Buôn bán trên liên mạng hay “e-Commerce” là kiểu mẫu làm ăn phổ thông ngày nay trên thế giới. Người bán dùng liên mạng để quảng cáo và bán sản phẩm, người mua [ngại đi chợ/đi phố] chỉ cần dạo liên mạng là có thể đặt mua món hàng theo ý muốn. Amazon là công ty khởi đầu kiểu buôn bán này, từ sách vở đến đủ mọi thứ sản phẩm, riêng xe hơi, máy bay thì chưa thấy rao bán!

Thành công quá xá, ông chủ Bezoff kiếm bạc tỷ, nên bá tánh ào ạt theo chân. Tính đến hôm nay thì chợ liên mạng có cả ngàn “cửa hàng” lớn nhỏ, nhưng làm ăn rầm rộ nhất vẫn là Amazon rồi đến các “cửa hàng” khác như eBay, AliExpress… và mới mẻ hơn là Temu.

Amazon và eBay* gốc gác từ Huê Kỳ trong khi AliExpress, Shein, Temu là công ty của Tàu. Và trận chiến tranh giành khách hàng đang diễn ra tưng bừng trên liên mạng.

*Dế Mèn thì dị ứng với eBay từ ngày công ty này rao bán phụ nữ Việt Nam trên liên mạng. Căm giận lắm nên rủ rê bạn bè viết thư mắng mỏ ban quản trị, kể cả CEO hồi nẳm là bà Meg Whitman. How could you? https://www.rfa.org/english/news/130553-20040312.html

Amazon làm ăn bằng cách cung cấp “cửa hàng” (platform) [trên liên mạng] để các nhà buôn sỉ/lẻ rao bán sản phẩm, từa tựa như Walmart, Costco… bán hàng hóa “giùm” công ty sản xuất. Một hình thức trung gian lấy [nhiều] huê hồng.

Mua bán trên liên mạng có nhiều cái hay: ta không cần dùng tiền mặt, không phải vầy vò mấy tờ giấy bạc và nhận tiền thối lại. Người mua chẳng cần ra khỏi nhà, khỏi lái xe, đậu xe… và chỉ chờ hàng hóa lớn nhỏ mang đến tận nhà và các tiện ích khác như tiết kiệm thời giờ tới lui. Tiện lợi cho những người bận rộn, thời giờ là tiền bạc! Cung cấp cơ hội kiếm bạc cho các công ty vận chuyển.

Ngược lại, kiểu mua bán ấy cũng có những cái dở: người mua không thể nhìn tận mắt, sờ mó sản phẩm, ướm thử… trước khi mua và khi mua thì rinh về ngay tắp lự, chẳng cần chờ đợi chi. Không thấy tận mắt món hàng nên mua về mới biết không ưng ý, hình ảnh quảng cáo không “thật” như tưởng tượng chưa kể việc mất cơ hội đi … ngó cho hết ngày của những người rảnh rang.

Trong thời đại dịch, đi lại khó khăn nên việc mua bán trên liên mạng phát triển nhanh như hỏa tiễn và thói quen mua bán ấy tiếp tục gia tăng sau đại dịch nhờ người mua  nhận ra các tiện ích. Kết quả là các cửa hàng trên đường phố rủ nhau đóng cửa vì ế khách trừ mấy nơi trưng bày những sản phẩm đắt tiền, xa xỉ dành riêng cho những người mua nặng túi tiền.

Xem thêm:   Ca sĩ Vân Anh Sơn Ca Dallas

Amazon ăn nên làm ra nên gặp khá nhiều cạnh tranh, ngay tại Huê Kỳ và các “mặt trận” khác, nhất là Hoa Lục, đất rộng người đông gấp chục lần Huê Kỳ, một thương trường mênh mông. AliExpress, Shein và rồi Temu theo nhau chạy đua bén gót. Mấy công ty này làm ăn kịch liệt trên đất nhà nhưng “quê nghèo” không thu hút cho bằng chốn sung túc, cư dân nhiều tiền tiêu xài để mua sản phẩm rao bán. Temu đang xông xáo kiếm khách hàng từ Huê Kỳ. Hễ ta mở máy điện toán, điện thoại di động… là thấy “mặt” Temu khoe sản phẩm, mời gọi ta dùng “app” của họ để dễ dàng mua bán, và chao ôi mấy cái phiếu giảm giá nọ mới hấp dẫn làm sao!

