Giàu nghèo là chuyện xưa như trái đất. Thời đại nào cũng có người giàu kẻ nghèo. Ở nơi nào cũng có người giàu kẻ nghèo, chỉ khác nhau đôi chút là khoảng cách giàu- nghèo kia lớn cỡ nào và cách định nghĩa cũng như cảm nhận / phản ứng của xã hội chung quanh về sự giàu nghèo ấy. Nhìn chung, tại những vùng đất phát triển, sự giàu nghèo không mấy rõ rệt vì ở giữa là giới trung lưu, chiếm đa số cư dân. Trái lại, ở những nơi nghèo khó thì khoảng cách nọ xem ra lớn hơn vì giới “trung lưu” hầu như chỉ giữ mức “thiểu số”. Nghĩa là người “giàu” thì ít, kẻ trung lưu cũng ít và dân nghèo thì rất đông đảo.

Tính theo Tổng Sản Lượng Quốc Gia (National GDP) và mãi lực [khả năng mua] hay ‘purchasing power’ thì Huê Kỳ được xem là “giàu có” nhưng quốc gia này lại chịu khoảng cách giàu – nghèo khá lớn và con số “trung lưu” mỗi ngày một sút giảm. Theo trung tâm nghiên cứu [xã hội] Pew, the Pew Research Center, vào năm 2018 tỷ lệ số người trung lưu là 52%, thấp hơn so với những năm 70, 80 và 90 của thế kỷ trước. Tổ chức này cũng công bố một “công thức” tính toán mức lợi tức, và dùng mức lợi tức ấy cũng như giá sinh hoạt nơi cư ngụ để định nghĩa mức giàu, nghèo hoặc trung lưu.

Pew Research định nghĩa “trung lưu” (middle-income) là nhóm người có lợi tức từ gấp đôi mức lợi tức trung bình của cư dân “nghèo” trong nước; nghĩa là nhóm có lợi tức khoảng 42,000 – 126,000 Mỹ kim (theo trị giá năm 2014); chi tiết hơn, lợi tức $30,000 – $50,000 được xem là “lower-middle class”. Tạm hiểu, đây là một loại định nghĩa dựa trên sự “tương đối” (so sánh với người chung quanh); các con số lương bổng kia khi đứng một mình, tự nó không có ý nghĩa tuyệt đối.

Theo một bản trưng cầu ý kiến của công ty tài chánh Charles Schwab, “giàu” là người có tài sản trung bình trị giá 2.4 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên định nghĩa chữ “giàu” theo chính phủ Huê Kỳ (Economic Policy Institute) lại tùy thuộc vào tiêu chuẩn sinh sống của từng địa phương, từa tựa như định nghĩa “tương đối” của Pew: Người khá giả (độc thân) có lợi tức khoảng 78 ngàn Mỹ kim/năm và gia đình khá giả có lợi tức khoảng 156 ngàn Mỹ kim. Ðể được liệt kê vào nhóm “1%”, người ta cần món lợi tức khoảng 421 ngàn Mỹ kim/năm. Tuy nhiên con số [tương đối] này gia giảm theo nơi cư ngụ: Tại tiểu bang Connecticut, nhóm “1%” có lợi tức khoảng 700,800 Mỹ kim hàng năm.

Trên bình diện quốc tế, nhóm “1%” chiếm giữ 50% tổng số tài sản của thế giới, nghĩa là 50% tài sản còn lại chia không đồng đều cho 99% dân số trên địa cầu. Chi tiết hơn, theo Suisse Credit, khoảng 34 triệu người (0.7% dân số trên thế giới) có mức tài sản khoảng 1 triệu Mỹ kim. Mức chênh lệch về tài sản giữa các triệu phú và tỷ phú là một khoảng cách rất lớn, ngay cả trong nhóm “1%” này!

