Kỳ trước: Cuối cùng thì đơn vị tiếp viện đã tới, ông Tiểu đoàn trưởng của Trung Đoàn 45 BB đã vào đến cổng trại để bắt tay với Thiếu Tá Vương Mộng Long, trong khi đó toàn bộ các đơn vị bộ binh, xe tăng, phòng không của địch đã rút sạch sau hơn một tháng ê càng mà không gặm nổi trại Pleime.

Nói đúng hơn, họ không thắng nổi ý chí của những người lính VNCH bằng lòng chiến đấu cho đến chết.

Vương Mộng Long huấn luyện đơn vị

Nhiều kỳ – kỳ cuối

Tôi làm như quay mặt nhìn hướng khác khi thấy ông Ðại tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân /Quân Khu 2 cầm cái can chỉ huy gõ nhè nhẹ vài cái lên nón sắt của Ðại tá Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân, ra dấu cho ông Ðại tá Liên Ðoàn Trưởng đừng phát ngôn lung tung nữa.

Ngày 14 tháng 9 một đoàn xe chuyển vận Tiểu Ðoàn 90 của Liên Ðoàn 25 Biệt Ðộng Quân vào trại thay thế cho chúng tôi để trấn giữ trại Pleime.

Toàn bộ quân nhân còn sống sót của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân thở dài nhẹ nhõm. Ðoàn xe lăn bánh vượt con dốc vườn rau của trại, để lại sau lưng chúng tôi cái địa ngục trần gian của hơn một tháng trời, ngày đêm đội mưa, đội pháo, ghìm súng chống quân thù.

Theo như ghi chép trên Nhật Ký Hành Quân của Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân thì trong thời gian bao vây Pleime, Cộng Quân đã triển khai 20 đợt tấn công biển người nhắm vào hệ thống phòng ngự của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.

Nhưng theo tổng kết của Trung úy Trần Dân Chủ sĩ quan Ban 3 của đơn vị tôi thì địch đã mở ra gần 30 đợt xung phong trong thời gian vây hãm này.

Chúng tôi vẫy tay giã từ nơi đây mà không biết đó cũng là lần ra đi vĩnh biệt.

Có một xe GMC được trưng dụng chở chiến lợi phẩm. Ðáng lý ra còn nhiều súng ống của địch nằm trong hàng rào, nhưng tôi không cho người bò vào bãi mìn để lấy thêm, vì đã có hai Biệt Ðộng Quân chết oan khi vướng mìn và lựu đạn trong lúc chui vào rào thu nhặt chiến lợi phẩm.

Chúng tôi được lệnh trú quân trong một khu rừng thưa cách ngã ba Quốc lộ 14 nửa cây số để tắm giặt, thay quân phục, chờ hôm sau sẽ về Pleiku làm lễ khao quân.

Sáng 15 tháng 9 khi tôi kéo quân lội bộ ra tới Quốc lộ 14 thì đã có gần hai chục chiếc GMC mười bánh đậu nối đuôi nhau chờ sẵn.

Sau khi trình diện, ông Ðại úy chỉ huy đoàn quân xa, siết chặt tay tôi,

– Kỳ này các ông mà không giữ được Pleime thì chắc Pleiku bị di tản rồi!

Nghe vậy, tôi vội ngắt lời ông ta,

– Có gì đâu! Nhiệm vụ của Biệt Ðộng Quân mà!

Ông Ðại úy cười hóm hỉnh,

– Tôi ở Pleiku từ thời Trung tướng Vĩnh Lộc, tôi biết Thiếu tá từ khi ông còn là một thiếu úy, mỗi khi hành quân về ông đều ghé Quán Kim Liên!

Nghe vậy tôi cười lớn,

– Mình là dân Pleiku, phải bảo vệ Pleiku cũng là lẽ đương nhiên thôi!

Chiếc xe Jeep của tôi vừa leo dốc qua cầu Hội Thương Hội Phú thì đã thấy dân chúng hai bên đường vẫy tay reo hò, “Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô!…”

Dân chúng đứng chật ních hai bên đường từ dốc Diệp Kính tới Hội Quán Phượng Hoàng cao tay phất những lá cờ nho nhỏ bằng giấy nền vàng ba sọc đỏ. Trong khi đó thì những cái loa trên một chiếc xe của Ty Thông Tin Pleiku chạy vòng vòng phát đi những điệu hát quân hành, “Kìa đoàn quân chiến thắng trở về dưới nắng hồng….”

