Phong tục cổ truyền của người Châu Á, tiết Trung Thu là đêm rằm Tháng Tám (âm lịch,) đêm của giữa mùa Thu, cũng là đêm mà vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất tiến tới gần Trái Đất nhất, được Mặt Trời chiếu sáng toàn diện nhất, làm cho con người nhìn thấy Mặt Trăng to nhứt, rõ nhứt và sáng nhứt, có thể nhìn những vệt sáng tối lồi lõm trên Mặt Trăng mà người xưa cho rằng đó là chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa và chị Hằng Nga trong cung Quảng Hàn.
Chuyện chú Cuội ngồi gốc cây đa là truyện cổ dân gian Việt Nam, còn nhân vật Hằng Nga, Hậu Nghệ và cung Quảng Hàn xuất xứ từ thần thoại Trung Hoa cổ đại “Hậu Nghệ xạ Kim Ô” (Hậu Nghệ bắn rớt chín Mặt Trời.) Người miền Nam đầu thế kỷ 20, có lẽ “nhiễm” truyện Tàu hơi nhiều, nên gộp cả hai loại truyện vô một chỗ, sanh ra câu chuyện chú Cuội ngồi gốc cây đa lại có thêm Hằng Nga đứng kế bên.
Khi tôi là một đứa nhỏ 7 – 8 tuổi, vào đêm Trung Thu, mẹ tôi lấy cái thau nhôm bự đem ra sân, đổ đầy nước vô thau, rồi cả đám lớn nhỏ ở hàng xóm xúm xít lại châu đầu vô cái thau để coi, vừa chờ cho mặt trăng từ từ trồi lên chính giữa bầu trời, vừa trông cho mâm cúng Trăng mau tàn hết nhang để xắt bánh in bột nếp ra ăn. Lúc này, mẹ tôi chỉ vô thau nước nói: “Kìa, thấy chưa, cây đa nè, chú Cuội nè, còn đây là Hằng Nga nè. Ðừng có nhìn lên trời bị chói mắt không thấy, nhìn ở đây nè”. Tôi cố gắng chồm tới thò đầu nhìn vô thau nước, chỉ thấy bóng Mặt Trăng rất bự trong đó, mà không thấy đa, Cuội, và Hằng Nga ở đâu hết. Tôi nói: “Có thấy gì đâu?” Mẹ tôi lấy tay chỉ chỉ vô thau nước, nói: “Ðó, đó, chỗ đó là cây đa đó, Cuội ngồi dưới gốc cây đó, Hằng Nga đứng đó.” Tôi cố gắng nhìn theo tay mẹ tôi chỉ, cũng chẳng thấy Cuội kiết gì hết. Tôi nhăn mặt, nói: “Cuội đâu mà Cuội.” Mẹ tôi nói: “Mày không biết tưởng tượng gì hết, sau này không làm nhà văn được.”
Lớn rồi, tôi mới biết mấy trò đó để gạt con nít đừng đòi ăn bánh cúng quá sớm, phải chờ cúng xong lúc nửa đêm mới được ăn.
Lúc đầu hôm, mặt trời vừa chen lặn, bóng đêm vừa rủ xuống, cũng là lúc bọn con nít bắt đầu í ới đốt đèn cầy trong những cái lồng đèn ngôi sao tự làm ở nhà bằng que trúc vót và dán giấy kiếng màu, lồng đèn trái bí tự xếp bằng giấy tập học trò cũ đem đi nhuộm màu, hoặc lồng đèn cắt ra từ các vỏ lon nước ngọt, lon sữa bò. Ðứa nào có lồng đèn hình con cá, con gà, con bướm… dán giấy kiếng bóng vẽ màu sặc sỡ là đứa đó con nhà khá giả, được cha mẹ mua cho lồng đèn làm sẵn bán ngoài tiệm.
Phải chờ cho trời tối hẳn, đốt đèn cầy cắm vô lồng đèn mới thấy lồng đèn sáng bừng lên, thứ ánh sáng ấm áp, múa may theo từng cơn gió nhẹ, thứ ánh sáng tỏa hào quang lung linh huyền ảo như bước ra từ những câu chuyện cổ tích hay thần thoại. Và bọn trẻ bắt đầu xách lồng đèn ra đường, vừa đi chầm chậm vừa hát nghêu ngao bài “Tết Trung Thu em xách đèn đi chơi, em xách đèn đi khắp phố phường…” Vừa đi vừa để ý cây đèn cầy trong lồng đèn, nó mà ngã một cái là lồng đèn bị cháy, đi nhanh quá thì đèn cầy bị gió thổi tắt, phải đi kiếm đứa khác xin mồi lửa…
Tôi không biết ngày xưa, thời con người mới phát minh ra lửa, khi người cổ đại ngồi vây quanh ngọn lửa bập bùng trong đêm đen thì cảm giác của họ thế nào; nhưng khi tôi cầm cái lồng đèn, đốt cây đèn cầy nhỏ trong đó, và đi trong bóng đêm, ánh sáng lung linh ấm áp từ cây đèn cầy nhỏ, khi sáng bừng lên, lúc bị gió thổi mờ đi, như có phép thần thông, tôi có cảm giác như tôi đang tắm mình trong sự huyền bí của bóng đêm.