Dù các định nghĩa về giàu / nghèo không tuyệt đối nhưng mấy con số kể trên cho thấy sự khác biệt giữa giàu / nghèo là một khoảng cách khá lớn, tại Huê Kỳ cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trước đây, các chuyên viên kinh tế / xã hội thường dùng những chữ như “thượng lưu”, “trung lưu” và “nghèo” (upper, middle and lower) để mô tả các giai tầng xã hội; những danh xưng này ngày nay xem ra không còn chính xác nữa. Ngay cả những chữ “1% so với 99% cư dân” cũng không hoàn chỉnh, rõ ràng khi dùng để chỉ vị thế kinh tế của cư dân trong một cộng đồng.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Theo ông Richard V. Reeves, Senior Fellow tại Brookings Institution, để phân loại giàu nghèo, ta nên dùng hai nhóm “20% Ðầu / 80% Cuối” (Top 20 / Bottom 80) vì con số ‘20% Ðầu’ này tự nó nói lên khá nhiều đặc điểm của nhóm cư dân. Tạp chí the Economist cũng sử dụng chỉ số 20/80 vào việc phân tích các vấn nạn xã hội và tường trình rằng trong giai đoạn 1979 – 2013, tại Hoa Kỳ, lợi tức trung bình của nhóm “80%” gia tăng 42% trong khi lợi tức trung bình của nhóm “19%” gia tăng 70% và nhóm “1%” lại gia tăng đến 192%! Nói giản dị, về tài chánh, nhóm người giàu có nhất (1%) và nhóm giàu có thứ nhì (19% kế tiếp) đã tách rời họ khỏi hầu hết số cư dân (80%) còn lại.

Tỉ mỉ hơn, so với nhóm “80% Cuối”, nhóm “20% Ðầu” gồm các bác sĩ, luật sư và các tay quản trị cao cấp kể cả CEO. Họ lập gia đình trễ hơn, đạt mức học vấn cao hơn, có một hệ thống giao tiếp rộng rãi hơn và “bạn bè” là những người giàu có hơn. Họ cũng khỏe mạnh hơn với tỷ lệ thấp hơn về bệnh tim mạch và chứng mập phì.

Ông Reeves cũng cho rằng cách xếp loại kể trên rất cần thiết để mô tả sự khác biệt giữa các nhóm cư dân qua hai lý do chính: Thứ nhất, nhóm “19%” thường cho rằng họ là những người khá giả ở mức “trung lưu” trong khi trên thực tế, đây là những người giàu có nhất nhì trong xã hội. Và vì họ không nằm trong nhóm “1%” nên các nhà phân tích ít chú trọng đến cách tiêu xài, sử dụng tiền bạc của họ.
Thứ nhì, nhóm 20%, lợi tức trên 112 ngàn Mỹ kim hàng năm, chính là những người thụ hưởng nhiều nhất các lợi ích từ xã hội khi kinh tế phát triển, từ lương bổng đến các lợi nhuận từ việc đầu tư và nhóm cư dân này có mức sống rất sung túc dư thừa. Ngoài ra, lợi tức [gom chung] của họ chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng số lợi tức quốc gia. Do đó, nếu Huê Kỳ muốn tăng thuế lợi tức để tài trợ các chương trình xã hội, chính sách thuế má nên tập trung vào nhóm “20%” này.

Trong khi các nhà kinh tế phân tích các dữ kiện về lợi tức, các con số liên quan đến tài chánh, kinh tế của nhóm “20%”, các chuyên viên xã hội lại chú trọng đến những “thói quen” sinh sống khác như phương cách chiếm giữ các cơ hội (hoarding opportunity) tốt đẹp khác để con cái họ được nhiều lợi ích hơn và duy trì được nếp sống của giới “20%”. Ðiển hình là việc lập “hàng rào” (zoning) quanh nơi cư ngụ và trường học: tại vùng khá giả, trường học thường giàu ngân quỹ nên học cụ dư xài, học trò được lựa chọn thể thao, âm nhạc… và các môn phụ thuộc khác. Tỷ lệ giáo viên / học trò tương đối thấp nên trẻ em được chăm sóc, để ý đến kỹ lưỡng hơn. Trẻ em được nhiều cơ hội để học hỏi ganh đua. Những cơ hội này thường vắng bóng tại các xóm nghèo. Các thí dụ khác bao gồm việc lập tiêu chuẩn để cấp bằng hành nghề, tiêu chuẩn đơn từ để xin vào đại học như điểm thi cử, thủ tục nhận người nội trú (sinh viên / học sinh đi học “nghề”)…