Quân nhân của tiểu đoàn tôi phải xuống xe nơi đầu dốc Diệp Kính, Hoàng Diệu rồi đi bộ hàng một tiến về sân vận động.

Ði đầu đoàn quân, ngợp trong rừng cờ và biển ngữ, tôi tưởng mình bị hoa mắt trông lầm khi thấy trên hai cái băng vải trắng treo trên hàng rào nhà thờ và căng ngang đường phố trước tư dinh của Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn II có hàng chữ viết bằng sơn đỏ:

“Toàn dân Pleiku ghi ơn Thiếu tá Vương Mộng Long và các chiến sĩ của Tiểu đoàn 82 Biệt động quân”

Nơi sân vận động Pleiku này, tôi đã từng có vài lần đứng chung hàng ngũ những quân nhân được tiếp đón sau hành quân để nhận huy chương. Tôi chưa thấy có lần nào người chỉ huy đơn vị được nêu đích danh tên họ để “Ghi ơn”.

Ðây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử thành phố, một đơn vị nhỏ, cấp tiểu đoàn vinh dự được dân chúng đón tiếp trọng thể như thế. Ngày hôm đó toàn dân thành phố đã đình công, bãi thị. Các trường học thì đóng cửa để ăn mừng chiến thắng.

Dọc đường, người dân tươi cười hớn hở ào ra dúi cho các anh lính chiến những bao thuốc lá. Thuốc lá mà đồng bào đem ra cho các anh lính có khi hút cả tháng sau mà chưa hết! Ngực ông lính nào cũng căng phồng vì áo lót chứa toàn là thuốc lá!

Trong số đàn bà con nít đứng chờ đoàn chiến binh đang từ dưới dốc Diệp Kính đi lên có nhiều người là vợ con lính của tiểu đoàn. Tôi không nỡ ngăn cản những bé con đang hớn hở, tíu tít vui mừng chạy ra giữa đường níu chân bố chúng nó:

“Ba ơi! Ba ơi! Ba về rồi! Con nhớ Ba lắm! Ba ơi!”

Cũng có những đôi mắt đỏ hoe, những giòng lệ tuôn, cùng tiếng khóc nấc trong đám đông, khi ai đó vừa hay tin chồng con của họ sẽ không về.

Vào tới sân vận động tôi thấy ở đây quả là một rừng người.

Trên sân, sau hàng quân của tôi là đội ngũ thầy giáo và học trò, kế đó là đội ngũ dân chúng. Hội đoàn dân chính do ông Ngô Xuân Thu và bà Hồ Thị Thơm đại diện.

Tôi đứng một mình trước đoàn quân đội ngũ chỉnh tề.

Anh em còn lại của đơn vị đứng xếp hàng thành một khối 20 hàng dọc và khoảng trên 20 hàng ngang.

Trên khán đài là hai vị đại tá, Ðại tá Nguyễn Ðức Dung Tỉnh Trưởng Pleiku, ngồi bên là Ðại tá Phạm Duy Tất Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2, cùng nhiều thân hào nhân sĩ của Pleiku.

Dàn nhạc của Quân Ðoàn II bắt đầu bản nhạc “Bài ca chiến thắng” cùng lúc các nữ sinh đại diện các trường trung học tiến lên, trên tay mỗi cô là một vòng hoa tươi nhiều màu sặc sỡ.

Kể cả tôi, có 21 người đại diện đơn vị được choàng hoa.

Cô nữ sinh dẫn đầu đoàn người đẹp đi qua trước mặt tôi sẽ là người choàng hoa cho anh lính thứ 21. Người đi sau cùng mới là người sẽ đứng lại trước mặt tôi.

Trong số nữ sinh đi trong đoàn người ủy lạo đơn vị tôi hôm đó có một người tôi quen, cô ấy là người yêu của cố Thiếu úy Biệt Ðộng Quân Ðinh Quang Biện.Thiếu úy Biện là người anh lớn nhứt của vợ tôi. Anh Biện đã tử nạn năm 1971.

Ði ngang qua mặt tôi, cô ấy nói,

– Cám ơn Tiểu Ðoàn 82! Cám ơn anh Long! Chị Long và mấy cháu có khỏe không?

Tôi mỉm cười,

– Cám ơn chị, gia đình tôi vẫn bình an.

