Trong một bài viết năm ngoái, tôi có trình bày với quý độc giả Trẻ về tác hại của TikTok đối với trẻ em và học sinh phổ thông. Mới đây, các nhà lập pháp Mỹ đã đề cập tới TikTok ở một tầm quan sát và đánh giá cao hơn nữa, đó là tác hại của TikTok đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Ðài CBS News ngày 13 tháng 3 năm 2024 cho biết, hôm thứ Tư vừa rồi, Dự luật TikTok (H.R. 7521) được Hạ viện thông qua trong cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng, tiến một bước gần hơn tới lệnh cấm TikTok ở Hoa Kỳ nếu công ty mẹ ByteDance (có trụ sở tại Bắc Kinh) không bán cổ phần của mình trên nền tảng truyền thông xã hội phổ biến rộng rãi này.

Cuộc bỏ phiếu có 352 phiếu ủng hộ và 65 phiếu phản đối, cho thấy phần lớn thành viên 2 đảng đều ủng hộ Dự luật H.R. 7521. Có 197 đảng viên Cộng Hòa và 155 đảng viên đảng Dân Chủ bỏ phiếu tán thành. 15 đảng viên đảng Cộng Hòa và 50 đảng viên đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu chống lại dự luật. Một đảng viên đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu “có mặt” (“present,” được hiểu như phiếu trắng) mà không phải là Yes hoặc No.

H.R. 7521 là Đạo Luật Bảo Vệ Người Mỹ Khỏi Các Ứng Dụng Do Đối Thủ Nước Ngoài Kiểm Soát (Protecting Americans from Foreign Adversary Controlled Applications Act.) Dự luật hiện được chuyển đến Thượng Viện do đảng Dân Chủ chiếm đa số, nơi Dự luật phải đối mặt với một tương lai khó được thông qua hơn. Lãnh đạo đa số Chuck Schumer của Thượng Viện không cam kết về việc đưa dự luật ra bỏ phiếu, mà nói mập mờ trong một tuyên bố ngắn gọn rằng Thượng Viện “Sẽ xem xét luật khi nó được Hạ Viện thông qua.”

Tổng thống Biden cũng tuyên bố sẽ ký Dự luật yêu cầu ByteDance bán TikTok trong vòng 6 tháng hoặc bị cấm trên các cửa hàng ứng dụng và dịch vụ lưu trữ web của Hoa Kỳ. Có thể thấy ông Biden muốn làm hài lòng cả 2 phe tả và hữu.

Xem thêm:   Mưa rừng & tiếng hú giữa đêm khuya

TikTok đã nhiều lần trở thành mục tiêu của các nhà lập pháp đang tìm cách hạn chế ứng dụng này vì lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể buộc ByteDance giao dữ liệu của 170 triệu người dùng Mỹ. Các nhà lập pháp cho rằng mối lo ngại này là có cơ sở vì luật an ninh quốc gia Trung Quốc yêu cầu các tổ chức phải hợp tác thu thập thông tin tình báo.

Giám đốc FBI Christopher Wray nói: “Người Mỹ cần tự hỏi liệu họ có muốn trao cho Chính phủ Trung Quốc khả năng kiểm soát quyền truy cập vào dữ liệu của họ hay không, liệu họ có muốn trao cho Chính phủ Trung Quốc khả năng kiểm soát thông tin họ có được thông qua thuật toán khuyến nghị hay không”. Các thành viên Ủy ban Tình báo Hạ Viện hôm thứ Ba, nói thêm rằng Chính phủ Trung Quốc có thể xâm phạm các thiết bị của người Mỹ thông qua softwares (của TQ.)

Tất nhiên, phía Trung cộng không ngồi yên. Bộ Thương mại Trung cộng năm ngoái cho biết họ sẽ “kiên quyết phản đối” việc ép buộc bán TikTok. TikTok từ lâu đã phủ nhận việc chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng nó để theo dõi người Mỹ. Trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu của Hạ Viện, người phát ngôn của công ty cho biết “quy trình này là bí mật và dự luật bị kẹt vì một lý do: đó là lệnh cấm.” Người phát ngôn cho biết TikTok “hy vọng rằng Thượng viện sẽ xem xét thực tế, lắng nghe cử tri của họ và nhận ra tác động đối với nền kinh tế, 7 triệu doanh nghiệp nhỏ và 170 triệu người Mỹ sử dụng dịch vụ của chúng tôi.”

