Bàn về nguồn gốc và những tập tục Tết Nguyên Đán với người Việt Nam giống như chúng ta nói với người Việt rằng nguồn gốc của họ là nguồn gốc của “Dòng Giống Lạc Hồng” có nghĩa là… thừa, vì mọi người Việt Nam ai cũng biết, tuy nhiên với những thế hệ trẻ người Việt ở hải ngoại thì có người biết, người không, đặc biệt là những thế hệ sinh ra và lớn lên ở những đất nước ngoài Việt Nam.

Tết là gì? Ðó là tên gọi tắt của “Tết Nguyên Ðán” một lễ hội quan trọng bậc nhất ở Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới và cũng là ngày đầu tiên của mùa Xuân.

Tết rơi vào đêm đầu tiên của tuần trăng non trong tháng đầu tiên của năm âm lịch, theo Tây lịch thì Tết thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tuần cuối cùng của tháng Giêng đến tuần thứ ba của tháng Hai, tùy theo năm.

Dương lịch mà chúng ta cũng như hầu hết các nước đang dùng được bắt đầu từ năm 1582 do Ðức Giáo Hoàng Gregory XIII giới thiệu.  Dương lịch hay còn gọi là lịch Gregorian, lần đầu tiên được các nước Công giáo áp dụng, dần dần, phần lớn các quốc gia trên thế giới cũng áp dụng theo, tuy nhiên vẫn còn một số quốc gia dùng lịch khác, đặc biệt là cho các ngày lễ. Ðó là trường hợp của Tết Nguyên Ðán, mà tiếng Anh gọi là “Lunar New Year”. Người Việt vẫn dùng song song dương lịch (Gregorian calendar) và âm lịch (Lunar Calendar). Ðiều này được giải thích là thay vì theo dõi quỹ đạo của trái đất quay xung quanh mặt trời, kéo dài khoảng 365 ngày, thì âm lịch theo dõi các chu kỳ của mặt trăng: Một năm âm lịch có 12 chu kỳ tròn của mặt trăng, khoảng 354 ngày. Lịch Hijri, còn được gọi là lịch Hồi giáo, tuân theo chu kỳ này, nhưng âm lịch của Trung Hoa (cũng như lịch Hindu, Do Thái, Việt Nam và các lịch khác) tuân theo một chu kỳ âm dương, và điều chỉnh với một tháng thêm vào trong năm phù hợp (năm nhuận) khi ngày giờ trôi quá xa so với dương lịch. Ðó là lý do tại sao Tết Nguyên Ðán mỗi năm rơi vào một ngày khác nhau theo lịch Gregorian, nhưng trong cùng một khung thời gian gần đúng. Dù rơi vào ngày nào thì đối với người Á Ðông ở những nước có tổ chức Tết, cũng là ngày được đoàn tụ bên những người thân yêu, đánh dấu sự khởi đầu mới mẻ và cùng nhau thưởng thức những bữa ăn ngon, cùng giải trí bằng những trò chơi truyền thống…

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Ða số người nước ngoài ở Mỹ, khi nhìn thấy các dân tộc Á Ðông tổ chức Tết Nguyên Ðán, họ thường gọi lễ hội này là “Chinese New Year” có nghĩa là Tết của người Trung Hoa,.  Người Việt ở Mỹ không hài lòng về cách gọi này và vẫn thường giải thích với họ là lễ hội này phải được gọi là Tết hoặc gọi chung là “Lunar New Year” vì nó được tổ chức kỷ niệm không chỉ ở Trung Hoa mà còn được tổ chức ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở Châu Á, bao gồm cả Việt Nam, Hàn Quốc và Singapore. Ở Việt Nam, Tết Nguyên Ðán được gọi ngắn gọn là Tết, ở Tây Tạng là Losar, ở Hàn Quốc gọi là Seollal, Singapore gọi là Lunar New Year.

Kể từ sau 1949, sau khi lãnh đạo Ðảng Cộng sản Mao Trạch Ðông lên nắm quyền ở Trung Hoa, Tết Nguyên Ðán còn được gọi là “Lễ hội mùa Xuân” thuật ngữ này ban đầu được dùng trong nội bộ những đảng viên Cộng sản Trung Hoa, sau đó nó được đảng CS sử dụng rộng rãi để thay thế cho Tết Nguyên Ðán, vì họ cố gắng loại bỏ bất cứ điều gì liên quan đến chế độ cũ bao gồm những tập tục mê tín và tôn giáo, bao gồm cả những lễ kỷ niệm, phong tục tập quán tốt đẹp trong quá khứ… Trong vòng 10 năm Cách mạng Văn hóa, kể từ 1966 đến khi Mao qua đời năm 1976, thậm chí bỏ hay không bỏ các điệu múa lân và múa rồng truyền thống trong lễ hội Tết ở Trung Hoa cũng là một điều gây tranh cãi. “Lễ Hội Mùa Xuân” không phải là thuật ngữ phổ biến cho Tết Nguyên Ðán, ngay cả đối với những người Trung Hoa sinh sống ngoài đại lục.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/18/2024)

