Khuê chợt tỉnh giấc vì tiếng mưa nặng hạt. Nhìn đồng hồ, mới gần bốn giờ sáng. Ðịnh cuộn mình trong chăn ngủ tiếp thì sực nhớ chiều hôm qua mình quên chưa lấy thư. Khoác thêm chiếc áo, Khuê xuống nhà. Hộp thư hôm nay khá nhiều. Giữa những tờ quảng cáo không cần thiết, có một bao thư gửi bảo đảm khá dày. Khuê càng ngạc nhiên hơn vì tên người gửi lạ quá. Một luồng suy nghĩ chạy nhanh trong đầu. Dạo này, mọi người hay cảnh báo nhau về những gói quà, những bức thư lạ. Vậy, bao thư này là gì? Có nên mở ra không? Nếu mở ra có gì nguy hiểm? Hay là mình bỏ nó đi? Thôi, để đó, sáng sẽ tính. Nhưng Khuê không thể nào ngủ lại được. Nghe gần hết đĩa nhạc Giáng sinh mà Khuê cứ lăn qua lăn lại, đổi tư thế. Chuyển sang đếm cừu vậy. 1, 2, 3… 105… Vẫn tỉnh như sáo. Trong đầu Khuê chỉ nghĩ về bao thư ấy. Thôi, dậy đi Khuê. Pha một ly cà phê để đón bình minh nào.
Mùi cà phê ban mai đánh thức mọi giác quan. Khuê hít một hơi thật sâu, cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Ngoài trời, mưa tí tách rơi. Yên tĩnh quá! Khuê thích những phút giây như thế này. Nhắm mắt lại, thở đều để cảm nhận cơ thể mình đang dần tươi mới hơn. Tỉnh táo rồi. Bây giờ “xử” bao thư này nhé. Sờ bên ngoài, có vẻ như bên trong là một quyển sách. Nếu là sách, chắc không nguy hiểm đâu. Cắt bao thư, rút ra. Trước mặt Khuê là một quyển sổ tay. Tim Khuê thắt lại. Quyển sổ này, hơn ba mươi năm trước, với Khuê, nó thân thuộc biết dường nào!
Trích NHẬT KÝ CỦA TUẤN ANH
Ngày… tháng… năm 19…
Ðang thả hồn sáng tác mấy vần thơ, mình chợt nghe tiếng lao xao trước cửa:
– Bồ leo lên đi. Tui giữ chặt yên xe rồi, không té đâu.
– Nhưng tui sợ lắm. Lựa nhánh nào thấp thấp mà hái.
– Mấy nhánh trên cao bông mới đẹp. Bồ hái nhanh đi, không thôi chủ nhà ra đó.
Mình đứng dậy, bước ra thiệt:
– Ê, hai cô nhỏ! Hái trộm hoa hả?
– Dạ… tại tụi em hổng thấy chủ nhà.
Cô bé tóc tém nhanh nhẩu trả lời trong khi cô bé mặc áo đầm đỏ đứng im, tay cứ xoắn lấy nhánh tigôn đang cầm trên tay.
– Mai mốt muốn có hoa đẹp thì bấm chuông mà xin nha. Leo trèo như vậy rủi gãy chân gãy tay thì sao.
Hai cô bé cảm ơn rối rít, tíu tít chở nhau đi khi giỏ xe đạp đầy tigôn hồng nho nhỏ. Trong khi đó, ý thơ của mình thì bay đi đâu mất tiêu, kéo trở về quá khó. Nhà có giàn hoa đẹp khổ ghê, cứ bị hái trộm hoài, thiệt là phiền.
Tan học, mình thích đạp xe trên các con đường đầy bóng cây quanh trường Gia Long, vừa ngắm các tà áo dài trắng bay bay, vừa thả hồn tìm những tứ thơ đẹp. Dân ban toán, tưởng khô khan chứ thật ra cũng lãng mạn lắm. Như mình nè, biết bao lần “Ðứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” (Học sinh – Huy Cận) mà đâu dám ngỏ lời.