Hiện nay, trên thị trường bán hàng qua liên mạng của thế giới, Amazon và Temu là hai công ty làm ăn nổi tiếng nhất. Amazon vừa có tiếng vừa có miếng nhưng Temu thì chỉ mới có tiếng mà chưa có miếng!

Làm thế nào để Temu cạnh tranh với Amazon? Dễ dàng nhất là hạ giá sản phẩm, món chi cũng rẻ hơn so với những thứ tương tự, đôi khi sản phẩm cùng nơi sản xuất nhưng giá cả chênh lệch đến 30% giữa Temu và Amazon. Có mấy ai chê cơ hội mua rẻ? Ấy thế mà Temu vẫn chưa kiếm được bao nhiêu thị phần Huê Kỳ. Kể cũng hơi lạ!?

So sánh kiểu mẫu làm ăn của mấy công ty lớn kềnh càng buôn bán trên liên mạng thì ta nhận ra vài điều: Temu nhắm đến giá cả [rẻ] và giao hàng nhanh chóng trong khi đàn anh đồng hương AliExpress thì chưng ra nhiều mặt hàng và giao hàng theo nhiều cách, đắt rẻ khác nhau; món gì chịu trả lệ phí chuyên chở thì đắt hơn. Riêng sếp sòng Amazon thì buôn bán rộng rãi lắm, hầu như sản phẩm nào cũng có, giao hàng rất nhanh cho hội viên chịu làm thẻ, Prime membership, và trả lệ phí hàng năm nhưng nổi trội nhất vẫn là kiểu buôn bán tin cậy được. Cần trả lại hàng đã mua? Khá dễ dàng, bạn ạ! Cứ khuân món hàng ta chê ra chỗ “hẹn” là trả lại tiền dù dưới dạng “tín dụng” tại Amazon [để đó mà trừ vào lần sau mua hàng chứ không trả về trương mục của thẻ tín dụng]. Giao hàng đúng hẹn, khá nhanh, chứ không lâu lắc cả tháng như đàn em Temu và AliExpress đường sá xa xôi và phải qua ải quan thuế / an ninh phi cảng / hải cảng khi mang đến Huê Kỳ các kiện hàng xuất phát từ ngoại quốc.

Xem thêm:   Triết lý vụn

Ra đời năm 2022, còn non trẻ nên Temu phải tiếp tục dỗ dành khách hàng Huê Kỳ bằng cách bán rất rẻ mọi sản phẩm trưng bày. Khách hàng Huê Kỳ có người thử lửa đặt mua hàng rồi chê phẩm chất, của rẻ là của ôi (!?) và khó lòng gửi trả lại vì phí tổn vận chuyển. Người vừa ý thì chẳng mấy khi lên tiếng nên bá tánh không dám chắc là Temu làm ăn có đáng tin cậy không? Bao nhiêu thứ sản phẩm bán rẻ là của ôi? Có món hàng nào khá khá mà bán với giá bèo?

Dựa trên luật thương mại về nhập cảng, hàng hóa trị giá dưới 800 Mỹ kim thì miễn thuế. Mang đến Huê Kỳ những gói hàng nhỏ nhỏ gửi từ kho Quảng Châu, Temu không phải đóng thuế. Những công ty nhỏ tại Huê Kỳ đang thúc đẩy việc thay đổi đạo luật miễn thuế kể trên, hạ mức thuế nhập cảng “de minimis” xuống cỡ 10 Mỹ kim. Nếu dự luật này được phê chuẩn, giá bán hàng hóa của Temu sẽ gia tăng vì phải đóng thuế nhập cảng!

Chưa hết, có người lại lo âu về món tin tức cá nhân khi chịu dùng “app” của Temu. Tại Huê Kỳ, đã có vài vụ thưa kiện Temu về tội gài các thảo trình ăn cắp dữ kiện cá nhân của khách hàng, thực hư thì chưa rõ.

