Đại dịch Vũ Hán kéo dài vì siêu vi khuẩn Covid-19 tiếp tục biến thể và vì bá tánh chán ngán việc cách ly, đeo mask, quanh quẩn quanh năm suốt tháng trong nhà nên cứ “phá lệ”. Tính đến tháng Giêng năm 2022 thì thế giới đã có 334,101,607 người nhiễm bệnh và 5,554,786 người đã tử vong theo bản tin của hãng thông tấn Reuters.
Gần đây, việc biến thể Omicron lan tràn khắp nơi đã khiến nhiều quốc gia lại áp dụng quy chế cách ly, đóng cửa công sở, trường học cùng lúc với việc bắt buộc chủng ngừa, thử nghiệm… Tại các quốc gia khá giả, làn sóng bất mãn nổi lên mạnh mẽ, người dân không muốn theo lệnh nhà cầm quyền về các điều lệ y tế nữa trong khi nhà thương [và cả nhà nhớ như nhà quàn, nghĩa trang] đã quá khả năng chịu đựng. Nhân viên y tế bơ phờ mệt mỏi vì chăm nom người [còn] sống thì nhân viên tống táng làm việc ngày đêm phục vụ người chết và thân nhân.

Quốc gia nào cũng xính vính vì sự thay đổi liên tục của các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe. Muốn bảo vệ sức khỏe người dân và tiết giảm gánh nặng ngân sách y tế thì cần áp dụng các biện pháp khắt khe như chủng ngừa, cách ly, và thử nghiệm bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, các phương pháp phòng bệnh chặt chẽ ấy thì chỉ có thể áp dụng trong một thời gian ngắn và nhất là sự đồng thuận tuân theo luật lệ của mọi cư dân. Không thiếu người Huê Kỳ bất tuân mà nhiều cư dân thế giới khác cũng lắc đầu không chịu, chẳng phản đối ồn ào thì cũng im lặng làm theo ý riêng.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Ðóng cửa tắt đèn chịu cơn bão đại dịch mang lại các hệ quả về kinh tế, tài chánh, và quốc gia nào cũng phải đối mặt với bài toán nan giải: sức khỏe hay tiền bạc; giải pháp nào cũng gây thiệt hại nặng nề cho người dân nhất là những người nghèo khó. Ngưng làm ăn buôn bán thì không xong mà áp dụng các biện pháp an toàn sức khỏe cũng không xuể nên chính phủ nào cũng ngất ngư.

Hậu quả là trận đại dịch tiếp tục lan tràn và người người đều mệt mỏi, chán ngán. Chuyên viên y tế thì bắt đầu… lạnh lòng, chỉ làm đủ bổn phận chứ không mấy người còn xông pha dốc tâm dốc sức như những ngày đầu của đại dịch vì thời gian bận rộn quá lâu mà không được nghỉ ngơi dưỡng sức đầy đủ.

Trận đại dịch đang bước qua một giai đoạn mới: ai chủng ngừa thì cứ chủng ngừa, ai nhiễm bệnh thì cứ nhiễm bệnh và hàng quán hãng xưởng cứ mở cửa làm ăn. Chẳng ai có thể thuyết phục người khác về các biện pháp phòng bệnh nữa rồi. Thế là bá tánh đành ngửa cổ ngó trời để được… ngoáy mũi thử nghiệm Covid-19. Tại sao thế nhỉ? Nhiều lý do lắm, bạn ạ! Người sợ bệnh tật thì lo lắng về việc [đã] tiếp xúc với người nhiễm trùng nên hoang mang, muốn biết mình có bị lây bệnh hay không. Như thầy cô đi dạy học nghe ban giám hiệu biểu rằng có người bị bệnh (mà không cho biết tên tuổi người “ấy”), thế là hè nhau đi thử nghiệm. Người muốn đi du lịch cần thử nghiệm để “chứng minh” rằng họ chưa bị nhiễm trùng, sẽ “an toàn” lên máy bay, tàu thủy. Công sở hãng xưởng thì sợ trách nhiệm nên cứ muốn nhân viên thử nghiệm khi phải giao tiếp với đồng sự hoặc khách hàng. Các bộ thử nghiệm (test kit) tại nhà từ đó trở nên món hàng chạy hơn tôm tươi, bao nhiêu cũng chưa đủ. Thế là các công ty sản xuất bộ thử nghiệm đang giàu to!

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Kế tiếp là câu hỏi ‘thử nghiệm rồi sao nữa?’. Tùy thuộc vào kết quả mà ta có câu trả lời.

PCR hay “Reverse transcription-polymerase chain reaction” là loại thử nghiệm có thể nhận diện một lượng di thể siêu vi khuẩn rất nhỏ và sau đó gia tăng số lượng di thể ấy nên PCR rất “nhạy” trong việc chẩn bệnh. Và cũng vì độ “nhạy” ấy, PCR vẫn tiếp tục cho kết quả dương tính dù người nhiễm trùng (infected) không còn truyền nhiễm (infectious) nữa.

PCR test được xem là chuẩn mực của việc chẩn bệnh Covid-19. Do đó, nhiều hãng xưởng đòi nhân viên [sau khi nhiễm bệnh và muốn trở lại làm việc] thử nghiệm với kết quả PCR âm tính. Những người khác, sau khi có kết quả dương tính từ bộ thử nghiệm tại nhà, cần PCR test để chứng thực, đi du lịch hoặc chấm dứt thời gian cách ly.
Dùng PCR test hiệu quả nhất là sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc đang có các triệu chứng của Covid-19, khoảng thời gian “tốt” nhất là 7-10 ngày, và ta muốn biết có bị nhiễm trùng hay không. Nếu dương tính, ta có thể thông báo cho người thân, tự cách ly và theo lời chỉ dẫn của bác sĩ. Hai (2) ngày trước khi và 3 ngày sau khi có triệu chứng (-2 đến 3 ngày) là khoảng thời gian truyền bệnh (infectious) của người nhiễm trùng. (Bộ thử nghiệm tại nhà (self-test kit) không đủ “nhạy” để nhận diện di thể của siêu vi khuẩn trong thời gian này.) Nhược điểm của PCR test là việc cho kết quả dương tính trong suốt 3-4 tuần lễ sau khi nhiễm trùng [tùy theo mức độ nặng nhẹ] và người bệnh đã phục hồi.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

So với PCR test, bộ thử nghiệm tại nhà nhận diện siêu vi khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh và nhiễm bệnh hoặc ít nhất 5 ngày sau khi có triệu chứng Covid-19. Loại thử nghiệm này hiệu quả khi cơ thể có một lượng siêu vi khuẩn lớn và bị nhiễm trùng. Kết quả âm tính sẽ giúp ta chấm dứt việc cách ly.
Cơ quan CDC khuyến cáo rằng nên sử dụng bộ thử nghiệm ít nhất 5 ngày sau khi tự cách ly hoặc 10 ngày sau triệu chứng nhiễm bệnh bắt đầu.
Tạm hiểu là loại thử nghiệm Covid-19 nào cũng có ưu và khuyết điểm, biết cách sử dụng thì hiệu quả của việc thử nghiệm sẽ cao hơn.

TLL