Nhạc sĩ Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, sanh năm 1939 ở Campuchia, nhưng trong giấy khai sanh ghi là 1940 ở An-Hữu, Cái-Bè, tỉnh Mỹ-Tho. Anh Việt Thu nổi tiếng với những ca khúc êm ái, nhẹ nhàng viết về quê hương và tình yêu. Nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác, dạy nhạc, thực hiện băng nhạc, cộng tác với phòng văn nghệ thuộc Tổng cục CTCT (Chiến tranh Chính trị), đài truyền hình, đài phát thanh Sài-Gòn, đài phát thanh Quân đội Việt-Nam Cộng Hòa. Anh Việt Thu qua đời ngày 15.03.1975 vì một căn bịnh hiểm nghèo.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu. nguồn: nhạc vàng 

Tháng 3, năm 1975, buổi trưa ở Tăng Nghi Quán nóng đến ngộp thở. Hai má con tôi ngồi bên quan tài người cậu lung linh hai hàng nến trắng. Không có ai viếng thăm người đã khuất vào giữa trưa oi nồng nên không khí yên ắng đến lạ thường. Bà thím ngồi cạnh chiếc quan tài nhà bên cạnh đưa cho tôi tờ nhật báo Trắng Đen đọc cho đỡ buồn. Lật đến trang văn nghệ, cái tin nhạc sĩ Anh Việt Thu qua đời khiến lòng tôi chùng lại. Ông là một nhạc sĩ tên tuổi với rất nhiều bài hát nổi tiếng.

Những cung bậc nhẹ nhàng, du dương của “Dòng An-Giang” đã làm tôi say lòng từ những năm còn ở bậc tiểu học. Các trường tiểu học, trung học thường chọn nhạc phẩm này để học trò ca xang, múa hát vào dịp Tết Nguyên Đán, ngày bãi trường hay lễ lạt …

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Dòng An-Giang sông sâu sóng biếc

Dòng An-Giang cây xanh lá thắm

Lả lướt về qua Thất-Sơn

Châu-Đốc giòng sông uốn quanh

Soi bóng Tiền-Giang, Cửu-Long

(“Dòng An-Giang”, 1957)

Anh Việt Thu và thi sĩ Thiên Hà.

Dòng nhạc đó được viết lên từ một tâm hồn rất trẻ nhưng mang nặng tình yêu thương quê hương, dân tộc. Nếu tính đến ngày đất nước rơi vào tay giặc, nhạc sĩ Anh Việt Thu là thế hệ nhạc sĩ sau cùng được sanh ra và lớn lên tại miền Nam Việt-Nam. 17 tuổi với ca khúc đầu tiên được công chúng đón nhận đã mở ra cho ông một vòm trời âm nhạc bao la, tốt nghiệp ưu hạng khóa đầu tiên ở trường Quốc Gia Âm Nhạc tại Sài-Gòn và đệ trình luận án âm nhạc học tại Nhật-Bản khi tuổi đời vừa 24. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông đã hăng hái hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc như sáng tác, dạy nhạc, tham gia vào các đoàn du ca, thành lập nhà xuất bản và thực hiện băng dĩa nhạc. Hơn 200 ca khúc được viết về tình yêu đôi lứa, tình quê hương và trách nhiệm người trai lớn lên giữa thời ly loạn. Trong thời gian cộng tác với phòng văn nghệ thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị, ông đã sáng tác những bản hùng ca phục vụ quân đội VNCH như “Trên đầu súng”, “Vuốt mặt”, “Tiếp nối”, “Đường chúng ta đi” v.v.

Xem thêm:   Nỗi buồn tháng Tư

Nếu “Trên đầu súng” là bước chân hiên ngang trực diện với quân thù thì “Vuốt mặt” là lời điếu văn ai oán, tri ân những chiến sĩ đã hy sinh vì chính nghĩa tự do:

Tổ quốc vấn khăn tang, mây che phủ đầu

Xin cúi mặt, một phút cho anh

Xin cúi mặt, một phút cho em

(“Vuốt mặt”, 1972)

Với tánh tình phóng khoáng và nghệ sĩ, ông đã trải qua những tháng ngày cơ cực, thiếu thốn, “vất vưởng cù bất, cù bơ” và cũng sống hết lòng với bè bạn cùng trách nhiệm với đàn em thơ dại. Cái tên Anh Việt Thu là bút hiệu, nghĩa là anh của người em trai tên Việt Thu, và cũng để nhắc nhở mình không quên bổn phận lo lắng cho tương lai người em út.

Nhạc của ông thường được viết theo thể điệu Boléro, Ballade hay Habanera thật nhẹ nhàng và lời ca bình dị, rất dễ đi vào lòng khán thính giả khắp nơi trên 4 vùng chiến thuật. Đọc lại từng lời nhạc, nghe lại từng nhạc phẩm, tâm tình của ông cũng là nỗi lòng của hơn 20 triệu đồng bào miền Nam trước cảnh chinh chiến điêu linh:

Đêm hạ vàng long lanh, vòng tay nửa gối

Nghe nắng dậy xôn xao, chinh chiến quê hương bạn bè

Anh sẽ quay về nghe gió vờn quanh mây trắng

Anh sẽ không về chim cũng bỏ đường bay

(“Lời ru tiếng nhớ”, 1968)

Đám cưới nhạc sĩ Anh Việt Thu

20 năm nội chiến, máu lệ chất thành sông, bầu trời quê hương đã xám ngắt một màu tang thương, khói lửa đạn bom cũng khuất lấp chân trời yêu thương ngày cũ. Người dân cùng khổ, lớp trai tráng tâm nguyện một lòng dấn thân ngoài chiến tuyến và ước mong cho non nước sớm được thanh bình:

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Một đàn, đàn chim nhỏ

Bay khắp trời Việt-Nam mến yêu

Ôi tiếng chim muông gọi đàn

Mẹ Việt-Nam ơi

Con xin dâng hiến trọn cả đời

(Tám điệp khúc”, 1965)

Hơn 1 tháng trước ngày mất nước, vì căn bệnh hiểm nghèo, ông đã bỏ lại tất cả và đi về một cõi thật xa. Nền âm nhạc nước nhà mất đi một tài năng thiên phú. Nhưng cũng may mắn cho ông, sự ra đi này đã giúp ông thoát được những năm tháng đọa đày, tù ngục trên chính quê hương của mình sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Dòng An-Giang ngọt nước phù sa muôn đời vẫn buồn hiu hắt vì những mùa Xuân thái hòa sẽ không bao giờ trở lại, dù chinh chiến đã qua đi gần nửa thế kỷ.

TV