Trầu cau trong tiếng Việt đi đôi với hôn nhân, cưới hỏi khi đàng trai hỏi cưới một cô gái mang theo sính lễ là một mâm trầu cau. Món quà [biểu tượng của sự quấn quýt] ấy được nhà gái chia sẻ với thân nhân để báo tin vui. Mấy lá trầu và vài quả cau. Trầu cau cũng là biểu tượng của “mẹ già”, một phụ nữ nhai trầu quanh năm; đến nơi thiếu trầu cau là nhớ nhung, là “buồn miệng” vì thèm [vì nghiện] như người quen thuốc lá thiếu khói. Uể oải, buồn ngủ, nhức đầu…; đầy đủ các triệu chứng của người ghiền thiếu thuốc.
Dưới cái nhìn của y học, trầu cau là một sản phẩm gây nghiện ngập như thuốc lá, thuốc lào, caffeine.
Nhai trầu cau là chuyện rất cũ, rất xưa từ thủa Đồ Đồng, Đồ Đá của cư dân vùng Đông Nam Á và các hòn đảo phụ cận nơi sinh trưởng của các giống cau. Lá trầu được nhai chung với một vài miếng cau, người dùng nhả bã sau khi nuốt nước miếng trộn chung với trầu cau nhai nát. Sách vở ghi chép tục nhai trầu lan truyền sang Ấn Độ rồi Ba Tư…
Thủa nhỏ, phe ta chỉ thấy mấy bà già [trầu] nhai trầu; lúc đi chơi Ấn Độ, Miến Điện mới thấy cả nam nhân trẻ tuổi cũng nhai trầu và nhổ nước miếng, bã trầu khắp nơi khi … xong việc. Bắt gặp cái nhìn lạ lẫm của Dế Mèn, người nhai trầu cười toe khoe hàm răng khấp khểnh, nâu vàng vì nhựa trầu cau. Có lần bạn bè bên Ấn, sau khi ăn bữa tối, họ dừng chân tại xe hàng rong để mua trầu cau têm sẵn, nhai cho … sạch miệng. Phe ta cũng được mời một miếng, miếng trầu là đầu câu chuyện nhưng thực ra là cuối câu chuyện vì mùi vôi nồng v à vị chát lè của trầu cau. Nhai thử vài lần thì Dế Mèn đành thất lễ, lắc đầu và nhả cái món trầu cau ấy vào khăn giấy mang theo về khách sạn mà vứt bỏ. Cha mẹ ơi!
Mới đây, xem sách báo Dế Mèn lại thấy món trầu cau đang được quảng cáo kịch liệt tại Đài Loan, qua các cô gái trẻ trung xinh đẹp đứng bán hàng, kiểu bình mới nhưng rượu cũ xì. Ngó mấy tấm hình hấp dẫn ấy đố ai dám bảo món trầu cau dính dáng đến mấy bà già trầu!
Câu chuyện do phó nhòm Constanze Han kể lại khi thăm viếng Taipei vào năm 2022, gặp gỡ các người đẹp bán trầu cau hay “betel nut girls”. Thoạt tiên, phóng viên tưởng các cô gái ấy là … “sex worker” vì ăn mặc khá hở hang lộ liễu nhưng Đài Loan đâu có cấp giấy phép bán dâm như bên Amsterdam? Thế là mối tò mò trở thành câu chuyện đầy hình ảnh bắt mắt.
Các người đẹp Đài Loan nọ chỉ bán trầu cau mà không dính dáng chi đến chuyện giường chiếu. Họ đứng sau các quầy hàng chăng đèn neon xanh đỏ rực rỡ, têm từng miếng trầu với vài mảnh cau thêm chút vôi rồi trao cho khách hàng. Ăn mặc đẹp ít quần áo thì nhận được nhiều huê hồng hơn, từa tựa như các cô gái trong quán rượu bên trời Tây. Chỉ có thế. Công việc bán trầu cau mang lại khoảng 700 Mỹ kim/tháng cho 6 ngày làm việc mỗi tuần. Nhẹ nhàng nhưng không kém khó khăn vì đi đứng trên giày cao gót cả ngày!?

