Dầu cá là món hàng đang bán chạy, cứ nhìn “chỗ đứng” của dầu cá trong các cửa tiệm bách hóa, nhà thuốc tây & ta và cả liên mạng là ta có thể đoán ra người tiêu thụ ưa chuộng dầu cá đến chừng nào. Người người dùng dầu cá, nhà nhà dự trữ dầu cá, mua để dùng và mua để dành!

Một số chi tiết căn bản về dầu cá: Dầu cá chứa hai loại omega-3 fatty acids là eicosapentaenoic acid (EPA) và docosahexaenoic acid (DHA). Cơ thể con người không tự chế tạo được chất liệu này nhưng lại cần omega-3 fatty acids cho nhiều công năng trong cơ thể, từ hoạt động của bắp thịt đến sự tăng trưởng của tế bào. Ngoài ra, tác dụng của Omega-3 fatty acids còn bao gồm giảm phản ứng viêm (đau và sưng tấy) và giúp loãng máu.

Omega-3 fatty acids đến từ thực phẩm, nhất là các loại cá như cá hồi (salmon), cá thu (mackerel), cá trích (herring), và trout (cá hương?), cũng như mussel (trai, hến), oyster (hàu, hào) và cua nên được gọi chung là “dầu cá” hay “fish oils”. Dầu cá thông thường (thực phẩm) được bán dưới dạng thực phẩm phụ / bổ sung (supplement); một vài loại dầu cá được FDA cho phép bán dưới toa bác sĩ, “thuốc dầu cá”, để giảm lượng chất béo triglycerides trong máu. Loại thông thường không chứa đủ một lượng dầu cá như loại bán theo toa bác sĩ; do đó, không nên dùng để thay thế “thuốc dầu cá”.

Khi lượng chất béo triglycerides gia tăng trong máu (hypertriglyceridemia), mạch máu bị thu nhỏ vì những mảng mỡ tích tụ qua thời gian khiến áp huyết lên cao, hypertension, máu không luân lưu đủ đến các bộ phận thiết yếu như tim và não bộ dẫn đến trụy mạch, trụy tim, và đột quỵ. Ðể phòng ngừa, ta cần áp dụng các biện pháp giảm huyết áp, giảm lượng mỡ trong máu. Một trong các biện pháp ấy là dùng thuốc dầu cá như Lovaza, Omtryg, và Epanova để giảm triglyceride.

Khi dùng theo chỉ dẫn, dầu cá thông thường rất an toàn, chỉ tạo ra một số phản ứng phụ nhẹ như vị tanh, hôi miệng, đầy hơi, buồn nôn hoặc tiêu chảy. Dùng một lượng cao dầu cá có thể gia tăng rủi ro bị loãng máu.

Đánh bắt cá cơm tại Peru – nguồn andina

Dầu cá tương tác với một số dược phẩm tạo ra các phản ứng phụ nặng nề; do đó muốn dùng thêm dầu cá, ta cần cẩn thận khi đang uống thuốc chữa bệnh tật như:

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

– Thuốc trị cao huyết áp, antihypertensive drugs: Dầu cá có thể gây hạ huyết áp nên huyết áp có thể xuống thấp hơn mức mong muốn; do đó nên theo dõi huyết áp cẩn thận.

– Thuốc ngừa thai, contraceptive drugs: Khi dùng thuốc dầu cá để giảm lượng triglyceride, thuốc ngừa thai có thể mất tác dụng.

– Một số thuốc men khác như Orlistat (Xenical, Alli), Cyclosporine (Neoral, Sandimmune), Sirolimus (Rapamune), Tacrolimus (Prograf) … là các dược phẩm quan trọng, tác dụng có thể gia giảm khi dùng chung với dầu cá nên cần thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng.

Có thể vì các lý do kể trên mà việc dùng dầu cá trở nên phổ thông. Phổ thông đến mức món hàng được bán lền khên trên thị trường. Nhìn ngắm dãy sản phẩm mà chóng mặt, cả chục hãng sản xuất dầu cá nên khó lòng đoán biết món dầu cá nào có phẩm chất cao, phân lượng có đúng như nhãn hiệu kê khai không… nhất là khi người bán dùng những chữ hấp dẫn như “pure” (tinh tuyền?), “fresh” (“tươi mới”?) để mời gọi kẻ mua. Người cẩn thận hẳn sẽ tự hỏi … Hừm, dầu cá dưới dạng viên đựng trong chai lọ mà “tinh tuyền” hay “tươi” thế nào được? Những con cá nhỏ xíu bị đánh bắt ở vùng biển nào đó, chuyên chở đến nơi chế biến ngàn dặm xa, bị nghiền nát để lấy dầu rồi thu gọn thành từng viên bỏ hộp trước khi đến tay người mua.___

Một số dầu cá được chế biến từ cá tuyết, cá thu hoặc cá mòi nhưng hầu hết xuất phát từ cá cơm của Peru (Peruvian anchoveta), loại thực phẩm quan trọng cho muông thú tại Humboldt Current, một trong những vùng sinh thái thiết yếu của địa cầu. Tạm hiểu là một phản ứng dây chuyền đã xảy ra và đang tiếp diễn: Con người đánh bắt cá cơm để chế dầu cá khiến muông thú hoang dã tại Humboldt Current chịu đói khát vì thiếu nguồn thực phẩm thiên nhiên.

