Tết ta xưa thường bắt đầu rộn ràng mua sắm, sửa sang dọn dẹp nhà cửa từ sau rằm tháng Chạp và không khí Tết được thấy rõ bằng việc cúng tiễn ông Táo về Trời ngày 23 tháng Chạp, kéo dài 2 tuần cho đến ngày hạ nêu mùng 7 tháng Giêng.

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh là hình ảnh đại diện cho Tết xưa, bây giờ chắc chỉ còn lại bánh chưng là thường thấy trong mọi nhà của Tết nay. Tết xưa gắn liền với tiếng pháo đì đùng cùng với tiếng trống múa lân. Tiếng pháo từ rời rạc lẻ tẻ những ngày 27, 28, 29, rồi không hẹn mà rầm rập đồng loạt vang lên trong thời khắc giao thừa trừ tịch (trừ tịch có nghĩa là bỏ đi các buồn phiền của năm cũ) và chào đón buổi nguyên đán – buổi sáng sớm đầu tiên của năm Âm lịch mới – Mồng 1 Tết. Tết nay không còn pháo – cũng phải thôi – vì Tết xưa lạm dụng pháo quá nhiều gây ô nhiễm khói bụi, mùi diêm sinh lưu huỳnh đầy đường phố chợ rất có hại cho phổi; rồi thì tàng trữ chất chứa quá nhiều trong nhà trong kho mà không biết kiến thức an toàn gây rủi ro cháy nổ, thương tích, … làm Tết mất vui lại thêm sầu não.

Tết nay có phần giảm ấn tượng khi không còn tiếng pháo nhưng lại được an toàn hơn và có sao đâu khi đã có âm thanh giống hệt của pháo điện tử và có bắn pháo hoa, dù rằng pháo hoa chỉ có vào thời khắc giao thừa ở các thành phố lớn; và chưa đẹp như ở Úc, Mỹ, Pháp, Dubai …

Chợ Tết xưa vui nhất là các phiên chợ Tết tối 28, 29, nơi đó cha mẹ con cái dẫn nhau đi chơi, đi ăn và mua sắm. Buổi sáng 30 có các phiên chợ nhỏ, ở đó người bán hối hả bán cho xong hàng hóa còn lại để kịp về nhà cúng kiến tổ tiên, có thêm chút tiền để mua sắm, lì xì cho con cháu; còn người mua tìm được các món hàng rẻ và để dành được cho đến sáng mùng 2 mới có chợ họp lại. Ngày xưa không phải nhà nào cũng có tủ lạnh, nếu có cũng là loại nhỏ. Ở các phiên chợ sáng 30 có các gánh hàng mang lên từ ven đô: bánh bò, bánh bông lan, bánh da lợn, cơm rượu, bánh tét … rất ngon vì là sản phẩm “home-made” từ các phụ nữ làng quê khéo tay giỏi làm bánh mứt.

Tết xưa hay Tết nay đều mang ý nghĩa lớn nhất là sự đoàn tụ sum vầy – để ông bà, cha mẹ, con cháu, dâu rễ có dịp quây quần quanh mâm cơm ngày Tết; họ hàng, làng xóm ghé thăm nhau sau 1 năm quần quật làm lụng lo toan cơm áo gạo tiền; trao nhau những câu chúc gởi gắm những niềm tin mới, có khi là những giãi bày, xóa đi những hiểu lầm, sân hận, hờn giận của ngày thường. Cứ nhìn những con đường thành phố trống vắng trong những ngày Tết là thấy ngay ý nghĩa sum họp của Tết.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Người ta vẫn có thể chúc Tết nhau qua điện thoại; thấy nhau và trao nhau hình ảnh thực của những ngày Xuân qua “phây”, qua “apps”, qua “cuộc gọi video thấy hình”. Công nghệ thời đại làm cho Tết gần nhau hơn về địa lý, nhưng mặt khác, đời sống khá lên lại làm cho Tết nay nhạt bớt sự gần gũi tương thân – ngày càng có nhiều người đi du lịch dịp Tết hơn là về quê, về nhà tổ ăn Tết –  ít nhiều giảm đi sự thiêng liêng của việc sum vầy ngày Tết.