Trang trí xong quyển đặc san cho trường, bóng chiều đã tắt. Theo thói quen, mình thả một vòng quanh trường Gia Long. Ðường Ðoàn Thị Ðiểm, hai hàng cây đan vào nhau như thì thầm trò chuyện. Chợt thấy một cô bé mặc áo dài trắng, ngồi xổm, lúi húi bên chiếc xe đạp, mình dừng lại.
– Xe bị gì vậy bé?
Cô gái ngẩng mặt lên. Ồ, cô bé mặc đầm đỏ hái trộm tigôn nhà mình đây mà. Không ngờ em cũng là nữ sinh Gia Long. Học buổi chiểu, chắc là lớp 8 hay lớp 9 thôi. Cô bé cũng nhận ra mình ngay, mắt ánh lên vẻ mừng rỡ:
– Dạ, xe em bị sút sên, em gắn hoài không được.
Nhìn đôi tay lem luốc dầu nhớt, mình rút khăn tay ra:
– Lau tay đi bé, để anh sửa cho.
– Em ngại quá, dơ khăn của anh hết.
– Không sao đâu. Sá gì cái khăn mouchoir. Bây giờ mà em mở cặp, cặp của em cũng sẽ bẩn luôn..
– Ðể em giặt sạch rồi trả lại cho anh nghen.
– Ðừng bận tâm. Chuyện nhỏ mà.. Khăn dơ vậy, khó mà giặt sạch lắm. Không cần trả lại cho anh đâu.
Xe sửa xong. Cô bé mắt trong veo không quên cảm ơn bằng nụ cười có đồng tiền điếu thật duyên. Mình huýt sáo nho nhỏ, thong thả đạp xe về nhà. Chiều nay, mình có thêm một niềm vui nho nhỏ.
Ngày… tháng… năm 19…
Chuyến xe buýt Củ Chi – Saigon chiều cuối tuần thường chật cứng người, kiếm chỗ đứng còn khó huống chi tìm được chỗ ngồi. Mỗi trạm dừng, người xuống thì ít, người lên nhiều hơn. Ðứng suốt 30 cây số là chuyện bình thường. Thời bao cấp là vậy!
– Trạm Bảy Hiền bà con ơi!
Lên cũng chen, xuống cũng chen. mình vừa bước xuống, xốc lại chiếc ba lô thì sau lưng, một người ngã dúi dụi vào. May mà mình gượng được. Quay lại nhìn, hoá ra là một cô gái.
– Xin lỗi anh. Tại người phía sau đẩy tới.
– Không té thì không sao. Ủa, giày dép của cô đâu?
– Dạ rớt mất một chiếc rồi. Chắc bị vướng lại trên xe đó anh.
Nhìn khuôn mặt dở khóc dở cười của cô, mình thấy tội nghiệp quá.
– Nếu cô không ngại thì đứng đây chờ một chút. Tôi băng qua bên kia đường lấy xe đạp gửi ở nhà người bạn chở cô về nhà giùm.
Lúc quay lại, mình mới nhìn kỹ gương mặt cô ấy. Hơi ngờ ngợ. Hình như có nét gì đó quen quen. Mà quen thật. Trên đường về nhà, trò chuyện một lúc thì nhận ra nhau. Bảy năm trước, cô bé ấy mười lăm tuổi, hái trộm hoa tigôn nhà mình. Bây giờ cô đã thành cô giáo trẻ dạy học ở thị trấn Củ Chi. Còn mình, tốt nghiệp Y khoa, về Trung Phú làm việc gần 5 năm rồi. Cùng đi trên tuyến xe buýt này biết bao nhiêu lần sao bây giờ mới gặp lại nhau? Trái đất quả là tròn. Cuộc gặp gỡ này có là định mệnh?
Ðặt tay lên quyển nhật ký, Khuê nhắm mắt lại. Ký ức ùa về như một cuốn phim quay chậm…
Chiều thứ Bảy, sau tiết dạy cuối cùng, Khuê vội vàng ra trạm đón xe buýt. Dù không đi cùng một chuyến xe với anh, Khuê vẫn biết chắc, anh sẽ đợi Khuê ngay trạm dừng Ngã tư Bảy Hiền. Anh không cho Khuê đi xe lam về nhà. Ngồi phía sau xe đạp, thấy lưng áo anh đẫm mồ hôi, Khuê ái ngại ghê. Ðường xa quá mà…
– Khuê còn thích hoa tigôn không?
