Lời giới thiệu: Phụ nữ rất kỳ lạ, họ có thể làm được những điều kỳ diệu: đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ biến thành một tổ ấm, đưa rau trái, họ sẽ biến thành một bữa cơm ngon, cho một nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim, cho một tình yêu sẽ nhận về lòng son sắt… Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không được yên bình để gầy dựng hạnh phúc, bão tố thời cuộc đã ập xuống đôi vai mỏng manh của họ.. nhưng sau đó, họ lại tỏa sáng khắp nơi, từ nhà máy, văn phòng, trong căn bếp nhỏ hay chốn thương trường đầy sóng gió…

Bạn có thể giới thiệu cho Ngân Bình email: nganbinhdang13@gmail.com, những người phụ nữ quen biết, cho mục “Chuyện của Nàng” được lung linh muôn sắc. Xin cảm ơn.

Bà Hồng Lê   

SND Manufacturing là một công ty chuyên sản xuất các loại đồng phục thể dục, thể thao cho quân đội Hoa Kỳ, đồng phục cho các đội thể dục, thể thao trên toàn quốc… Giám đốc và sáng lập công ty là chị Hồng Lê, một phụ nữ hoạt bát, duyên dáng. Nhưng chị được nhiều người trong cộng đồng Việt biết đến, không phải bởi những sản phẩm của mình mà như một nhà hảo tâm, sốt sắng tài trợ cho các chương trình nhân đạo hoặc các sinh hoạt cộng đồng.

Hãng may SND Dallas 

Trong một ngày mát mẻ, nắng nhẹ của mùa Thu Dallas, chúng tôi có cuộc gặp gỡ cùng chị…

Ngân Bình (NB): Chị sang Mỹ từ lúc nào và công việc đầu tiên của chị khi đến Mỹ là công việc gì?

Hồng Lê (HL): Tôi sang Mỹ từ 1975. Công việc đầu tiên là làm kế toán cho JCPenny ở Salt Lake City, Utah.

NB: Chị ở Utah bao lâu thì chuyển về Dallas?

HL: Dạ 7 năm. Tiểu bang Utah khá lạnh lẽo vào mùa Ðông, không thích hợp với người Việt, nên tôi muốn tìm một nơi ấm áp hơn và Dallas là nơi tôi chọn.

NB: Thưa chị, cơ duyên nào khiến chị thành lập công ty và để làm công việc này, trước đây chị có qua một trường lớp nào về may mặc không?

HL: Khi về Dallas, tôi làm Phụ tá Quản lý cho Seven-Eleven của Southland Corporation. Sau một vài tuần thì được lên chức Quản lý. Có lẽ, thấy tôi có một số thành tích trước đây qua những tặng thưởng mà tôi nhận được, cùng những bài viết và hình ảnh đăng trên USA Today, nên họ cho tôi làm huấn luyện cho các quản lý Seven-Eleven. Cùng lúc đó, cậu em tôi vượt biên và được định cư tại Mỹ, nên hai chị em quyết định mở “shop” may để có việc làm, dù lúc đó chưa ai biết cây kim, sợi chỉ ra sao. Nhưng mới mở “shop” được một tháng, thì cậu em có việc lại chuyển qua California, nên tôi đành phải nghỉ việc ở Seven-Eleven để duy trì “shop” may. Lúc ấy, khó khăn chồng chất, nhưng tôi vẫn cố gắng vừa làm, vừa theo học thiết kế tại El Centro College. Thật sự, tôi không muốn dừng chân ở chỗ nhận may gia công như trước mà muốn phát triển thêm.

Bà Hồng Lê -Quản Lý Southland Corporation Seven- Eleven

NB: Thời gian đầu, chị may cho công ty nào?