Ở Việt Nam, theo phong tục “dọn nhà đón Tết”, khoảng ba tuần trước khi bắt đầu năm âm lịch mới, nhà cửa được dọn dẹp kỹ lưỡng và quét vôi mới với ý nghĩa để loại bỏ những điều xui xẻo còn bám bên trong. Mọi người cũng sẽ mua sắm quần áo mới,

Theo truyền thống, ngày đầu năm mới được dành cho các lễ kỷ niệm của gia đình, bao gồm các nghi lễ tôn giáo, cúng kiếng tưởng nhớ và tôn vinh tổ tiên. Các thành viên trong gia đình được nhận những phong bì đỏ chứa những khoản tiền nhỏ gọi là mừng tuổi (lì xì).

Bảo Huân

Truyền thống Việt Nam còn có phong tục “Mồng Một Tết Cha, Mồng Hai Tết Mẹ, Mồng Ba Tết Thầy” Truyền thống này được hiểu là, trong dịp Tết Nguyên Ðán, khi con cái trưởng thành ở riêng hoặc đi làm ăn xa thì sáng ngày Mồng Một vợ chồng con cái, anh em ruột thịt phải về nhà để chúc thọ Cha Mẹ và Ông Bà bên nội.  Sang ngày Mồng Hai Tết, vợ chồng con cái lại về quê để chúc Tết họ hàng bên ngoại, và sang đến ngày Mồng Ba, người Việt thường đi thăm hỏi, lễ Tết Thầy giáo. Không chỉ đối với các học trò học chữ, mà THẦY còn được mở rộng phạm vi ý nghĩa, nghĩa là bao gồm cả những bậc có công dạy chữ lẫn dạy nghề, dạy cả những bộ môn nghệ thuật như dạy đàn, dạy hát… để thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã truyền đạt cho mình đạo đức cũng như kiến thức. Ðạo đức cốt lõi của người Việt là phải luôn giữ hiếu với Cha Mẹ, và mãi nhớ ơn Thầy đã dạy dỗ mình nên người.  Tôn vinh các đấng sinh thành và Thầy dạy học trong ba ngày Tết chỉ là tượng trưng cho truyền thống hiếu đạo và tôn sư của cả một đời người.

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Tết năm nay rơi vào ngày 22 tháng 1 năm 2023 theo dương lịch.  Ða số các dân tộc trên thế giới, kể cả những nước theo dương lịch, sẽ tổ chức ăn mừng Tết Nguyên Ðán. Ở Mỹ, Tết Nguyên Ðán được tổ chức ở khắp các tiểu bang và nhiều nhất là ở các khu phố có đông người Á Ðông sinh sống. Chúng ta sẽ lại được thấy các cuộc diễn hành, bắn pháo hoa, múa lân, hội chợ… và thưởng thức các món ăn đặc sản Tết của người Việt, người Tàu, người Hàn quốc….

Theo chu kỳ 12 con giáp hay còn gọi là “thập nhị chi”, người ta dùng các con vật để đặt tên cho từng năm. Theo lịch vạn niên thì năm 2023 là năm Quý Mão với biểu tượng là con Mèo.  Trong 12 con giáp mèo còn có tên gọi là Mão, một con vật đứng thứ tư sau Tý (chuột), Sửu (trâu) , Dần (hổ). Trong văn hóa Á Ðông hình ảnh 12 con giáp luôn mang một ý nghĩa nào đó trong tâm thức mỗi người và chúng gắn liền với cuộc sống của chúng ta. Mỗi một năm qua đi người ta lại mong chờ được chào đón con giáp mới sẽ mang lại nhiều sự đổi thay tích cực để thay thế cho con giáp cũ trước đó.

Mèo còn là một con vật rất gần gũi, quen thuộc với cuộc sống hằng ngày của con người. Nó tượng trưng cho sự nhẫn nại, lòng kiên trì và tính cẩn trọng. Theo phong thủy, mèo được xem là linh vật đem đến nhiều may mắn, thịnh vượng cho gia chủ cũng như có linh lực hóa giải những điều không may trong cuộc sống. Linh vật mèo phong thủy được xem là vị thần bảo trợ cho chủ nhân mọi việc từ làm ăn, gia đạo cho đến học hành. Do vậy năm Quý Mão 2023, năm biểu tượng con mèo, được mong đợi là một năm sẽ mang lại nhiều điều tích cực trong cuộc sống của chúng ta.

NL