– Thích chứ anh. Những bông hoa bé nhỏ ấy không rực rỡ, không kiêu sa nhưng đủ làm mềm lòng Khuê đó. Hồi nhỏ, tụi Khuê thích kết tigôn thành vòng hoa cài tóc, chơi trò công chúa hoàng tử cưới nhau. Lớn lên, đọc bài thơ Hai sắc hoa tigôn của T.T.KH, Khuê lại thấy nao nao. Hoa tim vỡ – chẳng lẽ tên hoa đã dự báo toàn những chuyện tình buồn sao anh?
Chủ Nhật, anh mang đến bốn cây tigôn con, mỗi cây cao khoảng hai tấc và hai bao đất to. Những cây này, anh gieo từ hạt giống của hoa tigôn nhà anh. Anh thay đất trong bồn hoa cũ rồi trồng tigôn xuống đó. Khi anh về rồi, Khuê mở bức thư anh trao: “Em nhớ chăm sóc, trò chuyện với những cây tigôn này nhé. Cây cỏ cũng có tình. Mình thương nó, nó sẽ mau lớn. Tigôn leo kín rào, mai mốt hai nhà tụi mình không cần kết cổng hoa cưới khi làm lễ rước dâu”. Tim của Khuê loạn nhịp từ lúc nào vậy nhỉ?
Tigôn lớn nhanh lắm. Những dây leo vươn lên, bám vào hàng rào lưới mắt cáo. Rồi tigôn ra những bông hoa xinh xắn đầu tiên. Hoa nhà Khuê có hai màu: hồng nhạt và hồng đậm. Chúng quấn quýt nhau, toả hương dịu nhẹ, cứ thế, lớn dần lên. Khuê mong lắm ngày chúng sẽ leo kín cổng rào nhà Khuê.
Anh chuyển công tác về Cần Giờ. Những chuyến xe buýt Sài Gòn – Củ Chi chỉ còn mình Khuê xuôi ngược. Cần Giờ ngày đó chưa có đường bộ, giao thông không thuận tiện. Vậy mà cuối tuần, anh cũng cố gắng về với Khuê. Chỉ trừ những khi phải trực bệnh viện, đành phải chịu. Thế là từ dạo ấy, quyển Nhật ký của anh có thêm nét chữ của Khuê. Khuê mang nó theo những chuyến xe buýt lên Củ Chi. Buổi tối, có khi đang chấm bài, nhớ anh quá, Khuê lấy Nhật ký ra gửi gắm những tâm tình vào đó. Lúc về Saigon, gặp nhau, Khuê đưa lại cho anh. Cứ thế, anh viết, Khuê viết và tình yêu lớn dần theo từng trang Nhật ký viết chung.
Trích NHẬT KÝ VIẾT CHUNG
Ngày… tháng… năm 19…
Tuần này anh không về được. Em đã biết vậy nhưng theo thói quen, khi bước xuống xe buýt, vẫn ngóng tìm dáng anh. Về đến nhà, việc đầu tiên của em là gì anh biết không? Em ra xem tigôn đã leo cao tới đâu rồi. Chúng lớn nhanh ghê. Chắc là chúng hiểu tình cảm của chúng mình, anh nhỉ.
Sáng nay, nhìn ra sân, em thấy một cô bé đang nhón chân, vin cành tigôn xuống. Bất giác, em mỉm cười, thấy lại hình ảnh của mình ngày đó – ngày cô bé mười lăm tuổi hái trộm tigôn nhà anh. Anh có nghĩ mọi chuyện đều do Ông Trời sắp đặt không? Em tin là có. Nhưng em mong tigôn – hoa tim vỡ như người ta thường nói sẽ không đúng với chúng mình đâu. Anh có tin giống em không?