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/11/2024)

HL: Dạ, công ty JCPenny. Sau đó, tôi nhận thấy Cheerleader Uniform rất đa môn, từ thiết kế trên vi tính, dệt ruy-băng, thêu trên máy tự động, dùng tia laze để cắt chữ v.v.  tất cả phần hành có thể áp dụng vào vi tính, không phải chỉ là may, nên khi có cơ hội là tôi gia nhập ngay. Lúc đầu, tôi chỉ nhận may gia công để kiếm sống. Nhưng công việc này có tính thời vụ, chỉ hoạt động 6 tháng, 6 tháng thất nghiệp, bị mất nhân công, nên tôi nghĩ cách phải tìm sản phẩm khác để lấp vào khoảng trống. Dịp may đến, tôi có cơ hội mua lại “Mike Benet Formal”, một công ty của người Mỹ, rất nổi tiếng về áo dạ hội “Prom”. Ðể hạ thấp giá thành, tôi thiết kế ở Mỹ, rồi gửi sang Trung quốc gia công, nhưng phải gửi người của mình sang đó kiểm soát. Nhưng kế hoạch này bị thất bại thảm hại bởi cơn bão Katrina, vì phần nhiều các cửa tiệm bán hàng của tôi ở New Orleans, họ bị phá sản, ngưng hoạt động.

NB: Như vậy, công ty SND được thành lập từ bao giờ? Bước đầu chị có gặp phải khó khăn hoặc được thuận lợi nào? Có ai giúp đỡ chị trong bước đầu khởi nghiệp không?

HL: Công ty SND thành lập từ năm 1987. Thực tình, công ty được tồn tại đến hôm nay là do sự nỗ lực và kiên trì, chứ tôi không xem đó là thành công. Vì bất cứ lãnh vực nào, cũng có thăng trầm và tôi cũng đã nhiều lần bị thất bại. Nếu có sự giúp đỡ trong sự nghiệp, thì có thể nói là nhờ sự hỗ trợ hết lòng của nhân viên. Nếu thiếu họ, không thể nào tôi có thể phát triển và tồn tại cho đến hôm nay.

Tướng Lục Quân Charles R.Hamilton thăm hãng SND.

NB: Cơ sở của công ty SND khá bề thế và rộng lớn, diện tích hiện nay là bao nhiêu, có bao nhiêu nhân viên? Sắc dân nào nhiều nhất?

Xem thêm:   Sân bên Side Yard

HL: SND được xây dựng từ năm 1999, với diện tích 28,000 sqft. Và một chi nhánh khác ở Arlington, tôi đã mua đất xong, nhưng vật liệu hiện lên quá cao, có lẽ phải chờ giá cả vật liệu xuống mới xây được. Nếu tính toàn bộ nhân viên ở hai nơi khoảng 150 người, đa số là người Việt và Mễ. Một số nhân viên người Mỹ thì lo việc giao dịch và thiết kế.

NB: Được biết vài năm trước chị có hợp đồng với quân đội Hoa Kỳ. Lấy được hợp đồng với họ không phải là sự dễ dàng, làm sao chị có thể “tìm” đến họ được?

HL: Uy tín, nỗ lực và kiên trì của SND đã được giới cung cấp hàng quân đội ở New York chú ý đến và mời cộng tác. Tôi là nhà cung cấp, chứ không phải gia công, và để có được vị trí đẳng cấp, đội ngũ thiết kế của SND luôn phải sẵn sàng điều chỉnh góp ý những thiếu sót v.v. Hơn nữa, khi làm cho quân đội, tất cả phải sản xuất ở Mỹ, từ sợi chỉ đến cây kim.

NB: Làm “business”, lúc nào cũng sẽ có sự cạnh tranh, ngành may có ở trong trường hợp này không chị?

HL: Thương trường là chiến trường. Trong ngành may có nhiều cạnh tranh. Nếu cạnh tranh chính đáng thì đó là đẳng cấp. Còn dùng thủ đoạn để cạnh tranh thì tôi sẽ rút lui.

