Tôi chỉ là thường trú nhân ở Mỹ, không có quyền bầu cử, cũng không am hiểu tường tận nền chính trị Mỹ để có thể bàn luận chuyện chính trường. Bài viết này chỉ ghi lại trung thực ý kiến của những người tôi quen biết giải thích tại sao họ chọn ông Biden, hoặc ông Trump.
Nhiều cử tri giơ ngón tay và biển hiệu đòi “4 năm nữa” cho Tổng thống Trump.
Nơi tôi sống là một thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang Ohio, vốn được xem là một trong các tiểu bang chiến địa quyết định thắng thua trong cuộc đua tổng thống. Trước bầu cử, người Mỹ thường cắm bảng hiệu đề tên ứng viên mình ủng hộ trước cửa nhà. Những con đường sạch sẽ, đẹp đẽ nhất của trị trấn rợp màu xanh dương với tên Biden nắn nót màu trắng.
Ngày nào cũng dạo bộ hay lái xe quanh quanh, tôi chỉ thấy mỗi hai tấm bảng không xanh dương. Một dành cho ca sĩ Kanye West, một dành cho đương kim Tổng thống Trump. Ai đi qua cũng quay đầu nhìn lại hai tấm bảng này, như thể quái vật. Không dừng lại ở ngoái nhìn, tôi bí mật điều tra chủ nhân của chúng. Bên trong ngôi nhà khắc tên Kanye là cặp vợ chồng trẻ da màu, anh chồng đang theo học chương trình tiến sĩ hóa học tại Ðại học Ohio. Và người dũng cảm chôn cọc tấm biển ủng hộ ông Trump giữa bạt ngàn biển xanh ủng hộ ông Biden là quản lý nhóm của một công ty bảo hiểm, có vợ dạy mẫu giáo.
Kết quả bầu cử, tiểu bang Ohio phủ màu đỏ rực, ông Trump thắng, như dự đoán. 82 hạt màu đỏ và 6 hạt màu xanh, trong đó có 4 thành phố lớn và thị trấn nhỏ Athens nơi có Ohio University, một đại học lớn. Ðại học mà tôi không thấy bất kỳ giáo sư hay nghiên cứu sinh nào biểu hiện ra bên ngoài rằng mình ủng hộ ông Trump, giống hầu hết đại học trên nước Mỹ.
Vài tháng qua, thỉnh thoảng có những chiếc xe bán tải cắm cờ Mỹ, hình ông Trump và khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” chạy rồng rộc vào phố chính, nơi ở của các giáo sư – lãnh địa màu xanh. Họ mở nhạc lớn, chạy đi chạy lại, hô khẩu hiệu sang sảng. Hàng xóm nhà tôi sợ sệt đóng chặt cổng, ghé mắt nhìn ra qua khe cửa sổ. Tôi không mấy sợ, tôi mở cửa chính, xem họ, như xem ban nhạc trình diễn. Một lần đang dạo bộ, tôi gặp đoàn xe đi qua. Người đàn ông mặc bộ áo liền quần dính nhiều vết sơn thò đầu qua cửa kính, ngó thẳng vào khuôn mặt đang mang khẩu trang của tôi, nói như hét: “Tổng thống Trump 2020- 2024”. Tôi giật mình, ngơ ngác, rồi sợ hãi chạy vội về nhà. Vừa chạy tôi vừa nhớ đến những người nông dân, công nhân ở ngôi làng của mình. Tôi nghĩ mình hiểu họ, những con người muốn mở cổng làng bước ra thế giới, cần một chiếc xe tải to và nhanh, không để ý tới bụi khói ngút trời đầu độc ruộng ngô ruộng lúa đàn bê đàn ngựa những nơi nó đi qua…
Nông dân. Sáng thứ Bảy tôi ra chợ nông dân, nơi người từ các trang trại chở nông sản đến bày bán. Thấy tên ông Trump cắm trên thùng xe, cạnh cà rốt bắp cải cà chua. Lão nông vạm vỡ khéo léo bỏ nấm vào túi cho tôi. Tổng thống Trump giúp kinh tế phát triển, con trai tôi làm ăn phát đạt. Anh thanh niên ở hàng bên cạnh nói vọng sang: “Ông ấy nói là làm, không hứa suông như ai”. Tôi trả tiền, quay ra, thấy vài giáo sư quen biết đứng xếp hàng sau mình đã bỏ đi.
Nhiều người giàu tôi biết đã tính bỏ nước ra đi khi ông Trump thắng cử bốn năm trước. Nhưng rồi không ai trong số họ ra đi. Một nhà đầu tư có tiếng ở bờ Tây, người từng góp rất nhiều tiền cho chiến dịch tranh cử của ông Obama, bốn năm trước chỉ kể những câu chuyện hài hước liên quan đến ông Trump, gần đây hay xen vào những cái cau mày suy tư cùng lời nói bỏ ngỏ. Trên chiếc bàn sang trọng trong ngôi nhà rộng lớn của ông, bức tranh biếm họa Tổng thống Trump đeo khẩu trang che kín mắt trương ra như một tấm áp phích. Nhưng ông cho biết, đã nghĩ đến chuyện trao đổi với bác sĩ riêng để mua trữ thuốc sốt rét hydroxychloroquine, vào thời điểm tháng Tư. Trả lời câu hỏi có góp tiền cho chiến dịch tranh cử của ông Biden không, nhà đầu tư thường được ca ngợi là siêu thông minh quả quyết lắc đầu. Trả lời câu hỏi bỏ phiếu cho ai, ông không ngần ngại nói ngay: Biden. Ông nói: thu nhập của tôi thậm chí khá hơn trước đây- thời Obama, nhưng nước Mỹ cần một tổng thống chứ không phải một chú hề thỉnh thoảng đóng vai tổng thống.
