Tại Huê Kỳ, nhất là những thành phố được ưa chuộng, giá nhà cửa tăng vọt một cách chóng mặt. Công ty hè nhau mua nhà để đầu tư, người người mua nhà để ở, để cho thuê, số cầu vượt mặt mức cung nên nhà cửa vô cùng đắt giá. Công ty môi giới bán nhà làm ăn rầm rộ và hình như họ … không còn chi để bán nên cứ ngày ngày rủ rê mời gọi chủ nhà bán nhà cho họ! Nôm na là thị trường địa ốc đang lên cơn sốt.

Từa tựa như thị trường xe hơi ở Cuba: Thiếu xe cộ nên những chiếc xe quá tuổi lao động tiếp tục được đưa vào thị trường để đáp ứng với nhu cầu di chuyển của cư dân. Không có đồ phụ tùng để thay? Người ta “chế” những thứ tạm bợ để dùng, miễn là chiếc xe nhúc nhích là được rồi! Tất nhiên là những chiếc xe ì ạch ấy mang một bảng giá rất cao! Chuyện nhà cửa ở Huê Kỳ cũng giống giống chợ xe cũ bên Cuba. Có những căn nhà rung rinh sắp sập và cả những căn nhà cháy nám đã được rao bán với bảng giá khá cao. Người ta mua để… đập bỏ rồi xây nhà mới, bạn ạ! Cứ nhìn ngắm thị trường địa ốc của Los Angeles, San Francisco hoặc những thành phố lớn thì hiểu liền. Cư dân cần nơi trú ngụ mà thành phố thì thiếu nhà cửa dù vẫn có những tòa nhà bỏ trống. Tại sao thế nhỉ? Nhiều lý do lắm bạn ạ! Từ điều luật xây cất của thành phố, zoning laws, đến sở thích cá nhân [của những người giàu có]. Chẳng cư dân nào chịu để thành phố xây chung cư [rẻ tiền] gần nơi trú ngụ của họ nên hè nhau phản đối dữ dội, mỗi khi thành phố rục rịch xây chung cư cho người nghèo. Miệng nhà giàu nên cả tiếng? Những người hiếu cổ thì nhất định đòi nhà cửa phải giữ như cũ để “bảo vệ” dáng vẻ hình thức của những khu phố ngày trước. “Cũ” không nhất thiết là “cổ” nhưng đề tài mỹ thuật thì chẳng mấy khi bá tánh đồng lòng, năm người thì mười ý.

Theo tài liệu của Nha Thống Kê, Census Bureau, tuổi tác trung bình của nhà cửa Huê Kỳ là 39 năm. Tại miền đông bắc, nhà cửa xem ra “già” hơn: Ở New York, tuổi nhà cửa là 63 năm và Massachusetts, tuổi 59; so với Nevada tuổi 26 và Arizona tuổi 30 năm, nhà cửa còn “trẻ măng”. The Median Age of Homes in the United States by Build Year (housemethod.com)
Hiện tượng này không hẳn là chuyện miền đông / miền tây (cũ / mới) mà do tại địa phương, thành phố “chậm chạp” trong việc cho phép xây cất: Nhà cửa ở San Francisco khoảng 15 năm “già” hơn so với New Orleans cũng là thành phố lâu đời của Huê Kỳ. Khắp lãnh thổ Huê Kỳ, nhất là những thành phố dọc bờ biển, xin giấy phép xây cất rất khó khăn và do đó số nhà cửa mới xây từ từ xuống thấp đến độ quốc gia này phải đối diện với khoảng “trống” khá lớn là thiếu hụt 6.8 triệu căn nhà. Tạm hiểu là số người ‘không nhà” khoảng chục triệu! Ðể bù đắp sự thiếu hụt này, theo Hiệp Hội Ðịa Ốc, the National Association of Realtors, ta sẽ cần xây cất ít nhất 700 ngàn căn nhà mỗi năm trong suốt 10 năm sắp tới mới đủ cung ứng.