Trong khi nhắm đến việc bảo vệ quyền lợi riêng, chính các hoạt động kể trên của nhóm “20%” đã tạo ra ranh giới chia cắt xã hội thành hai nhóm giàu / nghèo và dẫn đến các bất công, inequality. Theo nhà kinh tế Alan Krueger, cựu cố vấn kinh tế thời Obama, sự bất công đi đôi với việc khó “nhúc nhích” thay đổi về kinh tế. Càng nghèo, con người càng ít cơ hội, khó di chuyển để tìm kiếm việc làm nên sống quây quần. Và người giàu, trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, càng giàu con người lại càng muốn tách rời họ với kẻ [nghèo] chung quanh.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Sự giàu / nghèo hiển hiện qua các tiêu chuẩn đo lường về tiền bạc như nơi cư ngụ (zip code), phố xá chung quanh, cách sinh sống, trang phục … Tuy nhiên tiền bạc không phải là thước đo duy nhất mà các yếu tố khác như văn hóa và xã hội cũng được áp dụng để thẩm định các giai tầng xã hội. Theo nhà Xã Hội Học người Pháp, Pierre Bourdieu, giai tầng xã hội dựa trên ba thứ “vốn liếng”: kinh tế [tài chánh], xã hội và văn hóa. Cả ba yếu tố này đều quan trọng trong việc đầu tư để “trưởng thành” của con người.

Vốn liếng xã hội (social capital) nên được hiểu là sự liên quan, những mối giao thiệp với người chung quanh: quen biết, thân thích, làm ăn với những ai? Họ là những người trong tầng lớp nào trong xã hội? Từa tựa như câu ngạn ngữ phương Tây “nói cho tôi bạn của anh / chị là ai” hay câu nói của ông bà ta “buôn có bạn, bán có phường”, nôm na là xã hội đánh giá con người qua việc giao thiệp, sinh sống.

Vống liếng văn hóa (cultural capital) xem ra mơ hồ, khó định nghĩa hơn, đại để là mức hiểu biết về “văn hóa”. “Văn hóa” ở đây được hiểu rộng rãi, bao gồm nhiều hình thức như trình độ giáo dục, khả năng [làm việc], sự thẩm định văn chương, nghệ thuật, cung cách giao tiếp, ăn nói và ăn mặc. Tạm hiểu là cách ăn nói, xử sự khi giao tiếp với người chung quanh nói lên khá nhiều về giai tầng xã hội của cá nhân ấy. Không lạ là từ Ðông sang Tây, bá tánh vẫn phân biệt, tách rời hai chữ “phú” và quý”.

Vốn liếng “xã hội” và “văn hóa” đem lại các lợi nhuận xem ra vô giá, cả hai đều được dùng để gây vốn liếng tài chánh, tạo ra tiền bạc. Khi nói đến “giai tầng xã hội”, các nhà xã hội học ngày nay sử dụng cả ba thước đo kể trên.

Người giàu có kẻ chọn việc giao tiếp với những người giàu tương tự nhưng cũng có người giàu cảm thấy bất an về sự dư thừa tiền bạc và muốn san sẻ với xã hội chung quanh. Các “cảm nhận” này dẫn đến những cung cách sống khác nhau, xã hội có các câu lạc bộ riêng tư nhưng cũng có các hội từ thiện bất vụ lợi tài trợ những hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục và ngay cả thực phẩm hàng ngày. Nhưng quan trọng hơn nữa là sự “cảm nhận” về giàu / nghèo, sự bất công [trong] xã hội và phản ứng của những người trong nhóm “80%” còn lại. Theo bản tóm tắt các tài liệu nghiên cứu xã hội của tạp chí the Economist, người nghèo (tự nhìn nhận là “nghèo”) cho rằng họ thiếu những tài nguyên cần thiết như tiền bạc, bạn bè, thời gian, năng lực nên trí óc hoạt động khác với người giàu có. Sự thiếu thốn ấy khiến đầu óc bị thúc ép hoạt động theo mục đích “gần”, chỉ nhắm đến: 1) vật chất thiết yếu; và 2) trị giá của những thứ họ cần nhưng không có. Các mục đích này thúc đẩy người nghèo cần cù hơn nhưng cũng chính các chú tâm ấy khiến họ đặt tầm ngắm ngắn hơn, ít toan tính cao xa và chỉ lo âu đến những mục đích trước mắt. Tóm tắt là nghèo khó, sự thiếu thốn thui chột các tiềm năng của con người, cái khó bó cái khôn.

