Kim cương qua chiếc đũa thần của De Beers đã thống trị thị trường đá quý suốt cả mấy trăm năm nhưng rồi ở ngôi vua lâu quá, hầu như thần dân thích chưng diện nào cũng rinh về một hai món trang sức cẩn kim cương nên hóa nhàm và cuộc “đảo chánh” bắt đầu. Từ từ bá tánh chê kim cương và xoay ra tìm kiếm những món đồ chơi khác hấp dẫn hơn: spinel đang chiếm ngôi đá quý [nhất/nhì].

Theo “truyền thống” [bày ra từ kỹ nghệ sản xuất / buôn bán đá quý] thì “tứ quý” được phong vương là kim cương, bích ngọc (emerald), hồng ngọc (ruby), và lam ngọc (sapphire). Vua chúa khắp nơi đều sắm ít nhiều các món trang sức cẩn những thứ đá quý nọ, đầu tiên là do thần dân cung hiến; sau đó là mua bán, chiếm hữu. Những viên đá đủ màu sắc đào xới từ đất đá vì hiếm hoi nên trở thành quý giá, nhất là khi vua chúa đem ra khoe, chưng lên mình mẩy qua các món trang sức như vương miện, dây chuyền, nhẫn, chuôi kiếm và vỏ kiếm lớn nhỏ… Kỹ nghệ đá quý theo chân sát nút, tự đặt trị giá để mua bán, trao đổi và cất giữ hầu kiếm bạc.

Không rõ từ bao giờ và do ai khởi đầu mà ta có danh sách của các viên đá quý được dùng làm biểu tượng cho tháng ra đời, birthstone, hẳn để giúp đỡ thân nhân mua quà tặng hoặc góp ý với cha mẹ chọn tên con cái khi đứa trẻ (gái) ra đời?! Đại để là như thế này: Tháng Giêng là tháng của garnet đỏ tươi; tháng Hai là amethyst tím; tháng Ba là hai món aquamarine và bloodstone, màu sắc như tên gọi; tháng Tư là kim cương; tháng Năm là bích ngọc; tháng Sáu lại được những 3 biểu tượng là ngọc trai, moonstone và alexandrite; tháng Bảy là hồng ngọc; tháng Tám là peridot, spinel và sardonyx; tháng Chín là lam ngọc; tháng Mười là opal và tourmaline; tháng Mười Một là topaz và citrine; tháng Mười Hai là turquoise, tanzanite và zircon. Ấy là chuyện ngày xưa chứ bây giờ có mấy ai chịu mày mò tìm kiếm các mẩu chuyện về đá quý và “ý nghĩa” [do thương buôn chế tạo] của nó?

Trở lại với kim cương đang xuống giá và spinel, tourmaline đang lên giá. Kim cương bán hết chạy vì món hàng này bán lền khên từ đá thiên nhiên đến nhân tạo (laboratory created), khó lòng thuyết phục khách hàng chịu mua với giá cao ngất ngưởng. Thế là kỹ nghệ buôn bán đá quý xoay ra quảng cáo món khác, cũng đá quý nhưng quý hơn kim cương vì phòng thí nghiệm chưa sản xuất được món hàng này!
Trước tiên là spinel, do mấy tay sưu tầm lùng kiếm và buôn bán với nhau nên món đá này bỗng trở nên quý. Chuyện kể về nhà kim hoàn Olivia Young, tại Ouroboros, Anh quốc, bán một chiếc nhẫn cẩn spinel với giá 6 ngàn Bảng Anh (cỡ 7,700 Mỹ kim) năm 2016. Năm 2023, công ty bảo hiểm phải trả 30 ngàn Bảng Anh (38,400 Mỹ kim) để “đền” cho khách hàng (chắc bị mất cắp đâu đó?). Tạm hiểu là món spinel kia tăng giá vù vù, chỉ mới 6-7 năm mà trị giá đã lên gấp 5 lần, đâu có cách đầu tư nào kiếm được lãi suất cao cỡ đó?
Năm 2015, nhà đấu giá Bonhams bán viên đá Hope Spinel nặng 50.13-carat với giá £962,500 (cỡ 1.22 triệu đô la), gấp 6 lần mức ước tính! —Thấy hời quá xá nên bá tánh bắt đầu mua bán spinel và món đá ấy đang từ từ lên giá.

Xem thêm:   Những giấc mơ hóa kiếp

Spinel là cái chi? Cũng là một thứ đá như mọi viên đá khác, nhưng rất đặc biệt về màu sắc, từ màu xanh lam biếc, hồng, đỏ, rồi xam xám màu khói, xanh lục và tím. Hầu như đủ màu trên quang phổ. Người ta đào được spinel lâu lắm rồi nhưng bị lầm lẫn với hồng ngọc vì đá spinel màu đỏ. Cho đến thế kỷ XVIII, spinel mới được nhận diện rõ ràng; viên đá Black Prince [tưởng là] Ruby nặng 170 carat cẩn trên vương miện của hoàng gia Anh chính là spinel sau khi khảo sát địa chất.
“Quê nhà” của món đá kể trên là Tích Lan (Sri Lanka), Miến Điện (Myanmar), Việt Nam (không biết địa phương nào để phe ta còn hăm hở vác mai đi đào xới? Chắc hầm mỏ nơi có spinel được giấu k?), Afghanistan, Tajikistan và một số nơi ở Phi Châu.

