lơi tòa soạn: Là biên tập viên trưởng của Nhã Nam phụ trách thư mục văn học đương đại và cũng là người viết cho Trẻ từ một năm qua, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy vừa cho ra mắt tác phẩm đầu tay dành cho thiếu nhi. Băn Khoăn Chuyện “Ra Riêng”, Mái Tóc của Con, Sao Con Nỡ là những trích đoạn trong tập sách này. Một tác phẩm viết cho những đứa bé và các bà mẹ. “Mẹ nào cũng sẽ yêu tóc của con mình”… toàn văn bản đầy ắp tình cảm, những vui buồn dạt dào nhưng đã sớm hoài niệm vì các con rồi sẽ lớn lên, tuổi thơ rồi sẽ qua và mẹ rồi sẽ già. Nên chính là lúc phải ghi xuống kinh nghiệm và nỗi lòng.

Băn khoăn chuyện “ra riêng”

Một trong những điều làm Miu hay băn khoăn và dễ xúc động nhất là một ngày nào đó lớn lên và phải rời xa mẹ. Quan sát gia đình và thế giới xung quanh, con hiểu việc tách rời đó sẽ là tất yếu, nhưng lại không hình dung được việc phải xa mẹ là thế nào và làm sao chịu nổi điều đó! Miu phát triển những suy tư, cảm xúc này ngay từ khoảng 5 tuổi, và chủ đề “ra riêng” cứ lặp đi lặp lại trong nhiều cuộc nói chuyện của chúng ta, khiến mẹ nhận ra Miu nhạy cảm biết chừng nào. Trong khi Hét bây giờ, bằng tuổi con dạo ấy, thì mối bận tâm chủ yếu vẫn là đòi một cách mạnh mẽ và dai dẳng các “quyền lợi sát sườn trước mắt” bao gồm có được ăn bim bim không, có được mặc váy và quần chíp không, có được xem ti vi, iPad không, và trong suy nghĩ của Hét thì đương nhiên mẹ sẽ phải ở cạnh phục vụ Hét mãi mãi!

Nhưng Miu thì thế này:

– Mẹ ơi sau này mẹ có đến dự đám cưới của con không?

– À nếu con mời mẹ thì mẹ sẽ đến. Thế này nhé, con có thể làm đám cưới theo nhiều cách lắm, ví dụ làm đám cưới thật to mời thật nhiều người, hoặc đám cưới vừa vừa chỉ có gia đình và bạn bè thân của con, hoặc đám cưới nhỏ xíu cùng vài người bạn, thậm chí chỉ có riêng con và chú rể – hai đứa đưa nhau đi chơi đâu đấy rồi mặc váy cưới chụp cái ảnh kỷ niệm thôi. Nếu đám cưới chỉ làm với bạn bè hoặc chỉ có cô dâu chú rể thì đương nhiên bố mẹ sẽ không dự. Làm thế nào cũng được, miễn con cảm thấy vui.

Miu ôm siết lấy mẹ sụt sịt:

– Con sẽ mời mẹ, nhất định sẽ mời mẹ.

– Mẹ ơi sau này cả nhà mình có ở với nhau mãi không?

– Ưm mẹ không chắc. Sau này con lớn có thể con sẽ đi học xa làm việc ở xa như dì Út, hoặc con có thể lấy chồng và ở nhà khác với chồng của con. Mẹ không thể đi theo con được vì mẹ có cuộc sống của mẹ, công việc của mẹ…

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

(sụt sịt) Vậy con với chồng con ở cùng mẹ thì sao?

– Nhà sẽ chật quá. Với lại lúc ấy con sẽ yêu chồng con hơn mẹ, con sẽ muốn ở riêng với chồng con thôi. Như mẹ bây giờ đang ở với bố đây này.

– Hư hư hư… không đúng, con yêu mẹ mà, con yêu mẹ nhất…

– Tối nay đọc truyện Con yêu, một ngày kia nhé mẹ, con rất thích truyện này.

– “Một ngày con chạy thật nhanh và xa, trái tim con bùng lên như một ngọn lửa cháy… Một ngày con xếp tất cả những thứ quan trọng vào ba lô và phân vân liệu mình có quên gì đằng sau không nhỉ… Mẹ sẽ nhìn theo vết chân con ngay cả sau khi chúng biến mất vào chân trời…”

(sụt sịt) Lần nào đọc truyện này tự nhiên con cứ khóc ấy mẹ ạ.