Ngày… tháng… năm 19…
Giờ này chắc em đã ngủ thật sâu rồi. Ca trực của anh đêm nay vất vả quá. Anh vừa tạm nghỉ tay và muốn viết cho em. Anh hình dung ra dáng em nhỏ nhắn, ánh mắt biết cười, sáng lung linh như ngọn nến ấm áp. Cô bé tuổi mười lăm ngày xa xưa ấy không ngờ khi trưởng thành lại làm tim anh mềm đến vậy. Anh gửi em bài thơ viết vội giữa bộn bề công việc đêm nay.
Thương nhớ tigôn
Tigôn hồng nho nhỏ,
Nở ở ngõ nhà em.
Dáng ai thấp thoáng bên rèm,
Long lanh ánh mắt làm mềm tim anh.
Ước gì làm chim xanh,
Ðậu trên giàn hoa ấy.
Chờ em má đỏ hây hây,
Tình thư một bức, đong đầy nhớ thương
Bài thơ này, anh vẽ thêm nhánh tigôn hồng tặng Khuê. Ðặt tay lên đó, Khuê tưởng như anh đứng trước cổng nhà, nghiêng đầu nhìn Khuê đang tưới nước và thì thầm: “Tigôn ơi! Vươn cao lên nhanh nhanh nhé”.
Nhưng cuộc sống không giản đơn như Khuê và anh nghĩ. Anh vượt biên từ Cần Giờ, chỉ kịp nhờ người bạn đồng nghiệp chuyển cho Khuê mấy dòng chữ viết vội: “Anh rất có lỗi với em. Nhưng anh không thể cãi lệnh cha mẹ. Hãy cầu nguyện cho chuyến đi của anh được suôn sẻ. Nếu đủ duyên, chắc chắn mình sẽ tìm lại nhau. Xin lỗi em, ngàn lần…”. Khuê chới với, Khuê chông chênh. Mối tình đầu đã vỡ tan cùng giàn hoa tim vỡ đang phủ kín cổng nhà Khuê.
Ðêm Giáng sinh, Khuê đến Nhà thờ cầu Chúa ban phước lành cho anh được bình yên trên đường tìm đến tự do. Khuê cầu nguyện cho mình bình tâm mà sống vì Khuê không thể để ba mẹ lo lắng cho mình. Nước mắt Khuê lăn dài, Khuê nhớ lại “Noel năm nào chúng mình có nhau” (Bài Thánh ca buồn – Nguyễn Vũ, Thanh Sơn).
Bây giờ, ký ức tưởng ngủ sâu dưới lớp tro tàn của thời gian, tự dưng được khơi gợi. Hoá ra nó vẫn như hòn than âm ỉ trong tim Khuê đấy thôi. Bao nhiêu năm qua, những thăng trầm ai cũng đã nếm trải, biết có còn giữ được cảm xúc như ngày xưa? Ai là người đã tìm ra được địa chỉ của Khuê? Ai là người gửi quyển Nhật ký này? Anh có còn mạnh khoẻ không? Trang giấy ngày xưa giờ đã vàng theo năm tháng. Khuê bồi hồi lật những trang tiếp theo. Có những trang để trống, có trang anh vẽ hoa tigôn, vẽ thiếu nữ bên giàn hoa. Lật đến trang cuối cùng:
Ngày… tháng 12 năm 2022
Tháng 2, anh về lại Việt Nam để mong gặp lại em. Bất ngờ là nhà xưa đã đổi chủ. Giàn tigôn không còn nữa. Vật đổi sao dời. Tự trong sâu thẳm đáy lòng, anh luôn thấy mình có lỗi. Anh không ngờ em đã sống bên này từ hơn hai mươi năm nay. Tóc mình giờ đã hai phần tiêu muối. Không biết chữ duyên có lặp lại với mình lần nữa không em? Giáng sinh sắp về. Em có nhớ mùa Noel xưa nơi Giáo đường Thủ Thiêm không nhỉ? Giáng sinh là mùa yêu thương, sẻ chia và tha thứ. Anh tha thiết chờ nghe giọng nói của em – dù là một lời trách cứ.
Trước mặt Khuê là tấm danh thiếp của anh kẹp trong quyển Nhật ký. Gọi hay không gọi? Sao lòng Khuê cứ phân vân…
KT