Tấp nập người về quê ăn Tết. nguồn internet

Hình như đời sống khá lên làm cho ý nghĩa và giá trị phong tục của Tết giảm đi. Tết xưa – biếu nhau cặp dưa hấu, xấp bánh tráng, ký lạp xưởng, phong bánh in, bịch mứt bí mứt gừng – nhưng ấm áp và chân thật nghĩa tình hơn là cặp rượu ngoại, phong bì dày cộm, … của Tết nay.

Tết xưa, nhà nhà nhất định phải có mâm ngũ quả: cầu – xài – vừa – sung – đủ, do 5 thứ quả tượng trưng: mãng cầu (thường là mãng cầu xiêm), xoài, dừa, trái sung, đu đủ – nói lên ước vọng cho cuộc sống gia đình trong năm mới: không phải chi tiêu phí tổn nhiều (tiêu xài vừa thôi), đời sống đủ đầy, sung túc vật chất, sung mãn tinh thần (sung đủ). Một ước vọng rất bình thường, một minh họa đơn sơ cho 2 từ: hạnh phúc; một thể hiện chân chất của triết lý sống ung dung bền vững: vừa và đủ.

Tết xưa xuất hành bằng việc đi chúc Tết người thân ruột thịt hoặc lễ Chùa đầu năm. Hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài vịn cành mai, cành đào bên hiên nhà hay trong sân Chùa ngày Tết đã là nguồn cảm hứng cho biết bao thi ca nhạc họa. Tết nay dần vắng bóng chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ, khăn đóng áo gấm của các bậc phụ lão; thay bằng váy đầm, quần jean, T-shirt.  Âu cũng là xu thế của thời đại mới: trẻ trung hơn, năng động hơn.

Lì xì – chính là lucky money – là một phong tục hay của Tết nếu đừng bị biến dạng theo kiểu đền ơn, hậu tạ cho việc công hầu khanh tướng chốn quan trường hay việc có qua có lại nơi thương trường – có phần “hơi bị nhiều” trong Tết nay. Tết xưa: người lớn đổi tiền giấy mới tinh nhưng không nhiều, bỏ vào bao lì xì đỏ thắm có hình 3 ông Phước – Lộc – Thọ rất đẹp; rồi tặng cho con cháu – như là sự mong mỏi, cầu chúc cho con cháu mau lớn, học giỏi, thành công trong năm mới. Lì xì khi xưa thường chỉ trong gia đình, dòng họ: ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác ban tặng cho con cháu còn đi học hoặc chưa lập gia thất. Cũng có trường hợp con cái lớn, thành đạt lì xì cho ông bà cha mẹ lớn tuổi – như là nghĩa cử tri ân – để ông bà cha mẹ tiêu vặt trong năm.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Tết bây giờ bao lì xì không còn phổ biến lắm, đa phần còn dùng trong phố người Hoa hoặc Việt kiều về ăn Tết. Tiền được trao thẳng cho con cháu, và con cháu cũng thích hơn khi biết ngay được lì xì bao nhiêu. Ðổi tiền mới cũng không còn cần lắm vì tiền giấy polymer bây giờ đẹp hơn, bền màu hơn và tuổi trẻ ngày nay cũng “easy” hơn đối với tiền lì xì: tiền mới tiền cũ gì cũng “thank you”; và phần nào thực tế thực dụng hơn: tiền cũ mà mệnh giá lớn vẫn “happy” hơn tiền mới mà mệnh giá nhỏ!

