Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan tràn khắp thế giới, tin tức về kết quả thử nghiệm thuốc chủng ngừa của Moderna – song song với cuộc chạy đua nghiên cứu thuốc chủng ngừa của những hãng dược phẩm khác – đang mang lại niềm hy vọng cho tất cả mọi người.

Hôm Thứ Ba 14/7 tạp chí y khoa New England Journal of Medicine phổ biến kết quả thử nghiệm Giai Ðoạn 1 thuốc chủng ngừa mRNA-1273 của công ty Moderna, cho thấy tất cả 45 tình nguyện viên đều an toàn và đều có phản ứng miễn dịch đối với coronavirus (SARS-CoV-2), đặc biệt là những người được chích hai liều thuốc có lượng kháng thể trên mức trung bình so với các bệnh nhân đã hồi phục sau khi bị nhiễm Covid-19. Những phản ứng phụ, được ghi nhận với hơn phân nửa số tình nguyện viên, chỉ là phản ứng nhẹ hoặc trung bình, như mệt mỏi, nhức đầu, ớn lạnh, nhức bắp thịt v.v.

Moderna, trụ sở chính ở Cambridge (Massachusetts), là hãng dược phẩm đầu tiên được Cơ Quan Kiểm Soát Thực Phẩm Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép thử nghiệm thuốc chủng ngừa trên cơ thể con người kể từ ngày 16 tháng 3, tức hơn hai tháng sau khi Viện Quốc Gia Về Dị Ứng Và Bệnh Truyền Nhiễm (National Institute of Allergy and Infectious Diseases – NIAID) nghiên cứu thành công loại thuốc mRNA-1273 – tức “messenger RNA vaccines”.

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại hôm 14/7, bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc NIAID, nói rằng kết quả thử nghiệm vừa được công bố là “một tin vui, rất đáng phấn khởi”, chứng tỏ loại thuốc này có tác dụng khá cao để chống lại coronavirus.

Cũng nhờ kết quả nêu trên, giá cổ phần của Moderna ngay tức khắc đã tăng 15% trên thị trường chứng khoán Wall Street.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Với sự hỗ trợ tài chánh của chính phủ Hoa Kỳ lên tới gần nửa tỷ dollars, hãng Moderna thực hiện các đợt thử nghiệm trên cơ thể con người – nghĩa là chủng ngừa cho những tình nguyện viên khỏe mạnh – bắt đầu từ Giai Ðoạn 1 hồi tháng 3 và tháng 4, rồi qua Giai Ðoạn 2 hồi tháng 5 vừa qua. Moderna cho biết sẽ khởi sự Giai Ðoạn 3 vào ngày 27 tháng 7 tới đây.

Thuốc chủng ngừa mRNA-1273 đã được Viện Quốc Gia Về Dị Ứng Và Bệnh Truyền Nhiễm nghiên cứu từ nhiều năm qua, theo phương pháp mới là thay vì cấy virus vào cơ thể thì dùng mã số di truyền mRNA để sản xuất kháng thể (antibodies) trong các tế bào, giúp cơ thể chống lại virus. Ưu điểm của loại thuốc “messenger RNA vaccines” là có thể được bào chế nhanh hơn so với tất cả các loại thuốc chủng ngừa khác từ trước tới nay.

Ðợt thử nghiệm Giai Ðoạn 1 của Moderna nhằm mục đích trắc nghiệm mức độ an toàn của các liều lượng thuốc. Ðợt thử nghiệm Giai Ðoạn 2 được thực hiện với số tình nguyện viên đông hơn và nhằm mục đích ghi nhận tác dụng chống coronavirus của thuốc chủng ngừa, đồng thời tiếp tục theo dõi trong vòng một năm để xem khả năng miễn nhiễm có thể duy trì được bao lâu trong cơ thể. Ðợt thử nghiệm Giai Ðoạn 3 sẽ được thực hiện với số tình nguyện viên đông hơn nữa, để giúp các nhà nghiên cứu có điều kiện xác nhận tác dụng của thuốc và quan sát về phản ứng phụ. Theo hãng Moderna thì 30,000 tình nguyện viên được tuyển lựa để tham gia Giai Ðoạn 3. (Ảnh: Tiến trình nghiên cứu và thử nghiệm thuốc chủng ngừa Covid-19)

