Khi bài viết này lên trang báo, đến tay các bạn, thì ắt hẳn cái Tết Giáp Thìn dường như đã lùi ra rất xa, xa ngái… Thậm chí, với một số người, cái Tết dường như đã kết thúc ngay sau thời khắc Giao thừa. Năm nào cũng vậy, là những cảm giác háo hức nôn nao, mong chờ, chuẩn bị mọi thứ để cầu mong cho một cái Tết đầm ấm, đúng nghĩa. Dồn hết sức, dốc hết tiền của, gi gỉ gì cũng dành cho Tết. Rồi, sau khi tiếng chuông Giao thừa điểm qua thì chỉ còn lại cảm giác bảng lảng, trống vắng, hụt hẫng, hoang hoải hơn bao giờ hết…

Happy new year – ca khúc mừng Xuân bất hủ của ban nhạc ABBA luôn vang vang mỗi dịp Tết đến Xuân về, nội dung ngẫm kỹ lại chẳng có gì vui vẻ, tươi mới cả. Bài hát đã buồn bã ngay từ những câu mở đầu: “No more champagne, and the fireworks are through…” (Không còn rượu sâm-panh nữa, và pháo hoa cũng đã tắt rồi…). Hình như người ta dần quên những đoạn này mà chỉ hăm hở cuốn theo ánh pháo hoa tưng bừng rộn rã cùng lời ca trong điệp khúc “Happy new year, happy new year, May we all have a vision now and then…” để cùng gửi cho nhau lời chúc mừng năm mới mà thôi.

“If we don’t we might as well lay down and die”, liệu có mấy ai để ý rằng, nếu mọi sự trong năm mới không được như ý nguyện thì “có thể chúng ta sẽ bỏ cuộc và ra đi”. Chữ “die” được thả nhẹ trong một bài nhạc Xuân! Với nhiều người Việt theo quan niệm cũ, hẳn sẽ nghĩ đến việc kiêng kỵ, không nói về chuyện chết chóc ngày Tết. Nhưng nhóm ABBA đã nói, đã hát và chẳng phải là người ta vẫn ngân nga suốt mấy chục năm nay rồi đó sao.

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Nhạc Việt cũng có bài Xuân gần giống với tâm trạng như vậy. Đó là ca khúc Câu Chuyện Đầu Năm của nhạc sĩ Hoài An, sáng tác từ năm 1964. Đi lễ Xuân đầu năm nhưng vẫn không sao quên được cái cảm giác “ruột rối tơ tằm” của 1 năm cũ vừa trải qua, thấp thỏm, hy vọng ngóng trông “may nhiều rủi ít” trong 1 năm mới sắp đến!

Người có suy nghĩ thì trầm tư, lo lắng ngay cả ở những ngày Xuân, đau đáu cho những gì xảy ra sắp tới. Người vô tâm thì lại xem như dịp Tết là nơi xả tràn, “chơi bốc trời”, cho đến gần hết tháng Giêng mà vẫn còn hơi của Tết.

Mời các bạn đọc lại đoạn trích trong bài tùy bút “Sau ngày nghỉ Tết” của tác giả Hữu Sào, viết về tâm trạng của những người xưa ở thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán, đăng trên báo năm 1934, từ 90 năm trước: “Nói tóm lại, hết thảy mọi người đều vì Xuân mà được chơi bời thỏa thích. Song, cái thú chơi Xuân, tuy là chính đáng thật, nhưng nó cũng phải có giới hạn như mọi cái thú khác, thì nó còn là thú; nếu chơi quá độ thì thật là có hại. Ta đã từng thấy bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình khốn khổ vì Xuân, cái nỗi khốn khổ ấy thiết tưởng trong lúc ngày Xuân là không nên không biết…”.

Xem thêm:   "Kỹ thuật nhồi sọ"

Rất nhiều công ty cũng đã than trời vì Tết. Loay hoay chạy đua doanh số, đau đầu tính toán lương thưởng, ráng cho người công nhân có được chút Tết đầm ấm, sung túc… Nhưng rồi, ngay sau Tết là cảm giác chểnh mảng, vẫn còn ham chơi… Giám đốc công ty nào sau Tết cũng như ngồi trên lửa, vui gì nổi giai đoạn này!

Ca khúc Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, bài hát Xuân mới được cho phép trình diễn lại mấy năm gần đây không ngẫu nhiên mà được nhận xét là “kinh điển”. “Tính chất kinh điển hiểu theo nghĩa không một thành phần nào của xã hội bị bỏ quên. Và, một cách ý thức, tác giả, đã sắp lại bậc thang giá trị của các thành phần xã hội, với lòng trân trọng, biết ơn của mình” (theo nhà thơ Du Tử Lê). Mùa Xuân, ngày Tết, cả đất trời chan hòa, “không một ai bị bỏ quên”: từ anh nông phu, người thương gia, người công nhân… cho đến bà mẹ già, người binh sĩ, đôi uyên ương đắp xây hạnh phúc, tất cả đều chan hòa, “Ước mơ hạnh phúc nơi nơi/ Hương thanh bình dâng phơi phới…”. Có lẽ đây là chút tươi tắn còn lại, đáng để mong chờ trong mỗi mùa Xuân đến, Tết sang!

“Nhân ngày Xuân mát mẻ, trong mình ta có thêm sức mạnh, ta nên dùng sức mạnh ấy mà làm cho tinh thần ta ngày một mở mang, thân thể ta ngày một tráng kiện, rồi ta mới lo toan được những công to việc lớn, có thể làm cho nước mạnh dân giàu” (Sau ngày nghỉ Tết” của tác giả Hữu Sào).

Xem thêm:   Đi tìm lăng mộ Antoine & Cléopâtre

LH