Tên cô là Hiệp, ý chỉ sự nhớ ơn lòng hào hiệp của người cha? Cô lấy họ mẹ, thủ tục hành chánh dành cho đứa con không được người cha nhìn nhận và cho cái tên họ của ông ấy. Hoặc giả người mẹ chẳng biết người cha là ai để níu áo, đặt tên cho món quà tặng kia.

Cuộn phim tài liệu “The girl from Danang” dài trên một tiếng; ghi chép những đoạn ngắn, vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh, có phần phụ đề Anh ngữ cho các đoạn tiếng Việt, nghĩa là cuộn phim dành cho người Âu Mỹ.

Suốt cuộn phim, danh tánh người cha được giữ kín, người xem chỉ biết rằng ông ta là một người lính viễn chinh, “lấy” người làm công rồi cung cấp cơm áo cho bà “vợ” và đám con riêng của bà ấy. Người lính viễn chinh kia hồi hương, để lại cái bào thai bốn tháng. Người mẹ trong phim trở lại cuộc sống bần hàn cũ, nuôi nấng đứa con lai cho đến khi phong trào đưa trẻ mồ côi vào Hoa Kỳ xuất hiện trong những ngày bắt đầu của lúc tàn cuộc chiến.

Ông tông tông Ford xin quốc hội mấy triệu để “di tản” trẻ mồ côi, mục đích nhân đạo như thế thì mấy ai có can đảm lắc đầu từ chối? Dĩ nhiên là người đứng ra xin có mục đích chính trị khác chứ trẻ mồ côi thì lền khên, ở đâu chẳng có cứ gì Việt Nam, lại vào đúng thời điểm chính phủ Hoa Kỳ muốn phủi tay tháo chạy? Hóa ra cái chương trình Operation Lift kia chỉ là màn giáo đầu cho những đạo luật cần biểu quyết vội vã kế tiếp, ngành Hành Pháp cầm cái nón đi quyên góp để sửa soạn cho màn bỏ rơi bỏ vãi.

Thế là người ta đi thu góp con nít để mang về Huê Kỳ, mồ côi hay không cũng vác đi cho đủ chuyến máy bay và tiêu xài cho hết cái ngân sách mấy triệu kia. Con bé không mồ côi tên Hiệp kia cũng được (bị?) bà mẹ đem cho chính phủ Huê Kỳ. Bà mẹ kể chuyện cũ, 22 năm sau nước mắt cũng vẫn ngắn dài nức nở.

Cô Hiệp được một phụ nữ người miền Nam, tiểu bang Tennessee, xin về nuôi đặt tên là Heidi, cũng theo họ mẹ. Tennessee là vùng đất xuất phát nhóm người kỳ thị chủng tộc nổi tiếng Ku Klux Klan hay KKK. Từ thủa thơ ấu, cô đã được dặn dò kỹ lưỡng là nói dối về gốc gác của mình, nói dối rằng sinh trưởng ở South Carolina. Dòng máu Á Ðông không mấy rõ nét nên cô lớn lên như mọi đứa trẻ Huê Kỳ khác, cũng chơi thể thao, cũng hẹn hò bồ bịch… như bạn bè đồng trang lứa. Nhưng mái nhà của cô có chút khác biệt, người mẹ độc thân, khá nghiêm khắc. Một mẹ một con nên hình như sợi dây tình cảm kia chỉ có một mối duy nhất. Dưới cái nhìn của cô, bà mẹ khá độc đoán, chỉ cho chọn một là bà ấy hai là ra đường mà sống. Chọn bà mẹ thì được nuôi ăn ở, cho đi nghỉ hè tận Hawaii, sung sướng lắm, vẻ vang lắm, bằng không cứ trái luật lệ là đi chơi khuya về trễ 15 phút thì nhà khóa cửa và bà mẹ khóa luôn cửa lòng.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Người con nuôi kể lại cảm tưởng về bà mẹ: Mối liên hệ kia phảng phất hình ảnh của một chủ nhân nuôi nấng cưng chiều một con thú vừa ý (?), đầy đủ việc khen thưởng và trừng phạt. Dễ dạy, làm trò theo lệnh thì ôm ẵm trưng bày như một niềm hãnh diện, tui có con chó đẹp lắm, ngoan lắm, vò đầu, xoa lưng, hôn hít… Lúc bất tuân thì đánh đập thẳng tay cho chừa cái thói khó dạy, khó bảo. Chó mèo không biết chê chủ ác, vì miếng ăn nên cứ quanh quẩn không bỏ đi, ngay cả lúc bị bạo hành, bạc đãi. Con người, kẻ không biết chê, không dám chê cũng chàng ràng quanh quẩn, nhưng người đứng thẳng thì cao bay xa chạy. Ơn nghĩa có ngày đền trả chứ chịu khinh rẻ bạc đãi thì không?!

