Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, bằng ngòi bút thâm trầm, tinh tế của mình, nhà văn Thạch Lam đã miêu tả cuộc sống của hai chị em, của những người dân bình thường trước năm 1945 một cách nhẹ nhàng. Ðiểm nhấn trong tác phẩm này là hình ảnh một đoàn tàu lướt qua lặng lẽ trong đêm tối. Âm thanh huyên náo, ánh đèn sáng rực của đoàn tàu ấy tựa như một ánh flash chợt lóe lên trong không gian tiêu điều của phố huyện. Ðoàn tàu cứ như một mốc thời gian hữu hình, chia cắt giữa sự háo hức chờ đợi trước khi tàu đến và sự rã rời của cảnh sắc sau khi tàu đi dứt hẳn, hòa lẫn vào màn đêm đen. Ðoàn tàu ấy đã xuất phát từ Hà Nội, rồi nó sẽ đi những đâu, trên đường đi sẽ ghé qua những ga nào? Không ai biết, đều mơ hồ cả. Chỉ có cái cảm giác bảng lảng vương vít sau mỗi chuyến tàu là một sự thật hiển hiện mà thôi…
Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Ðón chuyến tàu đi đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa…
(Những ngày nghỉ học – thơ Tế Hanh)
Ngày trước, tôi đã đọc đi đọc lại bài thơ này, thật sự thấu cảm với những hình ảnh bơ vơ, tiễn biệt, chia xa… nơi sân ga. Và rồi nhận ra rằng cũng chẳng biết tự bao giờ, hình ảnh con tàu và sân ga đã đi vào văn thơ, nhạc họa với đầy đủ những cung bậc cảm xúc chia ly, xa nhau, thấm đẫm mùi thương nhớ.
Làng quê Việt Nam đã từng in bóng sâu sắc với những lũy tre làng, với cây đa, bến cũ, con đò… nhưng dần dần khi xã hội dịch chuyển nhiều hơn, nhu cầu con người cần đi lại xa hơn thì khung cảnh bình yên quen thuộc ngày nào đã nhường chỗ cho những sân ga và chuyến tàu. Kể làm sao cho hết những bài văn, ca khúc… đã mượn hình ảnh con tàu với sân ga để nói lên nỗi niềm, tâm trạng của tác giả trước cảnh người đi kẻ ở.
Này là Tàu đêm năm cũ với câu hỏi của người phụ nữ chờ mong mòn mỏi: “Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa? Trắng đêm tôi chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về…”.
Này là Chuyến tàu hoàng hôn với những bánh “xe lăn trong đêm khuất xa rồi biết đâu tìm”, chuyến tàu đã chở người “còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn”, giúp cho người ở lại tin tưởng vào một ngày mai tươi đẹp hơn.
Này là Hai chuyến tàu đêm với âm thanh rúc lên đầy ai oán “tàu về đường cũ tiếng hai đêm vẫn còn chờ/ gặp lại người xưa…”
Ðôi bên đón nhau về thì mừng vui, cũng như bùi ngùi thỏa lòng mong ước, chứ còn lúc chia tay nhau thì mấy ai chịu được cái cảm giác bịn rịn kia. Vậy là, sân ga trở thành nơi gánh chịu tội lỗi, đồng thời là chứng nhân cho bao cuộc chia xa còn con tàu bỗng dưng trở thành thủ phạm gây nên sự chia uyên rẽ thúy của những chuyện tình thơ ngây ngày ấy.
Sân ga là nơi người ở lại gạt lệ nhung nhớ và tự nhủ: «thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời”, cũng là nơi người ở lại “trách con tàu sao nỡ vô tình rời sân ga”. Song, ngày ấy sân ga cũng là nơi mà đôi bên cùng xác quyết một niềm tin chắc chắn: “ngăn cách bây giờ, cho mai mốt sum vầy không thấy thẹn cùng sông núi”.
Kẻ ở mãi mong chờ người đi! Nhưng ác thay, người đi tha phương trên một đoàn tàu thì làm sao biết sẽ ghé đến mấy sân ga? Cuộc tình nào rồi cũng phôi pha. Cho nên người ở lại cũng chỉ còn biết dằn lòng an ủi: “xin em xem anh như một ga nhỏ dọc đường”. Ðến đây thì hình ảnh người lên tàu không còn là một người chinh phu ra đi vì đời nữa, mà là một người phụ nữ truân chuyên qua nhiều mối tình rồi. Người đàn ông chỉ còn biết chịu đựng, im lặng chờ đợi và thốt lên lời đắng cho cuộc tình đến thế!
Tuy nhiên, chủ thể quan trọng nhất ở đây vẫn là con người – “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nên nhiều khi không phải chỉ cảnh kẻ ở – người đi mới làm cho sân ga trở nên buồn hiu, trĩu nặng, mà tâm hồn một thi sĩ còn thấy được thế này:
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.
(thơ Nguyễn Bính)
Ðến đây thì hoàn toàn không thể trách con tàu hay sân ga được nữa, chỉ “một mình làm cả cuộc phân ly” thì con người đã làm chủ mọi cảm xúc luôn rồi còn gì!
Trong ca khúc 500 miles, người nghe gặp lại hình ảnh của con tàu với sân ga, lời ca bắt đầu bằng những nhịp điệu lẻ loi sầu nhớ: “If you missed the train I’m on/ You will know that I am gone…”. Thế mới hay, cho dù được thể hiện bằng ngôn ngữ nào thì cảm xúc của con người cũng vẫn rất thật, rất giống nhau, ở cùng cách diễn tả từ ngữ.
Câu chuyện bảng lảng của kẻ ở người đi nơi sân ga ngó vậy mà lúc nào cũng còn vương vít, cứ như hơi khói, như sương, một cách âm thầm lặng lẽ “người đành bỏ người như sương khói sau chuyến tàu…”
Mà mãi đêm nay mới nhớ ra
Ðời mình chẳng khác chuyến tàu qua,
Nhưng từ ga lớn từ ga nhỏ.
Giời chẳng làm cho lấy một ga.
(thơ Nguyễn Bính)
Có những con người lênh đênh phiêu bạt cả đời như những chuyến tàu đêm, không biết dừng chân nơi ga nào, song cũng có những con người suốt đời cô đơn nơi một ga xép nhỏ, đợi mãi không thấy đoàn tàu nào ghé đến. Cái tâm trạng bải hoải u uất ấy ngó vậy mà còn trĩu nặng hơn cả cảnh chia ly sân ga với đoàn tàu nhiều.
Xin mượn những dòng thơ của thi sĩ Nguyễn Bính để làm đoạn kết cho bài viết:
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
LH