Trên bản đồ, diện tích Golan khoảng 695 dặm vuông. Theo tài liệu của CIA, Israel chiếm giữ khoảng 500 dặm vuông, nhưng con số này có thể gia giảm vì đây là vùng đất “nóng hổi” về vị thế quân sự cũng như kinh tế.

doi-golan8

Đường hầm trong trại lính của Israel trên đồi Avital.

Về mặt quân sự, từ các ngọn đồi Golan, ta có thể quan sát rất rõ vùng đất chung quanh: Thủ đô Damacus của Syria chỉ cách biên giới [mới] khoảng 60 cây số về phía bắc, các đồn trú của quân đội và thôn làng Israel [mới] nằm rải rác dưới chân đồi. Ngày trước quân đội Syria dùng các căn cứ này để pháo kích qua biên giới Israel.

Vùng đồng bằng và thung lũng Golan rất trù phú, nước từ sông Yarmouk và biển [hồ] Galilee đổ về nuôi sống nông trại. Ðây là nơi cư dân Israel canh tác, nuôi trâu bò, trồng nho [và cất rượu], các loại trái cây và nông phẩm khác cung cấp thực phẩm cho 40% dân chúng. Golan là nguồn nước quan trọng, cung cấp khoảng 1/3 lượng nước ngọt cho dân chúng và cũng là chỗ nghỉ mát, nơi trượt tuyết duy nhất tại Israel.

doi-golan11

Kibbutz Kfar Haruv, vườn trẻ và nhà trọ Peace Vista

Lúc Dế Mèn ghé thăm vùng Galilee, đã dừng chân tại Golan Heights, hôm ấy cũng là ngày không quân Hoa Kỳ oanh tạc Syria sau vụ quân đội Assad dùng hơi độc giết thường dân trong vùng trú ẩn của phiến quân. Ðứng trên đồi gió lồng lộng, tiếng súng pháo rầm rầm chung quanh và các cột khói đen bay cuồn cuộn từ lãnh thổ Syria. Chiến tranh xem ra gần xịt một bên, nhưng người dẫn đường tỉnh rụi biểu rằng còn 5 dặm nữa mới…tới đây!

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

doi-golan12

Gần nơi đóng quân cũ của quân đội Syria là ngọn đồi Avital, nơi đóng quân cũ của quân đội Do Thái, ngày nay là công viên nơi các nghệ sĩ trình bày tác phẩm. Nổi bật nhất là những tác phẩm chế biến từ những khung sắt cũ. Giữa những tác phẩm là các tấm bảng dặn dò bá tánh chớ thám hiểm vì nơi này vẫn còn những quả mìn chôn giấu nhưng chưa nổ! Tiền đồn nên đồi Avital vẫn còn giữ được những đường hầm quanh doanh trại ngày trước.

Kibbutz El Rom, một cộng đồng Israel nằm trong thung lũng Nước Mắt (Valley of Tears), tọa lạc ngay trên chiến địa năm xưa nơi xảy ra các trận đánh ác liệt giữa quân đội Syria và Israel. Ở đó, Dế Mèn được xem một khúc phim 15 phút, chiếu lại cảnh chiến tranh năm 1973 khi người Israel không còn sự lựa chọn nào khác, phải chiến đấu để sống còn. Người chiếu phim là một công dân Hoa Kỳ, từng sinh sống trên 30 năm tại New Jersey, đã trở về để sống trên Ðất Hứa. Ðể trả lời câu hỏi… tại sao Israel giữ được đất đai với một số quân nhỏ, 1 chống 20-30, như thế…? Ông ấy cười buồn mà rằng… Không chống lại thì chết hết nếu thua trận. Chúng tôi bị dồn đến đường cùng, không có sự lựa chọn nào khác. Và họ thắng trận với tinh thần quả cảm, hy sinh hết mình ấy.

doi-golan10

Mount Avital và các tác phẩm chế biến từ sắt vụn

Trên đường về quán trọ, Dế Mèn có ghé vườn nho và thử rượu. Rượu Israel không có chi đặc biệt, cũng từa tựa như rượu Âu Châu dù chủ vườn, một tín đồ Do Thái gốc Anh, biểu rằng nho địa phương đặc biệt lắm.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

doi-golan6

Phe ta và nhóm du khách nghỉ đêm tại Kibbutz Kfar Haruv, nhà trọ gồm mấy chục ngôi nhà nhỏ nhỏ, có nhà bếp và phòng khách, đủ chỗ ngủ cho một gia đình 4 người. Hiên trước nhà nhìn ra hồ Galilee, phe ta ngồi nhìn mặt trời lặn trên hồ nước phẳng lặng, một hình ảnh an bình quá thể, bình an như tên gọi của nhà trọ ‘Peace Vista’, nhưng chỉ vài dặm đường là biên giới. Và bên kia biên giới là chiến tranh tàn khốc với những khu phố bị cô lập, cư dân kẹt bên trong đói khát kinh hoàng.

Kibbutz có nhà ăn rộng đủ cho 200 người, và chỉ dọn ăn đúng bữa, hai lần mỗi ngày. Cư dân sinh sống bằng nghề nuôi trâu bò lấy sữa. Quán trọ Peace Vista là nguồn tài chánh phụ của cộng đồng này. Vì không có hàng quán chi trong kibbutz nên mỗi buổi sáng, nhà bếp mang thức ăn (bánh mì, trứng tráng, ngũ cốc, yogurt…) đến từng nhà cho khách trọ. Trong phòng sẵn cà phê và trà để khách trọ tự sửa soạn lấy.

doi-golan9

Quán bên đường bán những món ăn vặt, ô liu ngâm muối như xí muội, xoài dầm… bên mình

Một chút về kibbutz: kibbutz  dịch thoáng là ‘cộng đồng’, nơi những người [không liên hệ máu mủ] làm việc và sống quây quần như một đại gia đình. Ngày xưa cũ, kibbutz thành lập với mục đích canh tác chung. Cộng đồng xưa cũ nhất xuất hiện từ năm 1909. Ngày nay, kibbutz có màu sắc tôn giáo, đa số là cộng đồng tín đồ Do Thái thuần thành cùng tư tưởng xã hội sống tụ họp, mọi người chia sẻ công việc và lợi nhuận, như một hãng xưởng, công ty vài trăm người với đầy đủ những người làm việc chuyên môn. Cũng có hội đồng quản trị, ban “hòa giải” khi thành viên xích mích… Con cái họ đi học được trông nom săn sóc bởi thầy cô sinh sống trong cộng đồng, cha mẹ chỉ việc đưa và đón con cái mỗi ngày. Có cộng đồng ăn uống chung trong phòng ăn lớn, nhưng cũng có cộng đồng ăn uống riêng từng gia đình.
Khái niệm sinh sống trong cộng đồng xem ra không còn phổ thông như trong thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Thành viên trong các kibbutz xem ra sống riêng tư hơn nên các kibbutz dần dần thu nhỏ lại.

Golan Heights cho Dế Mèn ngửi được mùi khói, mùi máu của chiến tranh. Và ngay cả khi chiến tranh đã chấm dứt, mấy chục năm rồi, mùi thù hận ân oán vẫn còn phảng phất trong không khí xem ra trong lành của phần Ðất Hứa ấy.

doi-golan7

Hoàng hôn trên hồ Galilee

TLL