Cùng ngày 13 tháng 3 năm 2024, đài FOX 13 loan tin các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang đe dọa cấm TikTok nhưng cũng cho biết họ đang tạo cơ hội cho công ty mẹ Trung Quốc tiếp tục hoạt động.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện, bà Cathy McMorris Rodgers (R-WA) đã lên tiếng về việc thông qua H.R. 7521 rằng “Chúng tôi sẽ không dung thứ cho những kẻ thù sử dụng quyền tự do của chúng tôi để chống lại chúng tôi.” Bà McMorris Rodgers cho biết: “Chúng tôi đã đưa ra cho TikTok một sự lựa chọn rõ ràng: Tách khỏi công ty mẹ ByteDance, vốn thuộc về đảng Cộng Sản Trung Quốc và vẫn hoạt động ở Hoa Kỳ, hoặc đứng về phía đảng Cộng Sản Trung Quốc và đối mặt với hậu quả”. “Sự lựa chọn là của TikTok.”

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Có thể gọi đây là một dự luật bất thường vì nó nhắm tới một công ty duy nhất.

Tuy nhiên, việc người nào đó là công dân Mỹ mua lại TikTok không hề dễ dàng vì các thủ tục giấy tờ mà thời hạn cho phép (hoàn thành việc mua bán) chỉ có 6 tháng. Microsoft cũng đã thất bại trong việc đấu thầu TikTok mà CEO Satya Nadella sau này mô tả là “điều kỳ lạ nhất mà tôi từng làm”.

Ông Matt Perault, giám đốc Trung tâm Chính sách Công nghệ của Đại học Bắc Carolina, nơi nhận tài trợ từ TikTok và các công ty công nghệ khác, cho biết: “Một trong những tác động chính của luật này là giảm giá bán”. “Khi bạn tiến gần đến đồng hồ 180 ngày đó, áp lực buộc công ty phải bán hoặc có nguy cơ bị cấm hoàn toàn sẽ rất cao, điều đó có nghĩa là những người mua lại có thể mua được nó với giá thấp hơn.”

Dự luật phản ảnh mối lo ngại từ lâu rằng nhà cầm quyền Trung Quốc có thể buộc ByteDance giao nộp dữ liệu của 170 triệu người Mỹ sử dụng TikTok. Việc lo lắng này không phải là vô lý, mà bắt nguồn từ một Bộ luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc buộc các tổ chức phải hỗ trợ thu thập thông tin tình báo.

Người hâm mộ TikTok ở Hoa Kỳ có thể tiếp tục dùng ứng dụng mạng xã hội yêu thích của họ miễn là ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh từ bỏ việc sở hữu nó.

Cách đây vài năm, tôi cũng có kể cho quý vị chuyện cô bạn cùng lớp ESL người Trung Quốc mới qua Mỹ theo diện con trai bảo lãnh và sẽ định cư luôn ở Mỹ, nhưng cô này không dám sử dụng Facebook. Tôi hỏi tại sao thì cô nói chỉ sử dụng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, người Trung Quốc bị cấm xài Facebook. Tôi nói mình xài ở Mỹ thì làm sao nhà nước bên Trung Quốc biết được? Cô này nói không dám đâu, đồng hương họ biết họ báo cáo về thì anh em, họ hàng của mình ở Trung Quốc không sống nổi. Tôi nghe qua muốn dựng tóc gáy luôn. Giới showbiz đại lục cũng không ai dám dùng Facebook hoặc các trang tìm kiếm khác, họ chỉ được phép dùng mạng xã hội Weibo (Vi Bác) và trang tìm kiếm Baidu (Bạch Độ) của Trung Quốc.

Xem thêm:   Đồ chơi của người lớn

Một bạn Facebook của tôi là giáo viên ở Việt Nam nói rằng tất cả giáo viên đều dùng mạng Zalo (mạng do Việt Nam quản lý) để tạo nhóm giao tiếp, thảo luận với phụ huynh học sinh. Tôi hỏi tại sao phải dùng Zalo, dùng Facebook có nhiều tiện ích hơn và tốt hơn Zalo mà. Cô ấy nói trong ngành giáo dục bắt buộc như vậy, bản thân cô ấy cũng không thích Zalo.

Cũng trong thời gian 2 năm đại dịch cúm, tôi đọc tin tức trên mạng thì thấy người dân Trung Quốc bị bắt buộc phải chích vaccine (do Trung Quốc sản xuất) và bị cấm ra khỏi nơi ở. Ai bất tuân lịnh cấm, vừa rời khỏi nhà là lập tức bị phát hiện ngay và lập tức bị túm đem tống trở vô nhà, mặc kệ họ đang thiếu ăn và thiếu thuốc chữa bệnh.

Các nước cộng sản có đặc điểm chung là một mặt muốn kiếm quyền lợi từ các nước tư bản; một mặt luôn lợi dụng mọi cơ hội để hạ thấp, để chửi bới đối phương. Lời hứa TikTok bỏ qua thông tin của 170 triệu người Mỹ (dùng TikTok) là một chuyện rất hoang đường.

Thích và dùng TikTok là quyền của mỗi người, riêng tôi không dùng TikTok.

TPT