Chú hề. Hàng xóm đối diện nhà tôi trang trí lễ hội ma quỷ Halloween bằng hình nộm tổng thống đương nhiệm. Cuối Thu, gió nhiều, đầu ông Trump giật lên giật xuống trước hiên nhà, mái tóc vàng vàng hơn cả lá sồi. Trẻ con đi qua chỉ trỏ cười ngặt nghẽo. Một đứa khẳng định ghét ông Trump vì bố mẹ nói ông ta là người xấu. Ðứa kia nhẹ nhàng hơn, cháu thấy tóc của ông ấy trông rất buồn cười. Hai đứa con tôi gợi ý có lẽ nhà chúng ta cũng nên trang trí vài hình nộm. Tôi đi tìm mua. Ở cửa hàng bán đồ hóa trang, người ta không chỉ bán đầu ông Trump tóc vàng, người ta bán cả đầu ông Biden tóc trắng, đầu ngài Putin tóc ít, đầu chủ tịch Tập tóc đen. Chúng được treo lẫn lộn giữa đầu thiên thần và đầu quái thú.
Hình nộm. Một nhà văn gốc Việt ở California ví ông Biden như hình nộm mà đảng Dân chủ vụng về dựng nên, với sự giúp sức của COVID- 19, sự phù phép của người da màu đoản mệnh George Floyd nhằm lật đổ tổng thống đương nhiệm- một chiến binh hùng mạnh. Lẽ tất nhiên, nhà văn chọn chiến binh. Một người Việt khác kể rằng vài ngày trước bầu cử, bà mẹ 94 tuổi ở Chợ Lớn liên tục gọi sang, ra lệnh cho anh phải bầu ông Trump làm tổng thống. Lý do bà đưa ra: tổng thống đương nhiệm làm bà liên tưởng đến anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ của Việt Nam xa xưa đã dũng mãnh ào ào đánh đuổi quân Thanh. Còn người bạn khác ở Berkeley thì tâm sự: đời chị chưa ghét ai như ghét ông Trump.
Ghét. Mẹ chồng tôi, người rất mê cựu Tổng thống Obama nói bà không ghét, chỉ vô cùng khó hiểu tại sao dân Mỹ có thể bầu lên và tin tưởng một tổng thống như ông Trump. Tôi hỏi vậy bà có tin ông Biden sẽ là tổng thống tốt không? Bất kỳ ai, miễn không phải Trump! Bà trả lời chắc chắn, câu trả lời giống khẩu hiệu, thành khẩu hiệu của giới trí thức Mỹ những ngày này.
Trí thức. Mẹ chồng tôi không thể tưởng tượng nổi ba người bạn thân của con trai mình mới vừa bỏ phiếu bầu ông Trump. Ba chàng trai hiền lành, giỏi giang từ Ðại học Brown, nơi được xem là thành trì vững chắc của đảng Dân chủ bao đời nay. Anh thứ nhất là doanh nhân thành đạt ở Boston, người đàn ông dễ thương tới mức tôi cho là hoàn hảo, bỏ phiếu cho Trump vì muốn ủng hộ dân lao động nghèo. Anh nói ý nguyện của những người nghèo đó cũng đáng được nghe, được tôn trọng như ý nguyện của chúng ta. Anh thứ hai là bác sĩ vốn theo đảng Cộng hòa từ lâu, ví von: “Ðừng khinh thường ông Trump, ông ấy là chỉ khâu hiệu quả nhất cho vết rách của nước Mỹ hiện thời”. Và cuối cùng, một nhà ngoại giao, người bốn năm trước đã bỏ phiếu cho bà Hillary và kịch liệt phản đối ông Trump, giờ thay đổi quan điểm. Anh nói rất khó chịu với những chiêu bài gần đây của đảng Dân chủ.
Những người bạn thân khác của nhà ngoại giao cũng không hoàn toàn đồng tình với các quyết sách của phe Dân chủ, nhưng họ đã bỏ phiếu cho ông Biden không chút ngại ngần. Họ đều nói rằng nền tảng giáo dục mình được tiếp nhận, các quy tắc đạo đức – xã hội mình tôn trọng không cho phép họ ủng hộ ông Trump. Họ cũng đồng thanh hát lên ước mơ: muốn nước Mỹ yên bình trở lại.
Yên bình. Ða số dân Mỹ lo lắng bạo loạn sẽ nổ ra khắp nơi sau bầu cử, dù đảng nào thắng trong cuộc đua. Nhưng gần hai tuần đã trôi qua sau ngày mồng Ba tháng Mười một, nước Mỹ dường như vẫn yên bình. Sự yên bình thông thường của nước Mỹ, có súng để trong ngăn kéo đầu giường, bên ngoài mùa Thu vàng óng, những chú chó tinh nghịch nhảy trên đồng cỏ bên bầy trẻ thơ dễ thương cạnh dòng sông hiền hòa. Sự yên bình sâu thẳm bên trong bề mặt dậy sóng, hay nước sơn yên bình quét lên căn nhà âm ỉ mối mọt, tất cả tùy thuộc vào con người.
Chẳng biết từ bao giờ, việc đứng về phía đương kim tổng thống sẽ có nguy cơ biến họ thành người xấu trong mắt bạn bè, đồng nghiệp trí thức. Nên ai trót thích Tổng thống Trump đành im lặng, đến ngày thì lẳng lặng ghi tên ông vào lá phiếu. Một giáo sư sử học kể rằng, để tránh con cái không nghe thấy, anh ta phải thì thầm vào tai vợ mình bỏ phiếu cho ai, như thể đã làm một việc tày đình.
ĐHD
OHIO 22-11-2020