Việc Joe Biden rút khỏi cuộc đua tổng thống đã được bình luận rộng rãi về tất cả những hậu quả chính trị của nó. Tuy nhiên, có một chủ đề các nhà bình luận không mấy quan tâm. Đó là Tổng thống hiện tại của Hoa Kỳ sẽ ra sao sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc? Câu hỏi này không chỉ mang tính giai thoại. Nhìn lại cuộc đời của một số ông chủ Bạch Cung tiền nhiệm, cho ta cái nhìn sâu sắc khá là thú vị …

Cuộc sống sau nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đôi khi giống như một trang mới của một vở kịch chính trị: không thể đoán trước, đầy những khúc mắc… và thường gắn kết hơn so với 4 hoặc 8 năm vừa qua.

Kể từ khi George Washington (1789-1797), cựu Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, chọn con đường quay trở lại Mount Vernon sống cuộc đời một nông dân trồng cây, mỗi cựu tổng thống đã vạch ra con đường riêng cho mình, một số chọn vai trò là những nhà diễn thuyết thành công, những người khác theo đuổi các hoạt động từ thiện, hoặc thậm chí, trong trường hợp của Jimmy Carter, từ bỏ các bài phát biểu chính trị để cầm búa và đinh xây nhà.

Vậy “nghề nghiệp thứ hai”, đôi khi cũng hấp dẫn như nhiệm kỳ Tổng thống vừa qua, sẽ mang lại niềm vui hay điều gì khác cho họ ?

Các tổng thống về hưu có truyền thống tiếp tục phục vụ

Năm nay, 4 năm sau cuộc đọ sức đầu tiên, Joe Biden, 81 tuổi, từ lâu đã hy vọng có thể đối đầu lần thứ 2 với Donald Trump, 78 tuổi. Hai người đàn ông rất cao tuổi, đều đã phục vụ qua một nhiệm kỳ tổng thống, sẽ đối đầu nhau nếu Biden không rút lui vào phút cuối. Sự việc này mang lại cho Trump khả năng, nếu đắc cử, trở thành vị tổng thống lớn tuổi nhất tại chức vào năm 2028, khi đó ông sẽ 82 tuổi.

Quyết tâm của họ cho thấy một xu hướng chung. Đó là tuổi tác không còn được coi là rào cản mà là dấu hiệu của kinh nghiệm và sự kiên trì dấn thân của họ. Việc rút lui khỏi đời sống chính trị Mỹ dường như ngày càng muộn, trái với mong muốn của dư luận. Thật vậy, một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew được thực hiện vào tháng 7 năm 2023 ghi nhận 49% cử tri Mỹ muốn bỏ phiếu bầu cho một tổng thống hay nữ tổng thống ở độ tuổi 50.

Trong lịch sử, các tổng thống Mỹ chưa bao giờ thực sự nghỉ hưu. Sau khi rời Bạch Cung, nhiều người tiếp tục đóng vai trò tích cực trong đời sống cộng đồng.

Khi quyết định không tranh cử nhiệm kỳ thứ 3, George Washington đã khơi dậy mối bận tâm và thách thức lâu nay đối với các cựu Tổng thống: sau khi rời Bạch Cung, cuộc sống của họ sẽ như thế nào, họ sẽ làm gì? Việc James Madison nghỉ hưu vào năm 1817 đánh dấu sự khởi đầu của các nhiệm kỳ tổng thống năng động, tích cực, khi ông tham gia các cuộc tranh cãi chính trị. Kể từ đó, công việc sau khi rời Bạch Cung đã trở thành một nhiệm vụ theo đúng nghĩa của nó, như Jared Cohen đã nêu trong quyển Life after Power.

Đạo luật Cựu Tổng thống

Xem thêm:   Tu

Về mặt pháp lý, Đạo luật Cựu Tổng thống thiết lập các quyền và cương vị xã hội của các tổng thống Mỹ về hưu.

Trước năm 1958, các cựu Tổng thống không được hưởng bất kỳ khoản lương hưu hoặc trợ cấp hưu trí nào. Được ban hành vào năm 1958, Đạo luật Cựu Tổng thống nhằm mục đích bảo vệ các cựu Tổng thống khỏi mọi vấn đề tài chính bằng cách bảo đảm cho họ một khoản lương hưu, bảo hiểm y tế, được bảo vệ suốt đời bởi các nhân viên an ninh, mật vụ cũng như bảo hiểm chi phí thuê văn phòng và nhân viên.

Với mức lương hưu hàng năm ước tính khoảng 221,000 USD/năm, các cựu Tổng thống có mức tài chính dồi dào để bình tĩnh xem xét sự nghiệp thứ hai, đặc biệt khi một số người trong số họ nghỉ hưu ở tuổi khá trẻ. Bill Clinton 56 tuổi vào cuối nhiệm kỳ tổng thống thứ hai và Barack Obama 59 tuổi.