Cô Hiệp chọn cách thứ nhì và nói về sự liên hệ với bà mẹ nuôi bằng một giọng ráo hoảnh. Người đàn bà trẻ vẫn duy trì sự thân thiết và tiếp tục gặp gỡ thăm viếng bà ngoại, chú bác… Khúc phim cỡ ba phút mở hé cánh cửa cho người xem nhìn ngắm gia đình kia, bà ngoại vẫn nâng niu mấy đứa con của cô gái, ông bác vẫn nói về Heidi với sự quý mến. Chỉ có bà mẹ nuôi vắng mặt trong suốt câu chuyện dù cô Hiệp kể rằng vẫn muốn liên lạc và chữa lành mối thương tâm nọ.

Khôn lớn trong một hoàn cảnh trống trải như thế nên cô đi tìm người thân, đi tìm tình yêu thương, hình ảnh đẹp đẽ tưởng tượng về một bà mẹ và mò đến chân cầu vồng. Chiếc cầu vồng ngũ sắc rực rỡ một góc trời mơ ước. Cô sẽ tìm được người mẹ năm xưa trong trí nhớ mờ nhạt của đứa trẻ 6 tuổi, cô vội vã kết luận trong lá thư viết cho người giúp cô tìm kiếm, thank you for making my dream comes true, cám ơn người phụ nữ đã giúp giấc mơ của cô thành hình.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Cuộc trùng phùng xảy ra như câu chuyện trong phim, chưa được ba ngày người đàn bà trẻ đã hốt hoảng muốn tháo chạy, muốn gỡ mình ra khỏi vòng tay cuốn chặt của bà mẹ xa lạ. Lúc ăn, lúc ngủ… khi nào cũng bị hôn hít ôm chặt khiến cô ngộp thở. Cô là mối hãnh diện của gia đình kia, chòm xóm bu đen cửa sổ nhìn ngó cô gái mũi lõ xa lạ, nên cô được rong đi trình diễn khắp nơi như một món hàng lạ và quý.

Cái nghèo nàn khốn khó nọ xa lạ quá. Cô khó chịu vì cái khí hậu ngột ngạt ẩm thấp của xứ nhiệt đới, cô càng khổ sở hơn vì cái không khí màu mè ồn ào kể lể tình thân ái kia. Chỉ có những người ở đó nhớ lại các mẩu chuyện đút cơm, tắm rửa cho đứa bé lai mà lẽ ra họ nên bỏ rơi vì xấu hổ; cô là chứng tích bằng xương bằng thịt việc làm không mấy danh giá của bà mẹ, bà ấy bị chòm xóm rẻ rúng, xem như “đánh đ ~ nuôi con”. Tóm tắt là cô cần ghi nhớ các công ơn kia, từ bà mẹ sinh thành đến những người anh chị em đã góp phần chăm sóc mình. Khúc phim câm chiếu cảnh người chị tắm rửa cho đứa con, nếp nhà xơ xác… ngấm ngầm giải thích tình trạng nghèo khó của gia đình nọ, họ nghèo lắm, và đây là lúc cô Hiệp có bổn phận đền trả, bằng cách cung cấp tiền bạc để thay đổi nếp sống kia?