Thị phần của các công ty thương mại điện tử bán lẻ hàng đầu Hoa Kỳ trong năm 2023

Việc thu góp kịch liệt chi tiết cá nhân, dữ kiện thương mại, khoa học, bản quyền… có phương pháp của chính phủ Tàu bị Huê Kỳ xem như hành động gián điệp có thể ảnh hưởng đến “an ninh quốc gia”. Xuất xứ từ Hoa Lục nên Temu cũng bị nhìn ngắm, nghi ngờ. Tháng Tư năm 2023, US–China Economic and Security Review Commission đã công bố danh sách “để ý” về các công ty làm ăn trên liên mạng tại Huê Kỳ, Shein và Temu nằm trong danh sách này.

“Tẩy chay” các “app” liên quan đến Hoa Lục đang trên đà mở rộng. Montana là tiểu bang đầu tiên cấm TikTok. “App” của Pinduoduo (chủ nhân của Temu) có thể qua mặt các “app” về an ninh gắn sẵn trong điện thoại di động của người dùng mà dòm ngó thu góp mọi chi tiết như tin nhắn, cách mua bán hàng hóa, liên lạc với ai… Nôm na là ăn cắp tin tức của cư dân Huê Kỳ!

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 22 tháng 8 năm 2024

Trên khía cạnh thương mại, khách hàng nội địa (Hoa Lục) khá quen thuộc với chủ nhân của Temu (PDD Holdings) nhưng khách hàng quốc tế thì chưa nên dè dặt, nghi ngại là điều dễ hiểu dù số lớn sản phẩm buôn bán đều xuất phát từ cùng hãng xưởng bên Tàu. Người trung gian mua từ hãng xưởng rồi đem rao bán qua Amazon trong khi Temu mua hẳn từ nơi chế tạo nên bán rẻ hơn. Vận chuyển từ Hoa Lục sang Huê Kỳ nên tất nhiên là tốn kém. Với các sản phẩm chế tạo bên ngoài Hoa Lục thì sao? Temu cũng phải dùng công ty trung gian như Amazon? Hàng hóa sản xuất từ Hoa Lục chiếm bao nhiêu thị phần của hai công ty kể trên?

Biết mình chưa tên tuổi đủ để được tin cậy như Amazon nên Temu quyết lòng đầu tư cho mục đích “quen thuộc” và “lâu dài” qua kiểu mẫu “bán rẻ”. Nhưng câu hỏi là Temu có thể theo đuổi kiểu “bán rẻ” được bao nhiêu lâu?

Vừa bán vừa cho nên Temu đang thua lỗ bạc triệu. Theo bản phân tích của WIRED, Temu đang lỗ khoảng 30 Mỹ kim cho mỗi đơn đặt hàng. Tương tự, China Merchants Securities, một công ty tài chánh Hoa Lục cũng làm ăn tại Canada, Úc và Tân Tây Lan, cho biết rằng Temu đang thua lỗ nặng nề, khoảng 588 – 954 triệu Mỹ kim mỗi năm. Để bù đắp phần nào, Temu đang xiết túi tiền của hãng xưởng nội địa, thúc ép họ cung cấp sản phẩm với giá rẻ mạt hơn nữa. Vẫn kiểu bóp cổ người nghèo đến mức độ khánh tận, không bán hàng cho Temu thì mất khách mà bán thì không lời lãi bao nhiêu. Hãng xưởng tuy không chết nhưng ngắc ngoải. Tạm hiểu là đồng tiền trên hết, thương gia Tàu bóp cổ đến nghẹt thở cả đồng hương,  sá chi dân Việt, dân Miên … Làm ăn với họ không mất giấy khai sinh thì cũng mất thẻ căn cước… Câu nói Dế Mèn đọc đâu đó, lâu rồi nên không còn nhớ nguồn gốc.

Chiến tranh thương trường đang tiếp diễn, tay nào nhiều vốn thì sẽ thắng?!

Hiện nay, theo bản quan sát 2023 của công ty Statista, Amazon chiếm 37% thị phần buôn bán trên liên mạng tại Huê Kỳ, kế đến là Walmart… Temu chưa có mặt.

Temu đang chịu cảnh “của rẻ”, nỗi lo ngại về chi tiết cá nhân, an ninh liên mạng… và thua lỗ, chưa biết bao giờ công ty này sẽ đặt được dấu chân trên danh sách bán nhiều hàng trên thị trường liên mạng Huê Kỳ? Hay sẽ lâm vào cảnh rầm rộ khai trương rồi âm thầm đóng cửa?

TLL