Những điểm chung của giai đoạn hậu tổng thống

Trong suốt thời kỳ “Hậu Bạch Cung”, các cựu Tổng thống có các hoạt động nghỉ hưu phổ biến có thể được liệt kê thành 4 loại:

  1. Di sản văn hóa gắn với việc thành lập Thư viện Tổng thống.

Thư viện Tổng thống của Mỹ đóng một vai trò cơ bản trong việc bảo tồn và phổ biến lịch sử của đất nước. Những tổ chức độc đáo này, được thành lập bởi Herbert Hoover (1929-1933), cung cấp cái nhìn tổng quan chi tiết về các tổng thống Mỹ thông qua các kho lưu trữ, vật dụng cá nhân và các triển lãm tương tác.

Mỗi thư viện là một tượng đài dành riêng cho cuộc đời và công việc của một vị tổng thống, đóng vai trò như một trung tâm nghiên cứu, bảo tàng và nơi tưởng nhớ. Hệ thống Thư viện Tổng thống chính thức bắt đầu vào năm 1939, khi Tổng thống Franklin Roosevelt (1933-1945) tặng các giấy tờ cá nhân và tổng thống của mình cho chính phủ liên bang. Đồng thời, Roosevelt dành tặng cho quốc gia Hoa Kỳ một phần tài sản của mình ở Hyde Park – New York, và bạn bè của ông đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để gây quỹ xây dựng tòa nhà thư viện và bảo tàng. Quyết định của Roosevelt xuất phát từ niềm tin sâu sắc rằng các tài liệu của tổng thống là một phần quan trọng của di sản quốc gia và công chúng có quyền được tiếp cận. Ông yêu cầu Cơ quan Lưu trữ Quốc gia quản lý các tài liệu và cả thư viện của ông cũng như các tài liệu lịch sử khác.

Trước khi hệ thống Thư viện Tổng thống ra đời, các tổng thống hoặc người thừa kế của họ thường phân tán các tài liệu của tổng thống khi mãn nhiệm. Mặc dù nhiều bộ sưu tập trước Hoover hiện được lưu giữ tại Thư viện Quốc hội, những bộ sưu tập khác nằm rải rác ở các thư viện, tổ chức lịch sử và bộ sưu tập tư nhân khác nhau.

Thật không may, nhiều tài liệu đã bị thất lạc hoặc bị cố ý phá hủy. Năm 1950, Harry S. Truman (1945-1953) quyết định xây dựng một thư viện để lưu giữ các tài liệu về tổng thống của mình và giúp thúc đẩy hoạt động của quốc hội. Năm 1955, Quốc hội thông qua Đạo luật Thư viện Tổng thống, thiết lập một hệ thống thư viện tư nhân do chính phủ liên bang xây dựng và duy trì. Đạo luật Thư viện Tổng thống năm 1986 khuyến khích các tổng thống khác tặng tài liệu lịch sử của họ cho chính phủ và bảo đảm việc bảo quản các tài liệu của tổng thống và trưng bày cho người dân Mỹ xem. Ngày nay có hơn 15 Thư viện Tổng thống.

  1. Cam kết từ thiện.
Xem thêm:   Tin giả

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, nhiều cựu Tổng thống đã chọn đầu tư vào các hoạt động từ thiện, sử dụng danh tiếng và ảnh hưởng của mình để thúc đẩy các sáng kiến xã hội và nhân đạo. Cam kết của họ là một phần của truyền thống phục vụ công chúng kéo dài, chứng tỏ rằng tác động của một nhiệm kỳ tổng thống có thể kéo dài hơn nhiều năm tại vị.

Ví dụ, Jimmy Carter (1977-1981) có một sự nghiệp hậu tổng thống được đánh dấu bằng cam kết sâu sắc nhằm cải thiện điều kiện sống của những người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 1984, Carter và vợ, Rosalynn, đồng sáng lập Habitat for Humanity, một tổ chức quốc tế chuyên xây dựng nhà ở giá rẻ cho các gia đình có thu nhập thấp. Công việc của họ đã giúp xây dựng hàng ngàn ngôi nhà trên khắp thế giới và Carter đã đích thân tham gia vào các công trường xây dựng, tượng trưng cho sự cống hiến của ông cho chính nghĩa. Sự tham gia của ông không chỉ giới hạn ở những hành động mang tính biểu tượng mà còn huy động các nguồn lực và tập trung sự chú ý của quốc tế vào nhu cầu về các giải pháp nhà ở bền vững.