Ngày trước, spinel chỉ là món đá xoàng xoàng vì quý tộc vua chúa còn đang săn tìm mấy thứ trong nhóm tứ quý kim cương, hồng ngọc, bích ngọc và lam ngọc. Giá cả của tứ quý trở nên quá đắt đỏ [vì con người đào xới mãi nên đất đá cũng chịu thua vì …kết tinh không kịp để ta bán buôn?] nên bá tánh xoay ra sử dụng các món đá tươi màu tương tự mà chế tạo các món trang sức. Spinel màu đỏ thắm và hồng rực rỡ (từ Miến Điện); món spinel hồng nhạt từ Tajikistan là mấy thứ được ưa chuộng nên có giá. Kế đến là spinel tím, “rẻ” hơn tí ti nhưng giá cả cũng cỡ 25 ngàn Mỹ kim mỗi carat chỉ vì chúng là các thứ vua chúa ngày xưa ưa thích! Tạm hiểu là người sang cả ngày trước chuộng thứ gì là bá tánh rủng rỉnh ngày nay cũng rinh về để ngó, để có cảm tưởng là mình cũng có giá, cũng sang cả như vua chúa, chí ít là quý tộc!?

Ruby nặng 170 carat cẩn trên vương miện của hoàng gia Anh

Mấy công ty chuyên nghề đào xới spinel là những tổ chức nhỏ, không quy mô như De Beer nên chưa tạo ra sự chú ý về cung cách làm ăn của họ, có “đạo đức” không hay cũng tệ hại như De Beer qua cách hà hiếp xử tệ với nhân công địa phương? Hầm mỏ có an toàn không? …

Xem thêm:   Không bám rễ

Món đá khác cũng đang trên đà trở nên quý là tourmaline. Theo ông Charles Abouchar, một nhà kim hoàn nổi tiếng tại Geneva, chuyên trưng bày sản phẩm tại cuộc triển lãm hằng năm Gem Genève, nơi các nhà kim hoàn nhóm họp và trao đổi hàng hóa, từ khi các món đá trong nhóm tứ quý có giá cả trên trời nên khó mua thì spinel và Paraiba tourmalines trở nên thu hút nhiều người mua, giá cả cũng đang leo thang từ từ.

Tourmaline tương đối “trẻ” so với các loại đá quý khác, chỉ được nhận diện trong thập niên 80 của thế kỷ trước từ hầm mỏ tại Paraiba, Brazil. Loại tourmaline từ Paraiba có màu xanh “turquoise” (pha trộn giữa xanh lam và xanh lục) vì [đất chứa] đồng (copper) tích tụ trong đá. Theo các nhà địa chất, tourmaline còn hiếm hoi hơn cả kim cương, cứ mỗi 10,000 viên kim cương thì ta tìm được 1 viên tourmaline! Hầm mỏ tại Paraiba đã cạn kiệt nên tourmaline có bảng giá ngất ngưởng, và người ta nhanh chóng tìm ra nguồn cung cấp khác, đào xới ở Madagascar cũng thấy món tourmaline có màu sắc tương tự.
Tại công ty đấu giá Bonhams, Paraiba tourmaline “cao cấp” mang bảng giá $75,000 mỗi carat vào năm 2022, so với giá $4,800 / carat năm 2009. Nghĩa là chỉ trong mươi năm, tourmaline đã lên giá cấp kỳ. Các nhà kim hoàn khác cũng đồng thanh với bài bản lên giá của tourmaline nhờ màu sắc rực rỡ thu hút người mua. Tay tiên đeo nhẫn cẩn đá quý thì bắt mắt lắm lắm, người đẹp cần trang sức [khác người] để tôn vinh nhan sắc [và “trị giá”?].

Xem thêm:   Nghệ thuật "marginalia" trong kinh sách Trung Cổ

Thang đo độ cứng Mohs

Các món trang sức thay đổi theo thị hiếu của người mua [qua sức mạnh quảng cáo, đánh bóng của kỹ nghệ “thời trang”] nên “định nghĩa” cái đẹp rất khó. Riêng về mặt địa chất thì ta có thể thẩm định độ cứng (khó đập vỡ) của đá dùng thang điểm Mohs (1-10) của khoa học vật liệu. Kim cương có độ cứng 10 (bột ở độ 1, móng tay có độ cứng 2.5, thủy tinh 5.5 …); tourmaline 7.5; spinel 8 tương tự như cubic zirconia; emerald bích ngọc 7.5 trong khi ruby hồng ngọc và sapphire lam ngọc có độ cứng là 9. Tạm hiểu là bích ngọc “mềm” dễ nứt nên ít được cắt cứa mài giũa cho lấp lánh như các loại đá khác kể cả nhóm tứ quý.

Tuy nhiên, món chi đắt giá cũng được con người mày mò tìm cách chế tạo, kim cương đã được chế tạo từ phòng thí nghiệm, bích ngọc và hồng ngọc cũng được con người ra tay “cứu giá [cả]”, laboratory enhanced color, gia thêm màu sắc cho viên đá sắc sảo hơn để hóa thành viên ngọc rực rỡ dù chưa chế tạo hẳn một món!
Làm thế nào để người tiêu thụ [ấm ớ] như Dế Mèn đây nhìn ra viên đá nào hoàn toàn từ thiên nhiên, hạt ngọc nào đã được “trải qua” phòng thí nghiệm? Ta phải tùy thuộc vào nhà kim hoàn có tiếng chỉ bảo giùm để biết trị giá của món hàng?

Trong khoa học vật liệu, các chuyên viên tìm kiếm, chế tạo các vật liệu để dùng nên nhìn ngắm và thẩm định tài nguyên thiên nhiên theo khía cạnh thực dụng. Như kim cương cứng nên dùng để cắt cứa, mài giũa các vật liệu khác. Với kỹ nghệ trang sức, màu sắc là tiêu chuẩn đầu tiên để thu hút con người.
Cùng một vật thể, như đá, nhưng đôi mắt con người nhìn ngắm và thẩm định quà tặng của đất trời khác nhau khá xa; sự khác biệt ấy quả là kỳ diệu, phải không bạn?

TLL