Tết nay, những ngày giáp Tết và sau Tết kẹt xe quá, vì Sài Gòn bây giờ quá đông: dân cư ngày thường đã là 12, 13 triệu người trong khi diện tích ở của thành phố vẫn y như xưa, có phần nào nhỏ hơn vì cơ quan, trụ sở, ủy ban, đoàn thể, cao ốc văn phòng quá nhiều. Ðất lành chim đậu nên dân tứ xứ đổ về đây để mưu sinh – chạy xe ôm ở Saigon vẫn khỏe hơn trồng lúa, làm rẩy, chăn nuôi ở miền quê nghèo; có bằng cấp thì ở Sài Gòn dễ kiếm việc hơn, thu nhập cao hơn; có tài năng thì lương cao và dễ thăng tiến; chưa kể có nhiều cơ hội “đổi đời”. Hối hả, quần quật từ sáng tới tối để mưu sinh, ăn uống cơm đường cháo chợ, tối về trong căn phòng trọ vài mét vuông – cuộc sống Saigon ngày thường là như vậy – ngày nào, giờ nào, con đường nào cũng đông nghẹt xe cộ.

Dạo Xuân. nguồn internet

Nhưng Tết phải về quê – để thăm vợ con, thăm cha mẹ, ông bà, anh chị em, cô bác họ hàng; để gởi vợ con, cha mẹ quà Tết và tiền dành dụm được qua 1 năm làm lụng đổ mồ hôi sôi mưa nắng; để thanh minh tảo mộ, để sửa sang nhà cửa, chăm lại mảnh vườn rẻo rẫy, buộc lại hàng rào xiêu vẹo do bão năm qua, bồi lại ao cá, líp dừa, …; bao việc phải làm kết hợp khi về quê “ăn” Tết.

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Với hơn 10 triệu người từ Saigon về quê ăn Tết, việc giao thông đi lại ở Saigon quá “sướng” trong những ngày Tết  – chạy xe “tà tà” trên khắp nẻo đường, khái niệm “kẹt xe” biến đi đâu mất – y như thời Saigon chỉ có 2 triệu người trước kia. Nhưng với từng ấy người về quê ăn Tết và trở lại thành phố làm việc sau Tết, tình hình trở nên bi đát ở cửa ngõ thành phố những ngày giáp Tết và nhất là ngay sau Tết: kẹt xe kinh hoàng ở cửa ngõ phía Ðông (Long Thành – Thủ Ðức, xa lộ Hà Nội) và phía Tây (Long An – Bình Chánh) – 8 tiếng đồng hồ phơi nắng cho 20 km đường từ Bến Lức đến Bình Chánh. Thương cho người lao động xa xứ không nề nhọc nhằn để giữ vẹn tình quê, duy trì hồn Tết. Mến cho đất Saigon bao dung tải nạp cho bao người tha hương cầu… một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tết nay rượu bia quá nhiều. Có lẽ các loại rượu bia là mặt hàng có doanh số cao nhất trong dịp Tết. Nhà nhà rượu bia, người người rượu bia, cơ quan đoàn thể rượu bia; đủ thứ “nhân dịp” để nhậu: tổng kết, thưởng Tết, tất niên, tân niên, trực Tết, “mai về quê”, “mốt lên thành phố”, … ; không nhậu ở nhà thì ra quán với vô số lý lẽ: “Tết mà”, “ năm mới vui chút đỉnh”, “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, “lâu lâu mới gặp”…,  mặc dù gặp nhau cả chục lần trong năm…

Tết xưa sâu lắng, đậm đà và gây nhớ – nhất là với những ngưới Việt xa quê.

Tết nay rôm rả, nồng nhiệt, trẻ hơn, tươi hơn.

Tết xưa hay Tết nay đều có sắc thái riêng, nét riêng – đẹp, dễ thương, dễ chấp nhận.

Tết xưa, Tết nay hay Tết sau này vẫn luôn là cốt, là hồn, là nhạc, là thơ không thể thiếu của tình đất nước, tình quê hương, tình gia đình, tình làng nghĩa xóm. Nó nhắc nhớ mọi người rằng mình là con dân Việt. Thế cho nên Tết mãi mãi đằm thắm, ngọt ngào, là niềm tin an lành cho mọi nơi, mọi nhà, mọi người. Và hơn hết, Tết luôn là nguồn nuôi dưỡng cho tình thân ái – lên nụ hồng.

TD

Saigon – tháng 1, 2020