Cho đến bây giờ, cảm giác mỗi lần đốt đèn trong tôi vẫn không thay đổi. Mỗi dịp lễ, Tết, tôi lại tắt hết bóng đèn điện, đốt nhang, đốt nến trắng trên các bàn thờ, đốt cây đèn bão nhỏ đặt lên một bên bàn thờ chính (ở Mỹ không bán dầu lửa như ở Việt Nam, xài dầu parafin không khói), và nhìn ánh lửa bập bùng, tôi như cảm nhận được sự bí ẩn, huyền diệu, linh thiêng của đất trời.
Cộng đồng người gốc Việt đông đúc nhứt nước Mỹ là khu vực Little Sài Gòn. Hàng năm, cứ đến tiết Trung Thu người gốc Việt lại tổ chức ăn Tết Trung Thu cho trẻ em. Tuy nhiên, ăn Trung Thu ở Mỹ không giống như ăn Trung Thu ngày xưa ở Việt Nam. Ở đây tôi xin phép nhấn mạnh hai chữ “ngày xưa”, nghĩa là mốc thời gian được tính từ ngày 30 Tháng Tư Ðen trở về trước. Không có yếu tố chính trị gì ở đây, nhưng tôi nhấn mạnh “ngày xưa” để quý độc giả hiểu đó là cách ăn Trung Thu rất đơn sơ, thuần khiết, vui chơi đúng bản chất ngày Tết của trẻ em. Trung Thu ở Việt Nam thời xã nghĩa thì ối thôi rồi, không phải Tết của trẻ em, mà là của người lớn, với đầy những toan tính, mưu mẹo đen tối. Tôi không nói rõ chi tiết các toan tính, mưu mẹo ấy trong bài này, mà để vào một dịp khác.
Trở lại chuyện Little Sài Gòn tổ chức Trung Thu, do đặc điểm thời tiết và xã hội hiện đại, trẻ em gốc Việt ở Mỹ không được biết thú vui đốt đèn cầy trong lồng đèn và xách đi chơi như trẻ em ngày xưa. Năm nào như năm nấy, từ lúc ánh nắng còn nóng chói chang, các bé được người lớn dẫn tới những địa điểm tổ chức “Mừng Trung Thu” để coi văn nghệ trẻ em “cây nhà lá vườn” gồm các màn múa dân tộc, hát các bài hát thiếu nhi, biểu diễn võ thuật. Rồi chờ nhận phần quà là bánh Trung Thu, kẹo ngọt, lồng đèn giấy nhỏ, bong bóng màu… Lồng đèn, dĩ nhiên là những cái đèn giấy sặc sỡ gắn bóng điện phát sáng và kêu è é e (chạy bằng pin AAA,) mà phần lớn những cái lồng đèn này được sản xuất từ Trung Cộng. Rồi được cha mẹ dẫn đi mua thức ăn từ các xe bán hàng lưu động, chơi đùa ở sân bãi tổ chức Trung Thu. Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, gió thổi lạnh đến mọc ốc ác đầy tay, thì cũng là lúc sân khấu ngoài trời ngưng biểu diễn, tất cả các bé cùng gia đình lục tục vội vã lên xe trở về căn nhà ấm áp sáng choang ánh đèn điện như ban ngày. Con nít gốc Việt ở Mỹ không được cầm lồng đèn đi vô những chỗ tối để đọ lồng đèn của mình với lồng đèn của bạn thì cái lồng đèn nào sáng hơn, đẹp hơn. Bất cứ địa điểm nào tổ chức “Mừng Trung Thu” cho trẻ em đến vui chơi cũng đều sáng rực, cái lồng đèn cầm trên tay đứa trẻ trở thành vật vướng víu tay chân khi cần hoạt động. Vì vậy, lồng đèn chỉ là đạo cụ để diễn trên sân khấu thôi. Thành thử các bé không có cơ hội khám phá sự lung linh kỳ diệu của ánh lửa đèn cầy trong chiếc lồng đèn nhỏ bé.
Hai năm gần đây, dân số gốc Việt cư ngụ ở thành phố Santa Ana (Quận Cam) tăng lên, vậy là người gốc Việt, gốc Mễ phối hợp với nhau để tổ chức “Mừng Trung Thu” cho trẻ em, gọi là “Mid Autumn Festival.” Người Mễ không có phong tục chơi lồng đèn như người Việt, nên sự góp mặt của họ là những màn biểu diễn ca, múa dân tộc, và phát quà cho trẻ em, tổ chức các trò chơi trẻ em, và bán thức ăn vặt.
Thú chơi lồng đèn Trung Thu đốt đèn cầy, có lẽ chỉ tồn tại ở thế hệ “trẻ em lâu năm” như tôi mà thôi.
TPT