Xem thêm:   Beetlejuice

Nhà cửa thiếu hụt trầm trọng đến nỗi cư dân ở lì trên đường phố mà thành phố lại cứ lè è, thì ta giải thích “hiện tượng” này ra sao? Nói chung, tại những thành phố với các khu phố cổ thì cư dân (hội đồng thành phố) muốn giữ lại vẻ đẹp ấy, những ngôi nhà cũ vài trăm năm đều được “dán” nhãn “historical site”. Mỗi khi nhà cửa [“cổ”] hư hỏng, ưu tiên là “sửa chữa”, repair, khi không thể sửa chữa mới được [phép] “thay thế”, replace. Do đó, chủ nhân phải xin phép thành phố để sửa chữa, mái dột tường xiêu chi cũng phải chờ giấy phép. Chủ nhà phải tìm đúng thợ chuyên môn, biết sửa chữa, tái tạo những vật liệu cũ để thay thế những thứ hư hoại; và khi được phép, việc sửa chữa cũng phải theo kiểu dáng cũ, như mái ngói phải được chế tạo in hệt như ngày trước, mức tốn kém gia tăng gấp mấy lần! Dưới khía cạnh mỹ thuật, tất nhiên, không phải ngôi nhà “cũ” nào cũng “cổ”. Tòa nhà kiểu Victoria, dinh thự triệu phú xưa… khác xa những khu phố xây cất theo nhu cầu dành cho nhân công, thợ thuyền từ trăm năm về trước, các khu phố được xem là “cheap housing” ngày xưa, điển hình là các chung cư ba tầng ở Boston, xóm nhà tiền chế tại San Jose hoặc vùng “gạch xám”, grey stone, ở Chicago…. Những căn nhà trong các khu phố này được xây cất cấp thời và theo tiêu chuẩn ‘sử dụng khoảng 50 năm’ khi được tu bổ, bảo trì cẩn thận. Sau thời hạn ấy, nhà cửa cần được sửa chữa nhiều hơn và đôi khi, cần phá bỏ để xây cất lại! Ngày nay, dù nhiều khu phố cũ không được bảo trì đầy đủ nhưng lại “lọt” vào các vùng đất bị thành phố “cấm” mở mang nên nhà cửa mỗi ngày một tàn tạ, xập xệ trong khi cư dân đông đúc hơn và thiếu chỗ ở nên nhà cửa trở nên đắt quá xá là đắt!

Những căn lều của người vô gia cư trên đường phố ở Los Angeles. Photo: fortune.com / gettyimages

Nhìn theo khía cạnh “an toàn”, nhà mới xây theo tiêu chuẩn xây cất mới, vật liệu mới nên dễ sửa chữa, bảo trì; lò sưởi, máy lạnh, vật gia dụng (mới) tiêu thụ ít nhiên liệu hơn nên bớt tốn kém… Nghĩa là an toàn hơn so với những ngôi nhà cũ kỹ. Thí dụ? Sàn gỗ cũ thường bị ‘kênh’, bị cong khiến sàn nhà không bằng phẳng dễ gây tai nạn. Trước năm 1978, trong sơn có chất chì (lead) nên tường vách cũ đều chứa một lượng chì khá lớn. Trước thập niên 80 của thế kỷ trước, ống dẫn nước là những ống tráng chì… Ngày nay các vật liệu xây cất kể trên đều bị cấm sử dụng dù theo tài liệu của CDC, ngày nay, 24 triệu căn nhà cũ vẫn còn có sơn trên tường chứa chì, 9.2 triệu căn nhà khác vẫn tiếp tục dùng nước từ các ống dẫn chứa chì. Một khía cạnh “an toàn” khác: chạm điện là một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nhà tại khu dân cư vì dây điện đã cũ đã rữa mà chủ nhân chưa chịu (hoặc không thể cáng đáng phí tổn) thay, chưa kể đến việc nhà cũ thường có loại tường vách dễ bắt lửa.  Tiêu chuẩn mỹ thuật, an toàn là mấy nguyên nhân dẫn đầu trong việc xây cất nhà cửa mới nhưng thành phố vẫn chưa thể bắt tay vào việc nhanh chóng. Các yếu tố khác như luật xây cất, zoning laws đã khiến các chương trình xây cất nhà cửa trở nên chậm chạp hơn: Ngày trước, luật pháp chưa đòi chủ chung cư phải gắn cửa tự động, thang máy, cầu dành cho xe lăn… nên các chung cư cũ đều không có các tiện nghi dành cho người già yếu cũng như người tàn tật. Ở lại thì khó khăn mà dọn đi thì không có chỗ mới. Chưa hết, luật xây cất hiện hành thường đòi hỏi chung cư mới đều phải có đủ chỗ đậu xe để cư dân khỏi đậu xe bậy bạ trên đường phố, cản trở lưu thông hoặc tệ hại hơn, gây khó khăn cho xe cứu thương, xe chữa lửa… Nhưng khó khăn nhất vẫn là việc cư dân chống đối việc xây cất các chung cư dành cho người nghèo. Cư dân khá giả, nhà cửa bạc triệu, thường không muốn thành phố xây “khu dân sinh” gần nhà cửa của họ mà đòi thành phố để các khu đất trống ấy dành cho cây xanh, công viên, cho mát mắt! Thiếu chỗ ở trầm trọng nhưng không được phép xây cất nhiều nhà cửa mới, cái vòng lẩn quẩn của các chung cư tại các thành phố lớn đất chật, người đông như New York, Los Angeles… Hậu quả là bá tánh tràn ra lề đường, sống trong các mái lều tạm bợ và thành phố trông càng nhem nhếch tệ hại hơn nữa chưa kể các đám cháy lớn nhỏ do người không nhà đốt lửa nấu nướng hoặc để sưởi ấm trong ngày giá lạnh.

Xem thêm:   Bộ sưu tập Báo Chánh Pháp

Hiểu được nguyên nhân, biết cách “chữa trị” nhưng ta vẫn chưa thành công trong việc đáp ứng nhu cầu “an cư” cấp thiết của cư dân vì thiếu sự đồng thuận. Cho đến khi ta chịu ‘nhường” nhau, mỗi người chịu “lép”, give in, một chút thì đời sống cộng đồng hẳn sẽ tốt đẹp, bình yên hơn?

Người vô gia cư ở New York. Photo: abcnews.go.com

TLL