Những người đau ốm hay “bệnh nhân” khi phải sử dụng các dịch vụ y tế thường không biết rõ mức tốn kém của các dịch vụ ấy. Đây là điều dễ hiểu vì mấy ai trong lúc đau ốm lại chú ý đến bảng giá của bệnh viện trừ khi nhân viên đứng chặn ngay ở cổng cấp cứu níu áo đòi thủ tục đầu tiên như ở Việt Nam? Vì thế, không ít cư dân Huê Kỳ sau khi hồi phục về nhà, nhận được bảng kê khai của bệnh viện mới ngỡ ngàng rồi kinh hoảng vì số tiền lệ phí cao quá mức tưởng tượng!

Lời phàn nàn ầm ĩ của người bệnh và thân nhân thấu đến tai những vị dân cử nên họ soạn thảo, vận động… để rồi luật pháp ra đời. Hospital Price Transparency Rule đòi bệnh viện phải liệt kê chi phí của [tối thiểu] 300 dịch vụ thông thường cung cấp bởi bệnh viện dù lệ phí ấy người bệnh phải tự trang trải hoặc do bảo hiểm sức khỏe thanh toán. Ðại khái là luật pháp đòi hỏi mọi bệnh viện kê khai 70 dịch vụ [chính] với chi tiết về lệ phí, còn 230 dịch vụ khác, bệnh viện có thể “du di” cho đủ con số 300. Có thế chứ!? Ði ăn uống, mua vé máy bay… nhất nhất mọi sản phẩm, dịch vụ mua / bán đều có bảng giá, có thuận mua thì mới vừa bán chứ nhỉ? Tạm hiểu là người bệnh [chưa ngặt nghèo, khẩn cấp] có thể tìm hiểu và so sánh giá cả, “shop around”, trước khi sử dụng dịch vụ ấy.

Bị luật pháp ép buộc nên các bệnh viện lớn nhỏ bắt đầu trưng bảng giá cho các dịch vụ y tế trên trang nhà. Người tò mò như Dế Mèn đây bèn nhìn ngắm và vỡ ra vài điều. Dịch vụ y tế có bảng giá khác nhau tùy theo thân chủ trả tiền túi hay qua bảo hiểm, ngay cả khi bảo hiểm trả tiền, mức lệ phí cũng khác nhau tùy theo hợp đồng giữa bệnh viện và công ty bảo hiểm y tế, bạn ạ! Ta thấy cả sự sai biệt về giá cả từ bệnh viện này đến bệnh viện kia dù hai địa điểm chỉ cách nhau mươi dặm đường!?

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Theo bản tường trình của ADVI Strategic Analytics and Value Economics (SAVES), chuyên việc phân tích giá cả của các dịch vụ y tế, sau khi cân đong đo đếm các chi tiết từ 20 bệnh viện lớn nhất trong cùng một địa phương, họ công bố rằng cũng một dịch vụ [thông thường nhất, code 99203 /Level 3 Evaluation and Management], giá cả xê xích từ 200 đến 1,534 Mỹ kim! Dịch vụ khác như chụp quang tuyến đầu, (CT head or brain, without contrast, code 70450), có bảng giá xê dịch giữa 90 – 2,033 Mỹ kim. Tương tự, theo Turquoise Health, một tổ chức “khảo giá” dịch vụ y tế khác thì tại Virginia, lệ phí trung bình của dịch vụ nội soi ruột già (colonoscopy) là $2,763, nhưng trong cùng tiểu bang này, giá cả có thể xê dịch từ $208 đến $10,563! Tại sao lại có sự khác biệt lớn như thế nhỉ?
Khi được phỏng vấn (hay “bị thẩm vấn”?) thì chẳng có bệnh viện nào chịu trả lời trực tiếp mà chỉ vắn tắt rằng “phẩm chất [của bổn tiệm] không đâu bằng”, từa tựa như câu trả lời từ những tay buôn bán quảng cáo món hàng đặc biệt; phẩm chất cao nên có bảng giá đặc biệt!