Thế rồi mấy phút kế đó, sau lưng tôi, cô nữ sinh này đã bật khóc giữa hàng quân, ngay khi vừa choàng xong vòng hoa cho một sĩ quan. Có lẽ người con gái Pleiku ấy vừa nhớ đến hình bóng một người lính Biệt Ðộng Quân đã đi qua đời mình.

Tình đầu không thể ví như một giọt sương đọng trên cánh hoa sớm mai, nắng lên thì hạt sương bay. Tình đầu là những gì chứa đầy chua xót, đắng cay, ngọt ngào, nếu đã đánh mất nó rồi, thì sẽ không bao giờ tìm lại được. Nó cứ mãi sống trong tim người. Vì thế mà một thi sĩ thời tiền chiến đã viết:

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên?” (Thơ Thế Lữ)

Hôm đó người lính nào đứng trong hàng ngũ Tiểu Ðoàn 82 cũng được các em học sinh và đồng bào trao cho một gói quà, kể cả các anh vừa mới được bổ sung quân số mười ngày trước đây.

Cái hình Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân được cô hoa khôi trung học choàng vòng hoa chiến thắng đã chiếm hết một trang đầu của Nhật Báo Tiền Tuyến phát hành vài ngày sau đó.

Ðại tá Nguyễn Ðức Dung Tỉnh Trưởng Pleiku mở đầu buổi lễ bằng một bài diễn văn dài. Ông Tỉnh Trưởng không tiếc lời ca tụng chiến công mà chúng tôi vừa lập được.

Kế tiếp là một bài phát biểu dài thật là hùng hồn và sống động của ông Ngô Xuân Thu, Dân Biểu đơn vị Pleiku.

Ông Ngô Xuân Thu cho chúng tôi những lời khen khiến chúng tôi cảm thấy mình đang bay lên tới tận mây xanh.

Cứ sau vài câu ca tụng “những chàng trai Việt kiêu hùng” ông dân biểu lại lớn tiếng hô to “Hoan hô!” thấy thế dân chúng trong sân cũng lớn tiếng “Hoan hô!” theo.

Ngay sau khi Dân Biểu Ngô Xuân Thu dứt lời thì cả sân vận động bỗng trở thành một cái chợ với những tiếng gọi nhau “Ơi ới!” của các bà, các cô tranh nhau đem quà phân phát cho chiến sĩ. Phái đoàn ủy lạo của bà Hồ Thị Thơm và các bà trong đội ngũ phụ nữ đã chuẩn bị sẵn 500 ổ bánh mì thịt và hai con heo sống thật bự dành cho những đứa con vừa trở về từ chiến trường.

Con rể của bà Thơm cũng là một Trung sĩ Biệt Ðộng Quân, nhưng anh Trung sĩ Ðốc làm việc ở văn phòng, nên không có mặt trong hàng quân đang đứng trên sân.

Cuối cùng tôi bị gọi tên lên bục phát biểu cảm tưởng.

Vì không được thông báo trước chuyện này, nên đứng trước máy vi âm tôi không có tờ giấy đánh máy sẵn như ông Ngô Xuân Thu, tôi cứ nghĩ gì thì nói vậy.

Khi tôi dứt câu,

“Thưa đồng bào Pleiku! Chúng tôi là những đứa con của đồng bào! Chúng tôi sẵn sàng hy sinh thân xác mình để canh từng thước đất, giữ từng đoạn giao thông hào chống quân xâm lăng, cũng chỉ vì sự an nguy của đồng bào! Hôm nay những đứa con của đồng bào đã bình an trở về rồi! Ðồng bào có thể yên tâm, không còn lo sợ nữa!”

thì trong đám dân chúng đứng bên trái khán đài có nhiều tiếng khóc sụt sùi.

Mấy chục năm sau, tôi không quên hình ảnh những cụ già vừa lau nước mắt vừa nghẹn ngào,

– Các con vất vả quá! Thương các con quá, các con ơi!

Những phóng viên nhà báo Việt-Nam và ngoại quốc tranh nhau chụp hình quay phim.

Có một phóng viên người Mỹ hỏi tôi,

Xin anh cho biết vì sao trong tình trạng thiếu thốn và tuyệt vọng như thế mà các anh vẫn kiên trì chiến đấu rồi chiến thắng?

Tôi cười, đáp gọn,

– Chúng tôi chiến đấu tới cùng là vì an nguy của đất nước Việt-Nam!

