các vùng Tây Âu, hầu hết Huê Kỳ (ngoại trừ Arizona và Hawaii) và một phần đất Úc) đổi giờ 2 lần hằng năm.

* Suốt nửa thế kỷ, Arizona vẫn tiếp tục giữ nguyên giờ giấc mùa Thu bộ tộc (có phần “tự trị”?) Navajo Nation trong lãnh thổ Arizona lại thay đổi đồng hồ theo DST. Ngược lại, bộ tộc Hopi (The Hopi Reservation), nằm gọn lỏn trong vùng Navajo Nation, lại theo đồng hồ của tiểu bang Arizona (không đổi giờ khi mùa Xuân đến)

Khái niệm DST được xem là xuất phát từ ông Benjamin Franklin, từ năm 1784 ông ấy đã băn khoăn về mức năng lượng tiêu thụ trong những ngày thu đông u ám. Ngay cả hiện nay trên thế giới, đèn điện thắp sáng tiêu xài khoảng 19% năng lượng và thải ra cỡ 6% carbon dioxide. Tuy nhiên mãi đến năm 1907 khi ông William Willett, người Anh, tự xuất bản cuốn sách mỏng “The Waste of Daylight” khởi xướng ý tưởng làm việc theo buổi rạng đông sẽ khuyến khích con người hoạt động ngoài trời nhiều hơn, khỏe mạnh hơn, tiết giảm thời gian quanh quẩn trong quán rượu và nhất là tiết giảm năng lượng tiêu thụ. Ông Willett qua đời trước khi ý tưởng của ông ấy được thực hiện: Anh Quốc áp dụng DST năm 1916, Huê Kỳ theo chân vào năm 1918.

“Daylight saving time” / DST khởi đầu như thế với mục đích chính là tiết kiệm năng lượng và tạo thêm 1 giờ sinh hoạt trong ánh sáng mặt trời cho cư dân. Các mục đích ấy ngày nay không còn là mối bận tâm nữa (?) mà việc vặn đồng hồ lui tới vẫn tiếp tục được áp dụng; nhiều địa phương muốn chấm dứt việc “lui tới” ấy mà cù cưa mãi chưa xong. Giờ giấc hành chánh tại Huê Kỳ vẫn áp dụng DST theo luật hành chánh của liên bang (qua bộ Giao Thông [Department of Transportation]) từ năm 2007. Nghĩa là công sở, kỹ nghệ tài chánh, ngân hàng … đều làm việc theo DST dù bá tánh thúc đẩy việc duy trì giờ giấc theo mùa Xuân và bãi bỏ việc lùi 1 giờ khi vào Thu. Năm ngoái (2022), Thượng Viện Huê Kỳ hoàn toàn đồng thuận với việc duy trì giờ giấc mùa Xuân nhưng đề án này không hiểu tại sao vẫn nằm ì, không nhúc nhích tại Hạ Viện và khi Hạ Viện chưa bỏ phiếu chuẩn thuận thì đề án vẫn chưa thành luật.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Tại sao thế nhỉ?

Phe muốn bãi bỏ DST thì kêu la rằng thay đổi giờ giấc, bắt đầu làm việc sớm hơn 1 giờ làm đảo lộn đồng hồ sinh học của cơ thể khiến ta ngầy ngật, khó chịu, thân thể uể oải vì mất ngủ. Càng lớn tuổi sự thích nghi với giờ giấc mới xem ra càng khó khăn.

Theo ông John Milne, the British Medical Journal, 2 lần trong năm khi giờ giấc thay đổi, nhân công giảm hiệu năng trong công việc. Sự thay đổi này tạo ra “social jetlag”, tên gọi của khoảng cách giữa đồng hồ sinh học của cơ thể và giờ giấc [phải] làm việc [theo đồng hồ của xã hội].

Với lứa tuổi dậy thì, cơ thể đòi ngủ nhiều hơn. Một cuộc khảo sát nhỏ cho thấy tại Huê Kỳ, học sinh trung học mất 32 phút để ngủ khi đồng hồ vặn thêm 1 giờ vào mùa Xuân; sụt điểm toán và khoa học trong suốt 2 tuần lễ sau khi đổi giờ cũng như tổng số điểm SAT thấp hơn so với các học sinh tại những nơi không theo DST.

