Ngày trước, vào mỗi tối thứ Tư trong tuần, đài truyền hình số 9 thường dành chương trình phát hình cho những vở tuồng cải lương hồ quảng. Nội dung tuồng tích thường được trích ra từ những pho truyện vua chúa xa xưa, nhưng cũng muốn nhắn lại cho đời sau những tấm gương trung hiếu, tiết nghĩa. Sau giờ học ở trường và cơm nước buổi chiều, thằng Tám cố gắng chuẩn bị bài vở cho ngày hôm sau thật mau để buổi tối còn có thời gian coi hát. Đêm đó, đài số 9 phát hình vở tuồng “Xử án Bàng Quý Phi”.

Nghệ sĩ Bạch Lê trong vai Bàng Quý Phi
Tám mê mệt cô đào đóng vai Bàng Phi với đôi mắt sáng long lanh, trâm cài lược giắt, xiêm y rực rỡ. Từng nét diễn, từng bước chân nhịp nhàng theo khung nhạc réo rắt đến mê hồn. Đến đoạn vua Tống Nhơn Tôn đau lòng trói người thương giao nạp theo lệnh vương triều, nhà vua xót dạ mà Tám cũng tê tái cõi lòng. Nhà vua hết trói đến gỡ, rồi lại buộc hai ba phen như vậy mới nói được lời chia tay .. “thôi hết tơ, hết duyên, hết nợ, hết tình nồng nàn” … Nhà vua gục đầu nức nở, bà Bàng Phi bị sai nha giải đi trong hai hàng nước mắt. Nhạc nền trổi lên những cung bậc u buồn như thiên cổ.
Buổi phát hình bị tạm ngưng nhiều lần vì phải nhường giờ ưu tiên cho những chương trình tin tức, phóng sự, bình luận. Cái cảm xúc bị đứt quãng lưng chừng khiến cho Tám chìm sâu vào giấc ngủ muộn. Khi chợt thức giấc giữa những âm thanh lao xao, Tám còn kịp thấy bà Phi quỳ dưới sân chầu, xiêm y đã đổi khác và lược trâm đã gửi lại cung vàng từ hôm bị bắt đi. Lần nữa, nước mắt của cô đào sắm vai Bàng Phi làm thằng bé 8 tuổi thoát khỏi cơn mê ngủ và thưởng thức cho đến vãn tuồng.
Thời gian thoáng qua, những buổi phát hình cải lương hồ quảng vắng bóng bà Bàng Phi yêu dấu của Tám. Theo lời kể của chị Năm ngoài sạp báo, vì hoàn cảnh gia đình và cũng muốn thử sức ở một lãnh vực khác, cô đào Bàng Quý Phi đã cộng tác với một gánh hát cải lương và thường xuyên đi lưu diễn ở những miền tỉnh lẻ xa xôi, xa luôn cái Sài-Gòn ngựa xe nhộn nhịp. Một dịp hiếm hoi, Tám may mắn được thấy lại cô đào Bàng Phi duyên dáng góp mặt với một vai tuồng nho nhỏ trong chương trình giỗ tổ nghệ sĩ. Ở lãnh vực ca kịch xã hội, Bàng Quý Phi của Tám cũng sáng rực trên sân khấu, không hề “thua chị, kém em” và mang được lên sân khấu cái nét diễn xuất “thật và đẹp” lung linh muôn thuở.

Nghệ sĩ Bạch Lê
Chiến cuộc chao đảo, Tám xa nhà và cô đào Bàng Phi cũng ngậm ngùi rời xa sân khấu. Ở một nơi lạ xa cách quê nhà gần nửa vòng quay trái đất, trong một xuất hát gây quỹ xây chùa, Tám bồi hồi thấy lại cái dung nhan ngày ấy, vẫn với vẻ đẹp dịu dàng, vẫn là những nét diễn tuyệt vời, lối ca ngâm xuất sắc của ngày xưa. Vai tuồng hôm đó và vai diễn Bàng Quý Phi năm xưa như chưa hề nhạt phai trong lòng của Tám. Bàng Quý Phi đã vượt biển thành công và được định cư ở một xứ sở tự do. Bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào của thời thơ ấu bỗng chốc sống lại hết sức mãnh liệt trong tâm trí. Đứng cách xa Bàng Phi chỉ có mấy thước mà e ngại không dám đến gần, Tám chôn chân một chỗ và âm thầm ngắm nghía thần tượng một thuở trong xiêm y bà hoàng phi đang được sủng ái. Vai tuồng Bàng Phi và nhiều vai tuồng khác nữa vẫn là những hồi ức tuổi thơ đẹp đẽ, ấm áp mà Tám không thể nào quên được.
Đêm hát phát xuất từ lòng nhân ái khép lại cũng như những chương trình phát hình trên ti-vi ngày đó đã theo thời gian trở thành dĩ vãng xa xôi. Mấy chục năm vật đổi sao dời, tóc xanh đã phai màu theo năm tháng mà cái cảm giác nao nao khi nhớ đến vai tuồng Bàng Quý Phi chưa hề nhạt nhòa trong trí nhớ. Cái niềm đam mê sân khấu trải qua nửa thế kỷ và nỗi niềm nhớ thương quê nhà cứ chập chờn trong suy nghĩ lúc ban ngày cũng như thoáng trong những giấc mơ khi màn đêm chập chùng buông xuống. Tám còn nhớ thương nhiều lắm, Bàng Quý Phi đã xa biệt Tống Nhơn Tôn thật rồi !
TV