Một đoạn phim lạ lẫm khác ghi chép lúc bà mẹ biểu cô Hiệp cho tiền người chị nghèo khổ. Cô gái nghe lời và tặng một món tiền. Những tờ giấy bạc sang tay, người chị thừa thắng xông lên hỏi tiếp về việc chừng nào cô cho nữa và sẽ cho bao nhiêu. Cô Hiệp sững sờ, cảm giác bị sỉ nhục nặng nề. Cô nói rằng người chị hỏi tiền thẳng thừng, không hề chớp mắt ngần ngại she dind’t even blink… Thân tình quá nên quên mất rằng cô gái kia vừa mới gặp mình hai ba ngày trước? Có người bào chữa rằng người Việt thực tế, dùng tiền bạc để giải quyết sự việc và đo lòng tử tế của người thân … Chao ôi văn hóa phong tục ta đâu có sống sượng dường ấy, xoắn lấy người lạ để hỏi tiền bất kể thân sơ? Ðâu là những bài học đói cho sạch … ?

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Lần gặp gỡ kết thúc bằng những câu hỏi thẳng thừng sống sượng khác, chừng nào thì đón bà mẹ sang Huê Kỳ? Mỗi tháng sẽ gửi về bao nhiêu tiền? Cô Hiệp bỏ chạy, nức nở, không muốn ai đến gần mình như thể cô bị thúc ép, dồn vào chân tường và phải cự tuyệt. Không ai chỉ vẽ cho cô ấy biết cái thực tế trần trụi kia, chẳng ai có thể mà cũng chẳng ai dám cắt nghĩa hay sửa soạn cho cô cú nện ngàn cân vào tâm não nọ.

Cô đi tìm người thân, đi tìm mối liên hệ gia đình. Những người kia đi tìm cái chi thì khán giả chưa rõ, chỉ thấy sống sượng đòi tiền, đòi cô gái xa lạ thi hành bổn phận gia đình. Cái gia đình chỉ có chung những di thể trên sợi DNA, phải thử nghiệm mới rõ ràng. Mỗi mảnh DNA một góc trời.

Danh xưng “gia đình” chỉ về sự chung sống, gần gũi, tự đó tình tương thân tương ái nảy nở và kết chặt những thành phần trong gia đình với nhau, dứt khoát là không dính dáng chi đến tình cảnh kia. Chữ “thân” nối với chữ “ái”, lòng thương yêu đến từ sự gần gũi, tương hợp và người ta chia sẻ giúp đỡ nhau vì thương yêu. Việc giúp đỡ kẻ xa lạ không quen biết như sự đóng góp trợ giúp xã hội, đến từ bổn phận công dân và do lòng hảo tâm cá nhân. Không ai có thể đòi hỏi hay thúc ép.

Cô gái trở về Hoa kỳ, trở lại nếp sống thường nhật quen thuộc gần gũi, cũng bà ngoại, cũng chú bác thân cận mà cô quen biết lâu năm. Lá thư đề sẵn địa chỉ của bà mẹ vẫn nằm yên trên mặt tủ, nghĩa là cô chưa thể quay lại với mảnh quá khứ đau buồn nọ. Cô chỉ về một lần cho biết rồi thôi, và những ý nghĩ khác còn chôn chặt, ngay cả người chồng cũng không biết chi nhiều về chuyến đi ấy.

Hai năm sau ngày cuộn phim hoàn tất, cô gái vẫn chưa liên lạc với bà mẹ ở xa. Cô nói rằng cánh cửa đã đóng, nhưng chưa khóa chặt như bà mẹ nuôi năm xưa khóa cửa để cô đứng ngoài đường.

Người con gái từ Ðà Nẵng đã đến bên kia chiếc cầu vồng, vần ngũ sắc óng ánh chỉ là ảo giác, và người ta dùng những mỹ từ để mô tả sự đứt rời, cắt đoạn mối dây liên hệ DNA kia là sự khác biệt về “văn hóa” và “ngôn ngữ”…

TLL