Trẻ em chịu ảnh hưởng “social jetlag” nặng nề hơn so với người lớn vì đồng hồ sinh học tự chuyển dịch (hay “chronotype”) chậm hơn khiến trẻ em khó đi vào giấc ngủ buổi tối nhưng vẫn phải thức dậy sớm để đến trường đúng giờ. Sự chuyển dịch “chậm” này khiến khả năng suy luận và mức tỉnh táo cũng đến chậm hơn so với người lớn. Tạm hiểu là trẻ em ‘lè è’ chậm chạp vào buổi sáng, càng phải thức sớm càng chậm chạp. Theo bài tường trình của một nhóm chuyên viên Canada nghiên cứu về sự khác biệt trong cách suy luận, tính toán giữa trẻ em và người lớn vào buổi sáng (mid-morning) và buổi chiều (mid-afternoon): mức suy luận, tính toán của trẻ em gia tăng 10% trong khi chỉ số suy luận của người lớn sút giảm khoảng 7% vào buổi chiều. Nghĩa là trẻ em xem ra năng động đầu óc, tỉnh táo hơn vào buổi chiều. (https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0262407917317700)

Tại Huê Kỳ, Quốc Hội Minnesota là tiểu bang đầu tiên đã thẩm định các lợi ích của việc trường học mở cửa trễ hơn, và được sự ủng hộ của nghiệp đoàn Y Sĩ tiểu bang. Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều trường trung học tại ngoại ô Minneapolis đã thay đổi giờ học từ 7:20 đến 8:30 sáng trong khi các chuyên viên nghiên cứu thẩm định kết quả của sự thay đổi này: Học trò bớt ngầy ngật mệt mỏi trong khi thầy cô đồng ý rằng các em chú ý nhiều hơn, học nhanh hơn trong lớp. Số trẻ em vắng mặt cũng sút giảm đáng kể. Riêng phụ huynh thì hài lòng hơn vì không phải đánh thức, thúc giục con cái sửa soạn đến trường khi chúng còn ngái ngủ, ngầy ngật. Tạm hiểu là được ngủ nhiều hơn, dù chỉ 45-60 phút, đầu óc con trẻ hoạt động mạnh mẽ hơn.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Năm 2014, hội Bác Sĩ Nhi Khoa Huê Kỳ, the American Academy of Pediatrics, đã tường trình rằng trường học bắt đầu trước 8:30 sáng sẽ khiến trẻ em tuổi dậy thì không ngủ đủ giấc và gây rối loạn đồng hồ sinh học.

Tại Anh Quốc, trường học bắt đầu khoảng 8:50 sáng dù học trò, tuổi 18-19, đầu óc không mấy năng động cho đến khoảng 11 giờ sáng.

Các khuyến cáo kể trên ấy khó lòng áp dụng tại Huê Kỳ vì ngày làm việc của phụ huynh sớm hơn, trễ nhất là 9 giờ sáng chưa kể những người bắt đầu từ 7 giờ sáng!

Với người lớn, khi đổi giờ vào mùa Xuân, giấc ngủ bị thu ngắn, số tai nạn gia tăng khi lái xe và lúc điều khiển máy móc hạng nặng trong suốt 2 tuần lễ sau đó chưa kể các rủi ro khác như trụy tim, đột quỵ, tự tử và các chứng bệnh tâm thần.

Khoảng 40% cư dân thế giới “lắc lư” với 2-4 tiếng bị “social jetlag” trong khi khoảng 10% cư dân vẫn hoạt động bình thường dù chỉ ngủ 4-6 tiếng mỗi đêm.

Tuy nhiên, giấc ngủ thường khác biệt giữa các cá nhân, người ngủ sớm kẻ thức khuya đến 1-2 giờ sáng. Kẻ ngủ muộn khi phải thức giấc khoảng 6:30 sáng để kịp giờ làm việc lúc 8-9 giờ là một sự đối chỏi với thiên nhiên, chống đối đồng hồ sinh học của chính mình.

Khoa học đã chứng minh rằng mức làm việc của đầu óc con người lên cao / xuống thấp vài lần trong ngày. Trung bình, khả năng suy luận lên cao nhất giữa 10-12 giờ sáng; mức giải quyết công việc phức tạp lên cao nhất khoảng 12 -14 giờ chiều và tính toán [theo toán học] nhanh nhất vào lúc 21 giờ (9 giờ tối) (?). Đầu óc thường trì trệ, thân thể ngầy ngật mệt mỏi trong khoảng 14-15 giờ.

Các cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng của giờ giấc trên đồng hồ sinh học, chronotype, vẫn đang tiếp diễn.

Nhìn chung, cơ thể con người khác biệt, và đồng hồ sinh học cũng khác biệt về giờ giấc tỉnh / thức. Khi công sở có thể uyển chuyển về giờ giấc thay vì đặt giờ làm việc cố định, dùng kết quả để thẩm định tài năng, thì mức đóng góp của nhân viên sẽ cao hơn vì họ khỏe khoắn, an vui hơn với công việc!?

Lý thuyết tuy dễ hiểu nhưng xã hội khó lòng áp dụng các nguyên tắc về giờ giấc uyển chuyển cho mọi người vì quá nhiều khó khăn: Công xưởng có thể mở cửa / đóng cửa theo nhu cầu của từng nhóm người? Làm thế nào để một nhóm người ngồi lại với nhau trong cuộc hội thảo nếu không cùng một giờ giấc làm việc?

Thì ra sinh sống trong một cộng đồng / xã hội, con người sẽ phải ép lòng thích nghi với thế giới chung quanh dù cơ thể [âm thầm hoặc ngang nhiên] chống đối!?

TLL