Người quay phim của Tiểu Ðoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị cũng phỏng vấn tôi một câu tương tự,

– Ðộng cơ nào thúc đẩy Thiếu tá đã liều mình tử thủ Pleime?

Tôi cũng cười,

– Vì đồng bào Pleiku, và vì đồng bào cả nước!

Các ký giả săn tin còn tìm thêm được vài Biệt Ðộng Quân khác để phỏng vấn, trong số những người hùng được lên màn ảnh truyền hình kỳ này có Trung úy Nguyễn Công Minh, Thiếu úy Phạm Văn Thủy, Chuẩn úy Nguyễn Hữu Phước và Trung sĩ viễn thám Nguyễn Chi.

Chiều 15 tháng 9 trên 400 quân nhân của tiểu đoàn được chia thành từng tốp từ 5 tới 8 người để dự tiệc do các cửa tiệm tư nhân, hay hội đoàn tiếp đón.

Tôi cùng Thiếu úy Trần Văn Phước và toán Viễn Thám của Mom Sol được  “Nghiệp Ðoàn Tài Xế xe Lamb” và “Hội xưởng cưa” tiếp đãi. Bữa tiệc này có Ðại tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 tham dự.

Sau này những cửa tiệm như Giò Chả Bắc Hương, Hủ Tiếu Hiệp Thành, Cà Phê Kim Liên, Nước Mắm Nguyễn Quý, Phở Kim Phượng, Cơm Ba Cò, Quán Kim, Quán Nhớ… vân vân, nếu thấy anh lính Biệt Ðộng Quân nào mang trên vai cái huy hiệu đầu cọp có số “82” thì không tính tiền, hoặc tính theo giá rẻ.

Trong nhiều ngày sau đó, hình ảnh buổi lễ khao quân ngày 15 tháng 9 năm 1974 trên sân vận động Pleiku đã trở thành một trong những sự kiện nổi bật trên màn ảnh truyền hình quốc gia.

Thời gian nghỉ dưỡng quân ở Pleiku tôi có dịp gặp và nói lời cám ơn tới những đồng ngũ đã có mặt trong các đoàn quân vào tiếp viện cho tôi, đặc biệt là các bạn ở Trung Ðoàn 41 Sư Ðoàn 22 Bộ Binh và các bạn ở Trung Ðoàn 53, Trung Ðoàn 45 của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh. Tôi nói với họ rằng, nhờ có những đóng góp máu xương của họ mà chúng tôi mới tạo được chiến thắng vẻ vang này.

Anh em trong đơn vị tôi có ba ngày nghỉ tự do, nhưng chỉ được đi loanh quanh trong phố Pleiku thôi, không ai được phép đi sang thành phố khác.

Là con chim đầu đàn, tôi phải nêu gương, giữ gìn quân kỷ. Dù nhớ vợ con vô cùng, tôi cũng không dám bỏ đơn vị để “dù” về Ban Mê Thuột thăm nhà.

Chiến thắng Pleime năm 1974 của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã chứng tỏ cho thế giới biết rằng dù phải chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn, Quân-Ðội Việt-Nam Cộng-Hòa vẫn có thể chu toàn nhiệm vụ bảo quốc an dân.

Với thượng cấp chúng tôi đã hoàn thành sứ mạng được giao phó.

Với đồng bào Pleiku, chúng tôi đã xứng đáng là những người con tin yêu của thành phố.

Với cá nhân tôi thì trận đánh 33 ngày đêm này chính là cơ hội để tôi thi thố hết khả năng của một người cầm quân.

Những chiến binh “Tử thủ” Pleime năm 1974 đã vì đất nước mà quên cả mạng sống của chính mình, nên nhiều chục năm sau họ vẫn cảm thấy tự hào:

“Tôi rất hãnh diện đã là một người lính của Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân”

Theo thời gian, những người từng hiện diện trong chiến dịch Pleime 1974 đã và sẽ theo chân nhau thành người thiên cổ. Nhưng trong quân sử, chiến thắng Pleime năm 1974 của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng sẽ mãi mãi được lưu truyền như một huyền thoại của chiến tranh Việt-Nam trong thế kỷ thứ 20.

Gia đình Th/tá Vương M. Long tại Đà Lạt – 10/1974

VML-k20

Seattle tháng 9 năm 2019