Tương tự như vậy, Bill Clinton có ảnh hưởng đáng chú ý thông qua Quỹ Clinton do ông thành lập năm 2001. Tổ chức này giải quyết các vấn đề phức tạp toàn cầu như cuộc chiến chống lại bệnh AIDS, biến đổi khí hậu và cải thiện hệ thống giáo dục. Quỹ Clinton đã thiết lập một số chương trình quan trọng, chẳng hạn như các sáng kiến ​nhằm giảm sử dụng thuốc lá và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các nước đang phát triển. Clinton cũng đóng vai trò tích cực trong việc gây quỹ và huy động các nguồn lực cho những mục đích này, chứng minh rằng một nhiệm kỳ tổng thống có thể dẫn tới những đóng góp liên tục như thế nào.

George H. W. Bush, sau khi rời Tòa Bạch Ốc, đã đóng góp đáng kể vào hoạt động xã hội thông qua Points of Light Foundation, một tổ chức do ông đồng sáng lập năm 1990 với mục tiêu thúc đẩy hoạt động tình nguyện và nghĩa vụ công dân, đồng thời hỗ trợ vô số sáng kiến giáo dục dành cho thanh niên để ứng phó với khủng hoảng nhân đạo. Quỹ Points of Light đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nỗ lực đoàn kết và tình nguyện ở địa phương, nêu bật tầm quan trọng của dịch vụ công dân trong xã hội.

Xem thêm:   “Ăn ốc đau lưng”

Những ví dụ này minh họa cách các cựu Tổng thống, ngay cả sau khi kết thúc nhiệm kỳ, vẫn tiếp tục sử dụng danh tiếng của mình để tạo ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội. Sự tham gia của họ vào các hoạt động từ thiện giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của họ và góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu và địa phương, chứng tỏ tác động của dịch vụ công của họ có thể tồn tại lâu dài sau thời gian nắm quyền.

  1. Các bài phát biểu của cựu Tổng thống mang lại thu nhập cao.

Sự nghiệp diễn thuyết của các cựu Tổng thống Hoa Kỳ đại diện cho một khía cạnh đáng chú ý trong cuộc sống hậu tổng thống của họ, phản ảnh tầm ảnh hưởng liên tục và khả năng thu hút khán giả trên toàn thế giới của họ. Sau khi rời Bạch Cung, nhiều cựu Tổng thống Mỹ tiếp tục sự nghiệp diễn giả, mang chuyên môn và kinh nghiệm của mình đến nhiều diễn đàn và sự kiện khác nhau trên khắp thế giới. Quá trình chuyển đổi sang vai trò diễn thuyết này của họ thường được tạo điều kiện thuận lợi bởi các cơ quan chuyên môn, chẳng hạn như Văn phòng Diễn giả Washington. Những hội nghị này không chỉ chia sẻ những quan điểm độc đáo về các chủ đề hiện tại và kinh nghiệm lịch sử mà còn tạo ra doanh thu đáng kể cho các diễn giả.

Ví dụ, Bill Clinton, sau khi làm tổng thống, là một trong những diễn giả được trả thù lao cao nhất thế giới, một bài diễn thuyết của ông có thể lên tới 250,000 USD. Barack Obama cũng tương tự như vậy, một buổi diễn thuyết của ông có thể mang lại tới 400,000 USD.

  1. Những tổng thống sắp nghỉ hưu

Nhà sử học Burton Kaufman, trong cuốn sách The Post Presidency của ông cho thấy rằng một số tổng thống có thể đoàn kết và được lòng dân hơn trong thời kỳ hậu tổng thống.

Đặc biệt là trường hợp của Jimmy Carter. Không được yêu mến và thường xuyên bị chỉ trích trong nhiệm kỳ tổng thống, khi phải đối mặt với hàng loạt thách thức như cuộc khủng hoảng con tin Iran và những khó khăn kinh tế nội bộ, ông đã trải qua sự thay đổi đáng kể về hình ảnh của mình sau khi rời Bạch Cung. Cam kết của ông đối với các hoạt động nhân đạo, và cách làm việc không mệt mỏi của ông sau nhiệm kỳ tổng thống đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của người dân về ông. Năm 2002, Carter nhận được giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực nổi bật trong việc hòa giải các xung đột quốc tế, thúc đẩy nhân quyền và chống đói nghèo.

Những việc làm sau khi rời Bạch Cung của các cựu Tổng thống Mỹ minh họa cho tác động lâu dài của sự phục vụ ngoài nhiệm kỳ của họ. Cho dù thông qua cam kết nhân đạo, hội nghị sinh lợi hay hoạt động tư vấn, những cựu Tổng thống này vẫn duy trì được hình ảnh tốt đẹp trong lòng công chúng…

ĐDH