Thường thì mẹ cũng bị mủi lòng theo Miu, khi nhớ về quá khứ của mẹ và hình dung con trong tương lai. Mẹ nhớ mẹ trong tà váy cô dâu đứng khóc thổn thức dưới gốc cây bàng nhìn theo chiếc xe đưa dâu của nhà gái khuất dần phía xa, biết rằng từ đây mẹ phải tách rời gia đình, rời mẹ của mẹ để tạo lập một gia đình mới. Mẹ nhớ dì Út bé nhỏ sau đám cưới đứng trên sân ga Gothenburg nức nở tiễn ông bà ngoại và gia đình mình về Việt Nam, bắt đầu cuộc sống riêng ở một xứ sở xa thật là xa.

Một ngày nào đó, con cũng sẽ mặc chiếc váy cô dâu và đối diện với cảm xúc này, như dì và như mẹ. Nên là, ừ thì thôi, con cứ nghĩ ngợi dần dần đi cũng tốt.

Mái tóc của con

Thứ Hai đi học về, trong bữa cơm Miu kể, mặt kiểu ngạc nhiên thích thú: “Ôi trời ơi mẹ ơi chỉ sau cuối tuần mà hôm nay bỗng nhiên bao nhiêu bạn có tóc xoăn! Con thấy rất là lạ luôn, sao nhiều tóc xoăn thế.” “À chắc mẹ các bạn ấy cho các bạn ấy làm tóc xoăn đón Tết đấy.” Miu không đòi hỏi làm tóc xoăn như Hét, nhưng mẹ nghĩ chắc năm sau nếu con thích cũng cho con làm tí cho vui. Mặc dù mẹ thấy Miu tóc thẳng là đẹp nhất.

Miu có mái tóc dài tuyệt đẹp, đen bóng và suôn óng như tơ như lụa, giờ đã dài gần qua lưng. Mẹ thích vuốt tóc Miu, lùa những sợi tóc mềm mát lạnh giữa kẽ tay. Mẹ thích con thả tóc không buộc, để làn tóc tự do đung đưa, bay lượn theo mỗi chuyển động của con, xòa trên lưng, trượt trên vai, hay lượn nhẹ theo khuôn mặt con trong sáng. Ðôi khi con dùng tay hất tóc ra sau một cách vô tâm, nhưng với mẹ đó như một hình ảnh quay chậm, mẹ nhìn những sợi tóc bay tung lên, bắt những đốm sáng ti li, rồi hạ xuống bên kia bờ vai mỏng một cách nhẹ nhàng êm dịu. Những lúc ấy, mẹ cảm thấy mẹ đang thưởng thức con, một tạo vật kỳ diệu nhất trên đời.

Xem thêm:   Ai nhớ chăng ai

Mẹ cũng thích làm điệu cho mái tóc của con, buộc đuôi ngựa, tết hai bên, buộc nửa đầu hững hờ, tết ba tết năm từ trên đỉnh đầu xuống, nhưng thực ra mẹ cũng không có nhiều thời gian để làm lắm. Buổi sáng đi làm thường quá bận, rồi con lại có em Hét, nên dạo ở trường mẫu giáo các cô giáo làm điệu cho tóc con là chính, các cô tết rất khéo, đủ kiểu khác nhau. Nhưng có vẻ như con thích buộc kiểu tóc đuôi ngựa nhất. Bây giờ mẹ đã đỡ bận vì các con lớn hơn rồi, có điều Miu đi học tiểu học, ngồi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, thành ra cũng không buộc cao được, chỉ buộc thấp gọn sau gáy trông già khoắm.

Mỗi khi vuốt tóc Miu, mẹ cảm thấy như bàn tay lịm vào dòng suối mát rười rượi uốn lượn dịu dàng giữa những rừng cây, tiếng lao xao của tóc như tiếng suối thì thầm. Và mẹ cảm nhận từ đó một mạch nguồn sự sống non tơ mà mạnh mẽ. Lòng mẹ bỗng chan chứa một nỗi tha thiết không diễn tả được thành lời.

Tóc mẹ thì chẳng được đẹp, hơi bông xù. Thỉnh thoảng chải tóc buộc tóc cho Miu, mẹ nhớ bà ngoại ngày xưa, mỗi khi gội đầu xong là ngồi chải tóc bắt chấy cho mẹ. Ban đầu là chải lược thưa để tóc ướt hết rối, rồi đến chải lược bí, để con chấy mắc vào răng lược, gạt con chấy xuống một tờ giấy rồi dùng móng tay gí “bép” một cái. Nhưng cho dù đầu mẹ có chấy và tóc mẹ bông xù, bà ngoại cũng tha thiết trìu mến như mẹ bây giờ.

Bởi, mẹ nào cũng sẽ yêu tóc của con mình.

Sao con nỡ

Mẹ không thể tin được Hét ơi. Tại sao con lại nỡ.

Chẳng nhẽ mẹ đã sai thật sao, khi cố gắng dành mỗi tối mười lăm hai mươi phút để chơi với con, vẽ vời, xếp hình, đóng kịch, nhảy nhót… và điều đó làm con cảm thấy ngột ngạt?