Vua chúa được dâng trầu cau
“Hiện tượng” bán trầu cau kiểu sexy kể trên xuất hiện trong thập niên 60 của thế kỷ trước, quầy hàng Shuangdong Betel Nut Stand, tại thôn quê trung tâm Đài Loan; các cô gái bán trầu cau được gọi là “Shuangdong Girls” trong bài bản quảng cáo. Đến những năm 2000 thì quầy hàng trầu cau chăng đèn neon rực rỡ xuất hiện khắp nơi trên hòn đảo ấy, từ các quán bên đường đến những xe hàng đậu trên đường phố đô thị. Người bán hàng luôn luôn là các phụ nữ trẻ tuổi!?
Đọc bài báo rồi phe ta lẩn thẩn chuyện cũ, chuyện xưa rồi mày mò tìm hiểu, món trầu cau kia phải vô cùng hấp dẫn với bá tánh già trẻ, nam nữ để có thể lưu truyền cả mấy ngàn năm dù Dế Mèn chẳng kham nổi miếng trầu nhỏ xíu hồi nọ?!
Lá trầu xuất phát từ loại dây leo betel (Piper betle), nhai chung với hạt cau hay trái areca (còn gọi là “betel nuts”) thêm chút vôi và thành món “betel quid” hay “pan”, “paan”. Lá trầu có thể được thay thế bằng sợi thuốc lá [phơi khô]. Thế là hợp chất arecoline thành hình với đầy đủ dược tính kích thích hệ thần kinh. Người nhai trầu cảm thấy dễ chịu, khoan khoái, thêm năng lực để làm việc. Không lạ là người dùng ghiền trầu cau.
Trầu cau chứa nhiều dược tính. Nhai trầu cau thường xuyên dẫn đến những hệ quả về sức khỏe, thông thường nhất là chứng ung thư vòm họng, ung thư thực quản và các chứng bệnh tim mạch. Phụ nữ mang thai nhai trầu cau có thể sẩy thai, sanh non và đứa con ra đời thiếu cân lượng.
Nhai trầu cau nhiều mang lại các triệu chứng từa tựa như uống cà phê, nước giải khát chứa lượng caffeine cao: chóng mặt, nôn mửa, loạn nhịp tim, trụy mạch … Một lượng cau khoảng 8-30 grams có thể gây tử vong.

Shuangdong Girls. nguồn: taipeitimes.com
Trầu cau tương tác với một số dược phẩm, làm giảm hiệu năng của thuốc hoặc gia tăng phản ứng phụ:
– Anticholinergic drugs
– Các loại antihistamines chữa dị ứng
– Thuốc chữa trầm cảm (antidepressants) như Nardil, tranylcypromine (Parnate),
– Thuốc chữa chứng glaucoma như Pilocar
– Thuốc trị bệnh Alzheimer như Aricept, Cognex
– Thuốc trị ung thư như Dororubicin
Danh sách tương tác khá dài nên khi nhai trầu cau cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Nhai trầu cau cho vui miệng [và khoan khoái] đã đành nhưng phải kiếm ống nhổ để nhả bã hay nhổ nước miếng thì bất tiện quá, làm sao vừa lang thang vừa khuân theo cái ống nhổ? Chẳng lẽ lại len lén tìm gốc cây khuất mắt bá tánh để nhả cái món vừa nhai kia như quý nam nhân tìm chỗ giải quyết bầu tâm sự? Mất vệ sinh công cộng quá xá!
Hẳn là Dế Mèn không ghiền, không ưa chuộng trầu cau nên mới săm soi nhìn ngắm món thưởng ngoạn ấy khắt khe như thế chăng?!
TLL