Cà phê hay coffee/café, là món thức uống lâu đời, có mặt trong đời sống con người cả ngàn năm nay. Ấy thế mà cà phê vẫn chưa cũ, vẫn là đề tài của các mẩu chuyện bàn tán. Thỉnh thoảng lại xuất hiện một bài viết nói về món thức uống này. Gần đây nhất là chuyện cà phê kích thích hoạt động của ruột già khiến ta cần nhà vệ sinh gấp gấp từa tựa như … thuốc xổ!

Gốc gác của cà phê

Hạt cà phê xuất phát từ giống cây trong họ Coffea; từ trên cây, hạt xanh được thu hái, đem rang chín rồi xay nhuyễn để chế biến món thức uống phổ thông, cà phê. Sách vở ghi chép rằng cà phê xuất phát từ vùng Hồng Hải, Red Sea, từ thế kỷ XV trên lãnh thổ của Yemen ngày nay. Người Yemen trồng cấy cà phê trên cao nguyên Ethiopia. Ðến thế kỷ XVI thì món thức uống ấy đã lan tràn khắp Trung Ðông và Bắc Phi rồi lan sang Âu Châu. Ðến thế kỷ XX thì cà phê trở thành món thức uống quốc tế, nơi nào cũng thấy cà phê và cách chế biến được thay đổi theo khẩu vị địa phương.
Loại hạt cà phê phổ thông nhất là C. arabicaC. robusta. Hai giống cây này được trồng cấy tại 70 quốc gia trên thế giới, nhất là những vùng gần đường xích đạo như Châu Mỹ, vùng Ðông Nam Á, Ấn Ðộ và Phi Châu. Brazil được xem là nơi sản xuất nhiều cà phê nhất trên thế giới, cung cấp khoảng 35% mức tiêu thụ của thị trường.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Cà phê hương và vị

Cà phê được xay nhuyễn và “ngâm” trong nước nóng để lấy hương vị. Ðây là thức uống có màu nâu sẫm, vị đắng và hơi chua.Tùy theo cách rang mà cà phê được phân loại “dark roast” (French roast) hoặc “medium roast”. Khi rang chín (cháy đen?), hạt cà phê có màu đen, vị đắng và không còn vị chua nữa; hương vị này xem ra quen thuộc hơn với người Việt ta. Hạt cà phê “Medium roast” có màu nâu nhạt, không đắng lắm nhưng có vị chua và nồng độ caffeine cao hơn so với “dark roast”. Những tay sành cà phê đều chọn “medium roast” vì cà phê ngon/ dở đều nếm được; họ biểu rằng cà phê rang cháy thì chỉ có vị đắng và mất hết các hương vị khác.
Ở cùng số lượng, hạt cà phê “dark roast” chứa ít caffeine hơn so với loại hạt rang “medium roast”; có thể là quá trình rang “cháy” đã hủy diệt phần nào tố chất caffeine.
Có nơi rang cà phê rồi thêm bơ nên ly cà phê có váng mỡ (?) trong khi có chỗ lại thêm nước mắm cho đậm đà!?

Cà phê được pha thêm với sữa, kem, rượu, bạc hà, vanilla… hầm bà lằng nhiều thứ khác để lấy thêm hương vị và uống nóng hoặc lạnh. Ðến hôm nay khi cần sa (cannabis) được cho phép sử dụng tại một số tiểu bang Huê Kỳ, thì món cà phê lại được pha thêm với cần sa.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Cà phê là món thức uống và cũng là “gia vị” trong các món bánh trái hoặc kem lạnh (ice cream).

Dược tính của cà phê

Cà phê chứa caffeine, một nguyên liệu có nhiều dược tính. Dùng trong việc pha chế dược phẩm, caffeine có thể gia tăng công hiệu của nguyên liệu chính, dùng trong một số thuốc trị migraine, bớt cảm giác đói. Caffeine kích thích hệ thần kinh, stimulant, giúp đầu óc “tỉnh táo” hơn, tim đập mạnh hơn và bớt buồn ngủ tùy theo nồng độ mà các đặc tính này nhiều hay ít.

Caffeine có thể kích thích nội tiết tố gastrin trong dạ dày tạo ra gastric acid. Gastric acid giúp tiêu hóa thức ăn nhanh chóng hơn.
Gần đây, ta tìm ra tính kích thích ruột già của caffeine: dược liệu này kích thích hoạt động của ruột già, khiến ruột già co thắt và đẩy chất phế thải xuống hậu môn nhanh hơn. Giải thích cho việc cần dùng nhà vệ sinh sau khi uống nhiều cà phê!

Khoảng 400 miligram caffeine / ngày là mức độ được xem như “an toàn”, tương đương với 4 ly cà phê, 10 can cola hoặc 2 “energy drink”.

Caffeine dưới dạng bột hoặc nước có thể gây ngộ độc. Theo tài liệu của FDA, một (1) muỗng cà phê (teaspoon) bột caffeine tương đương với nồng độ cà phê trong 28 ly cà phê. Ở nồng độ này, caffeine là độc tố và có thể gây tử vong.
Phụ nữ mang thai cần tiết giảm mức cà phê trong thức ăn / uống, dưới mức 200mg/ngày để giữ an toàn cho thai nhi.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Ngộ độc

Dấu hiệu “ngộ độc” cà phê gồm:

– Nhức đầu

– Mất ngủ

– Bứt rứt, đứng ngồi không yên

– Cáu kỉnh, gắt gỏng

– Tiểu tiện thường xuyên hoặc khó kiểm soát việc tiểu tiện.

– Tim đập nhanh

– Run tay chân

Người mẫn cảm với caffeine thường gặp các triệu chứng kể trên dù chỉ uống một ly cà phê. Người uống cà phê lâu năm có thể “quen” thuốc nên không gặp nhiều triệu chứng dù uống một lượng cà phê cao hơn 4 ly/ ngày.

Hãy ngưng uống cà phê hoặc các món thức uống chứa caffeine nếu khó ngủ hoặc hồi hộp.

Khi dùng các loại thuốc sau đây, cà phê có thể tương tác, gia tăng hiệu ứng của thuốc và dẫn đến ngộ độc:

– Ephedrine: Ðây là nguyên liệu chính của các loại thuốc “decongestant” trị ngạt mũi khi cảm cúm, dị ứng. Dùng chung với caffeine sẽ gia tăng huyết áp, gây trụy tim, stroke hoặc co giật (làm kinh).

– Theophylline: Ðây là loại thuốc giúp dãn nở khí quản và có các phản ứng phụ như caffeine. Khi dùng chung, có thể bị ngộ độc.

– Echinacea: hiện diện trong các loại thảo mộc dùng để chữa các triệu chứng của cảm cúm. Khi dùng chung với caffeine, có thể bị ngộ độc.

Nói chung cà phê là món thức uống phổ thông có nhiều hương vị và là chất xúc tác cho những buổi họp mặt đàm đạo thân tình. Sử dụng vừa đủ thì hay mà quá tay thì dở!?

TLL