NB: Chị có một kinh nghiệm đáng nhớ nào trong việc hợp tác làm ăn với người Mỹ không?

HL: Hồi trước, có một người Mỹ đến nhờ công ty làm mẫu cho họ một sản phẩm để chườm nóng lạnh. Rất đơn giản, chỉ một cái túi, trong đó đựng 2lbs gạo. Họ hứa, khi hàng ra thị trường sẽ cho tôi làm “Co-production”, nhưng tôi nghĩ “cái này ai mà mua” nên không ký giấy tờ. Không ngờ, năm đầu, hàng bán đắt như tôm tươi, doanh thu đến 22 triệu. Lòng tham nổi dậy, họ giành gần hết luôn, chỉ nhường cho mình cái râu ria. Tuy vậy, sản phẩm này cũng đem lại cho tôi một khoản thu nhập trong 10 năm.

Bà Hồng Lê khởi công xây cất cơ sở SND Dallas năm 1999

NB: Trong thương trường lâu năm, đặc biệt với người Mỹ, chị có thể chia sẻ kinh nghiệm và có lời khuyên nào dành cho những người trẻ?

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

HL: Qua kinh nghiệm bản thân, tôi thấy điều đầu tiên là phải hiểu được năng khiếu và đam mê của mình. Người trẻ bây giờ đầy đủ điều kiện và khôn lanh hơn thế hệ mình. Nhưng câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” bao giờ cũng đúng.

NB: Ngoài những bất trắc, áp lực, chị có được niềm vui nào không?

HL: Mỗi lần bước ra bãi đậu xe, thấy toàn xe đẹp, hay khi nghe tin một nhân viên nào đó, mới làm việc một, hai năm mà mua được nhà, thì đó là niềm vui lớn lao của tôi, vì thấy mình đã tạo cho họ công việc tốt. Có những nhân công chưa từng biết may, nhưng dần trở nên thành thạo và thu nhập rất khá. Lương nhân viên mỗi năm 50 ngàn là trung bình, người giỏi có thể đến 90 ngàn/năm. Ðó là niềm vui lớn nhất của tôi (cười).

NB: Thưa chị, thường thì con cái ít khi phụ giúp hay đồng hành cùng Ba Mẹ trong “business”, trong gia đình chị có ai làm việc chung không? 

HL: Dạ, tôi có một cậu con trai đang học ngành kỹ sư có khả năng sửa chữa hệ thống vi tính «CAD SYSTEM». Cháu lãnh trách nhiệm đối ngoại, nhất là liên lạc mật thiết với quân đội và tham dự những buổi họp quan trọng trên toàn quốc.

Công Nhân trong giờ làm việc

NB: Chị có kỷ niệm đẹp nào trong quá trình làm việc, kinh doanh của mình không?

HL:  Có chứ, đó là sự xuất hiện của ông Tướng Lục Quân Charles R. Hamilton vào năm 2016.  Ông đến thăm công ty để cám ơn tôi đã giúp họ vượt qua khó khăn trong vấn đề thiếu hụt quân phục. Ðó là niềm vui và cũng là niềm hãnh diện của tôi.

NB: Ngoài việc bận túi bụi ở công ty, chị có sở thích gì để được thư giãn không?

HL: Tôi thích đi shopping và thích làm đẹp cho người khác.

Sở thích thứ nhất rất nữ tính, nhưng sở thích thứ hai thì ý tưởng rất đẹp – Xin chúc chị Hồng Lê và SND luôn duy trì được sự thành công (mà với sự khiêm nhường, chị luôn nhắc đi, nhắc lại ‘Tôi không dám nhận mình thành công mà tôi chỉ được tồn tại thôi’)  và cả thế giới này sẽ như sở thích của chị: luôn tươi đẹp, từ trang phục đến tâm hồn! 

Nhân viên SND  và Tướng Hamilton

NB thực hiện

(hình ảnh do SnD cung cấp)