Mẹ đã quá nhàm chán và không chịu đổi mới phải không, khi mà mỗi tối trước khi đi ngủ chỉ có mỗi trò đọc sách và tâm sự bạn gái, và con không còn thấy thú vị nữa?

Mẹ có quá hà khắc không khi hạn chế cho con xem tivi, iPad, điện thoại, cách một ngày chỉ được xem một lần và thường tối đa bốn nhăm phút, chứ không cho con xem thả cửa như nhiều nhà khác?

Hay mẹ đã mắng quá to mỗi khi con phạm lỗi, lèo nhèo… khiến con bị tổn thương sâu sắc? Mẹ không dùng từ ngữ độc hại, nhưng phải chăng mắng quá to đã là quá sức chịu đựng của con rồi?

Hoặc mẹ đã quá già, thủ cựu, cổ lỗ không thể hiểu và chia sẻ được tâm tư sở thích của trẻ thơ như con? Quả thật mẹ lấy bố khi đã hơi nhiều tuổi, khoảng cách tuổi của mẹ và con xa hơn nhiều mẹ con khác.

Xem thêm:   Thịt lợn không heo

Vì điều gì Hét ơi, hay là vì tất cả những lý do trên, mà con đã nỡ làm điều này với mẹ.

Trường học tạm đóng cửa vì dịch Covid-19 nên mẹ để con và Miu ở nhà chị Sam cả ngày. Mẹ đi làm trông chờ đến buổi chiều về sẽ được chơi với hai đứa, vậy mà con (dám!) gọi điện cho mẹ háo hức XIN NGỦ LẠI luôn bên đó, giọng lanh canh như tiếng chuông Giáng sinh! Mẹ sốc mất một lúc. Con mới chưa đầy 5 tuổi cơ mà!!! Chị Miu sáu tuổi rưỡi mới xin ngủ xa mẹ lần đầu cơ mà!!! Con, cái đứa mỗi lúc lên giường nếu mẹ nói lát nữa mẹ sẽ phải dậy làm việc đêm, là kỳ kèo năn nỉ mẹ đừng; con, cái đứa giãy nảy mỗi khi bàn chuyện hai đứa tập ngủ phòng riêng để trả mẹ về cho bố, lại đã chủ động đòi ngủ xa mẹ, lại đã đến lúc có thể ngủ-không-có-mẹ ư??

Với Miu mẹ đã không xúc động thế này, vì mẹ biết sau Miu vẫn còn có Hét. Nhưng sau Hét là không ai cả. Nhiều khi mẹ có cảm giác muốn ôm Hét thật nhiều thật nhiều hết mức có thể, vì biết rằng con sẽ nhanh chóng lớn mất, lòng mẹ sẽ trở nên chật chội và con sẽ không cần mẹ ôm nhiều nữa – như chị Miu bây giờ.

Mẹ đành đồng ý, mẹ vẫn tỉnh táo để thấy mình không có lý do gì để không đồng ý cả. Nhưng thực sự hẫng hụt.

Cuộc dọn dẹp xong nhanh, chẳng có gì nhiều mà dọn. Mẹ bắt đầu thấy vẻ yên lặng này có gì đó sai sai. Sự trống vắng khiến căn nhà dường như trở nên quá rộng, làm mẹ cảm thấy chống chếnh và bất an đến lạ. Mẹ nao nao thấy thèm cái mùi chua lòm trên đầu Hét, vì con là chúa nhiều mồ hôi. Mẹ thấy nhớ tiếng nói đành hanh, tiếng lèo nhèo ỉ ôi, và cả tiếng hét chói lói. Mẹ nhớ vòng tay bé xíu hay ôm choàng lên cổ mẹ, cái mông xinh xinh ngồi lọt thỏm trong lòng mẹ, cái trán cứng như đá lần nào chơi trò “đấu đầu” với mẹ cũng thắng…

Mười giờ, mẹ gọi điện sang bên đó để xem liệu con có đổi ý, nhấn mạnh rằng hãy chắc chắn về quyết định của con đi, ban đêm đòi về là mẹ không thể sang đón được. “Con không đòi về đâu. Thật đấy mẹ ạ. Yêu mẹ.”

Haixx… Mẹ chỉ còn biết thở dài như một cơn gió, mở tủ lạnh lấy chai rượu vang uống dở rót ra hai cái ly. Bố mẹ cụng ly và mẹ buồn bã nói: “Chúng mình phải tự xoay xở thôi anh ạ.” Rồi bố mẹ cùng nhau mở một bộ phim hài nhảm lên xem.

Mẹ phải tự lo cho mình vậy. Mẹ rồi cũng sẽ ổn thôi, sẽ ổn thôi, Hét ạ.

NHDT

Hà Nội 2021