Trong lịch sử cận kim, cuộc cách mạng “Hoa Lài” hay Arab Spring xảy ra khi một người bán rong, Mohamed Bouazizi, bị cảnh sát truy đuổi tại Tunisia; phẫn uất quá, anh Bouazizi nổi lửa tự thiêu. Bó đuốc “người” bốc cháy khởi đầu cho những cuộc xuống đường, đòi dân chủ và lật đổ chính quyền. Từ Tunisia, Morocco, Syria, Libya, Egypt đến Bahrain. Sự thay đổi đã xảy ra vài năm sau đó, nhưng rồi tình trạng xã hội vẫn không mấy khả quan. Dù đã lật đổ được ông tổng thống ôm ghế, Tunisia vẫn nghèo khó và đang đương đầu với các rối loạn xã hội khác. Morocco vẫn chịu sự cai trị của vua chúa … Tạm hiểu là cuộc cách mạng kia dù thành công nhưng vẫn chưa mang lại ảnh hưởng lâu dài.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Khi tìm hiểu nguyên nhân, ta có thể nhận ra một vài mẫu số chung như khoảng cách giàu / nghèo quá lớn (income inequality) và sự vật vã để kiếm sống đã dẫn đến khủng hoảng xã hội. Cướp bóc là hình ảnh của sự xáo trộn xã hội ở tầm mức nhỏ nhưng phản kháng hay “cách mạng” là một khủng hoảng trầm trọng. Lý do gì khiến đời sống cư dân vùng Ả Rập kể trên vẫn đâu hoàn đó sau vài thay đổi giới hạn? Sự tôn thờ “thần quyền” dẫn đến việc tôn thờ lãnh tụ [và sẵn sàng tuân phục kẻ có quyền / đại diện của thần thánh]? Mức hiểu biết thấp kém, trình độ giáo dục cũng như khả năng tìm hiểu thế giới bên ngoài địa phương sinh sống chưa đủ? Dù vẫn chưa được dân chủ nhưng chỉ cần bớt bất công, đời sống dễ thở chút ít là cư dân sẽ chấp nhận tình trạng mới? Hoặc giả… nghèo khó quá nên con người chỉ vật vã kiếm sống (trở lại với mệnh đề cũ kể trên) và bỏ qua những món ăn tinh thần như tự do?

Tại Huê Kỳ, sự khác biệt giữa giàu nghèo xem ra mỗi ngày một rõ rệt, nhưng ở mức độ nào thì cư dân sẽ đòi hỏi một thay đổi lớn như cải tổ y tế, cải tổ giáo dục? Ở một mức dân trí nào thì tự do và dân chủ sẽ xóa dần mức khác biệt giữa “giàu” và “nghèo”? Bá tánh sẽ vẫn tiếp tục bỏ phiếu cho những mục đích “gần” như giảm thuế lợi tức mà không muốn nghĩ đến các hậu quả (bớt tài trợ giáo dục, y tế…)? Sẽ tiếp tục giới hạn di dân nhập cảnh vì e ngại tốn kém (di dân chia bớt các phúc lợi xã hội) và “mất việc làm” mà không tính toán đến giá cả sinh hoạt (thiếu nhân công, chủ hãng xưởng phải chịu phí tổn nhân công nội địa cao hơn để sản xuất)?

Khi nào thì cư dân sẽ nói rằng chủ nhân Amazon, Facebook buôn bán bạc tỷ, hãy đóng góp thêm với xã hội (qua thuế má) để duy trì sự bình yên cho xã hội chung quanh? Nghĩa là nhóm “1%” cần đóng góp thêm ở một tỷ lệ thuế má cao hơn so với nhóm “19%” còn lại? Chính khách vẫn tiếp tục mị dân qua các bài bản quảng cáo êm tai, dễ hiểu và người dân vẫn bỏ phiếu theo cảm tính thay vì tìm hiểu và đòi hỏi các sự kiện chính xác về tình trạng xã hội hiện hành?

Cuộc bầu cử sắp tới tại Âu Châu và ngay tại Hoa Kỳ hẳn sẽ cho thấy phần nào ý muốn và sự quan tâm của cử tri. Người giàu muốn gì qua việc tài trợ ứng viên gà nhà? Ứng viên nào thu góp được nhiều tiền nhất để tranh cử? Và bao nhiêu cử tri đã đóng góp cho ứng viên ấy? Người nghèo mong mỏi chi từ xã hội qua lá phiếu? Bá tánh thực sự muốn tự do dân chủ hay muốn duy trì chính sách dân túy (populism)? Ta chờ xem?

TLL

Orlando, FL.

Tài liệu:

https://faculty.georgetown.edu/irvinem/theory/Bourdieu-Forms-of-Capital.pdf

https://www.economist.com/books-and-arts/2013/08/31/days-late-dollars-