Khi so sách giá cả của dịch vụ chăm sóc sức khỏe khắp nơi trên thế giới thì các chuyên viên phân tích cùng nhận ra rằng giá cả tại Huê Kỳ cao nhất, và sự khác biệt cũng cao nhất vì chính phủ liên bang / tiểu bang không nơi nào theo dõi hoặc kiểm soát giá cả thương mại. Các chuyên viên phân tích dịch vụ y tế cùg kết luận tương tự như sau:

  1. Giá cả sai biệt khá lớn cho cùng một dịch vụ.
  2. Bệnh nhân nếu muốn tìm hiểu để so sánh cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì mỗi bệnh viện có kiểu mẫu trình bày khác nhau chưa kể nhiều nơi còn thiếu sót chi tiết. Tìm ra giá cả không phải là điều dễ dàng vì ta phải biết “code” hay các chỉ số của dịch vụ ấy để so sánh cho chính xác.
  3. Các công ty chuyên về khảo giá dịch vụ y tế (Turquoise, Health Cost Labs…) đang tìm cách thu góp các dữ kiện kể trên để đem … bán; nghĩa là khi cần ta có thể vào một trang nhà nào đó, trả lệ phí và được sử dụng các bản kê khai / so sánh kia.
    Sử dụng bảng kê khai giá cả, tại các địa phương thiếu phương tiện, trung tâm y tế / bệnh viện thể tăng giá cho tương xứng với trung tâm y tế trong vùng trong khi tại những nơi nhiều dịch vụ và bị cạnh tranh, giá cả sẽ giảm?
  4. Hôm nay thì chưa được nhưng trong tương lai gần, người bệnh (cho các dịch vụ không cấp thiết như sanh nở, thay khớp xương…) có thể khảo giá và thương lượng với bệnh viện khi phải trả tiền túi.
    Hiện nay bệnh nhân thường đến các bệnh viện, sử dụng dịch vụ y tế giới thiệu bởi bác sĩ gia đình; không mấy ai tự tìm kiếm nên không so sánh chưa kể sự khác biệt giữa các hợp đồng bảo hiểm dựa trên mức “khấu trừ” (deductible); người mua bảo hiểm giá cao sẽ có mức khấu trừ thấp và ngược lại; có dịch vụ bảo hiểm sẽ thanh toán, món lại không tùy theo hợp đồng.
    Khi chi phí thanh toán bởi hãng bảo hiểm sức khỏe thì họ tính toán theo hợp đồng đã thỏa thuận trước, người sử dụng dịch vụ y tế ấy không có cơ hội thương lượng.
  5. Bệnh viện hiện nay chưa mấy nơi sẵn sàng theo đúng các điều luật ban hành; phải vài ba năm nữa thì ta mới có thể áp dụng các điều luật từ Hospital Price Transparency Rule.
Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Ngoài chương trình cung cấp “bảo hiểm sức khỏe cho người già & tàn tật” hay Medicare (chính phủ liên bang) và “bảo hiểm sức khỏe cho người nghèo” hay Medicaid (chính phủ tiểu bang) và giá cả các dịch vụ y tế được thỏa thuận với bệnh viện cũng như bác sĩ; chính phủ Huê Kỳ không trực tiếp theo dõi, điều hành dịch vụ y tế như chính phủ các quốc gia khác. Buôn bán dịch vụ chăm sóc sức khỏe dưới cái nhìn của Huê Kỳ là một chuyện thương mại, nên giá cả sẽ để thị trường tự “điều hành” và thích nghi. Nói giản dị là khi số “cung” nhiều hơn mức “cầu” thì giá cả sẽ tự động sút giảm. Ðiển hình là dịch vụ chụp quang tuyến, CT mỗi ngày một “rẻ” vì hầu như nơi nào cũng có máy móc chẳng bù như thủa mới xuất hiện, chỉ vài bệnh viện mới có cỗ máy tối tân ấy nên giá cả cao ngất ngưởng. Bây giờ thì các trung tâm chụp quang tuyến mọc lên khắp nơi, xuất hiện trong các thương xá (“shopping mall”) như các cửa tiệm khác, bên cạnh quán cà phê, tiệm giặt ủi.

Riêng Dế Mèn thì băn khoăn lắm vì chưa hiểu tại sao giá cả dịch vụ y tế lại sai biệt xa như thế; băn khoăn chán rồi thì có biết bao câu hỏi. Sự sai biệt giá cả ấy chỉ hiện diện tại bệnh viện? Họ tính giá cao chỉ vì không có ai cạnh tranh? Không có người lên tiếng phản đối? Còn các trung tâm cung cấp dịch vụ thì sao? Họ có hợp đồng với công ty bảo hiểm nên giá cả chỉ xê dịch theo sự thỏa thuận? Về phía khách hàng, họ không còn là “bệnh nhân” nữa mà chỉ là người tiêu thụ nên chẳng cần được “chăm sóc” mà chỉ cần làm “vừa ý”? Do đó, khách hàng cứ tự thương lượng với người cung cấp dịch vụ, người bán như khi mua chiếc xe, đi cắt tóc?

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

TLL