Trong đợt thử nghiệm vừa qua, hãng Moderna đã chích ba liều lượng thuốc chủng ngừa khác nhau (25 micrograms, 100 micrograms và 250 micrograms) cho ba nhóm tình nguyện viên, tuổi từ 18 đến 55. Họ được chích thuốc hai lần, cách nhau 28 ngày. Kết quả cho thấy: Sau lần chích thuốc thứ nhì, phản ứng phụ được ghi nhận ở 7 trong số 13 người thuộc nhóm 1 (liều lượng 25 micrograms), tất cả 15 người thuộc nhóm 2 (liều lượng 100 micrograms), và tất cả 14 người thuộc nhóm 3 (liều lượng 250 micrograms). Những người thuộc nhóm 3 có phản ứng phụ nặng nhất, là sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, buồn ói. Bác sĩ Lisa Jackson, người cầm đầu toán chuyên viên thuộc Viện Nghiên Cứu của Kaiser Permanente tại Seattle, nói rằng không có phản ứng phụ nào được kể là nghiêm trọng đến độ các tình nguyện viên phải vào bệnh viện để chữa trị.

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Hãng Moderna cho biết họ đã chọn liều lượng 100 micrograms để thực hiện đợt thử nghiệm thuốc chủng ngừa sắp tới, nhằm hạn chế phản ứng phụ đối với các tình nguyện viên. Theo lời Giám đốc Ðiều hành Stephane Bancel của Moderna thì nếu đợt thử nghiệm cuối tháng 7 cũng mang lại kết quả khả quan, họ sẵn sàng cung ứng mỗi năm 500 triệu liều thuốc chủng ngừa mRNA-1273, và có thể bắt đầu từ năm 2021 họ sẽ cung ứng tới mức mỗi năm 1 tỷ liều thuốc chủng ngừa. Thuốc sẽ được bào chế ở Mỹ, với sự hợp tác của hãng dược phẩm Thụy Sĩ Lonza.

Song song với kết quả thử nghiệm thuốc chủng ngừa của Moderna, hôm Thứ Hai 13/7 hai hãng dược phẩm Pfizer, Inc. (PFE) và BioNTech, Inc. (BNTX) cũng loan báo vừa nhận được sự chuẩn thuận của Cơ Quan Kiểm Soát Thực Phẩm Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) để xúc tiến công việc nghiên cứu, thử nghiệm và bào chế thuốc chủng ngừa Covid-19. Ðược biết các cuộc thử nghiệm sơ khởi cho hai loại thuốc chủng ngừa của Pfizer và BioNTech đang được thực hiện ở cả nước Mỹ và nước Ðức.

Trong khi đó, tại Úc Châu, giáo sư Paul Young thuộc Viện Ðại Học Queensland loan báo bắt đầu thử nghiệm Giai Ðoạn 1 cho loại thuốc chủng ngừa mà họ nghiên cứu. Cuộc thử nghiệm được thực hiện tại bệnh viện Nucleus Network ở thành phố Brisbane, với 120 tình nguyện viên tuổi từ 18 đến 55.

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Tại Anh Quốc, Bộ Trưởng Thương Mại Alok Sharma hồi giữa tháng 5 cũng đã họp báo để loan tin hai nhóm nghiên cứu thuốc chủng ngừa của hai trường Ðại học Oxford University và Imperial College London đang phối hợp để xúc tiến đợt thử nghiệm đầu tiên với cơ thể con người, và cho thấy rất nhiều triển vọng. Ðược biết đợt thử nghiệm kế tiếp đã diễn ra vào tháng 6, sau đó sẽ là đợt thử nghiệm vào tháng 10 năm nay.

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), hiện có tới 23 loại thuốc chủng ngừa khác nhau đang được nhiều quốc gia nghiên cứu. Cuộc chạy đua này được ghi nhận như một dấu hiệu đầy tích cực, chứng tỏ giới y khoa cũng như mọi chính phủ trên thế giới đều tập trung nỗ lực và quyết tâm khống chế trận đại dịch kinh hoàng Covid-19 để mang trở lại cuộc sống bình thường cho tất cả mọi người.

PN

Tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, CNBC, NPR, USA Today