Lượng cá cơm đánh bắt tại Peru lên đến bốn triệu tấn hằng năm. Một phần của số cá ấy được đông lạnh và đóng hộp làm thực phẩm của con người, phần lớn dùng để nuôi heo, gà và cá nuôi trong trại. Thấy lợi nhuận ngấp nghé, các công ty hải sản tại Peru đang phát triển cấp kỳ để dành thị phần trong ngành sản xuất dầu cá.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Cá cơm chứa nhiều EPA và DHA. Theo tổ chức Global Organization for EPA and DHA Omega-3 (GOED), kỹ nghệ chế biến dầu cá dùng khoảng 38 ngàn tấn dầu cá cơm hằng năm để chế tạo sản phẩm, một con số khá lớn theo các nhà bảo vệ môi sinh / biển cả. Tạm hiểu, việc đánh bắt cá cơm ráo riết [đem bán] tại Peru có thể dẫn đến cạn kiệt nguồn cung cấp từ biển cả, đảo lộn môi sinh của những vùng lân cận; người và thú vật địa phương không đủ cá để ăn dẫn đến các hệ lụy khác.

Không riêng gì Peru, kỹ nghệ đánh bắt hải sản trên nhiều quốc gia khác cũng gây khá nhiều tai tiếng vì bất tuân luật pháp. Họ tường trình sai lạc về kết quả của việc đánh bắt; đánh cá nhiều nhưng kê khai ít; giấu diếm việc bắt cá còn non, chưa đủ lớn để sinh sản nên nhiều giống cá từ từ mất dấu; không bảo vệ nhân công đầy đủ theo luật định; hành nghề không có giấy phép…

Chăn nuôi hải sản (Aquaculture) là một kỹ nghệ đang phát triển khắp nơi, được đánh giá khoảng 200 tỷ Mỹ kim năm 2020. Hoa Lục được xem là quốc gia dẫn đầu trong ngành chăn nuôi hải sản; cung cấp khoảng 60 triệu tấn sản phẩm hằng năm. Hải sản “chăn nuôi” (thay vì đánh bắt) chiếm 50% thị trường thực phẩm (hải sản) của người thế giới, con số này sẽ lên đến 62% vào năm 2030.

Theo bà Katrina Nakamura, người thành lập tổ chức Sustainability Incubator chuyên việc nghiên cứu về nhân công làm việc trong các hãng xưởng chế tạo thực phẩm, ta nên biết rõ nguồn gốc của món dầu cá đang sử dụng.

Dùng algea để thay thế dầu cá? nguồn vitacost

Ðề nghị của bà Nakamura quả là hợp lý, dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc, ta “bỏ qua” những hệ lụy, hay /dở của chuỗi sản xuất đã đành nhưng khi hiểu rằng món hàng mình đang dùng ảnh hưởng tai hại đến môi sinh và cư dân địa phương thì áy náy lắm. Dế Mèn đang dùng dầu cá nên mày mò tìm hiểu và vỡ ra vài điều: các công ty sản xuất dầu cá lớn như Nature’s Bounty, Nature Made, Sundown và Kirkland đều khoa trương rằng sản phẩm của họ xuất phát từ Peru nơi nguyên liệu [cá cơm] được duy trì [một cách bền bỉ hay “sustainable”]. Khi đọc mấy bài tường trình của các tổ chức bảo vệ môi sinh thì thấy lời quảng cáo không đúng sự thật vì chưa thấy trại nuôi cá cơm nào nằm trên danh sách chính thức. Không chăn nuôi mà vẫn có cá cả triệu tấn đem bán; như thế chỉ có thể là đánh bắt từ biển cả?!

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Nguồn gốc nguyên liệu đã tối tăm như thế mà khi rinh về, dầu cá đôi khi lại có mùi ôi, khó ngửi. Thì ra khoảng 10% dầu cá trên thị trường bị hư hoại nên bốc mùi khó ngửi. Theo Tiến Sĩ Ben Albert, một chuyên viên nghiên cứu dầu cá tại University of Auckland, Úc, sự hư hoại kia đến từ phản ứng oxy hóa. Khi tiếp xúc với không khí, ánh sáng và nhiệt độ, dầu [cá] bị oxy hóa dẫn đến hư hoại. Những thùng dầu cá được vận chuyển từ Peru đến Hoa Lục để chiết xuất và đãi lọc trước khi đưa đến vùng Bắc Mỹ hay Âu Châu để vo viên, bỏ lọ, đóng hộp. Dầu cá được sản xuất theo kiểu dây chuyền như thế nên sự oxy hóa có thể xảy ra ở bất kỳ trạm “dừng” nào.

Ta có thể thay thế dầu cá bằng sản phẩm nào khác, cũng chứa omega-3 fatty acids, không? Thị trường đang quảng cáo về krill và rong tảo (algea) như hai sản phẩm có thể thế chỗ dầu cá và “thân thiện” với môi sinh hơn.

Có thật như thế không? Theo bài báo của the Guardian (https://www.theguardian.com/environment/2021/sep/07/license-to-krill-the-destructive-demand-for-a-better-fish-oil), krill là loài cá nhiều vô kể tại Nam Cực nhưng giống cá ấy quan trọng cho vùng sinh thái kể trên, đánh bắt kịch liệt thì cũng đến lúc kiệt quệ [như cá cơm] chưa kể việc săn bắt krill khá nguy hại!

Dùng algea để thay thế dầu cá xem ra “thân thiện”, dễ dàng hơn, ta chỉ cần chờ xem kết quả nghiên cứu về tác dụng của omega-3 fatty acids chiết xuất từ rong tảo.

Chưa thể thay thế dầu cá nên vẫn tiếp tục dùng sản phẩm này nhưng ta có thể mong ước rằng kỹ nghệ sản xuất dầu cá sẽ “tử tế” với môi sinh hơn và luật pháp sẽ nghiêm minh hơn, chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát cách làm ăn của kỹ nghệ ấy?

DM